Khó khăn chờ đón Trump-Harris trong cuộc tranh luận trực tiếp

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút. Ngày mai (10/9), theo giờ địa phương, ứng cử viên đảng Cộng hòa - ông Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ - bà Kamala Harris sẽ có cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên, kể khi Tổng thống Joe Biden rời cuộc đua vào Nhà Trắng hồi cuối tháng 7.

Các quy tắc tranh luận giữa ông Trump và bà Harris

Cuộc tranh luận giữa cựu Tổng thống Donald Trump và Phó tổng thống Kamala Harris sẽ diễn ra tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania và do hai người dẫn chương trình của hãng tin ABC News là David Muir và Linsey Davis điều phối. Sự kiện sẽ áp dụng quy cách và quy định giống như cuộc tranh luận giữa ông Donald Trump cùng Tổng thống Joe Biden trên kênh CNN hồi tháng 6.

Theo ABC News, chương trình sẽ kéo dài 90 phút. Ông Trump và bà Harris sẽ có hai phút trả lời câu hỏi của người điều phối, hai phút phản biện và thêm một phút để làm rõ hoặc phản hồi lại. Ứng viên không được phép đặt câu hỏi cho nhau và không được tương tác với nhân viên chiến dịch của mình trong lúc nghỉ giải lao. Khán phòng tranh luận sẽ không có khán giả.

Điều đáng chú ý là micro của ứng viên chỉ được bật khi họ tới lượt phát biểu. Chiến dịch tranh cử của Phó tổng thống Kamala Harris nhiều lần bày tỏ mong muốn thay đổi quy tắc này, với hy vọng ông Trump bộc lộ những điểm yếu khi không bị kiềm chế. Trong một lá thư gửi cho đài truyền hình ABC News vào ngày 4/9, chiến dịch tranh cử của bà Harris đã phàn nàn quy tắc tắt tiếng micro sẽ khiến bà bị thiệt thòi.

Bà Kamala Harris thực sự muốn có một khoảnh khắc để có thể ngắt lời ông Donald Trump trong cuộc tranh luận. Khoảnh khắc ấy, bà ấy sẽ nói: “Tôi đang nói, đúng không?” Và sau đó bạn sẽ nhận ra bạn đã nghe điều đó trước đây, trong cuộc bầu cử năm 2020. Tôi cho là bà ấy thực sự muốn lặp lại một lần nữa".

Ông J.D Vance, Ứng cử viên Phó Tổng thống đảng Cộng hòa.

Đài truyền hình ABC News đã đảm bảo với chiến dịch tranh cử của bà Harris rằng, nếu có sự tranh cãi đáng kể giữa hai ứng viên, họ sẽ cân nhắc bật micro để công chúng có thể hiểu được những gì đang diễn ra. Trong quá trình đó, người điều phối sẽ tìm cách ngăn các ứng viên liên tục ngắt lời của đối phương và cũng sẽ cố gắng giải thích cho người xem về cuộc tranh luận.

Một số phóng viên sẽ được phép có mặt trong trường quay để trực tiếp đưa tin về cuộc tranh luận.

Cuộc tranh luận giữa cựu Tổng thống Donald Trump và Phó tổng thống Kamala Harris sẽ diễn ra tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania
Cuộc tranh luận giữa cựu Tổng thống Donald Trump và Phó tổng thống Kamala Harris sẽ diễn ra tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania.

Về phía cựu Tổng thống Donald Trump, khi được hỏi về cuộc tranh luận với bà Harris, ông cho biết sẽ không ngắt lời ứng viên đảng Dân chủ.

"Chúng tôi đã nhất trí các quy tắc tranh luận sẽ giống như lần trước. Theo đó, micro sẽ bị tắt tiếng. Nhưng họ đang cố gắng thay đổi quy tắc. Bà Kamala Harris không phải là người giỏi tranh luận. Có thể bà ấy không muốn tranh luận".

Ông Donald Trump, Ứng cử viên đảng Cộng hòa Mỹ.

Hai ứng viên đều đang cùng cố vấn chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này. Bà Harris diễn tập với một người đóng vai là ông Trump. Theo truyền thông Mỹ, ứng cử viên đảng Dân chủ cần tạo ra sự khác biệt, tránh đi vào vết xe đổ của Tổng thống Joe Biden và giữ bình tĩnh để không bị cuốn vào những công kích cá nhân từ cựu Tổng thống Donald Trump. Quá trình chuẩn bị tập trung vào nhiều chủ đề khác nhau và các buổi hỏi đáp. Bà Harris cùng đội ngũ còn được cho là sẽ tìm phương án chọc tức ông Trump để khiến đối thủ mất bình tĩnh. Họ muốn thể hiện bà Harris là một phụ nữ không sợ hãi, không khuất phục và sẽ đứng lên chống lại ông Trump.

Bà Harris cùng đội ngũ còn được cho là sẽ tìm phương án chọc tức ông Trump để khiến đối thủ mất bình tĩnh.
Bà Harris cùng đội ngũ còn được cho là sẽ tìm phương án chọc tức ông Trump để khiến đối thủ mất bình tĩnh.

Phó Tổng thống Kamala Harris hiện đã đến thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania để tham gia các sự kiện vận động trước khi đến Philadelphia tham dự cuộc tranh luận. Chiến thuật này tương tự khi cựu Tổng thống Barack Obama tái tranh cử năm 2012. Ông Obama lúc đó dành nhiều ngày tại bang chiến trường Nevada trước cuộc tranh luận đầu tiên với đối thủ đảng Cộng hòa Mitt Romney ở thành phố Denver, bang Colorado.

Về phía ứng cử viên đảng Cộng hòa - ông Donald Trump, hãng tin CNN dẫn nguồn tin thân cận cho biết cựu Tổng thống không diễn tập với người đóng vai bà Harris theo cách truyền thống. Trong một số cuộc họp, các trợ lý của ông Trump đóng vai trò người điều phối, nhưng chủ yếu là cung cấp thông tin, thỉnh thoảng mới đặt câu hỏi.

"Không chỉ trong cuộc tranh luận, cựu tổng thống Trump và tôi ra ngoài và nói chuyện hàng ngày, về những gì chúng tôi thấy ngoài kia, về những người mà chúng tôi sẽ gặp gỡ. Chúng tôi không cần đứng trước máy nhắc chữ và cố gắng nói chuyện với họ. Bạn biết đấy, chúng tôi không lên lịch một buổi chuẩn bị tranh luận chính thức nào vì ông Donald Trump không cần nó. Ông Trump thực sự biết ông ấy tin vào điều gì và ông ấy biết phải làm gì".

Ông J.D Vance, Ứng cử viên Phó Tổng thống đảng Cộng hòa.

Đội ngũ của cựu Tổng thống Trump kỳ vọng sẽ thu được kết quả như cuộc tranh luận hồi tháng 6. Tuy nhiên, một số cố vấn thừa nhận bà Harris là đối thủ tranh luận khó nhằn hơn Tổng thống Joe Biden. Họ cũng lo ngại về giọng điệu của ông Trump khi công kích bà Harris, bởi nó có thể tạo ra ấn tượng xấu khi nhằm vào một phụ nữ.

Thách thức và cơ hội cho hai ứng cử viên

Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình giữa ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris và ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump vào ngày 10/9 được truyền thông Mỹ đánh giá là cuộc đối đầu trực tiếp, ẩn chứa nhiều cơ hội và thách thức cho cả hai ứng viên.

Kể từ khi bà Kamala Harris trở thành ứng cử viên đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống năm 2024, cựu Tổng thống Donald Trump nhiều lần đặt câu hỏi về di sản của bà Harris, đồng thời công kích cá nhân bà trong các bài phát biểu và bài đăng trên mạng xã hội. Theo các nhà quan sát, nếu ông Trump lặp lại những cuộc tấn công đó tại cuộc tranh luận, ứng cử viên đảng Cộng hòa có thể làm mất lòng những cử tri chưa quyết định, đặc biệt là những người hoài nghi rằng ông thiếu sự bình tĩnh và điềm đạm cần có của một tổng thống.

Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình giữa bà Kamala Harris ông Donald Trump ẩn chứa nhiều cơ hội và thách thức cho cả hai ứng viên.
Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình giữa bà Kamala Harris ông Donald Trump ẩn chứa nhiều cơ hội và thách thức cho cả hai ứng viên.

Trong các cuộc tranh luận năm 2016 với cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, ông Trump thường xuyên nổi giận, ngắt lời người điều phối chương trình, chỉ trích và gọi trực tiếp tên bà Clinton. Ông Trump cũng đã thử chiến thuật tương tự với Tổng thống Joe Biden vào năm 2020, khiến ông Biden phải yêu cầu ông Trump im lặng.

Về phía ứng cử viên đảng Dân chủ, cho đến nay, bà Harris phần lớn đã bỏ qua các cuộc tấn công cá nhân của ông Trump. Do đó, dư luận và cử tri sẽ theo dõi cách bà Harris xử lý tình huống với ông Trump nếu ông tiếp tục đem cách tiếp cận “chỉ trích và ngắt lời” của mình lên sân khấu.

“Tôi nghĩ rằng đây sẽ là một thử thách đối với bà Kamala Harris - bà ấy sẽ xử lý những lời chỉ trích từ ông Donald Trump như thế nào? Cả hai ứng cử viên sẽ cố gắng tìm hiểu đối phương. Ông Trump có thể cố gắng khiến bà Kamala tức giận, để làm gián đoạn cảm xúc của bà ấy. Trong khi đó, bà Kamala Harris sẽ tìm cách để ông Trump là chính mình. Làm thế nào để bà Harris có thể lợi dụng điểm yếu của ông Trump để có được một trong những khoảnh khắc để đời, từ đó thuyết phục một bộ phận cử tri vẫn còn do dự".

Ông Charlie Sykes, Nhà phân tích chính trị.

Về phía đảng Dân chủ, cuộc tranh luận là cơ hội để ứng cử viên Kamala Harris thiết lập dấu ấn chính trị của riêng mình trước sự chứng kiến của hàng triệu người Mỹ. Nguyên nhân là do bà Harris không nổi tiếng và được nhiều người biết đến bằng các ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ trong những kỳ bầu cử gần đây. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng điều này có thể là một lợi thế lớn trong một cuộc bầu cử mà nhiều cử tri chia sẻ rằng họ đã quá mệt mỏi với trận tái đấu giữa ông Biden và ông Trump.

Bà Harris cũng sẽ có cơ hội để thể hiện các kỹ năng công tố.
Bà Harris cũng sẽ có cơ hội để thể hiện các kỹ năng công tố.

Ngoài ra, với kinh nghiệm từng làm Tổng chưởng lý bang California, bà Harris cũng sẽ có cơ hội để thể hiện các kỹ năng công tố. Bà có thể cố gắng buộc ông Trump phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình sau cuộc bầu cử năm 2020, bao gồm cả cáo buộc rằng ông đã kích động một đám đông những người biểu tình tấn công tòa nhà Quốc hội Mỹ vào ngày 6/1/2021, trong nỗ lực để đảo ngược kết quả bầu cử.

Đối với ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump, cuộc tranh luận sẽ mang đến cho ông cơ hội tốt nhất từ ​​trước đến nay để khẳng định rằng bà Harris chưa sẵn sàng điều hành đất nước và ông mới là lựa chọn phù hợp cho vị trí này. Ông Trump có thể sẽ công kích bà Harris về các chính sách an ninh biên giới của chính quyền Tổng thống Joe Biden, vốn đã không ngăn được số lượng kỷ lục người di cư vượt biên vào Mỹ, cũng như giá tiêu dùng tăng cao khiến nhiều hộ gia đình gặp áp lực tài chính.

"Bà Kamala Harris không nhắc đến vấn đề biên giới hay lạm phát. Bà ấy không nhắc đến bất cứ điều gì ngoài tên tôi hết lần này đến lần khác. Dưới thời bà Kamala Harris, thảm họa này nối tiếp thảm họa khác. Hãy nhìn vào biên giới. Bạn thực sự muốn chứng kiến ​​thảm họa sao?".

Ông Donald Trump, Ứng cử viên đảng Cộng hòa Mỹ.

Ngoài ra, ông Trump có thể gắn hình ảnh của bà Harris với tình cảnh hỗn loạn khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2021 và đặt ra câu hỏi về việc liệu một ứng cử viên có quyết định dựa vào “cảm xúc” có thích hợp để trở thành tổng tư lệnh Quân đội Mỹ hay không.

Để ứng phó với các lời công kích này, một số chuyên gia cho rằng bà Harris cần những câu trả lời mạnh mẽ, đánh vào các điểm yếu của ông Trump như vấn đề quyền phá thái của phụ nữ hay các vụ trọng án mà ứng cử viên đảng Cộng hòa đang vướng phải.

Một số chuyên gia cho rằng bà Harris cần những câu trả lời mạnh mẽ, đánh vào các điểm yếu của ông Trump

Các ứng cử viên nỗ lực thu hút cử tri

Trước thềm cuộc tranh luận, cựu Tổng thống Donald Trump đã công bố kế hoạch chính cắt giảm thuế doanh nghiệp từ 21% xuống 15% cho các công ty sản xuất tại Mỹ, trong khi bà Harris nỗ lực xây dựng hình ảnh bản thân như một lựa chọn mới cho cử tri và xóa tan mọi quan niệm rằng bà chỉ là “bản sao” của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden.

Trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York, cựu Tổng thống Trump cho biết, nếu tái đắc cử, ông sẽ thành lập một quỹ đầu tư quốc gia để thúc đẩy dự án cơ sở hạ tầng lớn như đường cao tốc và sân bay. Bên cạnh đó, ông Trump cũng cam kết giảm thuế doanh nghiệp, bỏ thuế thu nhập đánh vào tiền tip để lôi kéo sự ủng hộ của cử tri trong ngành dịch vụ.

Để tiếp cận cử tri trẻ tuổi, ông Trump thường xuyên tham gia các buổi livestram, phỏng vấn trên các nền tảng xã hội và các sự kiện thể thao và văn hóa dành cho giới trẻ. Theo cuộc thăm dò bầu cử mới nhất của SurveyUSA, đối với nhóm cử tri trong độ tuổi 18-34 tuổi, ông Trump dẫn trước bà Harris 4 điểm phần trăm.

Bà Harris cam kết sẽ nuôi dưỡng 25 triệu doanh nghiệp nhỏ mới trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình với khoản khấu trừ thuế 50.000 USD cho các công ty khởi nghiệp.
Bà Harris cam kết sẽ "nuôi dưỡng" 25 triệu doanh nghiệp nhỏ mới trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình với khoản khấu trừ thuế 50.000 USD cho các công ty khởi nghiệp.

Trong khi đó, ứng cử viên đảng Dân chủ - bà Harris công bố chính sách kinh tế Harrisomics, trong nỗ lực tách bản thân ra khỏi chính sách kinh tế của Tổng thống Biden và thể hiện mình là một ứng cử viên có những sửa đổi so với chính quyền đương nhiệm. Bà cam kết sẽ "nuôi dưỡng" 25 triệu doanh nghiệp nhỏ mới trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình với khoản khấu trừ thuế 50.000 USD cho các công ty khởi nghiệp. Bà kêu gọi mức thuế thu nhập từ đầu tư vốn thấp hơn đáng kể so với mức mà Tổng thống Biden đề xuất, để thúc đẩy đầu tư và đổi mới.

Theo kết quả của cuộc khảo sát do tờ New York Times và Siena College công bố hôm qua, ông Trump hơn bà Harris 1 điểm phần trăm. Tuy nhiên, với biên độ sai số 3%, điều này có nghĩa là bất cứ ứng cử viên nào cũng có thể giành chiến thắng và cách biệt mà ông Trump tạo được so với đối thủ là vô cùng mong manh. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, với sự cạnh tranh sít sao như hiện nay, chỉ cần một lợi thế nhỏ cũng có thể đem lại kết quả tốt cho cả ông Trump cũng như bà Harris.

Còn chưa đầy 60 ngày nữa là đến ngày bầu cử 5/11. Việc bỏ phiếu sớm sẽ diễn ra ở ít nhất bốn tiểu bang vào cuối tháng 9 này và hàng chục tiểu bang khác sẽ diễn ra vào giữa tháng 10. Do đó, cuộc tranh luận trên kênh ABC News có thể là cuộc đối đầu duy nhất giữa hai ứng cử viên tổng thống trong cuộc bầu cử năm nay. Người có màn thể hiện tốt hơn trong cuộc tranh luận sẽ nhận lợi thế lớn trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Theo các nhà phân tích, dù kết quả bầu cử thế nào, chính sách đối ngoại của chính phủ mới ở Mỹ sẽ có nhiều thay đổi, đặc biệt là cách tiếp cận để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận quân đội nước này không đủ nguồn lực đẩy lùi Nga khỏi Donbass và Crimea. Phát biểu của ông Zelensky được đưa ra vào thời điểm quân đội Ukraine đang bị Nga áp đảo về quân số trên khắp tiền tuyến dài gần 1.200 km.

Kiev đã phá vỡ “các quy tắc chiến tranh” khi nhắm vào một sĩ quan quân đội cấp cao ở Moscow, đặc phái viên về Ukraine và Nga của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, ông Keith Kellogg nhận định.

Hàng trăm người Syria đã trở về quê hương kể từ khi các cửa khẩu biên giới mở cửa trở lại vào đầu tháng này, gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong cộng đồng người dân Thổ Nhĩ Kỳ về những tác động kinh tế và xã hội của việc này.

Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố áp thuế 25% lên hàng hóa từ Mexico và Canada, nhằm kiểm soát ma túy và người di cư. Các doanh nghiệp Mexico cảnh báo rằng điều này không chỉ vi phạm thỏa thuận thương mại tự do mà còn đe dọa nghiêm trọng đến sức cạnh tranh và đầu tư song phương giữa hai nước.

Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov cáo buộc Mỹ đã châm ngòi cho các cuộc xung đột trên toàn thế giới và phá vỡ các hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng của chiến tranh lạnh.

Hôm nay 19/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chủ trì cuộc họp báo cuối năm. Công dân từ nhiều vùng khác nhau của Nga đã gửi câu hỏi và đề xuất của mình tới tổng thống.