Kon Tum nỗi nhớ như rừng

Bạn đã một lần đến Kon Tum? Nếu chưa, nói như lớp trẻ bây giờ, hãy nhấc ba lô lên và đi! Nếu đã một lần đến, thì thêm một lần nữa, một lần nữa... Sau mỗi chuyến đi trở về, sẽ có bao nhiêu là kỷ niệm, là nỗi nhớ, nỗi nhớ Kon Tum... Rồi một phút giây nào đó, ta phải thốt lên: Ôi, Kon Tum nỗi nhớ như rừng...

Người ta hay so sánh một cách rất tự nhiên, khi rơi vào cảnh huống có nét gợi nhớ sự tương đồng. Như khi xỏ đôi tất ngày Hà Nội đón ngọn gió mùa, bao giờ cũng gợi tôi trận ốm nhớ đời sau khi rời Măng Đen. Ai mà nghĩ được xứ cao nguyên lại có nơi lạnh đến vậy. Sáng hôm đó nghe đâu là 6 độ C. Và một đứa không hề được chuẩn bị, bước chân trần xuống nền nhà. Sang Đắk Lắk thì cơn sốt bùng lên, nằm khách sạn đợi cô bạn bác sĩ mang thuốc tới, nói với nhau bằng giấy bút. Về Hà Nội cả tuần vẫn chưa tìm lại được giọng.

Từ khi biết Măng Đen, với tôi Kon Tum có một sự tiếc nuối. Sao người ta lại bỏ quên cái xứ sở thần tiên trên cao? Chỉ cần cái rét tê tái ấy, những hàng mimoza lá bạc nở chùm hoa xốp như những cụm len vàng nhỏ xíu, vẻ mướt mát của rừng, sự huyền hoặc của vùng đất một thời là “tổ fulro, thủ đô đu đủ”, hay những ngôi làng nhỏ nép dưới thung lũng... cứ giữ nguyên lành không gian ấy, Măng Đen đã đủ lãng mạn mê lòng.

Măng Đen đẹp hoang sơ và thuần khiết.

Cũng ở xứ ấy, tôi biết thêm một cách trữ lúa là rang lên. Người Mơ Nâm ăn thứ gạo rẫy cứng đến mức gọi là gạo bọc thép. Không rang lên thì lấy nắng đâu mà phơi. Mà chỉ giống ấy mới cho hạt được ở nơi quanh năm thiếu nắng thừa thãi sương mù và gió lạnh. Ngồi trong gian nhà sàn nhỏ tranh tối tranh sáng, ngắm người thiếu phụ kiên nhẫn rang lúa bên bếp củi giữa nhà, thấy ồn ào hiện đại của phố xá náo nhiệt như không có thực, như không hề tác động gì đến cuộc sống chậm rãi của những con người trầm lặng nơi này. Còn dưới kia, thành phố Kon Tum đang vào mùa khô, nắng nung khô khao cả người.

Một mùa khô, cận Tết, chúng tôi tiện đường tạt vào làng Đắk Mế của người Brâu ở xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi. Làng vắng tanh, cỏ xấu hổ mọc tận vách ván thưng, len vào cửa, cao lắm. Sau phút ngơ ngẩn cảm thán với những người chủ nhà đang không biết vơ vất nơi nào trong rừng sâu, thì giật mình tỉnh ra vì vắt. Tôi chưa từng thấy ở đâu mà bọn vắt to khoẻ đến thế, lại còn đông đàn kéo lũ, búng tanh tách về phía con mồi bỗng dưng xuất hiện trong một buổi chiều vắng lặng buồn tênh. Thế là khách ù té thoát thân, xe phóng xa rồi vẫn còn râm ran về cái cảnh lũ vắt quơ vòi tua tủa trên vách liếp. Người Brâu, vì số dân ít, nằm trong số những dân tộc ít người nhất ở Việt Nam, nên được nhà nước chăm chút quan tâm khá nhiều. Sau này, khi tôi gặp những người đàn ông Brâu mang chiêng ra Hà Nội trình diễn, nghe nhịp chiêng bùng bùng của họ, cứ hình dung như tiếng bước chân giẫm trên lá rừng của đoàn người du mục.

Đồng bào Brâu ở xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi. Ảnh: Baodantoc

Kon Tum là nơi giữ hình ảnh cung đường đẹp nhất trong đời tôi từng được qua. Con đường qua Đắc Glei ngày thị trấn cũ kỹ xuyên giữa đám dương xỉ khổng lồ vươn lên từ mép vực, hơi lạnh phủ mờ ảo dưới tầng cổ thụ nguyên sinh. Giá có thể ước để vẻ đẹp cổ xưa đến huyền hoặc ấy không biến mất.

Giá có thể ước quay về bên bờ Đắc Bla. Trong đêm ở nhà sàn, ngắm người già nằm bên bếp lửa trầm bổng hát chuyện chàng Đăm Dông, dù không hiểu một từ Banar nào vẫn nao nao nghĩ về một thời xưa cũ.

Kon Tum trong tôi nguyên vẹn mấy dãy phố ô vuông bàn cờ xanh um một loài nhãn cổ thụ gân guốc che rợp mái ngói lên rêu thời gian. Gặp bạn bè Kon Tum, cứ ngỡ như Kon Tum vẫn là Kon Tum trong nỗi nhớ của mình, tôi hỏi thăm cái quán cà phê Eva ngày thành phố còn thị xã mà lần nào tới Kon Tum cũng phải ghé, ngắm vỏ bom xếp làm hàng rào, treo lủng lẳng nơi cửa, ngẫm nghĩ về sự khốc liệt của chiến tranh và cả sự kỳ diệu của thời gian. Giờ thì miên man những quán cà phê, màu sắc, âm thanh lấn lướt, Eva thành ký ức rồi chăng?

Đèo Lò Xo. Ảnh: SKĐS

Trong chuyến vượt đèo Lò Xo quay lại Kon Tum, tôi cứ dõi tìm làng Măng Khên thuộc xã Đắc Man của người Giẻ Triêng, xưa vốn ven đường rợp dưới tán rừng cổ thụ. Nhưng đã thành xa vắng. Đường lớn qua đây, làng dời đi chốn nào? Còn hay mất những bó củi hứa hôn bằng chằn chặn xếp bên vách, dưới sàn nhà, ken vào nhau như những đóa hoa, khiến người qua ngỡ ngàng trước một vẻ đẹp siêu thực? Tôi cứ tự cho phép mình miên man trong nỗi nhớ đan giăng như những sợi dây níu cầu treo Kon Klor đưa người Banar vào phố.

Nỗi nhớ mọc lâu thành rừng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Con đường ngày xưa chúng tôi đi học, lòng đường bé tin hin bằng hai gang bàn tay người lớn, thêm sỏi đá mấp mô ngáng bánh xe đạp không thương tiếc. Bữa nào vừa nhấn bàn đạp mải miết, vừa ngúc ngoắc đầu nói chuyện là gặp hòn đá xóc nảy người, chiếc cặp nhẹ tênh có khi giật mình rơi khỏi giỏ xe cà tàng. Con đường “huyền thoại” ấy chưa đi vào thơ ca nhạc họa của văn nghệ sĩ bao giờ nhưng nó đi vào ký ức tuổi thơ của chúng tôi cho tới tận hôm nay.

Sự hiện hữu của thời gian trở nên rõ rệt là khi trên khuôn mặt xuất hiện thêm những nếp gấp, một vài vết tàn nhang cùng màu tóc dần ngả bạc. Thời gian vô tình khiến những hoạt động mà mình vốn yêu thích bỗng trở nên khó thực hiện, mặc dù lòng nhiệt huyết vẫn còn nhưng tuổi tác và khuôn mặt đã không còn phù hợp nữa rồi.

Phố bắt đầu ngày mới bằng những sắc hoa thuỳ mị trong chợ hoa Quảng Bá. Đường Âu Cơ tươi xinh màu sắc trong tia nắng dịu nhẹ chưa vương mùi bụi khói. Tâm thức anh chợt lạc về câu chuyện em nói với anh ngày xưa khi anh cùng em ngang qua đoạn đường này.

Thấm thoắt, ngoại tôi đã về miền mây trắng đoàn tụ với ông bà tổ tiên được mười sáu năm rồi. Từ ngày ngoại mất, số lần tôi theo mẹ về quê chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mỗi năm tới ngày giỗ ngoại, tuy không nói ra nhưng tôi cảm nhận được nỗi buồn nghẹn lại trong lồng ngực mẹ nếu năm đó mẹ không thể sắp xếp về quê thắp cho ngoại nén hương.

Thuở bé, mỗi lần được nằm gối đầu lên đùi mẹ, lắng tai nghe những giai điệu trong trẻo mà sâu lắng từ những câu hát ầu ơ quen thuộc, lòng tôi mỗi lúc ấy đều cảm thấy dễ chịu và ấm áp lạ thường. Sau này, khi năm tháng trôi đi, bôn ba trên khắp các nẻo đường xuôi ngược, hễ vô tình được nghe thấy thứ âm thanh giản dị và thân thương ấy, thì những ký ức tuổi thơ trong tôi lại nối tiếp theo tiếng hát tìm về.

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Trên những mảnh đất bom đạn ngày xưa, cỏ đã tô xanh màu máu đỏ. Màu xanh của hòa bình. Cỏ đã đắp da thịt lên vết thương chiến tranh, cỏ đã sống xanh hộ phần người. Nếu có một lần đến thăm nơi đó, xin đừng giẫm chân lên cỏ bởi mỗi một ngọn cỏ là một mặt trời, dưới mỗi ngọn cỏ là một trái tim đỏ thắm.