Không chấp nhận kháng cáo của 6 bị cáo vụ 'Chuyến bay giải cứu'

Sau 2 ngày xét xử phúc thẩm, sáng 27/12, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đưa ra phán quyết đối với 21 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”.

Đáng chú ý, Tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo và tuyên y án sơ thẩm đối với các bị cáo: Phạm Trung Kiên (cựu cán bộ Bộ Y tế) tù chung thân về tội "Nhận hối lộ"; Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) tù chung thân về tội "Nhận hối lộ"; Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) tù chung thân về tội "Nhận hối lộ"; Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) 9 năm tù về tội "Nhận hối lộ"; Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Thái Hòa) 18 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Đưa hối lộ"; Phạm Bích Hằng (Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Quốc tế) 20 tháng tù về tội "Đưa hối lộ".

Theo Tòa phúc thẩm, các bị cáo Phạm Trung Kiên, Nguyễn Thị Hương Lan, Vũ Anh Tuấn, Vũ Sỹ Cường là những người nhận hối lộ nhiều lần, với số tiền rất lớn hoặc đặc biệt lớn, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước và hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức nên cần có mức hình phạt nghiêm, mới đủ tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm nguy hiểm này, đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.

Bị cáo Trần Minh Tuấn chiếm đoạt số tiền rất lớn, bị cáo còn phạm hai tội, không thừa nhận hành vi, quanh co chối tội. Bị cáo Phạm Bích Hằng rất nhiều lần đưa hối lộ, với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định, đánh giá về tính chất, mức độ hành vi phạm tội, hậu quả của tội phạm, vai trò trách nhiệm của bị cáo trong vụ án là có căn cứ. Quá trình cân nhắc khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm cũng đã đề cập xem xét bối cảnh, hoàn cảnh điều kiện phạm tội; nhân thân của bị cáo và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo.

Tòa phúc thẩm nhận định: "Tính chất vụ án là rất nghiêm trọng, hành vi của bị cáo với vai trò chính. Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Phạm Trung Kiên, Nguyễn Thị Hương Lan, Vũ Anh Tuấn, Vũ Sỹ Cường, Trần Minh Tuấn, Phạm Bích Hằng về phần hình phạt".

Tòa phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo: Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) 14 năm tù (án sơ thẩm 16 năm tù) về tội "Nhận hối lộ"; Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) 10 năm tù (án sơ thẩm 12 năm tù) tội "Nhận hối lộ"; Trần Văn Tân (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) 5 năm tù (án sơ thẩm 6 năm tù) về tội "Nhận hối lộ".

Đối với các bị cáo phạm tội “Nhận hối lộ” gồm Tô Anh Dũng, Đỗ Hoàng Tùng, Trần Văn Tân; tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo tiếp tục thể hiện thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải; đồng thời xuất trình tài liệu mới. Từ đó, Tòa phúc thẩm quyết định giảm hình phạt cho các bị cáo.

Về nhóm bị cáo phạm tội "Đưa hối lộ", Tòa phúc thẩm giảm hình phạt cho các bị cáo: Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky) 9 năm tù (án sơ thẩm 11 năm tù); Lê Hồng Sơn (Tổng giám đốc Công ty Blue Sky) 8 năm tù (án sơ thẩm 10 năm tù); Hoàng Diệu Mơ (Tổng giám đốc Công ty An Bình) 6 năm 6 tháng tù (án sơ thẩm 7 năm tù); Võ Thị Hồng (Giám đốc Công ty Minh Ngọc) 3 năm tù (án sơ thẩm 4 năm tù); Lê Văn Nghĩa (cựu Giám đốc Công ty Nhật Minh) 27 tháng tù (án sơ thẩm 3 năm tù); Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty MasterLife) 30 tháng tù (án sơ thẩm 3 năm tù); Lê Thị Ngọc Anh (cựu cán bộ Ban Đối ngoại Trung ương Đảng) 30 tháng tù (án sơ thẩm 3 năm tù). Bị cáo Phạm Thị Kim Ngân (cán bộ Tạp chí Thanh tra) nhận hình phạt 13 tháng tù (án sơ thẩm 15 tháng tù) về tội "Môi giới hối lộ".

Theo Tòa phúc thẩm, các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội đưa hối lộ có một phần do sự gây khó khăn của các bị cáo là cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước; là nạn nhân của “cơ chế xin - cho”, để khuyến khích người đưa hối lộ tố giác tội phạm, phản ánh tình trạng nhũng nhiễu của các cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước, có thể xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Mặt khác, các bị cáo đã thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết vụ án, số tiền đưa hối lộ không lớn, đã tự nguyện nộp lại toàn bộ hoặc phần lớn số tiền bị truy thu. Do đó, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân, thái độ chấp hành pháp luật, mức độ nguy hiểm cho xã hội, vì chính sách nhân đạo, Tòa phúc thẩm thấy cần chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo.

Ba bị cáo được Tòa phúc thẩm cho hưởng án treo gồm: Nguyễn Hoàng Linh (cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia) 30 tháng tù treo; Đặng Minh Phương (cựu Kế toán Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia) 18 tháng tù treo; Trần Quốc Tuấn (Giám đốc Công ty xúc tiến thương mại Du lịch Việt Nam) 3 năm tù treo.

Các bị cáo được giảm án có tình tiết mới, đã khắc phục xong hậu quả của vụ án; có nhiều bằng khen, kỷ niệm chương, đơn xin giảm nhẹ của các đơn vị,...

* Bị cáo Hoàng Văn Hưng giảm từ chung thân xuống 20 năm tù

Một bị cáo khác cũng được giảm án là Hoàng Văn Hưng (cựu cán bộ điều tra của Bộ Công an) từ chung thân xuống 20 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Hoàng Văn Hưng thừa nhận hành vi phạm tội thể hiện sự ăn năn hối cải và khắc phục toàn bộ số tiền 18,8 tỷ đồng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Hoàng Văn Hưng xác nhận thay đổi nội dung kháng cáo từ ngày 28/11/2023, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội bị Tòa án cấp sơ thẩm quy kết về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 800.000 USD (hơn 18,8 tỷ đồng). Bị cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét một cách thấu đáo, khách quan, toàn diện vụ án, xử phạt bị cáo hình phạt hợp lý, để bị cáo sớm có điều kiện trở về với gia đình và xã hội.

"Bị cáo cảm thấy rất đáng tiếc khi để xảy ra sai phạm như thế này, bị cáo từng là đảng viên, là Công an nên dù vì lý do gì hay bất kỳ nguyên nhân gì thì vẫn thấy có trách nhiệm trong sai phạm, nên đã tích cực tác động gia đình bồi thường toàn bộ số tiền bị truy thu" - bị cáo Hưng trình bày tại phiên phúc thẩm.

Từ đó, Tòa phúc thẩm ghi nhận, bị cáo Hưng đã thừa nhận hành vi phạm tội; tích cực tác động gia đình nộp toàn bộ số tiền bị truy thu, nghĩa vụ án phí hình sự sơ thẩm; gia đình bị cáo có công với cách mạng, bị cáo có hai bác ruột là liệt sỹ, được chính quyền địa phương xác nhận. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy đủ căn cứ áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với bị cáo Hoàng Văn Hưng.

Hai bị cáo Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam ở Malaysia) và Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội) mặc dù không có kháng cáo tại phiên phúc thẩm, tuy nhiên Hội đồng xét xử đã xem xét các tình tiết, thành tích công tác và quá trình làm rõ, khắc phục vụ án nên đã tuyên giảm án cho hai bị cáo.

Đối với bị cáo Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam ở Malaysia) thuộc nhóm các bị cáo tại Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, đã khắc phục hậu quả vụ án, có nhiều thành tích trong công tác, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vụ án, gia đình các bị cáo đều có công với cách mạng.

Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn xuất trình các tài liệu thể hiện bị cáo bị bệnh với chẩn đoán ung thư thực quản; gia đình bị cáo công với cách mạng; bản thân bị cáo có nhiều thành tích trong quá trình công tác. Trong vụ án, bị cáo Hoàng Văn Hưng hai lần nhận từ Nguyễn Anh Tuấn số tiền 800.000 USD (hơn 18,8 tỷ đồng), chiếm đoạt của Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn, đến nay bị cáo Hoàng Văn Hưng đã thừa nhận hành vi phạm tội, nộp lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt, nên tính chất, mức độ nghiêm trọng về hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Anh Tuấn cũng giảm đáng kể.

Tòa phúc thẩm tuyên bị cáo Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam ở Malaysia) ba năm tù (án sơ thẩm 4 năm tù) về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; Nguyễn Anh Tuấn 4 năm tù (án sơ thẩm 5 năm tù) về tội “Môi giới hối lộ”.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sở GTVT Hà Nội điểm danh từng nhà xe vi phạm luật giao thông trên địa bàn thành phố để gửi về các địa phương, yêu cầu xử lý theo đúng quy định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương áp dụng nhiều biện pháp tăng cường kiểm soát, ngăn chặn thuốc lá điện tử, nung nóng.

Bộ Công an vừa phải phát thông báo khuyến cáo người dân về tình trạng nhiều trang thông tin mạo danh cổng thông tin điện tử của Bộ Công an để tiếp cận các nạn nhân bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của họ

Một nhóm đối tượng vừa bị Cơ quan Công an huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội đấu tranh, bắt giữ và làm rõ phương thức thủ đoạn giả đồng ý kết hôn với người nước ngoài, sau đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tiền và quà sính lễ lên tới hàng trăm triệu đồng của người nước ngoài. Liên quan đến vụ việc này cơ quan công an đã bắt giữ 4 đối tượng.

Thời gian qua, tội phạm nói chung, tội phạm trộm cắp xe máy nói riêng trên địa bàn huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng manh động, tinh vi hơn. Trong đó đáng kể là những vụ cướp xe máy táo tợn.

Với các shipper, xe ôm công nghệ hiện nay, điện thoại di động là vật bất ly thân. Tuy nhiên, khi tham gia giao thông, các lái xe cần tuyệt đối chấp hành luật giao thông đường bộ là không sử dụng điện thoại khi đang lái xe. Bởi chỉ cần một chút bất cẩn, thiếu quan sát, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.