Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng tốt nhờ đòn bẩy kinh tế

Bất chấp mọi khó khăn trong năm nay, kinh tế Trung Quốc tăng tốc phục hồi. Những số liệu thống kê được công bố gần đây về “sức khoẻ” của kinh tế Trung Quốc có thể trở thành tiền đề tích cực, vững vàng cho những bước đi tiếp theo, hướng tới một năm tăng trưởng bền vững của nền kinh tế số một châu Á, số hai thế giới.

Loạt số liệu vĩ mô khả quan

Sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp hà khắc chống Covid vào cuối năm ngoái, nền kinh tế nước này đã phục hồi mạnh mẽ trong quý 1 năm 2023. Tuy nhiên, tăng trưởng suy yếu trong quý 2 đã buộc Bắc Kinh phải vào cuộc bằng các biện pháp kích cầu. Kết quả, đến quý 3, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng tốt hơn.

Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 3 của Trung Quốc tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này cao hơn hẳn so với con số 4,4% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó. So với quý 2, GDP quý 3 của Trung Quốc tăng 1,3%, cao hơn mức tăng 0,5% ghi nhận trong quý 2 và cao hơn con số dự báo là tăng 1%.

Cũng theo NBS, nếu kinh tế Trung Quốc tiếp tục duy trì được động lực với mức tăng trưởng vượt 4,4% trong quý 4 thì mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2023 mà Bắc Kinh đặt ra là 5% có thể đạt được.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi trung tuần tháng 11 đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay của Trung Quốc lên 5,4% sau khi nền kinh tế này ghi nhận mức tăng trưởng tốt hơn trong quý 3.

Ông Steven Barnett, Đại diện thường trú cấp cao của IMF tại Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi đã nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc so với dự báo công bố vào cuối tháng 10. Đặc biệt trong năm nay, chúng tôi đã tăng 0,4 điểm phần trăm lên 5,4%. Và trong năm tới, chúng tôi cũng tăng 0,4 điểm phần trăm từ 4,2 lên 4,6 phần trăm. Nếu bạn làm phép tính, điều đó có nghĩa là năm nay, Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 1/3 tăng trưởng toàn cầu.”

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới đây cũng dự báo, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm nay, trong khi hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 2,9%, giảm so với mức 3,0% đưa ra vào tháng 9.

Những số liệu thống kê mới được công bố về “sức khoẻ” của nền kinh tế Trung Quốc có thể trở thành tiền đề tích cực, vững vàng cho những bước đi tiếp theo, hướng tới một năm tăng trưởng bền vững của nền kinh tế số một châu Á, số hai thế giới. Theo các chuyên gia, các yếu tố bao gồm thị trường tiêu dùng rộng lớn, hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh, tiến bộ công nghệ nhanh chóng, nguồn nhân tài lớn cũng như những chính sách cải cách và mở cửa liên tục đã tạo nên sức mạnh, khả năng phục hồi và tiềm năng của nền kinh tế này.

Thị trường tiêu dùng khổng lồ

Trong đợt mua sắm trực tuyến 11/11 năm nay, các gã khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc đều ghi nhận mức doanh thu kỷ lục. Dữ liệu từ T-mall, một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, cho thấy hơn 400 thương hiệu đã đạt doanh số hơn 100 triệu nhân dân tệ. 60% trong số đó là thương hiệu nội địa. Một gã khổng lồ thương mại điện tử khác là JD.com cũng báo cáo doanh số bán hàng cao kỷ lục, với 60 thương hiệu đạt doanh thu hơn 1 tỷ nhân dân tệ. Theo các chuyên gia kinh tế, những số liệu này cho thấy khả năng tiêu dùng nội địa tiếp tục phục hồi cũng như tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc.

Ông Chen Jiahe, Giám đốc đầu tư của Novem Arcae Technologies nhấn mạnh: “Dữ liệu cho thấy ​​​​sự tăng trưởng vượt bậc trong năm nay khi mức tiêu thụ thực sự tăng lên. Nhưng đây không phải là điều làm tôi ngạc nhiên nhất. Điều đáng kinh ngạc nhất là tốc độ phân phối của một số nền tảng thực sự rất nhanh. Nếu bạn đặt hàng hôm nay, nếu bạn sống ở Bắc Kinh, nếu bạn đặt hàng trước 11 giờ đêm, thì bạn có thể nhận được món hàng đó ngay vào sáng hôm sau.”

Theo các chuyên gia, tiêu dùng của người dân có thể coi là một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế Trung Quốc. Thị trường tiêu dùng rộng lớn với dân số hơn 1,4 tỷ người và nhóm thu nhập trung bình ngày càng mở rộng - sẽ tiếp tục thúc đẩy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng và thu hút các doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới.

Chi tiêu tiêu dùng đóng góp tới 83,2% vào tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong ba quý đầu năm. Bên cạnh đó, là thị trường tiêu dùng lớn thứ hai và thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, quốc gia này đã chứng kiến doanh số bán lẻ vượt kỳ vọng, với mức tăng 7,6% trong tháng 10/2023.

Trong 15 năm tới, nhóm thu nhập trung bình của Trung Quốc dự kiến sẽ vượt quá 800 triệu người, tạo nên một thị trường tiêu dùng khổng lồ. Dân số ngày càng thịnh vượng và quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra đồng nghĩa với việc nhu cầu tiêu dùng và đầu tư còn khá lớn. Những điều này sẽ thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phát triển ổn định về lâu dài.

Những số liệu khả quan về sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc là một kết quả đáng ghi nhận của các nỗ lực điều chỉnh chính sách kinh tế mà Bộ Chính trị và Quốc vụ viện Trung Quốc liên tục tiến hành từ tháng 7-2023 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối diện với một số khó khăn. Trong đó, việc xử lý cuộc khủng hoảng bất động sản là thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc trong việc giữ cho tăng trưởng kinh tế đi đúng hướng. Để giữ nhịp tăng trưởng, các chính sách hỗ trợ như chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã được tiến hành từ giữa năm 2023.

Các chính sách kinh tế mới

Để hỗ trợ khu vực bất động sản vượt qua giai đoạn khó khăn và khôi phục niềm tin cho toàn bộ thị trường, Trung Quốc đã triển khai và dự kiến triển khai một loạt chính sách hỗ trợ thông qua kênh chính sách tiền tệ bao gồm: hỗ trợ tài chính cho các nhà phát triển bất động sản đủ tiêu chuẩn, cân nhắc kế hoạch cho phép các ngân hàng cho các nhà phát triển bất động sản vay tiền mà không yêu cầu tài sản thế chấp, yêu cầu các ngân hàng hỗ trợ các chính quyền địa phương đảo nợ nhằm ngăn chặn khủng hoảng nợ ở khu vực này.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã tăng cường kiểm soát chính sách vĩ mô, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chính xác và hiệu quả, tập trung vào việc mở rộng nhu cầu trong nước, củng cố niềm tin và đẩy nhanh tuần hoàn kinh tế.

Từ đầu năm đến nay, PBOC đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hai lần, giải phóng 1 nghìn tỷ nhân dân tệ vốn trung và dài hạn, qua đó giúp hạ lãi suất thị trường. Theo Thống đốc PBOC Phan Công Thắng, hiện tại, tổng tín dụng tiền tệ của Trung Quốc duy trì mức tăng trưởng nhanh, cơ cấu tín dụng liên tục được tối ưu hóa và lãi suất cho vay doanh nghiệp duy trì ở mức thấp, từ đó hỗ trợ mạnh mẽ và hiệu quả cho sự phục hồi và phát triển kinh tế.

Ông Phan Công Thắng khẳng định: “Ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng hợp lý về tín dụng tiền tệ, đồng thời sẽ tăng cường hỗ trợ cho các chiến lược quốc gia lớn, các lĩnh vực trọng điểm và các liên kết yếu kém, giảm chi phí tài chính cho nền kinh tế thực và thiết lập môi trường tài chính và tiền tệ thuận lợi cho sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế thực.”

Những đòn bẩy khác

Theo các chuyên gia, hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh và tiến bộ công nghệ nhanh chóng cũng là những yếu tố góp phần thúc đẩy khả năng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc là quốc gia duy nhất có tất cả các ngành công nghiệp được liệt kê trong bảng phân loại công nghiệp của Liên hợp quốc. Lĩnh vực sản xuất của nước này đứng đầu thế giới về quy mô trong 13 năm liên tiếp vào năm 2022, với giá trị gia tăng đóng góp tới hơn 30% tổng giá trị của thế giới.

Trong bối cảnh Trung Quốc theo đuổi sự phát triển theo định hướng đổi mới, các lĩnh vực công nghệ cao đang phát triển mạnh. Pin mặt trời, pin lithium-ion và xe điện - đã thay thế quần áo, thiết bị gia dụng và đồ nội thất - để trở thành động lực hàng đầu cho ngoại thương của Trung Quốc.

Trung Quốc cũng không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tinh giản thủ tục hành chính, đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất trong việc thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), thực hiện các bước chủ động để điều chỉnh các quy tắc kinh tế và thương mại của mình phù hợp với các tiêu chuẩn cao của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số, cải thiện cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích của đầu tư nước ngoài, tiếp tục giảm bớt danh sách hạn chế đối với việc tiếp cận đầu tư nước ngoài và nỗ lực phá bỏ các rào cản hạn chế dòng chảy của các yếu tố đổi mới.

Trung Quốc đã tăng cường điều tiết kinh tế vĩ mô để đối phó với những thách thức từ bên ngoài và duy trì sự ổn định kinh tế - xã hội. Khi các chính sách của chính phủ dần có hiệu lực, lạm phát tiêu dùng vẫn được duy trì ở mức thấp; việc làm, thu nhập của người dân ổn định và rủi ro tài chính được kiểm soát. Trong bối cảnh ấy, thế giới đang kỳ vọng vào tiềm năng của Trung Quốc trong thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu, khi nước này tiếp tục cơ cấu lại kinh tế và mở cửa hơn nữa.

Kỳ vọng về tương lai

Các doanh nghiệp Pháp và Brazil tham dự Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ sáu diễn ra tại Thượng Hải đã bày tỏ sự tin tưởng về triển vọng kinh tế của Trung Quốc trong tương lai, cho biết họ sẵn sàng mở rộng hơn nữa hợp tác kinh tế và thương mại với Trung Quốc.

Ông Carlos Ricardo Caichiolo, Giám đốc Viện thị trường vốn Brazil chia sẻ: “Trung Quốc là một quốc gia rất quan trọng đối với chúng tôi. 23% hàng nhập khẩu của chúng tôi đến từ Trung Quốc và 26% hàng hoá Brazil được xuất sang Trung Quốc.”

Các nhà đầu tư Trung Đông cũng đang để mắt đến tiềm năng của thị trường Trung Quốc, cho rằng những nỗ lực mở cửa trong lĩnh vực tài chính của Bắc Kinh đang mang lại những cơ hội lớn. Tại hội nghị thường niên Diễn đàn Phố Tài chính 2023, hơn 400 chuyên gia lớn từ hơn 30 quốc gia và khu vực trên thế giới đã chia sẻ quan điểm và kỳ vọng của họ về việc Trung Quốc mở cửa lĩnh vực tài chính.

“Rất khó để chúng tôi bỏ qua một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Và Trung Quốc là một trong số đó. Chúng tôi đã đầu tư hơn 500 triệu đô la vào Trung Quốc trong 6 năm qua và tôi nghĩ rằng đó mới chỉ là bước khởi đầu” - ông Hazem Ben-gacem, đồng Giám đốc điều hành Investcorp khẳng định.

Nhìn về tương lai, nhà đầu tư này cho biết sẽ có nhiều cam kết tài chính hơn giữa Trung Quốc và các nước Trung Đông vì sự bao trùm trong chính sách của Trung Quốc mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Với niềm tin vào sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc, thời gian qua, hàng loạt các tổ chức tài chính toàn cầu đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2023 của Trung Quốc. Ông Robin Xing, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Morgan Stanley nhận định, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự kiến sẽ đạt được mức tăng trưởng tốt hơn vào năm 2024 nếu chính phủ nước này tiếp tục các chính sách hỗ trợ.

Theo ông Robin Xing, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Morgan Stanley, “Nếu chính phủ Trung Quốc có thể tiếp tục hỗ trợ chính sách tài khóa, hướng nguồn lực vào các lĩnh vực như tăng phúc lợi xã hội cho hộ gia đình, trường học, chăm sóc sức khỏe, tăng lương hưu cho lao động nhập cư thì điều đó sẽ giải phóng một số tiềm năng tiêu dùng. Chính phủ Trung Quốc cũng có thể phát hành thêm trái phiếu chính phủ để tài trợ cho vốn đầu tư xanh và tái phát triển đô thị. Vẫn còn rất nhiều dư địa cho việc tăng cường đòn bẩy của chính phủ trung ương vì chính quyền trung ương Trung Quốc có một trong những bảng cân đối kế toán lành mạnh nhất thế giới.”

Cũng theo ông Robin Xing, việc các tổ chức tài chính toàn cầu nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thời gian qua cho thấy niềm tin rằng tăng trưởng của Trung Quốc đã chạm đáy và sẽ phục hồi trở lại trong tương lai.

Sự phục hồi và tăng trưởng trong năm 2023 sẽ tiếp tục củng cố những thành tựu mà nền kinh tế số 2 thế giới đạt được sau một thập niên chuyển mình mạnh mẽ và hưng thịnh dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc, khi nền kinh tế hướng tới phát triển chất lượng cao hơn, hiệu quả, bền vững và an toàn hơn, qua đó tạo tiền đề để thực hiện Mục tiêu “100 năm” thứ hai xây dựng Trung Quốc trở thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại toàn diện về mọi mặt.

Dù vẫn còn một số tồn tại nhưng có thể khẳng định, thành tựu mà Trung Quốc đạt được trong 3 quý đầu năm sẽ là nền tảng quan trọng để nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vươn lên, phá vỡ mốc tăng trưởng 5% trong năm 2023 như kỳ vọng của chính Bắc Kinh cũng như toàn thế giới. Nền kinh tế Trung Quốc phục hồi và tăng trưởng sẽ có tác động lan tỏa và các quốc gia khác chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ đà tăng trưởng tích cực này.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.

Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.

Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.

Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.

Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.