Lặng lẽ bên nhau
Tôi là một người phụ nữ bình thường với những nỗi lo vụn vặt: Giờ nào đón con, tháng này tiền điện bao nhiêu, thực phẩm ở chợ đầu mối thì rẻ hơn chợ gần nhà mười ngàn một kg... Niềm vui cũng quá đỗi giản đơn, tháng này trừ chi tiêu đi dư được nửa chỉ vàng, con vừa đạt giải trong một kỳ thi cấp thành phố...
Còn bạn, cuộc sống là một chuỗi kế hoạch, nào phát triển công ty thêm nhiều chi nhánh, doanh số và cả những buổi tiệc tùng xa hoa với đầm dạ hội, rượu vang đắt tiền.
Ở hai đầu cuộc sống cùng khoảng cách hơn 300 kilômet cộng với những tự ti, mặc cảm, đã có những lúc tôi cảm thấy hai đứa là hai người xa lạ.
Nhưng thỉnh thoảng, tôi vẫn vào trang cá nhân trên mạng xã hội, để xem cuộc sống của bạn dạo này ra sao. Lòng khấp khởi mừng vui khi thấy bạn khoe công việc thuận lợi, nhưng càng vui hơn khi bắt gặp tấm hình bạn dựa đầu vào vai một người đàn ông giấu mặt. Và khi ấy, tôi hiểu rằng chúng tôi sẽ mãi dõi theo bước nhau mặc dù âm thầm lặng lẽ. Bởi vì những kỷ niệm ngày xanh lúc nào cũng ngập tràn trong tim.
Ngày ấy, cả hai đứa đều là những cô học trò hồn nhiên, vui vẻ và học giỏi. Mình giỏi văn, tính tình cũng nhẹ nhàng, sâu sắc. Bạn giỏi toán, lúc nào cũng sôi nổi, hướng ngoại. Hồi đó, chẳng hiểu lý do gì mình thân nhau, chỉ biết tuổi học trò của tôi đẹp và nên thơ vì có hình dáng bạn trong ấy.
Nhớ những ngày nắng hai đứa gò lưng đạp xe qua cái dốc cao, bụi mù để đến trường. Nhớ cả những ngày mưa, đất đỏ dính chặt bánh xe, chẳng thể nào đi được, phải gửi ở nhà người dân gần đường rồi lội bộ tới lớp. Trống đánh hết tiết một, hai đứa mới tới cổng trường, áo quần dính đất tèm lem. Vậy mà tôi và bạn vẫn cười, cười vì đã không bỏ cuộc.
Chúng tôi chơi với nhau đến nay cũng hai mươi năm, cười rất nhiều nhưng những lần khóc cũng không ít. Nhưng khóc, tôi chỉ khóc một mình. Đó là khi bạn cầm bộ quần áo đưa cho tôi và nói: "Tao mua mà mặc không vừa, mày mặc đi".
Bộ quần áo còn mới tinh, những sợi chỉ thừa còn nguyên, chưa cắt. Bạn cao hơn tôi cả tấc, mặc quần áo lớn hơn hai cỡ, mẹ bạn thợ may thì làm gì có chuyện mua quần áo cho bạn không vừa mà vừa in với tôi. Có lẽ bạn đã đọc ra ánh mắt tôi nhìn chiếc váy với những bông hoa trắng nổi bật trên nền hồng bạn được mẹ tặng vào dịp sinh nhật.
Nhà tôi không quá nghèo nhưng cũng chỉ đủ ăn, lo tiền học phí cho các con, quần áo đẹp là cái gì đó rất xa xỉ. Có gì mặc nấy, một năm hai bộ vào dịp Tết và khai giảng. Nhưng tôi khi ấy cũng mười lăm, cái tuổi bắt đầu biết làm đỏm, để ý thinh thích bạn khác giới. Thỉnh thoảng muốn xin mẹ mua một cái áo mới nhưng nhìn đến đôi bàn tay bị nước ăn loét hết các kẽ vì tưới tắm rau rợ ngoài vườn, tôi lại chẳng thể nào mở miệng nổi. Vậy nên nhìn bè bạn ăn mặc đẹp, quần áo mình ngả màu đất đỏ, vai áo cũng sờn mỏng, tôi thèm muốn biết chừng nào.
Bởi vậy mà tối ấy, khi ướm bộ quần áo bạn tặng, tôi đã khóc. Khóc không phải vì bộ quần áo mới, mà khóc vì sự quan tâm đầy ý nhị của một đứa bạn nói trước nghĩ sau.
Nước mắt tôi một lần nữa rơi khi bạn gắt lên: "Mày điên à, học kinh tế đi sau này mới kiếm được tiền, mới hết nghèo. Lên thành phố thiếu gì việc, vừa học vừa làm, không phải lo", khi bạn nhìn thấy bộ hồ sơ đăng ký thi đại học của tôi.
Mười tám tuổi, tự ái như một chiếc dao bén ngọt, cắt đôi khoảng thời gian quá khứ và hiện tại. Hóa ra bạn chê mình nghèo, bạn chê mình không có ý chí, bạn nghĩ mình sợ khổ... Cộng với những mặc cảm và tự ti từ trước, tôi bắt đầu xa cách bạn từ ấy.
Cuộc sống cứ mải miết trôi, bạn đi đường bạn, thênh thang rộng mở; tôi bước đường tôi dìu dặt thương yêu. Qua rồi những gập ghềnh, khúc khuỷu của cuộc đời, tôi hiểu ra rằng giả dối ở đâu, chân tình nằm chỗ nào. Những giận hờn vu vơ, những bốc đồng của tuổi mới lớn rồi cũng trôi về quá vãng. Nhưng để vui vẻ, để trở về như xưa đâu phải dễ dàng mở lời.
Dịch Covid-19 bùng phát, tôi phát hiện ra trong ổ dịch bị phong tỏa, có căn hộ của bạn. Hốt hoảng liên lạc, lắp bắp mở lời mày có sao không. Vẫn là giọng điệu ấy, tự tin, làm chủ tình hình tao ổn, mày yên tâm, không cần phải lo lắng cho tao.
Biết là vậy nhưng tôi vẫn luồn lách, tìm đủ mọi cách để gửi thực phẩm lên. Trong lúc dịch giã có tiền chưa chắc mua được đồ ăn, thức uống. Ký khô một nắng tự làm, vài hộp tép rang sẵn, năm ba trái bí đỏ kèm rau ngò gai nêm cho dậy mùi, mấy con gà vườn, nồi thịt kho bỏ tủ lạnh ăn dài ngày. Nhìn thùng đồ tự tay mình chuẩn bị, gọn gàng, đẹp mắt, tự dưng lòng lânh lâng. Hóa ra hạnh phúc đâu chỉ là khi được nhận, cho đi cũng rất hạnh phúc.
Có lẽ, suốt những tháng ngày học trò bên nhau, chia sẻ cho tôi nắm xôi buổi sáng, cái bút trong đợt thi học kỳ, hay chở tôi đi học những khi chiếc xe cũ suốt ngày dở chứng, bạn cũng đã từng hạnh phúc như vậy. Vậy hà cớ gì tôi cứ mãi tính toán, mãi mặc cảm, hơn thua.
Rồi bạn đăng một bữa cơm ngày dịch với thịt kho, tép rang và bí đỏ hầm xương lên mạng xã hội với dòng trạng thái đầy ẩn ý có những thứ chưa bao giờ là cũ. Nhiều người vào thắc mắc nhưng riêng tôi thì hiểu, chúng tôi chưa bao giờ là bạn cũ.
Bạn nói thu xếp ổn công việc sẽ xuống thăm tôi, vất vả bươn bả vật lộn với cuộc sống mãi rồi; cứ nghĩ thành đạt là hạnh phúc nhưng không, hạnh phúc là phải có người dựa vào khi yếu đuối. Nhớ lại hoàn cảnh gia đình bạn, bố mẹ ly hôn từ nhỏ, bởi vậy mà bạn đã luôn cố gắng mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho mẹ. Nghĩ đến đây sống mũi tôi cay cay. Có khi nào bạn cũng đã từng nhìn cảnh gia đình tôi rộn ràng ngoài vườn rau mà thèm thuồng ao ước như tôi từng ước ao có chiếc đầm màu hồng bông trắng của bạn?! Sao chẳng bao giờ tôi nghĩ đến nỗi đau của bạn mà cứ hằn học để rồi tránh bạn?
Mình phải gặp nhau chứ, nhưng là trên mảnh đất cao nguyên lộng gió cùng nhau thả bộ trên con dốc năm nào, nhắn tin xong tôi dần chìm vào giấc ngủ. Trong giấc mơ ấy, tôi thấy hình ảnh tôi và bạn áo quần ướt nhẹp lội bộ đến trường.
Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.
Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.
Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.
Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.
Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....
Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?
0