Khởi công 1-2 dự án cải tạo chung cư cũ trong năm 2025 | Hà Nội tin mỗi chiều

Khởi công 1-2 dự án cải tạo chung cư cũ trong năm 2025; Hà Nội sẽ thay thế tuyến buýt BRT bằng đường sắt đô thị; Hà Nội sẽ tích hợp hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về ATTP... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Khởi công 1-2 dự án cải tạo chung cư cũ trong năm 2025 

Với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn, Hà Nội đặt ra mục tiêu khởi công xây dựng 1 đến 2 dự án cải tạo chung cư cũ trong năm 2025. Đây là chỉ đạo của Bí thư thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trong buổi đi kiểm tra tình hình triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội chiều ngày 16/4. Theo Bí thư thành ủy, việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là công việc khó khăn nhưng nếu cán bộ được giao nhiệm vụ tâm huyết, quyết tâm cao và có tình yêu đối với Hà NộI thì mọi khó khăn sẽ được hóa giải.

Hà Nội có khoảng 1.600 chung cư cũ. Từ năm 2005, Hà Nội bắt đầu cải tạo các khu chung cư cũ. Tuy nhiên, do một số điểm nghẽn và sự thay đổi chính sách nên đến nay mới có 19 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, chiếm 1,2% tổng số nhà ở chung cư cũ và 14 dự án đang triển khai. Giai đoạn năm 2021 - 2025, Hà Nội lên kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ. Tuy nhiên, đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội bị chậm tiến độ vì chưa có bất kỳ khu tập thể cũ nào được phê duyệt quy hoạch chi tiết.

Nhiều chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân. Ảnh: Baophapluat

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong, đến nay các quận đã di dời gần như toàn bộ các hộ dân ra khỏi 6 tòa chung cư nguy hiểm trên địa bàn. Tuy vậy, chưa đơn vị nào hoàn thành lập quy hoạch chung cư cũ. Ông Phong cho biết, quá trình cải tạo chung cư cũ trên địa bàn không đạt tiến độ đề ra do vướng mắc về quy hoạch. Cụ thể, nhiều vị trí nhà chung cư cũ quy hoạch xác định là khu cây xanh, công viên; chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc thấp 1 - 5 tầng; dân số hiện trạng cao hơn dân số quy hoạch.

Trước thực trạng này, ngay ngày hôm qua, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, cải tạo chung cư cũ là nhiệm vụ cấp thiết, một trong những nhiệm vụ đầu tiên để tái thiết đô thị, xây dựng Thủ đô ngày càng “văn hiến - văn minh - hiện đại”. Trước những việc khó khăn như vậy, nếu cán bộ được giao nhiệm vụ tâm huyết, quyết tâm cao và có tình yêu đối với Hà Nội thì chắc chắn sẽ tìm ra giải pháp vượt qua, ngược lại còn hời hợt, vô tâm, vô cảm với công việc thì 5-10 năm nữa vẫn sẽ không có kết quả.

UBND thành phố chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, phân công cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương, phân công cá nhân phụ trách, đề ra tiến độ từng ngày theo 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề án đã đề ra như: quy hoạch chi tiết, lựa chọn nhà đầu tư, họp bàn lấy ý kiến nhân dân, xác định hệ số k... Mục tiêu là cuối năm 2024, phải chọn được nhà đầu tư, để năm 2025 Hà Nội phải khởi công cải tạo, xây dựng lại 1-2 khu chung cư cũ. Bí thư Thành ủy đề nghị, mỗi cán bộ liên quan đến nhiệm vụ này cùng xác định đây là trách nhiệm với sự an toàn của người dân, để từ đó nỗ lực, tận tâm vì hiệu quả công việc, vì mục tiêu thành phố đã đề ra

Hà Nội sẽ thay thế tuyến buýt BRT bằng đường sắt đô thị 

Thành phố Hà Nội xem xét nghiên cứu thay thế tuyến xe buýt nhanh - BRT bằng đường sắt đô thị. Theo ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, do lưu lượng giao thông đông và làn đường ưu tiên đang khai thác không phù hợp nên xe buýt nhanh hoạt động không khác gì buýt thường, vào giờ cao điểm vẫn chạy chậm như các tuyến buýt thông thường. Từ thực tế này nên trong phương án điều chỉnh quy hoạch chung về phát triển giao thông sắp tới, thành phố có kế hoạch sẽ thay thế tuyến buýt BRT bằng tuyến đường sắt đô thị vừa được bổ sung chạy cùng hành trình Kim Mã - Yên Nghĩa.

Theo quy hoạch, giai đoạn từ 2011 đến 2030 thành phố xây dựng 8 tuyến nhanh - BRT nhưng hiện nay mới làm được một. Do mới có một tuyến và xây dựng làn đường ưu tiên trên cơ sở lấy 1/3 mặt cắt của trục xuyên tâm Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương có lưu lượng giao thông đông nên các đơn vị vận hành có cố gắng nhưng việc hoạt động, khai thác của tuyến đang có nhiều hạn chế.

Hà Nội sẽ thay tuyến buýt nhanh bằng đường sắt đô thị. Ảnh: Daidoanket

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An nêu vấn đề: liệu Hà Nội có thực hiện quy hoạch 8 tuyến BRT còn lại hay không, khi có nhiều ý kiến trái chiều?

Về câu hỏi này, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội đã nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải tích hợp trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của Quy hoạch chung thủ đô, đồng bộ với quy hoạch thủ đô.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông vào vận hành, khởi đầu cho kỷ nguyên mới của vận tải công cộng nhanh khối lớn, hiện đại, văn minh, thân thiện với môi trường.

Thành phố đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội, để đưa vào khai thác vận hành trước đoạn trên cao trong năm 2024; tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại. Trong đó, quy hoạch phát triển 14 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 550km. Hệ thống đường sắt đô thị này sẽ là xương sống của giao thông đô thị, thay thế tuyến BRT hiện hữu bằng tuyến đường sắt đô thị. Đồng thời chuyển đổi các phương tiện xanh, sạch; nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2025-2026 lên khoảng 30%.

Hệ thống tàu điện ngầm và những hạ tầng giao thông đồng bộ đã trở thành một phần không thể thiếu của những siêu đô thị trên thế giới. Với một quốc gia có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, đây cũng là khuynh hướng mà các thành phố lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh áp dụng phát triển theo chiều dọc để vẫn có thể đảm bảo sự thuận tiện về giao thông cho cư dân.

Theo các chuyên gia kinh tế, một khi thành phố có hệ thống đường sắt đô thị được đưa vào sử dụng, đồng nghĩa hệ thống không gian đô thị ngầm sẽ đi vào hoạt động, người dân sẽ có thêm không gian sinh hoạt và từ đó thay đổi thói quen tiêu dùng hàng ngày. Điều này sẽ đem đến cơ hội mới cho các hoạt động kinh doanh.

Hà Nội sẽ tích hợp hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về ATTP

Trước những cảnh báo về an toàn thực phẩm thì chắc hẳn mỗi khi mua sản phẩm thực phẩm, bạn đều phải đặt câu hỏi thực phẩm mình mua có nguồn gốc từ đâu? Có an toàn? Từ đó thực hiện các biện pháp truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, bất chấp những quan ngại, phòng ngừa, thực phẩm bẩn vẫn hiện hữu. Và để giải quyết tình trạng này, Hà Nội sẽ tích hợp hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm trên địa bàn bằng hệ thống phần mềm ứng dụng nền tảng công nghệ GIS.

GIS (Hệ thống thông tin địa lý) là một công nghệ trong việc áp dụng quản lý nguồn cung thực phẩm cũng như hệ thống chuỗi các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, cửa hàng tiện lợi… Trong đó, ứng dụng GIS được các đơn vị bán lẻ, cửa hàng thực phẩm sạch, chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi sử dụng như một công cụ để lập bản đồ các sản phẩm sản xuất, đơn vị chế biến, vị trí nhà cung cấp, địa điểm phân phối và định tuyến phương tiện giao thông,… Nhờ đó, những ràng buộc đối với chuỗi cung ứng phân tán theo địa lý có thể được thu thập và phân tích, phát triển các kế hoạch dự phòng tốt hơn, dự báo và cân đối cung cầu và quản lý rủi ro.

Bản đồ cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản của Hà Nội. Ảnh: Anninhthudo

Thực tế, từ năm 2018 để tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, UBND TP Hà Nội đã thông qua kế hoạch triển khai mô hình hệ thống cảnh báo nhanh về An toàn thực phẩm. Hệ thống được xây dựng liên ngành gồm Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các quận, huyện, xã, phường, thị trấn nhằm tiếp nhận, xử lý thông tin và đưa ra biện pháp quản lý, cảnh báo cho cộng đồng. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn hoàn toàn dựa vào cán bộ an toàn thực phẩm cơ sở. Trong khi đó, lực lượng này rất mỏng và yếu. Bên cạnh đó, do quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ nên việc quản lý, kiểm soát việc đảm bảo ATTP đang gặp không ít khó khăn, chẳng hạn như việc quản lý từng hộ sử dụng vật tư, sử dụng hóa chất cấm trong nông nghiệp.

Theo UBND thành phố Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ vào quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm được coi là giải pháp then chốt để đảm bảo ATTP và thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến nông lâm thủy sản nhằm tạo điều kiện thuận lợi để giảm tối đa thời gian và điều kiện thực hiện thủ tục hành chính từ đó tiết kiệm chi phí cho cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và các cơ quan thực thi nhiệm vụ./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bán hàng trực tuyến của những người nổi tiếng đã không còn quá xa lạ nhưng đây cũng là cách quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ hàng hoá qua kênh online của những người dân ở Bát Tràng. Từ vùng an toàn của những người nghệ nhân cần mẫn với văn hoá làng nghề, giờ đây họ đã tìm được làn gió mới, gia tăng thu nhập cho chính mình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Hà Nội vừa có đề xuất giá thuê nhà ở xã hội từ 48.000 đồng/m²/tháng và cao nhất 198.000 đồng/m²/tháng. Hiện đề xuất này đang trong thời gian lấy ý kiến rộng rãi.

Xe buýt có lẽ là phương tiện vận tải công cộng phổ biến không chỉ ở Hà Nội mà ở tất cả các tỉnh thành. 10 năm qua, một chiếc vé xe buýt ở Thủ đô chỉ với giá chưa tới 10.000 đồng. Nhưng kể từ 1/11 tới đây, Hà Nội sẽ tăng giá vé xe buýt, liệu có tác động gì đến người dân?

Nếu một ngày, tắc đường không còn nữa, thay vào đó là những dòng xe di chuyển êm đềm, nhịp nhàng, không có khói bụi ô nhiễm thì quả là “đáng mơ ước”.

Một hoa hậu đầy tai tiếng với scandal chưa đọc hết một cuốn sách lại sắp phát hành một cuốn tự truyện cuộc đời ở tuổi 28. Có điều gì đáng bàn ở câu chuyện này?

Những âm thanh tưởng chừng có trong một bộ phim hành động nhưng thực chất lại là âm thanh nẹt bô, rú ga của những cô, cậu học trò trên đường được ghi lại. Điều gì đang xảy ra thế này?