Làn sóng bạo lực đang ngày càng 'nhấn chìm' Ecuador
An ninh bất ổn
Tổng thống Ecuador Daniel Noboa - người vừa nhậm chức vào tháng 11/2023 phải tuyên bố đất nước đang trong tình trạng chiến tranh chống lại các băng đảng ma túy đang thực hiện làn sóng bắt cóc và tấn công chết người nhằm đáp lại sự trấn áp của chính phủ.
Ecuador đã rơi vào tình trạng bất ổn an ninh nghiêm trọng sau khi bạo loạn nổ ra tại sáu nhà tù. Tù nhân bắt giữ nhiều nhân viên trại giam làm con tin và đấu súng với lực lượng an ninh. Hôm 7/1, thủ lĩnh băng đảng và trùm ma túy khét tiếng ở quốc gia Nam Mỹ là Adolfo Macias đã trốn thoát khỏi nhà tù nơi hắn đang thụ án 34 năm. Hai cai ngục đã bị giam giữ vì đồng lõa giúp hắn vượt ngục.
Sau đó, giới chức nhà tù Ecuador báo cáo một loạt vụ bạo loạn xảy ra tại ít nhất 6 nhà tù. Các lính canh đã bị các tù nhân bắt làm con tin và bị dọa giết nếu chính quyền điều binh lính đến. Khoảng 39 tù nhân cũng đã vượt ngục ở thành phố Riobamba, trong đó có cả Fabricio Colon Pico, thủ lĩnh của nhóm Los Lobos.
Ngoài bạo loạn trong nhà tù, còn xảy ra nổ bom ở một số địa điểm ở Ecuador, buộc người dân phải ẩn náu trong nhà khi các cửa hàng, trường học và các tòa nhà công cộng khác đều đóng cửa. Bốn cảnh sát đã bị bắt cóc ở các thành phố Machala và Quito.
Tổng thống Ecuador Daniel Noboa đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong 60 ngày, yêu cầu triển khai lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ trên đường phố và tại các nhà tù, cũng như áp đặt lệnh giới nghiêm từ 23 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau.
Tổng thống Ecuador Daniel Noboa phát biểu: “Chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh và chúng ta không thể nhượng bộ với những băng nhóm khủng bố. Chúng ta sẽ không ngừng đối đầu với hơn 20.000 thành viên của các tổ chức này.”
Tuy nhiên, các biện pháp mạnh tay này cũng không ngăn được các băng nhóm tội phạm tiếp tục hoành hành. Ngày 9/1, một nhóm người bịt mặt đã xông vào trường quay của kênh truyền hình TC ở thành phố cảng Guayaquil giữa lúc đang phát sóng trực tiếp. Chúng mang theo súng cùng chất nổ đe dọa các nhân viên trong đài. Cảnh sát Ecuador sau đó thông báo đã bắt giữ tất cả 13 kẻ đột nhập đeo mặt nạ, thu giữ súng và chất nổ mà các tay súng mang theo. Đây là các đối tượng đã trốn khỏi trại giam sau một vụ bạo loạn.
Mới đây nhất, một công tố viên Ecuador đã bị sát hại ở thành phố Guayaquil, trong khi người này đang dẫn đầu cuộc điều tra về vụ tấn công đài truyền hình TC. Ngoài điều tra vụ tấn công đài truyền hình TC, công tố viên này cũng phụ trách vụ án liên quan đến một trùm ma túy, kẻ được cho là đã nhận được sự đối xử ưu ái từ các thẩm phán, công tố viên, cảnh sát và các quan chức cấp cao.
Phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric, cho biết, Tổng Thư ký Antonio Guterres rất lo ngại về tình hình ngày càng xấu đi ở Ecuador cũng như tác động tiêu cực của nó đối với cuộc sống của người dân nước này.
Căn nguyên của tình trạng bạo lực tại Ecuador
Tình hình an ninh ngày càng tồi tệ ở Ecuador phần lớn là do các tổ chức tội phạm gây ra. Những tổ chức tội phạm này thường xuyên thực hiện các hành động bạo lực tàn bạo và công khai trên đường phố, trong hệ thống nhà tù của đất nước để giành quyền kiểm soát các tuyến đường buôn bán ma túy. Một báo cáo của Liên hợp quốc công bố hồi tháng 9/2023 cho biết bạo lực gia tăng ở Ecuador là lời cảnh tỉnh để khẩn trương giải quyết tình trạng nghèo đói. Việc thiếu cơ hội việc làm và trình độ học vấn kém đã khiến những người trẻ tuổi dễ dàng trở thành mục tiêu lôi kéo của các băng nhóm tội phạm.
Ecuador trước đây được xem là quốc gia tương đối yên bình, nhưng những năm gần đây đã chứng kiến sự bùng nổ bạo lực. Bạo lực băng đảng bén rễ ăn sâu khiến cho nước này rất khó giải quyết triệt để.
Cựu Tổng thống Ecuador Rafael Correa cho hay: “Ecuador đang sống trong cơn ác mộng thực sự. Tình hình này là kết quả của sự phá hủy có hệ thống nền pháp quyền, của những sai lầm hận thù tích lũy trong bảy năm qua”.
Trong khoảng thời gian 7 năm qua, quốc gia Nam Mỹ này đã thật sự trải qua cơn ác mộng chìm trong bạo lực, với các chính phủ liên tiếp không thể kiềm chế các phe phái tội phạm có tổ chức. Kho bạc nhà nước ngày càng cạn kiệt, đấu đá chính trị nội bộ, tham nhũng và nợ nần chồng chất đã tạo ra khoảng trống tài trợ trong các chương trình xã hội và thực thi pháp luật. Đại dịch Covid-19 đã khiến trẻ em rơi vào cảnh đói ăn và người lớn thất nghiệp trở thành đối tượng dễ dụ dỗ làm tay sai của các nhóm tội phạm. Tình hình đó khiến tội phạm ngày càng lộng hành.
Giới chuyên gia theo dõi các nhóm tội phạm ở Mỹ Latinh cho rằng, cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ecuador trước hết là kết quả trực tiếp của nhu cầu ma túy luôn tăng cao, hầu như ở một số nước giàu. Chẳng hạn, nhu cầu heroin và cocaine ngày càng tăng của Mỹ dẫn đến việc trồng cây thuốc phiện cũng như sản xuất heroin và cocaine tăng nhanh ở Mexico và Bolivia. Thứ hai, khi các băng đảng từ Colombia, Mexico, Brazil, Venezuela và các nước láng giềng khác bị đẩy ra ngoài do thị trường ma túy địa phương suy giảm thì họ sẽ đổ xô đến Ecuador, nơi lực lượng an ninh thiếu kinh nghiệm ứng phó tội phạm.
Ecuador giáp với hai nước sản xuất cocaine lớn nhất thế giới là Colombia và Peru. Ông Renato Rivera thuộc Cơ quan quan sát tội phạm có tổ chức của Ecuador giải thích, chính nền kinh tế theo hướng toàn cầu hóa của Ecuador, với khả năng tiếp cận các thị trường ở châu Á và châu Âu nhưng kiểm soát an ninh kém ở các cảng, đã khiến nước này trở thành trung tâm buôn bán cocaine trên toàn thế giới. Ecuador xuất khẩu khoảng một triệu container hàng hóa /năm và hoạt động thương mại này mang lại vỏ bọc hoàn hảo cho việc vận chuyển ma túy. Trong khi đó, lực lượng an ninh của nước này không được chuẩn bị kỹ càng về trang thiết bị, đào tạo và chiến lược ứng phó. Chưa kể, các cáo buộc tham nhũng đã len lỏi vào hệ thống an ninh và tư pháp.
Hệ thống nhà tù từ lâu đã trở thành điểm bạo lực khét tiếng ở Ecuador. Theo chính quyền Ecuador, lực lượng an ninh đã phải vật lộn để đối đầu với các băng đảng bên trong các nhà tù quá tải - nơi các tù nhân thường nắm quyền kiểm soát từng khu vực nhà tù và điều hành các mạng lưới tội phạm từ sau song sắt. Hiện Ecuador chỉ có khoảng 2.600 giám thị trên toàn quốc để quản lý 32.000 tù nhân, chưa tính các trung tâm giam giữ thanh thiếu niên.
Bên cạnh đó, nghèo đói đã dẫn đến sự xuất hiện của các băng đảng vũ trang gồm toàn những người trẻ tuổi vốn không có nhiều lựa chọn cho bản thân khi thiếu tiếp cận với giáo dục, chăm sóc sức khỏe và việc làm.
Bị mắc kẹt giữa khó khăn kinh tế, tống tiền và nỗi lo trở thành nạn nhân của tội phạm bạo lực, nhiều người Ecuador đã chọn cách di cư đến các nước khác, có thể góp phần vào khủng hoảng di cư ở Mỹ nếu mọi thứ tiếp tục vượt tầm kiểm soát.
Ecuador tăng cường đảm bảo an ninh
Tổng thống Daniel Noboa đã xếp 22 băng nhóm tội phạm vào danh sách tổ chức khủng bố và các lực lượng vũ trang được trao quyền hành lớn hơn để chống lại tội phạm có tổ chức, đặc biệt là trong các nhà tù.
Ecuador sẽ xây thêm các trại giam có chế độ an ninh tối đa để giam giữ ít nhất 700 thủ lĩnh băng đảng. Việc xây dựng các cơ sở này là bước khởi đầu cho quá trình tái thiết khẩn cấp hệ thống nhà tù, đồng thời củng cố hệ thống luật pháp cứng rắn hơn, thẩm phán trung thực và khả năng dẫn độ tội phạm bị truy nã ra nước ngoài cũng là điều cần thiết.
Tổng thống Ecuador Daniel Noboa đã lên kế hoạch chi tiết cho hai nhà tù an ninh mới . Đây là một phần trong cam kết tiến hành cuộc chiến chống các băng nhóm ma túy và làn sóng bạo lực đang gia tăng ở nước này.
Các thiết kế nhà tù mới ở các tỉnh Pastaza và Santa Elena sẽ có đủ chỗ cho 736 tù nhân, được phân chia theo ba cấp độ an ninh, với hệ thống ngăn chặn tín hiệu di động và vệ tinh, kiểm soát truy cập kỹ thuật số và hàng rào bảo vệ ba lớp.
Tổng thống Noboa đang tìm cách tái lập trật tự cho đất nước bằng "Kế hoạch Phượng hoàng", được ông công bố vào tháng 11/2023 ngay sau khi đắc cử. Ông chủ trương đầu tư cho quân đội và cảnh sát nhằm cải thiện năng lực trấn áp tội phạm, xây dựng thêm nhà tù với hệ thống giám sát nghiêm ngặt hơn và tăng cường an ninh ở hải cảng, sân bay.
Ông Noboa dự kiến chương trình cải cách có thể tốn khoảng 800 triệu USD, nhưng ông kỳ vọng có thể thuyết phục Mỹ san sẻ gánh nặng với khoản viện trợ 200 triệu USD.
Ngoài ra, Tổng thống Noboa còn đang đàm phán thỏa thuận trục xuất tội phạm đến từ các nước láng giềng. Người gốc Colombia, Peru và Venezuela chiếm khoảng 90% phạm nhân nước ngoài tại Ecuador, riêng số phạm nhân gốc Colombia là hơn 1.500 người.
Tổng thống Ecuador Daniel Noboa cho biết: “Có một thỏa thuận về trao đổi phạm nhân giữa các nước. Luật của chúng tôi quy định rằng bất kỳ phạm nhân người nước ngoài nào bị kết án từ 5 năm trở lên tại Ecuador có thể bị trục xuất về nước. Chúng tôi đang giam giữ hơn 3.000 phạm nhân nước ngoài. Thực tế là với điều kiện hiện nay, chúng tôi không đủ khả năng để giam giữ số phạm nhân này.”
Theo nhiều chuyên gia, dù cần có phản ứng mạnh mẽ ngay lập tức nhưng nếu chuyển sang chính sách an ninh hoàn toàn dựa trên đàn áp thì chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, cần giải quyết vẫn đề ở gốc rễ mới có thể đi đến ổn định lâu dài.
Phản ứng của các quốc gia láng giềng
Tình hình tại Ecuador cũng gây lo ngại khắp khu vực. Các nước láng giềng Colombia và Peru đã bày tỏ quan ngại về tình hình và ủng hộ chính phủ Tổng thống Noboa lập lại trật tự. Bộ Nội vụ Peru đã ra lệnh cho Cảnh sát Quốc gia tăng cường an ninh ở biên giới. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết nước này đang theo dõi tình hình ở Ecuador và sẵn sàng hợp tác với chính phủ quốc gia Nam Mỹ này để giải quyết tình hình bạo lực.
Chính phủ Peru đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại khu vực biên giới phía Bắc với Ecuador nhằm ngăn chặn xung đột, bạo lực.
Thủ tướng Peru Alberto Otarola cho biết tình hình xung đột, bạo lực gia tăng tại khu vực do hoạt động của các nhóm tội phạm đến từ quốc gia láng giềng. Ông đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ lập tức đến khu vực để điều phối công tác bảo vệ biên giới, nhất là tại các cửa khẩu.
Quân đội Colombia đã tăng cường lực lượng kiểm soát khu vực biên giới với Ecuador trong bối cảnh hàng chục tù nhân trốn thoát tại một nhà tù ở miền Bắc Ecuador vẫn chưa bị bắt trở lại. Lực lượng an ninh Colombia cũng đang phối hợp chặt chẽ với phía Ecuador để đảm bảo trật tự tại đường biên giới chung giữa hai nước.
Tổng thống Ecuador Daniel Noboa đã kêu gọi sự đoàn kết của các nước trong khu vực Mỹ La-tinh nhằm giải quyết vấn nạn buôn lậu ma tuý, vốn gây ra tình trạng bạo lực gia tăng. Về phía Ecuador, theo các chuyên gia, các nhà chức trách phải loại bỏ tận gốc nạn tham nhũng trong Chính phủ Ecuador vốn dẫn đến việc các băng đảng nắm quyền kiểm soát các nhà tù và nhiều thành phố cảng; đồng thời phải xây dựng lại hệ thống tư pháp, phá vỡ mọi mối liên hệ giữa tội phạm có tổ chức và một số lực lượng thực thi pháp luật có dấu hiệu tham nhũng.
Ngày 31/10, Triều Tiên xác nhận đã phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Đây là vụ phóng thử ICBM đầu tiên sau gần một năm, cho thấy khả năng tấn công hạt nhân tầm xa tiềm tàng của nước này.
Từ một tỉ phú, ngôi sao truyền hình, ngày 20/1/2017, ông Donald Trump đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Trong nhiệm kỳ 4 năm của mình, ông trở thành vị Tổng thống gây nhiều tranh cãi. Dù sẽ còn mất nhiều năm lẫn nhiều giấy mực để các nhà sử học và báo chí nhận định về nhiệm kỳ của ông, nhưng những dấu ấn mà ông tạo ra có lẽ sẽ còn lưu lại rất lâu.
Trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng mạnh tại khu vực Trung Đông, các nhà phân tích cảnh báo hậu quả kinh tế của kịch bản xung đột lan rộng là rất nghiêm trọng.
Trong chặng đua nước rút vào Nhà Trắng, hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Donald Trump tích cực tiến hành các cuộc vận động ở các bang quan trọng, hay còn gọi là bang chiến địa. Đặc biệt, một nhóm đối tượng cử tri mà cả hai ứng cử viên đều muốn hướng tới là cử tri da màu.
Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump cam kết thúc đẩy một kế hoạch kinh tế đầy tham vọng với trọng tâm là áp dụng mức thuế quan toàn diện đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Tờ Wall Street Journal nhận định, nhiệm kỳ thứ hai của chính trị gia 78 tuổi này ở Nhà Trắng sẽ khiến mức thuế quan của Mỹ lên cao nhất lịch sử và thương mại toàn cầu sẽ thay đổi một cách căn bản.
Có thể có nhiều lời giải thích cho thất bại của ông Trump, nhưng có một số nguyên nhân đã trở nên rõ ràng.
0