Kinh tế châu Á có triển vọng tăng trưởng mạnh
Triển vọng tăng trưởng của khu vực châu Á
Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới được công bố tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2024 diễn ra tại Bác Ngao, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, các chuyên gia thống nhất cho rằng, nền kinh tế châu Á sẽ duy trì động lực tăng trưởng mạnh với triển vọng sáng sủa. Theo đó, châu lục đông dân nhất thế giới này sẽ tiếp tục là khu vực đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay.
Theo báo cáo, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế bên ngoài và sự phục hồi chậm của nền kinh tế toàn cầu, tăng trưởng kinh tế của châu Á năm nay dự kiến sẽ đạt 4,5%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của năm ngoái.
Đây cũng tiếp tục là khu vực đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Báo cáo cũng cho biết xét về sức mua tương đương, nền kinh tế châu Á dự kiến sẽ chiếm 49% GDP toàn cầu vào năm 2024, tăng 0,5 điểm phần trăm so với năm 2023.
Chủ nghĩa bảo hộ thương mại và sự phân mảnh kinh tế toàn cầu ngày càng tăng. Nền kinh tế thế giới vẫn chưa quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng như trước COVID-19. Nền kinh tế các nước châu Á cũng đối mặt với nhiều biến động. Nhưng khu vực này vẫn đang cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ. Động lực tăng trưởng của châu Á sẽ đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Ả Rập Xê Út và nhiều nền kinh tế đang phát triển khác.
Ông Lý Bảo Đông - Tổng thư ký Diễn đàn châu Á Bác Ngao.
Trước đó, nhiều định chế tài chính quốc tế và các tổ chức, chuyên gia kinh tế cũng có những đánh giá tích cực về triển vọng của nền kinh tế châu Á trong năm nay. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới 2024 cho rằng, dù đối mặt với những thách thức lớn như lạm phát cao, đứt gãy chuỗi cung ứng và cạnh tranh địa chính trị gay gắt, nhưng kinh tế châu Á được dự báo sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khi giữ nguyên dự báo tăng trưởng 4,8% của kinh tế châu Á năm 2024 đã nhấn mạnh, tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển tại châu lục tương đối lạc quan. Theo ADB, nhu cầu trong nước lành mạnh, kiều hối dồi dào và đà phục hồi tích cực của ngành du lịch là động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế châu Á.
Trung Quốc muốn là động lực tăng trưởng của thế giới
Năm 2023, có tới 3 trong số 5 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới nằm ở khu vực châu Á. Riêng nền kinh tế Trung Quốc đã đóng góp hơn 30% cho tăng trưởng toàn cầu. Phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2024, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Triệu Lạc Tế nhấn mạnh Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành động lực tăng trưởng chính cho sự phục hồi kinh tế thế giới trong năm nay, mở cửa thị trường rộng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài và thúc đẩy phát triển chất lượng cao.
Các chỉ số kinh tế gần đây cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã có khởi đầu tươi sáng trong năm mới. Điều này mang lại một chút nhẹ nhõm cho các nhà hoạch định chính sách khi họ cố gắng thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản và nợ của chính quyền địa phương gia tăng.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 3 lần đầu quay lại ngưỡng trên 50 điểm sau 5 tháng giảm liên tục. Các số liệu mới nhất cho thấy quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang đạt được những tín hiệu đáng mừng, dự báo bước phát triển mới của hoạt động sản xuất nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, PMI khu vực sản xuất trong tháng 3 đạt 50,8 điểm, tăng so với mức 49,1 của tháng 2, cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc đang hồi phục. Theo đó, PMI cho các doanh nghiệp lớn đạt mức 51,1 điểm, vẫn duy trì ở mức cao trong 11 tháng liên tiếp, tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ và dẫn đầu. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên trong 11 tháng, chỉ số PMI cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có dấu hiệu khởi sắc.
Chỉ số PMI cho các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ đã quay trở lại thời kỳ tăng trưởng. Nhìn chung thì điều này phản ánh sức mạnh tổng hợp trong sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đang được tăng cường hơn nữa.
Ông Cai Jin, Phó Chủ tịch Liên đoàn hậu cần và mua hàng Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Triệu Lạc Tế hứa sẽ mở cửa thị trường nhiều hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài, giảm danh sách các lĩnh vực bị cấm hoặc hạn chế công ty nước ngoài đầu tư.
Trước đó, cũng trong tháng 3, Bắc Kinh đã công bố một loạt chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% cho năm 2024. Ông Triệu Lạc Tế cho rằng, điều này mang tới niềm tin nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục phục hồi và cải thiện trong dài hạn.
Báo cáo do một nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia, học giả đến từ 5 quốc gia Mỹ, Nga, Canada, Ấn Độ và Trung Quốc công bố hôm 31/3 dự báo, nếu Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 5% trong vài năm tới và duy trì tốc độ tăng trưởng ít nhất 4% cho đến năm 2035, dự báo năm 2035 Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Số lượng công ty Trung Quốc lọt vào top 500 toàn cầu sẽ lên đến hơn 200 công ty và vươn lên cạnh tranh toàn cầu ở tầm cao mới. Các học giả cho rằng, sáng kiến "Vành đai và Con đường" sẽ trở thành sáng kiến hợp tác với quy mô kinh tế lớn nhất thế giới.
ASEAN tiếp tục là điểm đến thu hút FDI
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu có nhiều gam màu xám do chịu tác động của xung đột địa chính trị và nhiều thách thức khác, khu vực Đông Nam Á vẫn tiếp tục là điểm đến đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhờ vào tiềm năng tăng trưởng to lớn, cùng nhiều hiệp định thương mại được ký kết và quá trình chuyển đổi cơ cấu đang diễn ra. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả vẫn là những đãi ngộ mà các nước Đông Nam Á dành cho nhà đầu tư.
Đầu tư nước ngoài vào ASEAN đã đạt mức kỷ lục 224 tỷ USD vào năm 2022, trong khi mức chung của thế giới giảm 12%. Cùng lúc đó, đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào ASEAN cũng tăng tới 83% chỉ sau 1 năm. Thương mại ASEAN ước tính có thể tăng thêm 1.200 tỷ USD trong 10 năm tới.
Tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Australia nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ giữa hai bên diễn ra vào tháng 3 vừa qua tại thành phố Melbourne, Australia, Thủ tướng Australia, Anthony Albanese ca ngợi tính bổ trợ cao giữa nền kinh tế Australia với nền kinh tế các quốc gia ASEAN, và khẳng định ASEAN sẽ đóng vai trò trung tâm trong tương lai của Australia.
Australia muốn làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ tăng trưởng khu vực và hiện thực hóa lợi ích chung. Nếu hai bên siết chặt quan hệ thương mại - đầu tư, đẩy mạnh sự hội nhập sâu rộng hơn vào các nền kinh tế của nhau, đến năm 2040, khu vực ASEAN - Australia sẽ có quy mô kinh tế lớn thứ 4 thế giới.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese.
Những năm qua, Singapore luôn dẫn đầu khu vực về khối lượng FDI thu hút được từ nhà đầu tư nước ngoài, bởi hệ thống pháp luật của quốc gia này vô cùng tiến bộ, hoàn thiện, công bằng và minh bạch. “Đảo quốc sư tử” xác định ba lĩnh vực trọng tâm thu hút vốn đầu tư, bao gồm ngành sản xuất mới, xuất khẩu và lao động.
Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI) công bố số liệu cho thấy, năm 2023 nước này thu hút FDI ở mức 18,5 tỷ USD, tăng 72% so với cùng kỳ. Thái Lan đã có nhiều ưu đãi về thuế, như: miễn, giảm thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu thiết yếu được sử dụng để sản xuất hàng xuất khẩu.
Trước đó, giải ngân vốn FDI vào Indonesia đã đạt 45,6 tỷ USD trong năm 2022, mức cao nhất trong lịch sử của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này.
Trong khi đó, theo dự báo của IMF, với mức tăng trưởng GDP 6,1% trong năm 2024, Campuchia sẽ trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Nước này đã tăng cường mối quan hệ hợp tác thông qua các hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc và Hàn Quốc.
Mỹ là nhà đầu tư hàng đầu vào các dự án ở Đông Nam Á, kế đến là Trung Quốc, nội khối ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản… đã đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực xương sống của khu vực.
Nhiều yếu tố đang tạo điều kiện thuận lợi cho luồng vốn đầu tư vào ASEAN. Ngày càng có nhiều công ty đa quốc gia tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và quay sang đầu tư vào các nước ASEAN. Mặt khác, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến nhiều công ty đa quốc gia chuyển đầu tư ra bên ngoài Trung Quốc.
Lợi thế của các nước ASEAN không chỉ là dân số trẻ và năng động, hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, khai mỏ, dệt may, kĩ thuật số, mà còn là trung lập tương đối về chính trị trước những biến động của quan hệ quốc tế, nhờ đó khu vực này tránh được các lệnh trừng phạt cấm vận của tất cả các bên.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc thu hút dòng vốn FDI đối với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống xã hội, các quốc gia Đông Nam Á sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài, hướng tới việc xây dựng một môi trường kinh doanh ổn định, hệ thống pháp luật công bằng và hiệu quả, không phân biệt đối xử.
Du lịch châu Á được dự báo tiếp tục bùng nổ
Năm 2024, thị trường du lịch châu Á được dự đoán tiếp tục bùng nổ với nhiều xu hướng mới, gồm sự bùng nổ của du khách Trung Quốc, chính sách miễn thị thực. Công ty nghiên cứu thị trường du lịch có trụ sở ở Mỹ, Skift dự báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của du lịch toàn cầu năm nay. Doanh thu du lịch của khu vực này có thể tăng khoảng 20% và xuất hiện nhiều xu hướng mới.
Một trong những thay đổi lớn nhất là sự trỗi dậy của Trung Quốc - thị trường nguồn khách số một khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm ngoái, dù được kỳ vọng nhiều, lượng khách từ Trung Quốc đã không phục hồi tốt sau khi nước này mở cửa du lịch. Tuy nhiên, báo cáo năm 2024 từ Skift chỉ ra lượng khởi hành đi nước ngoài của người dân Trung Quốc sẽ tăng 80% vào năm nay và thêm 46% vào năm 2025.
Liên quan đến sự bùng nổ của du khách Trung Quốc là nhờ xu hướng du lịch miễn thị thực. Miễn thị thực tác động đáng kể đến du lịch khi khách dễ dàng tới thăm một quốc gia, giảm được chi phí. Các quốc gia có chính sách thị thực thông thoáng thường ghi nhận lượng khách tăng.
Thái Lan, Malaysia và Singapore đều đã miễn thị thực với khách Trung Quốc. Cả ba điểm đến Đông Nam Á này ghi nhận tín hiệu tích cực trong dịp Tết Nguyên đán mới đây khi lượng khách Trung Quốc đến và mức chi tiêu đều đã vượt giai đoạn trước Covid-19.
Không chỉ Trung Quốc, các nước Đông Nam Á cũng quan tâm đến việc miễn thị thực cho khách từ Ấn Độ. Báo cáo từ Skift chỉ ra tới năm 2027, Ấn Độ sẽ trở thành thị trường du lịch nội địa lớn thứ ba thế giới và thị trường du lịch nước ngoài lớn thứ năm thế giới.
Trong năm nay, các sự kiện lớn cũng ảnh hưởng đến du lịch châu Á như lễ khánh thành đền Ram ở Ayodhya, Ấn Độ hay buổi diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới tại Singapore như Coldplay, Taylor Swift.
Khách du lịch thuộc châu Á - Thái Bình Dương đang bỏ dần thói quen dùng tiền mặt. Nghiên cứu từ tập đoàn thẻ thanh toán đa quốc gia Visa chỉ ra lượng khách dùng tiền mặt trong khu vực đã giảm 60%.
Các du khách châu Á cũng thay đổi sở thích du lịch khi 77% người được khảo sát nói muốn "đầu tư nhiều hơn vào những trải nghiệm" trong chuyến đi.
Với vị thế là trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu, sản xuất và xuất khẩu nhiều loại hàng hóa, kinh tế khu vực châu Á đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Sự hợp tác và liên kết kinh tế ngày càng tăng giữa các quốc gia châu Á chắc chắn sẽ giúp khu vực này nâng cao vị thế hơn nữa trong nền kinh tế toàn cầu.
Ngày 31/10, Triều Tiên xác nhận đã phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Đây là vụ phóng thử ICBM đầu tiên sau gần một năm, cho thấy khả năng tấn công hạt nhân tầm xa tiềm tàng của nước này.
Từ một tỉ phú, ngôi sao truyền hình, ngày 20/1/2017, ông Donald Trump đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Trong nhiệm kỳ 4 năm của mình, ông trở thành vị Tổng thống gây nhiều tranh cãi. Dù sẽ còn mất nhiều năm lẫn nhiều giấy mực để các nhà sử học và báo chí nhận định về nhiệm kỳ của ông, nhưng những dấu ấn mà ông tạo ra có lẽ sẽ còn lưu lại rất lâu.
Trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng mạnh tại khu vực Trung Đông, các nhà phân tích cảnh báo hậu quả kinh tế của kịch bản xung đột lan rộng là rất nghiêm trọng.
Trong chặng đua nước rút vào Nhà Trắng, hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Donald Trump tích cực tiến hành các cuộc vận động ở các bang quan trọng, hay còn gọi là bang chiến địa. Đặc biệt, một nhóm đối tượng cử tri mà cả hai ứng cử viên đều muốn hướng tới là cử tri da màu.
Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump cam kết thúc đẩy một kế hoạch kinh tế đầy tham vọng với trọng tâm là áp dụng mức thuế quan toàn diện đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Tờ Wall Street Journal nhận định, nhiệm kỳ thứ hai của chính trị gia 78 tuổi này ở Nhà Trắng sẽ khiến mức thuế quan của Mỹ lên cao nhất lịch sử và thương mại toàn cầu sẽ thay đổi một cách căn bản.
Có thể có nhiều lời giải thích cho thất bại của ông Trump, nhưng có một số nguyên nhân đã trở nên rõ ràng.
0