Làm nông dân

Làm nghề nông vất vả quanh năm, để thu hoạch được nông sản như ý muốn phải trông vào thời tiết và mùa vụ. Còn tôi thích làm nông dân trên mạng, chẳng còn lo mưa gió ảnh hưởng ruộng vườn. Trồng một vườn rau, vườn hoa hay vườn quả chỉ đợi một vài tiếng hoặc một vài ngày để cây đâm chồi, ra hoa kết trái và chín quả. Đến khi mảnh vườn chín rực thì hăm hở thu hoạch mang về kho. Cái cảm giác làm nông dân sao mà mê mẩn.

Chiều nay, Hường kể bạn nghe trải nghiệm của Phương Hạ làm nông dân trong phòng máy lạnh.

Nghiện gì cũng là tội nợ. Như nghiện làm vườn trên Facebook chẳng thể nào thôi ám ảnh đã đến giờ phải thu hoạch, nếu không thì hoa héo rũ, quả khô, cành gãy. Mất vốn mất lời thì tiếc ít, nhưng ngắm cái vườn tan hoang thì cám cảnh. Trồng một vườn rau, vườn hoa hay vườn quả cần đợi chờ một vài tiếng hoặc một vài ngày để cây đâm chồi nảy cành, ra hoa kết trái và chín quả. Đến khi mảnh vườn chín rực thì hăm hở thu hoạch mang về kho. Cái cảm giác làm nông dân sao mà mê mẩn.

Ảnh minh họa: Châu Nguyễn Jr, Nguyễn Văn Giang

Giống như hồi còn nhỏ, tôi theo mẹ ra đồng. Người lớn kéo chiếc cày bốn lưỡi cắm sâu vào đất đỏ tơi xốp sau những ngày mưa dầm dề. Tôi lũn cũn theo sau, tay hăm hở thả hạt giống vào giữa những luống cày, chân gạt đất, mơ màng nghĩ tới khi hạt mầm đội đất chui lên. Anh trai nửa lớn nửa nhỏ, nghe tiếng dế kêu là quăng cả cày. Anh lật từng cục đất trước đó mấy bữa lưỡi cuốc đã lật lên cho đất hả để tìm cho ra con dế than hay dế lửa đang phồng cánh gáy. Sau một cơn mưa theo mẹ ra đồng, những cái mầm trắng xanh mũm mĩm đã lấp ló. Những buổi làm cỏ vun gốc bón phân, những buổi nhìn hoa đậu phụng vàng ươm dưới nách lá. Cây bắp trổ cờ tim tím đợi gió tạt qua là hào phóng vung vãi phấn hoa, phất phơ những sợi râu non óng mướt mềm mại. Lúa trổ đòng thơm ngát rung rinh những hoa vàng li ti bám vào bông.

Hào hứng là khi luồn lách trong đám bắp cao vút, lá cứa vào người sột soạt ngứa, xước cả da để tìm những bắp ngô đầu mùa tròn mút đầu mút đuôi, bẻ giòn rụp một tiếng. Về luộc nồi bắp đầu mùa mà cả nhà vừa ăn vừa xuýt xoa ngon trước khi mang bán. Bí đỏ bí xanh vãi trong đám bắp cho mọc tự do, giờ quả đầy phấn trắng, nằm căng tròn giữa những gốc bắp như heo con no sữa. Nhổ túm đậu phộng lên rũ rũ đất, nhìn chùm củ hồng hào tươi ròng lột vỏ ăn ngay dù người ta dọa ăn đậu phộng sống sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng đậu phộng rất ngọt, béo ngậy làm tôi quên cả mùi đậu sống hăng xì, ăn một củ lại muốn tách vỏ củ nữa, càng ăn càng ghiền.

Ruộng bắp vào mùa. Ảnh minh họa

Bới vồng khoai gạt một lớp đất mỏng dưới đám dây bắt đầu vàng lá là cả một vừng củ lóc nhóc mập mạp. Tất cả đều tươi và căng tràn làm tôi thờ thẫn ngắm nghía, vui một niềm vui vừa trong trẻo vừa man dại khi tôi chạm tay vào tạo vật đẹp đẽ, no đủ mà đất đai đã nuôi dưỡng. Cả cây bồ quân nơi góc rẫy mà tôi và mẹ tranh thủ chút bóng mát để ăn trưa, nghỉ uống nước giữa buổi làm cũng giấu giếm được mấy chùm quả chín tím rịm. Khi tìm được vài chùm quả chín, tôi bóp mềm cho vào miệng cảm thấy cái vị chua chua, ngòn ngọt chan chát ấy sao mà ngon. Cái chùm bồ quân tôi hái được ở góc rẫy ngày ấy thơm ngon hơn bất cứ xâu bồ quân nào tôi mua sau này. Nó chỉ còn là trái bồ quân, không còn hương vị của đất, của nắng gió quạt qua giọt mồ hôi tôi mát rượi.

Giờ tôi làm người nông dân trên Facebook. Tôi cũng cày đất, trồng cây và thu hoạch. Lại thêm chăn bò, nuôi gà, hái quả. Làm nông dân trong phòng máy lạnh, chẳng có mưa gió bão bùng làm tôi lo lắng. Như một sớm mai, sau cơn mưa tầm tã, gió giật đùng đùng trên mái, con đường vào rẫy trơn lầy làm chiếc xe đạp của mẹ trượt lên trượt xuống, mình mẩy lấm bùn. Như người bước hụt, xót xa khi đứng nhìn vạt lúa sũng nước nằm ẹp xuống từng vũng. Còn lá bắp rách tan nát, cờ bắp ngả nghiêng mà sức người thì bất lực. Đống đậu đã nhổ chất cao ngồn ngộn kia không đập kịp, không phơi kịp là vài hôm nữa sẽ nứt củ, chòi ra những cái mầm non mởn. Ở những trái bắp khô múp đầu tới nứt vỏ, những hạt bắp hở ra tròn căng sẽ mọc vội từng chùm rễ trắng tinh, trắng đến quặn lòng. Còn gì thu được thì thu, còn gì hái được thì hái. Thu hái vội vàng giữa những tiếng thở dài dù có to tới mấy cũng không bật nổi thành âm thanh vì đất trời mênh mông, mà người tôi thì nhỏ bé. Nỗi thất vọng, tiếc nuối và cơn giận không biết trút vào đâu đành ngậm vào lòng, trôi ngược lên trán đọng lại thành nếp nhăn.

Khu vườn tươi tốt trên mạng không lo mưa nắng ảnh hưởng tới ruộng vườn. Ảnh minh họa

Làm nông dân trên Facebook, mấy ngày tôi đã trở thành Super Farmer. Tôi đủ tiền để mua villa, tậu năm bảy toà nhà, lập trường học, xây nhà kho, vườn hoa, bể bơi hay ghế đá. Chẳng bù cho mẹ làm nông dân bao năm đến mùa mang về nhà được đầy sập lúa, vài chục bao đậu, đống bắp khô ngổn ngang góc nhà đã rạng rỡ mặt mày. Năm đó tết đến tự cho mình quyền thảnh thơi đổ vài trăm bánh thuẫn, ra vườn nhổ mấy bụi gừng, lột mấy trái dừa làm mứt. Mẹ tôi làm nông dân vậy, mà bây giờ tôi lại nghiện làm nông dân./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Con đường ngày xưa chúng tôi đi học, lòng đường bé tin hin bằng hai gang bàn tay người lớn, thêm sỏi đá mấp mô ngáng bánh xe đạp không thương tiếc. Bữa nào vừa nhấn bàn đạp mải miết, vừa ngúc ngoắc đầu nói chuyện là gặp hòn đá xóc nảy người, chiếc cặp nhẹ tênh có khi giật mình rơi khỏi giỏ xe cà tàng. Con đường “huyền thoại” ấy chưa đi vào thơ ca nhạc họa của văn nghệ sĩ bao giờ nhưng nó đi vào ký ức tuổi thơ của chúng tôi cho tới tận hôm nay.

Sự hiện hữu của thời gian trở nên rõ rệt là khi trên khuôn mặt xuất hiện thêm những nếp gấp, một vài vết tàn nhang cùng màu tóc dần ngả bạc. Thời gian vô tình khiến những hoạt động mà mình vốn yêu thích bỗng trở nên khó thực hiện, mặc dù lòng nhiệt huyết vẫn còn nhưng tuổi tác và khuôn mặt đã không còn phù hợp nữa rồi.

Phố bắt đầu ngày mới bằng những sắc hoa thuỳ mị trong chợ hoa Quảng Bá. Đường Âu Cơ tươi xinh màu sắc trong tia nắng dịu nhẹ chưa vương mùi bụi khói. Tâm thức anh chợt lạc về câu chuyện em nói với anh ngày xưa khi anh cùng em ngang qua đoạn đường này.

Thấm thoắt, ngoại tôi đã về miền mây trắng đoàn tụ với ông bà tổ tiên được mười sáu năm rồi. Từ ngày ngoại mất, số lần tôi theo mẹ về quê chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mỗi năm tới ngày giỗ ngoại, tuy không nói ra nhưng tôi cảm nhận được nỗi buồn nghẹn lại trong lồng ngực mẹ nếu năm đó mẹ không thể sắp xếp về quê thắp cho ngoại nén hương.

Thuở bé, mỗi lần được nằm gối đầu lên đùi mẹ, lắng tai nghe những giai điệu trong trẻo mà sâu lắng từ những câu hát ầu ơ quen thuộc, lòng tôi mỗi lúc ấy đều cảm thấy dễ chịu và ấm áp lạ thường. Sau này, khi năm tháng trôi đi, bôn ba trên khắp các nẻo đường xuôi ngược, hễ vô tình được nghe thấy thứ âm thanh giản dị và thân thương ấy, thì những ký ức tuổi thơ trong tôi lại nối tiếp theo tiếng hát tìm về.

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Trên những mảnh đất bom đạn ngày xưa, cỏ đã tô xanh màu máu đỏ. Màu xanh của hòa bình. Cỏ đã đắp da thịt lên vết thương chiến tranh, cỏ đã sống xanh hộ phần người. Nếu có một lần đến thăm nơi đó, xin đừng giẫm chân lên cỏ bởi mỗi một ngọn cỏ là một mặt trời, dưới mỗi ngọn cỏ là một trái tim đỏ thắm.