Khủng hoảng nhân đạo tại Dải Gaza ngày càng trầm trọng

Chiến sự leo thang khiến tình hình nhân đạo tại Dải Gaza đang hết sức cấp bách, dịch bệnh có nguy cơ lây lan tại những khu trú ẩn đông đúc, tạm bợ ở Dải Gaza, một lần nữa đe dọa đến tính mạng của hàng triệu người dân Palestine, đặc biệt là trẻ em.

Sau khi kết thúc lệnh ngừng bắn, quân đội Israel đã tiến hành hàng trăm cuộc không kích, pháo kích kết hợp tấn công bộ binh vào hàng loạt mục tiêu trên khắp Dải Gaza. Người đứng đầu Quân đoàn Thiết giáp của quân đội Israel, Tướng Hisham Ibrahim ngày 4/12 tuyên bố, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) "gần như đã hoàn thành" các mục tiêu ở phía bắc Gaza.

Đây không phải là lần đầu tiên các quan chức Israel nói rằng quân đội đã gần đạt được mục tiêu ở phía bắc Gaza. Đặc biệt, IDF xác nhận lực lượng bộ binh Israel đã mở rộng tấn công xuống miền nam Gaza.

Các quan chức Palestine cho biết hơn 800 người đã thiệt mạng kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas sụp đổ vào thứ Sáu tuần trước, thêm vào con số hơn 15.000 người Palestine thiệt mạng vì xung đột kể từ ngày 7/10.

Các bệnh viện ở Khan Younis và Rafah miền nam Gaza rơi vào tình trạng hỗn loạn vì quá tải bệnh nhân sau các vụ không kích dữ dội của Israel.  Người dân được yêu cầu di tản từ miền bắc đến miền nam giờ đây lại tiếp tục chạy nạn. Người phát ngôn quân đội Israel cho biết quân đội nước này đã yêu cầu dân thường sơ tán và thiết lập một khu vực nhân đạo bên trong Dải Gaza - vùng lãnh thổ ven biển có tên gọi Al-Mawasi.

Các bên tham chiến đổ lỗi cho nhau về sự sụp đổ của thỏa thuận ngừng bắn

Các bên tham chiến đổ lỗi cho nhau về sự sụp đổ của thỏa thuận ngừng bắn. Trong khi đó, các nỗ lực quốc tế nhằm kéo dài thỏa thuận ngừng bắn vẫn tiếp diễn. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với Israel, Ai Cập và Qatar trong nỗ lực kéo dài thời gian ngừng bắn nhân đạo ở Gaza. Qatar, nước đóng vai trò trung gian hòa giải, cho biết các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra với cả hai phía Israel và Hamas để khôi phục thỏa thuận ngừng bắn, nhưng việc Israel tiếp tục mở rộng tấn công trên khắp Dải Gaza nhằm tiêu diệt lực lượng Hamas và giải cứu con tin đã khiến tình hình càng trở nên bế tắc.

 Lãnh đạo của tổ chức Hamas khẳng định, Hamas sẽ không thả thêm con tin cho đến khi Israel ngừng bắn vĩnh viễn. Theo phía Israel, hiện vẫn còn khoảng 125 con tin đang bị Hamas giam giữ.

Trong một diễn biến khác, các chiến binh Houthi tại Yemen được tuyển dụng để hỗ trợ nhóm Hamas đã diễu hành tại thủ đô Sanaa của Yemen cuối tuần qua, trước khi tiến tới Dải Gaza.Việc lực lượng Houthi tham chiến cùng với Hamas, để thể hiện sự ủng hộ người dân Palestine, sẽ khiến tình hình thêm phức tạp và có nguy cơ lan rộng.

Về tương lai của Dải Gaza sau thời hậu xung đột, Israel đã hé lộ về kế hoạch vùng đệm ở Dải Gaza.

Reuters đưa tin, Israel đã thông báo cho một số quốc gia Ả Rập rằng họ muốn thiết lập một vùng đệm ở phía biên giới Gaza của Palestine để ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai. Israel đã thông báo kế hoạch này với các nước láng giềng Ai Cập và Jordan, cùng với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, vốn đã bình thường hóa quan hệ với Israel vào năm 2020.

Kế hoạch này không cho thấy dấu hiệu cuộc xung đột sẽ sớm kết thúc. Israel thậm chí đang vươn ra ngoài các quốc gia hòa giải Arab lâu đời, như Ai Cập hay Qatar, khi nước này tìm cách định hình Gaza thời hậu chiến.

Không quốc gia Arab nào tỏ ra sẵn sàng giám sát hoặc quản lý Gaza trong tương lai.

Các nguồn tin cho biết một số quốc gia Arab đã phản đối điều này. Cho dù không bị phản đối thì việc xây dựng hàng rào an ninh giữa hai bên vẫn sẽ gây bất đồng về vị trí của nó. Ông Mohammad Dahlan, cựu giám đốc an ninh của Gaza, cho biết kế hoạch vùng đệm của Israel là phi thực tế và sẽ không bảo vệ được lực lượng Israel.

Sau gần 2 tháng chịu cảnh tàn phá do xung đột, 2,3 triệu người dân Palestien ở Gaza đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Xung đột không chỉ khiến người dân vô tội thiệt mạng do súng đạn, thiếu đói, mà khi cơ sở hạ tầng bị tàn phá, điều kiện sống không đủ đáp ứng, người dân còn phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh gia tăng.  Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh lây lan tại Dải Gaza và thách thức trong việc phát hiện các bệnh truyền nhiễm tại đây.

Nguy cơ dịch bệnh lây lan tại dải Gaza đe dọa đến tính mạng của người dân Palestine, đặc biệt là trẻ em

Các chuyên gia y tế nhận định, môi trường không được đảm bảo ở những trại tị nạn và nơi trú ẩn tạm thời, sự tập trung quá đông người dân trong các tòa nhà, cũng như việc thiếu nước sạch, dù là để vệ sinh cá nhân hay để uống, thiếu lương thực trong thời tiết mưa lạnh mùa đông, đều là những yếu tố dẫn đến sự gia tăng dịch bệnh.

WHO đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự lây lan của bệnh truyền nhiễm ở Gaza. Mike Ryan, người đứng đầu Chương trình Khẩn cấp Y tế của WHO cho biết việc phát hiện các bệnh truyền nhiễm ở Gaza đã trở nên phức tạp hơn vì các mẫu không thể được gửi đến Israel hoặc Bờ Tây để xử lý nữa.

Cơ quan này đã ghi nhận sự gia tăng đáng kinh ngạc các trường hợp tiêu chảy, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ em, đồng thời phát hiện những tín hiệu rất nghiêm trọng xung quanh hội chứng vàng da cấp tính trong khu vực này, đặc biệt là khu vực phía nam Wadi Gaza.  Nguyên nhân chính gây ra bệnh vàng da cấp tính trong bối cảnh này là viêm gan E, một căn bệnh thường bùng phát quy mô lớn ở những khu vực có người tị nạn và di dời dân cư. Các bác sĩ cảnh báo hội chứng vàng da cấp tính là tín hiệu báo trước cho những dịch bệnh tiêu chảy khác.

WHO cho biết hiện có 1,3 triệu người đang sống trong các nơi trú ẩn ở Gaza và khu vực này đã ghi nhận 111.000 ca nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, 24.000 trường hợp phát ban trên da và 12.000 trường hợp mắc bệnh ghẻ kể từ khi xung đột bắt đầu.

Hiện chỉ có 15 trong số 36 bệnh viện ở Gaza vẫn còn hoạt động nhưng đã hoàn toàn bị quá tải. Trong số 25 bệnh viện ở phía bắc Wadi Gaza trước khi xung đột bắt đầu, chỉ có 3 bệnh viện hoạt động ở mức cơ bản nhất nhưng thiếu nhiên liệu, nước và thực phẩm. Năng lực còn lại của hệ thống y tế không đủ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân Gaza. Việc xung đột tiếp diễn có thể gây tổn hại thêm cho hệ thống y tế yếu ớt ở Dải Gaza.

Người dân tại đây phải sống trong điều kiện thiếu nhiên liệu, nước và thực phẩm

Cuộc xung đột ở Dải Gaza không chỉ khiến nông dân rời bỏ nhà cửa, sống trong cảnh thiếu thốn về mọi mặt, mà còn cản trở khả năng tiếp cận và canh tác trên đất đai của họ. Năm 2022, nông nghiệp là lĩnh vực đóng góp 11% cho nền kinh tế của Gaza.

Tuy nhiên trong năm nay, theo báo cáo của cục Thống kê Trung ương Palestine, xung đột đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp tại Dải Gaza, gây thiệt hại trực tiếp mỗi ngày 2 triệu đô la Mỹ, trong đó riêng hoạt động sản xuất bị đình trệ gây thiệt hại 1,6 triệu đô la Mỹ, khiến cho cuộc sống của những người nông dân Palestine tại Dải Gaza càng thêm khó khăn.

Nông dân trồng ô liu ở Khan Younis, miền nam Gaza đã tranh thủ những ngày ngừng bắn ngắn ngủi để thu thập những gì còn sót lại của vụ mùa ô liu năm nay. Mùa thu hoạch ô liu năm nay đến đúng lúc xung đột giữa Israel và Hamas nổ ra, đã buộc nông dân phải trì hoãn thu hoạch 50 ngày, khiến sản lượng bị ảnh hưởng. Mang theo các vật dụng để thu hoạch thủ công, những nông dân này đang cố gắng thu hoạch số ô liu còn lại càng nhanh càng tốt.

Trong khi đó, việc thiếu điện đã khiến hoạt động tại xưởng ép ô liu Wafy ở Khan Younis phải phụ thuộc vào nhiên liệu.

Xung đột gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp tại Dải Gaza, gây thiệt hại trực tiếp mỗi ngày 2 triệu đô la Mỹ

Cây ô liu vốn chiếm 63% tổng diện tích trồng cây ở Dải Gaza. Theo Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, trước năm 2021, sản lượng ô liu trung bình hàng năm ở Gaza là 30.000 tấn. Năm nay, số cây ô liu ở nhiều vùng tại Gaza bị ảnh hưởng, trong đó tại Khan Younis là 34%, tiếp theo là Dier Al-Balah với 24%, Bắc Gaza với 17% và Rafah với 13%.

Cục Thống kê Trung ương Palestine cho biết các cuộc bắn phá của Israel đã phá hủy hàng nghìn cây trồng và san phẳng nhiều khu vực đất đai nông nghiệp, khiến khoảng 44% hộ gia đình ở dải Gaza mất khả năng tiếp cận với sản xuất nông nghiệp. Những yếu tố bổ sung này có thể đẩy tổng thiệt hại nông nghiệp của Gaza lên hơn 180 triệu USD.

Trong đó, với khoảng 34 triệu mét vuông diện tích canh tác, miền bắc Gaza chịu thiệt hại nặng nề nhất. Xung đột đã khiến phần lớn khu vực này không còn phù hợp cho hoạt động nông nghiệp.

Trong cuộc họp mới đây nhất của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc do ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chủ trì, các đại biểu một lần nữa cho rằngthế giới không được rời mắt khỏi thảm họa nhân đạo ở Dải Gaza, đồng thời kêu gọi một lệnh ngừng bắn nhân đạo vĩnh viễnđể chấm dứt cuộc xung đột. Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước là cách duy nhất để đem lại hòa bình cho người dân dải Gaza. Tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo cũng cảnh báo rằng nếu các hành động quyết định không sớm được thực hiện, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas tiếp diễn và sẽ gây ra hậu quả vượt tầm kiểm soát. 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Khi cuộc chiến Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 4, nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết cuộc xung đột khi ông chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.

TikTok có thể xem là một trong những ứng dụng "xấu số" nhất thế giới. Dù có lượng người dùng đông đảo, ứng dụng này cũng đang bị cấm tại rất nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều lý do khác nhau.

Sáng 17/12, một thiết bị nổ được cài trong một chiếc xe scooter điện đã phát nổ gần lối vào của một tòa dân cư trên Đại lộ Ryazansky ở Moscow, vào đúng thời điểm người đứng đầu Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga Igor Kirillov cùng trợ lý của ông đi ngang qua, khiến hai người thiệt mạng.

Theo các nguồn tin Ukraine, tính đến tháng 11 năm nay, ít nhất 18 tướng, một đô đốc Nga đã thiệt mạng. Tuy nhiên, phía Nga mới xác nhận 8 trường hợp, và thêm trường hợp mới nhất là Trung tướng Igor Kirillov.

Ở tuổi 73, ông Francois Bayrou trở thành thủ tướng thứ 4 của nước Pháp chỉ trong vòng một năm. Ông sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua và vực dậy nền kinh tế.

Israel đã tận dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để ném bom các mục tiêu trên khắp đất nước nước này. Israel tuyên bố chiến dịch quân sự của họ ở Syria chỉ là “biện pháp tạm thời” để đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn vũ khí của Syria rơi vào tay những kẻ cực đoan.