Khi nào người dân thủ đô hết 'khát' nước sạch | Hà Nội tin mỗi chiều

Những ngày qua, nguồn nước sinh hoạt của gần 30.000 dân ở khu đô thị Thanh Hà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai đang bị ô nhiễm. Trong đó, đáng báo động là nhiều chỉ số có hại vượt gấp nhiều lần tiêu chuẩn của Bộ Y tế, gây lo ngại cho sức khỏe của người dân.

Bạn thân mến! Nguồn nước sinh hoạt của gần 30.000 dân ở khu đô thị Thanh Hà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai đang bị ô nhiễm. Trong đó, đáng báo động có nhiều chỉ số có hại vượt gấp nhiều lần tiêu chuẩn của Bộ Y tế, gây lo ngại cho sức khỏe của người dân. Đó là thông tin khiến nhiều người dân Thủ đô đặc biệt quan tâm trong những ngày gần đây.

Một cháu bé mới 9 tháng tuổi ở tòa nhà HH03E tuần trước bị nổi mẩn ngứa khắp người. Nghi do nguồn nước, gia đình ngừng sử dụng và đi mua nước đóng chai Lavie tắm cho cháu thì các nốt mẩn ngứa mới bắt đầu đỡ, nhưng đến nay, da vẫn còn những vết dị ứng mờ. Gia đình cho biết khi mở vòi ra, nước vẫn trong, nhưng bốc mùi nồng nặc rất khó chịu. Khi dùng xong, thấy nước dấp dính trên da, như có lẫn dầu mỡ. Cháu bé tắm xong da nổi dị ứng và ngoáy mũi, hắt hơi liên tục, biểu hiện như cảm cúm.

Không chỉ cháu bé này, hàng loạt cư dân tại đây thông tin về việc có nhiều em bé bị tức ngực khó thở, có những em phải nghỉ học. Người già cũng vậy, có người còn bị ngất trong nhà tắm. Thanh niên khỏe hơn, vậy mà có người đang dùng nước cũng bị ho sặc sụa, mắt mũi cay xè.

Vì lo lắng cho sức khỏe nên nhiều người dân ở đây đã tự lấy mẫu nước mang đi xét nghiệm. Theo kết quả của Viện công nghệ môi trường, 3 mẫu nước của tòa HH03E và HH03F được lấy vào ngày 5/10 thì cả 3 mẫu đều có nồng độ Amoni cao gấp 5-6 lần tiêu chuẩn của Bộ y tế. Chỉ số Nitrat và Coliform cũng cao. Thậm chí, theo kết quả mẫu nước từ tòa nhà HH03D thì chỉ số Amoni còn vượt 38 lần, hàm lượng Clo dư vượt 30 lần tiêu chuẩn của Bộ y tế.

Ông Dương Đình Trình, phó giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà – đơn vị cung cấp nước cho khu đô thị này cho biết, ngày 26/9 nguồn cung cấp nước mặt cho công ty nước sạch Nam Hà Nội đột ngột dừng. Do đó, trạm cấp nước Thanh Hà phải tăng gấp đôi công suất tự khai thác lên 3000 m3/ngày đêm để cung cấp cho người dân. Ông Trình thừa nhận việc khai thác tăng sản lượng nước ngầm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp.

Chiều qua, Trung tâm y tế dự phòng Huyện Thanh Oai đã cử người trực tiếp xuống lấy mẫu nước tại 3 vị trí gồm trạm cấp nước Thanh Hà, bể ngầm chứa nước ở tầng hầm của khu đô thị và vòi của một số hộ dân.

Đồng thời, 9h sáng nay ngày 13/10, với sự tham gia của đại diện Sở y tế, Sở xây dựng Hà Nội cũng chủ trì cuộc họp làm việc với các công ty nước sạch và chủ đầu tư, ban quản lý, cư dân khu đô thị Thanh Hà để giải quyết vấn đề này.

Mặc dù cuộc họp diễn ra ra vào lúc 9h sáng nhưng đông đảo cư dân sống tại Khu đô thị Thanh Hà đã có mặt tại Khu liên cơ Sở Xây Dựng Hà Nội từ rất sớm. Buổi họp đi đến thống nhất về giải pháp trước mắt, phía Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông sẽ phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư nước mặt sông Đuống và Công ty Thanh Hà để điều tiết, bổ sung nguồn cấp ổn định cho khu đô thị Thanh Hà, với công suất tối đa khoảng 2.000 m3/ngày đêm. Ngoài ra, phía Công ty Thanh Hà có trách nhiệm phối hợp với Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (chủ đầu tư khu đô thị Thanh Hà) nâng cao chất lượng, hoàn thiện quy trình xử lý nguồn nước ngầm tại chỗ theo để đảm bảo quy chuẩn của Bộ Y tế. Từ đó, đảm bảo nguồn cung ổn định cho cư dân khu đô thị Thanh Hà. Thời hạn hoàn thành việc nâng cao chất lượng, quy trình xử lý là 3 tháng.

Đặc biệt, phía Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội, Sở Y tế sẽ thực hiện công tác kiểm tra nội kiểm, ngoại kiểm đột xuất đối với chất lượng nước tại khu đô thị Thanh Hà; công khai kết quả kiểm tra này với người dân. Hơn 30 nghìn cư dân hy vọng sau cuộc họp, người dân sẽ được sử dụng nước sạch lâu dài. Và đây là mong muốn rất chính đáng.

Vấn đề thiếu nước sạch ở Hà Nội vẫn thường diễn ra đặc biệt là vào mùa hè và mùa hanh khô, ở các quận, huyện Hà Đông, Thanh Xuân, Quốc Oai, Sóc Sơn... khiến hàng nghìn hộ dân không có nước sinh hoạt dài ngày. Một đồng nghiệp của tôi ở huyện Sóc Sơn cho biết, gia đình chị đã phải mở lại các giếng khoan cũ đã bỏ đi trước đây, rồi trang bị hệ thống lọc tạm để có nước sinh hoạt. Nhiều hộ không có giếng khoan thì đi xin các nhà khác hoặc phải mua nước từ xe téc với giá cao gấp nhiều lần.

Phần lớn người dân khi được hỏi về nước sạch sinh hoạt đều tỏ ý chưa hài lòng. Phí sử dụng nước sạch đóng đều đặn hàng tháng nhưng từng gia đình phải tự lo hệ thống bơm, lọc nguồn nước. Điều đó cho thấy mức độ hài lòng của người dân với chất lượng nước của nhà cung cấp dịch vụ. Và thực tế, đâu đó vẫn thấy phản ánh là nước sạch hứng trực tiếp từ vòi bị vẩn đục, chuyển mầu, có mùi lạ… Và bây giờ, vì sức khỏe, máy lọc nước trở thành nhu cầu thiết yếu của mỗi gia đình.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, đến 80% nguyên nhân nhiễm bệnh ở các nước đang phát triển liên quan đến nguồn nước. Nếu nguồn nước không đạt tiêu chuẩn về vi sinh có thể gây các bệnh như: Tiêu chảy, nhiễm trùng đường ruột… Còn nguồn nước có hàm lượng sắt, mangan cao sẽ gây các bệnh khó tiêu, giảm hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể. Đặc biệt, các kim loại nặng như: asen, thủy ngân, chì… có thể gây ung thư nếu sử dụng trong thời gian dài.

Khi phát hiện nguồn nước bị nhiễm bẩn, nhiễm độc hoặc không được kiểm nghiệm, các gia đình cần kiểm tra lại đường ống dẫn nước trong nhà và có sự điều chỉnh kịp thời để đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ cho sinh hoạt, tránh những hậu quả không mong muốn đối với sức khỏe

Mục tiêu đặt ra hướng tới năm 2025, Hà Nội không còn thiếu nước sạch là rõ ràng, các cơ quan chuyên môn cùng chính quyền Hà Nội đều có những động thái quyết liệt. Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai thời gian qua cho thấy vẫn còn nhiều bất cập. Và nếu những bất cập đó không được điều chỉnh kịp thời, rất khó có thể hoàn thành mục tiêu đề ra. Người dân Thủ đô vẫn từng ngày mong chờ dứt cơn khát nước sạch./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Đó là một đêm dài với thành phố Hà Nội. Rất nhiều lực lượng cứu hộ, cứu nạn và y tế đã được huy động để nỗ lực dập tắt vụ hoả hoạn xảy ra ở số 258 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm. Trước ngọn lửa dữ, đã có nhiều người không thể thoát thân. Một vụ cháy khiến nhiều người bàng hoàng, đau xót và cả phẫn nộ. Từ sáng sớm tới tận chiều muộn, ở đâu người ta cũng theo dõi tin tức về vụ việc này.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 không chỉ là sân chơi lớn cho các quốc gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực quốc phòng mà còn là cơ hội để Việt Nam ta thể hiện năng lực tổ chức và khẳng định vai trò, sức mạnh quân sự Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo Thông tư 47/2024 của Bộ Giao thông Vận tải (có hiệu lực từ 1/1/2025), quy định xe mô tô, xe gắn máy có tuổi đời từ 5 đến 12 năm phải kiểm định khí thải hai năm một lần, xe trên 12 năm tuổi phải kiểm định hàng năm.

Hơn một tháng nữa, Tết đến xuân về. Những trận mưa phùn cuối tuần trước cộng với tiết trời lạnh đặc trưng của mùa đông, mầm xanh trên cành đào bừng tỉnh, báo hiệu người dân đã sẵn sàng cho vụ Tết đang cận kề. Ở những làng hoa ven đô như Tây Tựu, Ngọc Hà từng tốp người chăng đèn sưởi ấm cho hoa để phục vụ nhu cầu chơi Tết của người Hà Nội.

Là một người yêu Hà Nội, hẳn chúng ta luôn thấy hạnh phúc vì những thứ mình đang có và cả những thứ Thành phố này đem lại cho mình. Ở Hà Nội, ta sẽ quen với cảm giác được thức giấc bởi tiếng loa phường thân thuộc chào ngày mới "Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội".

Những ngày vừa qua, dư luận không khỏi hoang mang khi đọc tin về vụ TikToker Phó Đức Nam (biệt danh Mr.Pips) và Lê Khắc Ngọ (biệt danh Mr Hunter) đã trở thành tác giả của một vụ lừa đảo "vô tiền khoáng hậu" tại Việt Nam và có lẽ cũng là hiếm có trên thế giới. Câu hỏi đặt ra liệu đâu đó còn những Mr.Pips tương tự như thế nữa không?