Lá thư gửi Hà Nội yêu dấu
Lần đầu tiên đặt chân đến Hà Nội cách đây gần 15 năm, đó là vào năm 2008, tôi được Chính phủ mời đến tham gia Hội đồng giám khảo quốc tế xét chọn phương án kiến trúc Nhà hát Thăng Long của hai kiến trúc sư tài danh là Norman Foster và Renzo Piano.
Ở thời điểm đó, tôi lưu giữ trong mình nhiều ký ức về Việt Nam từ thời còn là sinh viên khi tham gia phong trào phản đối chiến tranh Tôi biết đến lịch sử, văn hóa Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng thông qua việc đọc và dịch các loại tài liệu.
Hà Nội trong tôi là một thành phố thật đẹp và cổ kính. Tôi đã đi rất nhiều thành phố lớn trên thế giới, nhưng tôi thấy Hà Nội là một trong những thành phố đẹp nhất mà tôi đã từng đi qua.
Hà Nội rất đẹp với rất nhiều công trình kiến trúc giá trị mang phong cách khác nhau. Khu vực Hồ Gươm, những góc phố cổ, Văn Miếu Quốc Tử Giám… là những viên ngọc quý. Thú vị nhất chính là các khu phố như một “phòng ăn lớn”, nó giống như thể vừa là nhà vừa là không gian chào đón tất cả du khách đến, thăm quan và chiêm ngưỡng. Mọi thứ đều khiến tôi tò mò mong muốn tìm kiếm tựa hư kiến trúc và ẩm thực nơi đây.
Tôi cũng ấn tượng với kiến trúc cổ điển Pháp, những ngôi nhà theo phong cách của kiến trúc sư nổi tiếng Le Corbusier. Những nét đẹp hiện đại và cả hậu hiện đại nữa. Tôi đã bị mê hoặc bởi kiến trúc của nhiều công trình nổi tiếng đó là Nhà hát lớn, Viện Viễn Đông Bác Cổ, trường Chu Văn An, ga Hà Nội, cầu Long Biên, những ngôi biệt thự Pháp nằm dọc trên phố Phan Đình Phùng,…
Không gian kiến trúc của Hà Nội rất tuyệt vời và phản ánh những lát cắt của lịch sử. Bên cạnh những công trình mang bề dày hàng ngàn năm văn hiến, thành phố nên cố gắng giữ gìn bảo tồn các không gian kiến trúc từ thế kỷ 19 tới đầu thế kỷ 20. Nên có các chương trình quảng bá về một thành phố vừa cổ kính vừa hiện đại. Theo tôi đó là điều vô cùng quan trọng. Tôi đã gắn bó với thành phố này đủ lâu để quan sát, để đắm mình và cảm nhận Hà Nội thay đổi và chuyển mình mạnh mẽ từng ngày. Hà Nội đã hiện đại hơn nhiều so với những ngày đầu tôi đặt chân tới đây…
Tôi thích ẩm thực Việt Nam vì có nhiều loại nước chấm khác nhau và các loại rau xanh mướt.
Tôi thích tất cả các con phố xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Có nhiều tán cây rủ xuống nước tạo nên một khung cảnh rất nên thơ và có thể đi dạo quanh hồ để ngắm cảnh.
Tôi đã có lần trải nghiệm Tết ở Hà Nội. Đó là một thời khắc đặc biệt với tất cả mọi người. Với một người lãng mạn như tôi, đó là lúc tôi thường nghĩ về những thời khắc chiêm nghiệm những gì đã qua. Tôi thích pháo hoa, thích những sự ồn ã vui tươi khi mọi người cùng nhau bên Hồ Gươm đón chào năm mới.
Con người Hà Nội nồng hậu, nhiệt tình, thân thiện, cởi mở đem đến cho tôi cảm giác ấm áp như đang ở xung quanh những người bạn. Điều này rất thú vị mà bạn sẽ không tìm thấy ở nhiều quốc gia. Tôi như được truyền thêm năng lượng sống tuyệt vời.
Với tôi, khát khao sáng tạo là niềm đam mê suốt cuộc đời. Tôi yêu thích nhiếp ảnh nên đã miệt mài ghi lại hình ảnh về những người trẻ của Hà Nội, những khoảnh khắc chân thực về hơi thở và nhịp sống thường nhật tại đây.
Những người trẻ tràn đầy sức sống, có cùng hoài bão, những người trẻ cởi mở, gắn kết hơn với những điều mới lạ. Đó là lý do tại sao tôi lại thực hiện dự án “Happy Street”.
Với bộ ảnh chụp đen trắng, tôi đã ghi lại những hình ảnh vui tươi, đong đầy cảm xúc từng gương mặt. Có bức ảnh về người già đã nghỉ hưu, có bức ảnh về chiếc xe đạp cũ, có bức ảnh về những hoạt động hàng ngày trên đường phố…
Từ những bức ảnh của mình, tôi mong muốn truyền đi một thông điệp tích cực về cuộc sống và văn hóa, con người, đường phố của Hà Nội - của Việt Nam hiện đại. Về một đất nước rạng rỡ, cuộc sống thay đổi và phát triển không ngừng, cũng như các không gian công cộng tràn đầy sự trẻ trung, năng động và sáng tạo. Đó là sự cân bằng hoàn hảo giữa nét hiện đại và truyền thống đích thực của dân tộc Việt Nam.
Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục ra mắt triển lãm mới tại Hà Nội, triển lãm lần này mang tên “Gương mặt người Việt Nam”. Tôi sẽ kể những câu chuyện thông qua những khuôn mặt bình dị khác nhau. Hy vọng triển lãm và cuốn sách ảnh mới sẽ thành công.
Hà Nội - mảnh đất nghìn năm văn hiến ấy đã trở thành nguồn cảm hứng trong sáng tác của tôi.
Ngay trong lời tựa tập thơ “ Giữa lòng Hà Nội” của mình, tôi coi Hà Nội như bóng hình thương mến “ luôn ẩn mình trong những lời thơ, như những dòng suối trên non mang lại sức sống mới và làm dịu cơn khát tình bạn. Hà Nội con thuyền cổ vĩ đại trôi trên mặt hồ”
Mỗi bài thơ, áng thơ đều chan chứa tình yêu của tôi không chỉ với từng địa danh lịch sử, những công trình tiêu biểu, với những con người, mà còn thể hiện qua ký ức về cảnh vật, về cuộc sống đời thường của những người dân Hà Nội, những con phố nhỏ, ngõ nhỏ gắn liền với tập quán và văn hóa. Tôi cảm giác tập thơ cứ dài vô tận và tôi thích điều đó, thích cảm xúc và ấn tượng của mình cứ kéo dài mãi.
Khi tôi đến Hà Nội lần đầu tiên ấy, tôi đồng thời cũng làm việc song song tại Ý. Rồi công việc cuốn tôi đi và giữ chân tôi ở lại thành phố này. Có một ngày, tôi chợt nhận ra, tôi đã ở Hà Nội hơn 10 năm. Và tôi cũng nhận ra, mình chưa từng nghĩ về việc sẽ khép lại hành trình của mình đến nơi đây. Tôi thấy tình yêu của mình với thành phố chưa bao giờ phai nhạt , và cả sự gắn bó với với nền văn hóa nơi đây cũng vậy.
"Tôi xin làm nhà thơ ở Hà Nội, ngắm những cửa hàng mở của đón những vị khách đầu tiên. Nhớ những người đã viết và mơ trong các quán cà phê trên những con phố nhỏ.
Tôi sẽ là nhà thơ trong những ngày ấm áp và những đêm không sao. Những đêm dày đặc mời gọi chúng ta trò chuyện với những người bạn xa lạ trong thành phố.
Tôi không thể quên được những con người đã cống hiến hết mình để cứu người trong những ngày cả nước gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19: là các bác sĩ, điều dưỡng và hộ lý, là cảnh sát và quân đội. Họ là những người tiên phong trong cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình.
Hà Nội là trung tâm của những câu chuyện của tôi và của những ký ức trong tôi. Thành phố trò chuyện với tôi mỗi ngày - một cách chậm rãi từ linh hồn ngàn năm của nó."
Sống ở Hà Nội gằn 15 năm, tôi thấy thương nhớ vô cùng hai mùa mà tôi thích nhất: mùa xuân và mùa thu. Đây là hai mùa đẹp nhất trong năm. Mùa gợi cho tôi rất nhiều cảm xúc và sự ấm áp của lòng người. Hà Nội đã ôm tôi trong nhịp sống của mình và cho tôi lắng nghe nhịp đập của một thành phố. Các bạn đã cho tôi một quãng thời gian đáng nhớ và tôi vẫn đang tiếp tục nuôi dưỡng những tháng ngày tuyệt vời đó. Vào lúc này, điều tôi có thể nói về Hà Nội chỉ gói gọn trong một câu giản đơn nhưng được cất lên thẳm sâu trong trái tim mình.“ Xin cảm ơn Hà Nội!”
10/10/2022
Salvador Pérez Arroyo.
Thực hiện: Bích Thảo - Ngọc Huyền
Ảnh: Văn Tuyến
Đồ họa: Thanh Nga
Hơn 40ha trồng đào ở Nhật Tân, làng đào nổi tiếng của Hà Nội, gần như bị cơn bão số 3 (Yagi) phá hủy hoàn toàn.
Nối huyện Đông Anh với quận Long Biên, cầu Đông Trù không chỉ nổi bật bởi vai trò giao thông quan trọng mà còn gây ấn tượng mạnh với thiết kế độc đáo.
Với mục tiêu thay đổi diện mạo của Thủ đô, thời gian qua thành phố đã đẩy mạnh công tác chỉnh trang đô thị và cải tạo cảnh quan môi trường, mang đến cho người dân một không gian sống chất lượng.
Sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 vừa qua, hoa giấy ở làng nghề Phù Đổng, huyện Gia Lâm, đã khoe sắc trở lại. Thời điểm này, người trồng hoa đang tất bận chuẩn bị cho Lễ hội 'Sắc hoa trên miền di sản' được tổ chức thường niên vào tháng 11 hàng năm.
Mỗi khi chiều buông nắng, nếu có dịp đến ngã ba sông Hồng - sông Đuống, bạn sẽ được chứng kiến khung cảnh thiên nhiên thơ mộng.
Hoa ngâu - loài hoa đặc biệt bởi chẳng có cánh mà hoa cứ tròn như hạt, như nụ. Bởi vậy mà các cụ cao niên thường gọi là nụ ngâu, chứ không gọi là hoa ngâu. Những bông hoa nhỏ xíu và chúm chím như nụ cười duyên của nàng thôn nữ.
0