Kinh tế sụt giảm, nước Anh đón một Giáng sinh ảm đạm

Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) đã công bố dữ liệu mới nhất về kinh tế Anh trong tháng 10, theo đó Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) bất ngờ sụt giảm với cả ba lĩnh vực chính là sản xuất, dịch vụ và xây dựng. Những khó khăn về kinh tế dường như khiến mùa Giáng sinh năm nay ở Anh trở nên ảm đạm hơn, khi hàng triệu hộ gia đình phải cắt giảm chi tiêu.

Nền kinh tế Anh mất đà trong những tháng cuối năm

Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) mới đây đã công bố dữ liệu mới nhất về kinh tế Anh trong tháng 10, theo đó quy mô nền kinh tế đã giảm 0,3% trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 10/2023. ONS báo cáo rằng, thời tiết ẩm ướt ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động bán lẻ, quán rượu và du lịch. Thời tiết bất lợi cũng là lực cản đối với hoạt động xây dựng, dẫn tới sản lượng giảm 0,5% trong tháng. Sản lượng sản xuất giảm 0,8% trong tháng 10/2023, do sản lượng sản xuất sụt giảm trên diện rộng, sau khi không tăng trưởng trong tháng 9 và giảm 0,5% trong tháng 8.

Mặc dù biến động GDP hàng tháng có thể không ổn định, nhưng các số liệu này làm nổi bật thêm dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Anh đã mất đà và thậm chí đứng trước nguy cơ suy thoái.

Trước đó, các số liệu chính thức cũng chỉ ra thị trường lao động Anh đang yếu đi với tốc độ tăng lương chậm. Được biết, mức lương trung bình hàng tuần của người dân ở Anh vẫn giữ nguyên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Ông James Smith, Giám đốc nghiên cứu của Tổ chức Resolution Foundation cho biết: “Hoạt động yếu kém của nền kinh tế Anh trong tháng 10 làm dấy lên những đồn đoán về việc liệu nước này có quay trở lại suy thoái hay không? Nhưng có một điều không thể nghi ngờ, Anh là một quốc gia trì trệ – mức tăng trưởng 0,5% trong 18 tháng qua là mức yếu nhất được ghi nhận ngoài thời kỳ suy thoái".

Ngay sau báo cáo của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã quyết định duy trì lãi suất cơ bản ở mức 5,25% - mức cao kỷ lục trong vòng 15 năm qua, đồng thời cảnh báo sẽ vẫn tiếp tục chính sách này thêm một thời gian nữa nhằm kiềm chế lạm phát.

"Chúng tôi đặt mục tiêu đưa lạm phát về mức 2% một cách bền vững. Hiện tại, chúng tôi đang đạt được tiến bộ tốt, lạm phát đã giảm từ 11% xuống mức hiện nay, chỉ hơn 4,5% và sẽ còn giảm hơn nữa. Nhưng chúng tôi còn nhiều việc phải làm.” - Ông Andrew Bailey, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh xác nhận.

Theo các nhà phân tích, mục tiêu đưa nền kinh tế Anh tăng trưởng trở lại của Thủ tướng Rishi Sunak đang gặp thách thức, do lạm phát cao và chi phí đi vay có khả năng “cản trở hoạt động kinh tế trong tháng 11 và tháng 12. Điều này đồng nghĩa với việc dự báo của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) rằng nền kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 0,1% trong ba tháng cuối năm là quá lạc quan.

Trước đó, BoE cũng dự đoán tăng trưởng kinh tế Anh trong năm 2024 cũng sẽ không quá khởi sắc, do nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí đi vay cao hơn khi các hợp đồng có thời hạn của họ hết hạn.

Giáng sinh khó khăn của người dân Anh

Giáng sinh – một trong những dịp lễ quan trọng của người dân ở Anh và nhiều nước phương Tây – đang đến gần. Tuy nhiên, cùng với đó là nỗi lo chi tiêu, khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng nghiêm trọng đã và đang buộc các gia đình ở xứ sở sương mù phải “thắt lưng buộc bụng”, trong đó bao gồm cả việc cắt giảm quà tặng hoặc thực phẩm.

Tờ The Guardian trích dẫn nghiên cứu mới của tổ chức tư vấn National Debtline cho biết, khoảng 6,5 triệu người dân Anh sẽ phải chật vật để có thể được sưởi ấm đầy đủ trong ngôi nhà của mình vào kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới, trong khi 2,7 triệu người sẽ phải lựa chọn giữa việc mua thực phẩm hoặc mua quà tặng cho người thân, bạn bè.

Cũng theo The Guardian, hơn 14 triệu người tiêu dùng Anh đang có kế hoạch hạn chế số lượng quà họ dự định mua trong dịp lễ Giáng sinh năm nay, trong khi 6 triệu người cho biết họ chỉ đủ khả năng mua quà cho trẻ em.

Nghiên cứu của Tổ chức tư vấn National Debtline cho thấy, hơn 24 triệu người trưởng thành ở Anh dự định sử dụng các khoản vay để mua quà Giáng sinh. Trong số đó, 12 triệu người có ý định sử dụng thẻ tín dụng, và 4,7 triệu người sẽ dùng khoản vay "mua trước, trả sau" để thanh toán mua hàng.

Các chuyên gia Anh lo ngại, việc ngày càng nhiều người dân “vay mượn” để trang trải dịp lễ và tác động của các khoản nợ đọng kéo dài sẽ gây căng thẳng nghiêm trọng cho tài chính hộ gia đình từ nay đến năm 2024.

Có cùng nhận định, Quỹ Joseph Rowntree - tổ chức vận động về các vấn đề xã hội - mới đây công bố một kết quả khảo sát cho biết, 1/3 số người được hỏi tiết lộ họ vẫn còn những món nợ phải trả. Các khoản nợ này, vốn được dùng để trang trải chi phí thực phẩm, chi phí nhà ở, hóa đơn năng lượng, giờ có nguy cơ tăng lên khi tiền lãi được cộng thêm, trong khi mọi người vẫn phải vay mượn để trang trải “hóa đơn” dịp lễ.

Bà Dame Clare Moriarty, Giám đốc điều hành Citizens Advice cho rằng: “Việc rất nhiều hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính, rồi mua trước trả sau để có thêm chi phí Giáng sinh có nguy cơ gây ra đòn giáng trực tiếp. Có thể thấy năm 2024, người tiêu dùng Anh phải đối mặt với những khoản nợ không thể quản lý được, tín dụng kém và lạm phát sẽ quay trở lại.”

Theo các dự báo, nợ hộ gia đình ở Anh sẽ tăng vọt từ mức hiện tại là 92 tỷ USD lên 190 tỷ USD vào năm 2026.

Theo Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh, nước này đang chứng kiến mức sống sụt giảm nghiêm trọng kể từ những năm 1950. Thu nhập thực tế bình quân đầu người của hộ gia đình ước tính thấp hơn 3,5% so với mức trước đại dịch COVID-19.

Theo các chuyên gia, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nước Anh vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Các dự báo mới nhất đều cho rằng, lạm phát tại Anh sẽ chỉ giảm xuống dưới mức mục tiêu 2% vào cuối năm 2025.

Từ cơ sở hạ tầng giáo dục và giao thông yếu kém cho đến năng suất kém, lạm phát cao bất thường, các chuyên gia cho rằng, nước Anh dường như đang tụt hậu so với các quốc gia vốn ngang tầm như Pháp và Đức, đồng thời đang bị các nước trước đây kém phát triển hơn dần bắt kịp.

Do đó, Tổ chức nghiên cứu Resolution Foundation và Trung tâm nghiên cứu học thuật Centre for Economic Performance thuộc Trường Kinh tế London khuyến nghị, chính phủ Anh cần một chiến lược kinh tế mới để đảo ngược chuỗi 15 năm ghi nhận mức sống giảm sút và bất bình đẳng ngày càng trầm trọng. Ngoài ra, chính phủ cũng nên đưa ra những ưu đãi thuế dành cho các công ty khởi nghiệp, đồng thời nâng mức bảo hiểm thất nghiệp đối với các cá nhân nhằm khuyến khích họ chấp nhận rủi ro cao hơn. Hiện, cả đảng Bảo thủ cầm quyền và Công đảng đối lập tại Anh đều cam kết đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế vốn đang chậm chạp của nước này để chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc gia dự kiến vào năm 2024.

Người dân Anh ra nước ngoài điều trị nha khoa

Bên cạnh những khó khăn kinh tế, nước Anh còn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nha sĩ nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng gần đây của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) với hàng loạt các cuộc đình công lớn nhỏ của các nhân viên y tế, đã khiến hàng triệu người không thể tiếp cận các dịch vụ nha khoa có chi phí thấp. Trong khi đó, chi phí dịch vụ nha khoa tư nhân quá cao. Điều này đã khiến ngày càng nhiều người dân Anh đổ xô ra nước ngoài điều trị các bệnh về răng.

Khi phát hiện mình cần khám răng chuyên sâu, bà Marion Parks, 55 tuổi, sinh sống ở hạt Suffolk thuộc vùng England, nước Anh, đã quyết định đến một phòng khám nha khoa ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ để điều trị. Theo bà Marion Parks, ở Anh cũng cung cấp dịch vụ cấy ghép răng nhưng chỉ áp dụng trong một số trường hợp hiếm hoi – chẳng hạn như khi bệnh nhân bị ung thư miệng. Cấy ghép răng thông thường sẽ chỉ được thực hiện ở phòng khám tư nhân với chi phí đắt đỏ.

Bà Marion Parks cho biết: “Tôi thực hiện một lần nhổ răng và hai lần cấy ghép răng tại thành phố Istanbul do chi phí ở đây chưa bằng 1/5 chi phí ở Anh. Phòng khám tư ở Anh báo giá 5.000 bảng cho hai ca cấy ghép, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, chi phí cho 2 chiếc răng cấy ghép và một lần nhổ răng là 923 bảng. Giá cả rẻ hơn nhiều.”

Bà Parks là chỉ một trong hàng ngàn người Anh đã tới nhiều nước châu Âu khác để khám và điều trị các bệnh về răng, do họ khó tiếp cận các dịch vụ nha khoa cơ bản trong nước. Theo Hiệp hội Nha khoa Anh (BDA), ngày càng nhiều nha sĩ rời khỏi Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, do điều kiện làm việc và mức lương thấp.

Một nguyên nhân khác là do nguồn ngân sách mà Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh cấp cho lĩnh vực nha khoa là không đủ trang trải chi phí cho các dịch vụ công. Việc thiếu nha sĩ đã dẫn đến tình trạng gần 6 triệu người dân Anh không nhận được cuộc hẹn khám và điều trị trong hai năm qua.

Tờ The Telegraph dẫn một kết quả khảo sát cho biết, cứ 10 người thì có 3 người dân không được tiếp cận với dịch vụ nha khoa và phải nghỉ làm để đối phó với cơn đau răng. Có tới 85.000 cuộc gọi mỗi tháng tới Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh là từ những người đang tìm kiếm trợ giúp nha khoa khẩn cấp.

Ông Eddie Crouch, Chủ tịch Hiệp hội nha khoa Anh chia sẻ: “Trước đại dịch, nhiều người đã ra nước ngoài để điều trị thẩm mỹ hoặc những phương pháp điều trị tiên tiến với chi phí rẻ hơn. Nhưng bây giờ nhiều bệnh nhân ra nước ngoài chỉ để tiếp cận nha khoa tổng quát, và tôi chắc chắn rằng con số này sẽ tăng lên. Hầu như mỗi tuần tôi đều nghe thấy thông tin ngày càng nhiều đồng nghiệp của tôi rời bỏ Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh nên khả năng tiếp cận ngày càng giảm đi."

Vương quốc Anh hiện đứng thứ ba từ dưới lên trong số 22 quốc gia giàu có nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về khả năng tiếp cận dịch vụ nha khoa vào năm 2021. Dù không có số liệu thống kê chính thức về du lịch nha khoa của người dân Anh, nhưng hãng tin Reuters dẫn thông tin từ các cuộc phỏng vấn với 5 công ty trong ngành cho thấy, du lịch nha khoa ở Anh đang ở mức cao kỷ lục.

Ông Vedat Etemoglu, Quản lý phòng khám nha khoa Tower ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng: “Bệnh nhân chờ đợi khám răng theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh phải xếp hàng dài. Đó là lý do tại sao nhiều bệnh nhân Anh thích đến Thổ Nhĩ Kỳ để điều trị nha khoa. Ngoài ra, có sự khác biệt đáng kinh ngạc giữa mức giá mà các nha sĩ Anh đưa ra và mức giá chúng tôi đưa ra ở đây.”

Các phòng khám nha khoa trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary, Rumani cho biết, nhu cầu khám và điều trị nha khoa cho bệnh nhân Anh đang tăng mạnh trong năm nay, và dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, giống như các nước châu Âu khác, dân số nước Anh có xu hướng già hóa, đòi hỏi phải chăm sóc sức khỏe thường xuyên và phức tạp hơn, dẫn đến nhu cầu về các dịch vụ Y tế Quốc gia tăng lên. Điều này đòi hỏi chính phủ Anh cần sớm có giải pháp cho những thách thức của ngành y tế hiện nay.

Năm 2023 sắp kết thúc, và theo tờ The Guardian, chính phủ của Thủ tướng Anh Rishi Sunak không có nhiều điều để ăn mừng trong năm nay. Trong số 5 ưu tiên mà thủ tướng Sunak đặt ra hồi tháng 1, có 4 ưu tiên đến nay vẫn ở tình trạng gặp nhiều rủi ro: nền kinh tế đang suy thoái, nợ quốc gia chỉ giảm “trên danh nghĩa”, danh sách chờ của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh vẫn ở mức rất cao, trong khi chính sách giảm người tị nạn thông qua Hiệp ước Di cư với Rwanda cũng vừa thất bại.

Chuẩn bị bước vào năm mới 2024, những khó khăn của nước Anh được dự báo sẽ bước sang một giai đoạn mới, trong đó chống lạm phát và kích cầu tăng trưởng vẫn đang là việc cần phải làm ngay./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong cuộc họp đầu tháng 5, Cục dự trữ liên bang Mỹ FED đã quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản hiện nay ở mức từ 5,25 đến 5,5% để kiềm chế lạm phát. Việc FED duy trì mức lãi suất cao khiến đồng USD tăng giá và gây ra nhiều tác động đến nền kinh tế của Mỹ cũng như toàn cầu.

Trí tuệ nhân tạo đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ, nhưng năm 2024 được đánh giá là năm hứa hẹn mở ra một loạt tiến bộ đột phá trong phát minh robot AI thế hệ mới.

Châu Á đã trở thành điểm nóng cho các nhà đầu tư quốc tế nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và thị trường tiêu dùng khổng lồ. Trong đó, các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia và Singapore được coi là những lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư.

Các cuộc biểu tình diễn ra tại hàng chục trường đại học từ bờ Đông đến bờ Tây của nước Mỹ. Làn sóng biểu tình của sinh viên trên khắp nước Mỹ đã làm nổ ra các cuộc tranh luận về quyền tự do ngôn luận, chủ nghĩa bài Do Thái và xung đột Israel - Palestine.

Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine mới đây cho biết, binh sĩ dưới quyền của ông đang trong tình thế cam go khi Nga đẩy mạnh tiến công để tận dụng lợi thế. Trong khi đó gói viện trợ quân sự mới của Mỹ vẫn chưa tới tay Ukraine vì vậy phòng tuyến của Ukraine đã bị Nga xuyên thủng.

Nhiều quốc gia đã đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng sạch. Trong đó, Mỹ, Trung Quốc và Australia là những quốc gia đang nỗ lực đầu tư để thúc đẩy các sáng kiến chống biến đổi khí hậu và sản xuất năng lượng sạch.