Khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc: Sóng ngầm chưa dứt
Tranh cãi xung quanh lệnh bắt giữ Tổng thống
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi chính trường nước này liên tiếp chứng kiến những cú sốc mới. Một lệnh bắt giữ Tổng thống mới đây đã được ban hành sau khi ông Yoon Suk Yeol phớt lờ nhiều lệnh triệu tập để thẩm vấn về các cáo buộc nổi loạn và lạm dụng quyền lực liên quan tới lệnh thiết quân luật hồi đầu tháng 12/2024.
Đây là lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm Hàn Quốc bị phát lệnh bắt, khiến các công tố viên và cảnh sát gặp nhiều lúng túng về quá trình thực thi. Về lý thuyết, cơ quan điều tra được quyền tạm giữ Tổng thống Yoon Suk Yeol để thẩm vấn trong vòng 48 giờ, tuy nhiên, trên thực tế, họ sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức cả về pháp lý và thực tiễn để thực hiện lệnh bắt Tổng thống. Tình trạng giằng co này giữa các cơ quan hành pháp, lập pháp và Văn phòng Tổng thống không chỉ làm sâu sắc thêm những bất ổn trên chính trường Hàn Quốc, mà còn làm gia tăng những chia rẽ sâu sắc tại đất nước này.
Tòa án quận Tây Seoul ngày 31/12/2024 phát lệnh bắt Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol với các cáo buộc liên quan đến quyết định ban hành thiết quân luật. Lệnh bắt được ban hành theo đề nghị của nhóm điều tra liên ngành gồm Văn phòng Điều tra Tham nhũng đối với quan chức cấp cao (CIO), cơ quan điều tra đặc biệt của Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc và cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng.
CIO cho biết, họ xin tòa phê chuẩn lệnh bắt vì ông Yoon Suk Yeol đã ba lần phớt lờ lệnh triệu tập để thẩm vấn và không cho các điều tra viên khám xét văn phòng để điều tra cáo buộc nổi loạn và lạm quyền liên quan đến lệnh thiết quân luật vào đêm 3/12/2024. Tòa án đồng ý với đề nghị này và thậm chí cho phép công tố viên khám xét dinh thự của Tổng thống tại quận Yongsan, Seoul để phục vụ điều tra.
Theo luật pháp Hàn Quốc, lệnh bắt giữ thường có hiệu lực trong một tuần kể từ ngày ban hành. Nếu không được thực hiện trong khung thời gian này, lệnh có thể được gia hạn với sự chấp thuận của tòa án.
Theo Yonhap, CIO vẫn chưa xác định ngày thực hiện lệnh bắt giữ. Các quan chức CIO nói với giới truyền thông rằng, phương pháp và thời điểm thực hiện sẽ được cân nhắc thận trọng theo nhiều tình huống khác nhau. Khi được hỏi liệu CIO có phối hợp thời gian với nhóm của ông Yoon Suk Yeol hay không, các quan chức cho biết, đây không phải là thông lệ nhưng có thể cân nhắc nếu cần thiết.
CIO có kế hoạch bắt giữ ông Yoon Suk Yeol và tiến hành điều tra tại tòa nhà văn phòng chính phủ ở Gwacheon, tỉnh Gyeonggi, sau đó ông Yoon Suk Yeol sẽ bị giam giữ tại Trung tâm giam giữ Seoul.
Liên quan đến khả năng xảy ra xung đột với Cơ quan An ninh Tổng thống, CIO tuyên bố sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ của cảnh sát nếu cần thiết.
Trong khi đó, Yoon Kap-keun, một trong những luật sư đại diện của Tổng thống Yoon Suk Yeol cho rằng, lệnh bắt và lệnh khám xét theo đề nghị từ CIO là bất hợp pháp và không hợp lệ vì cơ quan này không có thẩm quyền điều tra về các cáo buộc nổi loạn. Nhóm luật sư tuyên bố sẽ khiếu nại lên Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc và yêu cầu đình chỉ lệnh bắt.
“Thật đáng ngạc nhiên khi một lệnh bắt giữ do một cơ quan không có thẩm quyền đề nghị, lại được ban hành. Hơn nữa, mặc dù Văn phòng điều tra tội phạm của các quan chức cấp cao (CIO) trực thuộc Tòa án quận trung tâm, nhưng lệnh bắt giữ này lại được yêu cầu thông qua Tòa án quận phía Tây, đây là điều chưa từng có”.
Ông Yoon Kap-keun, Luật sư của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol
Ngoài ra, Cơ quan An ninh Tổng thống, lực lượng cận vệ của ông Yoon Suk Yeol hoàn toàn có thể ngăn các công tố viên tiến vào khám xét khu phức hợp văn phòng cũng như nơi ở của ông Yoon Suk Yeol với lý do lo ngại về an ninh quân sự. Theo luật pháp Hàn Quốc, các địa điểm có khả năng liên quan đến bí mật quân sự như dinh thự Tổng thống không thể bị khám xét mà không có sự đồng ý của người phụ trách. Mặt khác, lệnh bắt giữ phải được lực lượng thực thi pháp luật tống đạt trực tiếp cho đối tượng trước khi tiến hành việc bắt giữ. Nếu Cơ quan An ninh Tổng thống từ chối hợp tác, việc thi hành lệnh có khả năng gặp khó khăn lớn. Lịch sử Hàn Quốc đã ghi nhận một số trường hợp cơ quan điều tra Hàn Quốc không thể thực hiện thành công lệnh bắt giữ. Năm 2004, cựu lãnh đạo đảng Dân chủ Han Hwa-gab suýt bị bắt vì nghi nhận khoản tiền bất hợp pháp khoảng 1 tỉ won. Tuy nhiên, do khoảng 200 nghị sĩ chặn lối vào trụ sở đảng, lệnh bắt giữ không được thực thi, dẫn đến việc ông bị truy tố mà không bị giam giữ.
Một khó khăn khác với các nhà điều tra khi thực hiện lệnh bắt giữ tổng thống đến từ những người biểu tình ủng hộ ông Yoon Suk Yeol.
“Lệnh bắt giữ Tổng thống Yoon Suk Yeol là không hợp lệ. Tôi đến đây để phản đối việc thi hành lệnh. Có rất nhiều người ủng hộ Tổng thống Yoon Suk Yeol”.
Ông Kim Choong-Il, người dân Hàn Quốc
Trước vấn đề này, Văn phòng Điều tra Tham nhũng đối với quan chức cấp cao Hàn Quốc tuyên bố sẽ thực thi lệnh bắt Tổng thống Yoon Suk Yeol “trong thời hạn” quy định, tức là trước hạn chót ngày 6/1, đồng thời cảnh báo sẽ truy tố những người cố ngăn cản nỗ lực bắt ông Yoon.
Theo các nhà quan sát, động thái xin lệnh bắt giữ Tổng thống Yoon của các nhà điều tra Hàn Quốc dường như nhằm gây sức ép để nhà lãnh đạo này hợp tác điều tra, hơn là để tạm giữ.
Ông Yoon đang được hưởng quyền miễn tố dành cho tổng thống, tuy nhiên đặc quyền này không áp dụng đối với cáo buộc nổi loạn và phản quốc. Người bị kết tội với hai tội danh này có thể lĩnh án tù chung thân hoặc tử hình. Tổng thống Yoon Suk Yeol đã bị Quốc hội luận tội vào ngày 14/12/2024. Bản luận tội đã được chuyển đến Tòa án Hiến pháp để xem xét trong tối đa 180 ngày, trong thời gian này quyền lực của ông Yoon bị đình chỉ.
Thách thức với quyền Tổng thống Choi Sang-mok
Trong khi lệnh bắt Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol còn chưa ngã ngũ, thì các trợ lý cấp cao của Tổng thống hôm qua tiếp tục đồng loạt đệ đơn từ chức, trong một động thái được cho là nhằm phản đối việc quyền Tổng thống Choi Sang-mok bổ nhiệm thêm 2 thẩm phán Tòa án Hiến pháp. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho rằng, đây là hành động “vượt quá quyền hạn”, còn đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền chỉ trích quyết định của ông Choi Sang-mok là “độc đoán” và chưa tham vấn đầy đủ với các bên liên quan. Diễn biến rối ren này khiến giới phân tích lo ngại tình cảnh của ông Choi Sang-mok thậm chí còn khó khăn hơn người tiền nhiệm - thủ tướng Han Duck Soo - người đã bị luận tội cách đây vài ngày, cũng liên quan tới vấn đề bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Hiến pháp.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok đảm nhận vai trò quyền Tổng thống hôm 27/12/2024, sau khi Thủ tướng Han Duck-soo, người giữ chức quyền Tổng thống kể từ ngày 14/12/2024 bị luận tội với cáo buộc hỗ trợ lệnh thiết quân luật của ông Yoon Suk Yeol.
Với vai trò mới, ông Choi Sang-mok không thể chỉ tập trung vào các vấn đề kinh tế mà còn phải giám sát mọi công việc của nhà nước, mà trước mắt là việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Hiến pháp. Phe đối lập hiện đang chiếm đa số tại Quốc hội đe dọa sẽ luận tội quyền Tổng thống Choi Sang-mok nếu ông tiếp tục làm theo người tiền nhiệm và từ chối bổ nhiệm nhân sự vào vị trí thẩm phán Tòa án Hiến pháp.
Trước sức ép này, quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang-mok đã bổ nhiệm 2 thẩm phán vào Tòa án Hiến pháp, đáp ứng một phần yêu cầu của phe đối lập về việc lấp đầy 3 vị trí còn trống trên ghế thẩm phán. Đáng chú ý, trong 2 thẩm phán mới được bổ nhiệm, thì 1 người của đảng Dân chủ đối lập và 1 người của đảng Quyền lực Nhân dân.
“Sau khi đảm nhiệm vai trò quyền Tổng thống, tôi quyết định bổ nhiệm các thẩm phán Tòa án Hiến pháp vì tính cấp thiết của việc chấm dứt tình trạng bất ổn chính trị càng sớm càng tốt, để ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng, đe dọa đến nền kinh tế và sinh kế của người dân. Tôi sẽ bổ nhiệm thẩm phán còn lại sau khi đảng cầm quyền và đảng đối lập đạt được thỏa thuận”.
Ông Choi Sang-mok, quyền Tổng thống Hàn Quốc
Về việc các trợ lý Văn phòng Tổng thống đồng loạt từ chức, quyền Tổng thống Choi Sang-mok tuyên bố không chấp nhận đơn từ chức của họ vì ưu tiên hiện nay là tập trung vào việc cải thiện nền kinh tế và ổn định các vấn đề nhà nước. Được biết, những trợ lý cấp cao này đã hỗ trợ quyền Tổng thống Choi Sang-mok kể từ khi ông nhậm chức. Các trợ lý không tham gia vào hoạt động hàng ngày của chính phủ, nhưng được yêu cầu báo cáo với ông Choi Sang-mok và dự họp khi cần thiết.
Giới phân tích cho rằng quyền Tổng thống Choi Sang-mok sẽ cần thêm nhiều bước đi linh hoạt và mềm dẻo hơn tương tự, để xoa dịu căng thẳng chính trị hiện nay, đặc biệt khi niềm tin của công chúng đang xuống thấp. Một báo cáo gần đây cho thấy chỉ 35% dân số đánh giá cao khả năng lãnh đạo của chính quyền hiện tại.
Để vượt qua cuộc khủng hoảng, một giải pháp được nhiều chuyên gia khuyến nghị là Hàn Quốc cần khẩn trương tổ chức tổng tuyển cử nhằm tái thiết lại cân bằng quyền lực, giúp lập lại trật tự chính trị và khôi phục niềm tin của cử tri. Theo giáo sư Lee Jong Hoon tại Đại học Seoul, “tổng tuyển cử không chỉ giúp giải quyết khủng hoảng trong ngắn hạn mà còn tăng cường đồng thuận quốc gia”. Những cải cách chính trị mạnh mẽ và các biện pháp kinh tế quyết liệt sẽ giúp Hàn Quốc vượt qua khó khăn hiện tại, xây dựng một nền móng vững chắc cho tương lai.
Việc xây dựng các cơ chế pháp lý minh bạch và tăng cường giám sát quyền lực sẽ hạn chế nguy cơ lặp lại các cuộc khủng hoảng tương tự. Đồng thời, Hàn Quốc cần tái khẳng định vai trò của mình trên trường quốc tế thông qua việc chủ động tham gia các sáng kiến khu vực, duy trì mối quan hệ đồng minh với Mỹ và thúc đẩy đối thoại ngoại giao với các nước láng giềng như Nhật Bản và Trung Quốc. Một chiến lược đối ngoại cân bằng sẽ giúp Hàn Quốc giữ vững vị thế, đồng thời tăng cường khả năng ứng phó với các thách thức toàn cầu.
YouTube có ảnh hưởng tới khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc?
YouTube được đánh giá là mạng xã hội có sức ảnh hưởng lớn tại Hàn Quốc. Theo trang web thống kê dữ liệu thị trường và người tiêu dùng Statista, tính đến tháng 1/2023, Hàn Quốc có tới hơn 46 triệu người dùng YouTube - chiếm hơn 90% dân số. Trong khi đó, theo báo cáo năm 2023 của Korea Press Foundation, khoảng 53% người Hàn Quốc cho biết, họ nhận tin tức từ YouTube, tăng cao hơn mức 24% vào năm 2016, cũng như cao hơn mức trung bình 30% ở các quốc gia khác. Do đó, không chỉ là chất xúc tác cho các lĩnh vực giải trí, văn hóa, YouTube được cho là có những tác động khó lường đối với một nền chính trị khá “nhạy cảm” như Hàn Quốc. Vấn đề đặt ra là liệu YouTube có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra nền kinh tế thứ 4 châu Á?
YouTube được xem là có mức độ thâm nhập cao tại thị trường Hàn Quốc. Hầu hết các kênh truyền thông truyền thống hiện nay của Hàn Quốc đều có kênh YouTube riêng. Bên cạnh đó, các phe nhóm chính trị cũng có kênh YouTube riêng, trong đó nổi lên là kênh cánh hữu Tubeshin và kênh cánh tả Newstapa - thu hút hàng triệu người theo dõi.
Sức ảnh hưởng ngày càng lớn của YouTube đã được chứng minh trong cuộc bầu cử năm 2022, khi Tổng thống Yoon Suk Yeol - khi đó là ứng cử viên của đảng Quyền lực Nhân dân. Ông Yoon đã chứng kiến mức độ ảnh hưởng sụt giảm sau màn thể hiện được đánh giá là không mấy ấn tượng trong cuộc phỏng vấn trên YouTube vào ngày Giáng sinh, dù trước đó ông Yoon được đánh giá là có sự cạnh tranh quyết liệt, ngang ngửa với đối thủ Lee Jae-myung từ đảng Dân chủ.
Sau khi được bầu làm Tổng thống trong cuộc bầu cử sít sao nhất trong lịch sử Hàn Quốc, ông Yoon Suk Yeol đã mời các nhà hoạt động và người bình luận trên YouTube đến lễ nhậm chức của mình.
“Nếu Tổng thống Yoon Suk Yeol lắng nghe kỹ tiếng nói của những người dùng YouTube, ông ấy có thể hiểu được suy nghĩ thực sự của người dân, hiểu được tình cảm của những người ủng hộ tổng thống”.
Ông Ko Sung-Kook, Youtuber Hàn Quốc
Tuy nhiên, Lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền Han Dong-hoon - người mới từ chức cách đây 2 tuần đã đổ lỗi cho truyền thông tại Hàn Quốc đã gây chia rẽ trong nội bộ đảng mình. Ông Han Dong-hoon lên tiếng cảnh báo rằng, những thông tin các kênh YouTube đang tạo ra có tác động lớn chính đảng của ông khi đang tạo ra những thuyết âm mưu hoặc những nội dung mang tính chất cực đoan. Việc nghe theo những thông tin trên sẽ khiến cho các thành viên trong đảng Quyền lực Nhân dân đối mặt với nỗi ám ảnh vì sợ hãi hoặc khiến cho đảng này không có “tương lai”.
Theo một số nhà phân tích, chính việc quá quan tâm đến các nội dung trên YouTube có thể đã khiến Tổng thống Yoon Suk Yeol mắc sai lầm và thậm chí nhiều khả năng đây là nguồn cơn thúc đẩy sự phân cực chính trị và thổi bùng cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hiện nay ở quốc gia Đông Á. Đã đến lúc chính phủ và xã hội phải tìm ra giải pháp hiệu quả để kiểm soát những YouTuber cực đoan trước khi quá muộn.
Cuộc khủng hoảng chính trị xảy ra vào thời điểm Hàn Quốc đang phải ứng phó nhiều thách thức về phát triển kinh tế - xã hội, về đối ngoại và an ninh, gây tổn hại lớn cho uy tín quốc tế của Seoul. Tương lai chính trị của Tổng thống Yoon Suk Yeol đang ở trong giai đoạn vô cùng khó khăn, còn cuộc khủng hoảng chưa biết đến khi nào mới kết thúc. Theo các chuyên gia, chỉ có sự quyết tâm, đồng thuận giữa các phe phái chính trị, và tinh thần đoàn kết dân tộc mới có thể giúp Hàn Quốc vượt qua khó khăn hiện nay.
Truyền thông Israel ngày 4/1 dẫn nguồn tin Mỹ cho biết Washington đang thúc đẩy thương vụ bán vũ khí khổng lồ trị giá 8 tỷ USD cho Tel Aviv.
Lực lượng phòng không Nga bắn hạ 8 tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất, quân đội Nga và Ukraine tiếp tục đẩy mạnh sử dụng máy bay không người lái nhằm vào các mục tiêu của đối phương, chính quyền Mỹ chuẩn bị công bố gói hỗ trợ quân sự mới dành cho Ukraine. Đó là những diễn biến nổi bật trong cuộc xung đột Nga-Ukraine ngày 4/1.
Tiêu thụ đồ uống có cồn là nguyên nhân dẫn đến khoảng 100.000 ca ung thư và 20.000 ca tử vong liên quan đến ung thư mỗi năm tại Mỹ. Đây là lý do khiến giới chức y tế nước này kêu gọi áp dụng nhãn dán cảnh báo đặc biệt trên đồ uống có cồn, nhằm thông báo về nguy cơ gây ung thư.
Ngày 4/1, Bộ Nội vụ Hàn Quốc cho biết, lực lượng cứu hộ nước này đã tìm thấy thi thể của toàn bộ 179 nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay thảm khốc của Hãng hàng không Jeju Air.
Trong cuộc phỏng vấn được tờ Financial Times công bố ngày 4/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Washington bày tỏ lo ngại về việc Nga có thể đang cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Báo The National News của Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất ngày 3/1 dẫn các nguồn tin cho biết, các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Gaza và thả con tin giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel đã đạt được tiến bộ đáng kể, sau khi cả hai bên đều điều chỉnh các điều kiện của họ.
0