Lắng tiếng chuông ngân
Tiếng chuông chùa trầm ấm, tiếng nhặt tiếng khoan mang cái tâm của người thỉnh chuông. Trong tâm có chuông thì tiếng chuông mới tròn trịa vang rền, trong tâm không có chuông dẫu có tu Phật cũng không thành. Tiếng chuông từ trong mà vọng ra ngoài.
Tiếng chuông nhà thờ giục giã, lảnh lót, ngân vang. Tiếng chuông từ ngoài mà giục vào trong, mời gọi thức tỉnh. Nhưng dù có khác nhau đi nữa thì tiếng chuông chùa hay nhà thờ cũng đều hướng con người tìm đến an nhiên, tỉnh giác, hướng lành tránh dữ.
Đã hơn mười năm nay, tôi về xóm đạo. Một xóm đạo nhỏ có lưng tựa vào núi và mặt quay về phía biển. Giữa xóm đạo là ngôi thánh đường với ngọn tháp chuông cao vút để mỗi tiếng chuông ngân lên mọi người trong xóm đạo đều có thể nghe thấy.
Tiếng chuông nhà thờ từ lâu đã gắn liền với sinh hoạt của người dân xóm đạo nơi đây. Từ cụ già râu tóc bạc phơ đến đứa trẻ thơ trong độ tuổi đến trường. Mỗi sáng, khi ngọn đèn đường còn chưa kịp tắt, tiếng côn trùng còn réo rắt phía xa xa thì tiếng chuông vang lên. Boong bing boong…boong bing boong...
Cụ già ngồi dậy pha ấm trà, nhấp vài ngụm cho ấm lòng, trước khi khoác lên mình chiếc áo tươm tất mà bước đến nhà thờ kịp giờ kinh lễ. Người phụ nữ đi ra chợ sớm cùng với gánh rau quê, rồi lật đật trở về lo việc đồng áng. Người tranh thủ đi quãng đường xa để kịp giờ làm. Đứa học trò ham ngủ còn cố nán lại, dẫu bên tai là tiếng chuông réo rắt, tiếng mẹ cằn nhằn.
Tiếng chuông sáng bắt đầu cho một ngày mới.
Và khi những áng mây chậm rãi trôi về phía trời tây, tia nắng cuối đường vẫy gọi thì tiếng chuông lại một lần nữa vang lên báo hiệu kết thúc một ngày. Lớp người lại trở về sau những bộn bề, hối hả.
Rồi những tiếng chuông đêm ngân vang trong những ngày lễ trọng đại. Tiếng chuông thúc giục, mời gọi giáo dân về ngôi thánh đường của ngày lễ Giáng sinh. Tiếng chuông hoan hỉ của ngày lễ Phục sinh. Tiếng chuông linh thiêng thời khắc giao thời của năm mới và cũ. Tiếng chuông mừng vui cho người được rửa tội, đôi trẻ thành vợ thành chồng.
Lại có những tiếng chuông vang lên một cách không bình thường, lúc nắng còn vương hay đêm sương vắng vẻ. Tiếng chuông buồn báo hiệu có người vừa rời xa trần thế. Lắng tai nghe để biết chuông vừa ngân bao nhiêu tiếng. Bảy tiếng là nam. Chín là nữ. Rồi lại nghĩ ai đó vừa mới nghe tiếng chuông, đang dõi mắt về ngôi thánh đường với tràng chuỗi hạt trên tay mà dâng vài câu kinh nguyện cho người vừa khuất.
Tiếng chuông cũng là lời cảnh tỉnh để mọi người biết rằng cuộc sống vốn dĩ mong manh và mỗi ngày ta sống nơi trần thế này cứ để niềm vui khỏa lấp nỗi buồn, dùng yêu thương mà xóa bỏ những tị hiềm. Cứ sống thật với chính mình để dù có một ngày nhắm mắt xuôi tay cũng không còn gì hối tiếc.
Vậy đấy! Tiếng chuông quen, gần, thân thuộc và ẩn chứa bên trong nhiều điều phải nghĩ.
Ở trong xóm đạo đã lâu, nghe mãi tiếng chuông đã thành quen thuộc. Boong bing boong… ngày hai lần rộn rã bên tai. Nhưng tiếng chuông ngân buổi sớm mai hơi vội vã không đủ thời gian để lòng lắng lại mà yêu nên tôi luôn dành những tiếng chuông chiều để cảm.
Boong bing boong... chuông chiều bảng lảng. Boong bing boong... chuông chiều vọng vang khắp nẻo xóm làng. Boong bing boong... Boong bing boong... chuông chiều không hối hả, đưa tôi về bên mái gia đình.
Có một người được sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất phương Nam đầy nắng gió. Cô luôn ao ước được chiêm ngưỡng vẻ rêu phong cổ kính, được đắm mình trong tiết thu se sắt hay cái giá rét của ngày đông phố cổ, được ngắm nhìn những phụ nữ Hà Thành với nét duyên dáng đặc trưng của mình… Và rồi cô cũng có dịp đến thăm mảnh đất kinh kỳ với bao háo hức, mong chờ.
Thời tiết năm nay khác hẳn năm trước. Năm trước mưa thường ghé lúc chiều chiều, mưa từng hồi nặng hạt kéo theo nước dâng ngập lối. Năm nay mưa đỏng đảnh và bất chợt, cứ đến rồi đi, bất kể thời gian nào trong ngày. Mưa đi ngang tưới mát con phố nhỏ, mưa vô tình làm ướt góc sân mới hôm trước còn đắm mình trong cái nắng oi ả. Có người cũng quen dần với sự thất thường ấy của những ngày mưa.
Có một người nhìn vườn thu qua ô cửa sổ, thấy cây lá reo vui, trái chín gọi mời. Mùi hương quen thuộc mỗi mùa thu lại dậy lên trong gió thoảng. Cây thị góc vườn, cây ổi bờ ao bao năm nay vẫn đúng hẹn đơm hoa kết trái để mỗi khi thu về lại lặng lẽ tỏa hương. Gió thu xao động, trái chín đung đưa.
Mùi hương hoa sử quân tử trong đêm mưa luôn dịu dàng ôm ấp tôi sau ngày dài mỏi mệt. Có một người cũng như tôi, vẫn nhìn thấy loài hoa quen thuộc ấy hằng ngày, thế mà phải vào một đêm mưa tan, cô ấy mới nhận ra hương thơm của sử quân tử có thể khiến người ta thấy bình an đến vậy.
Một ngày cuối hạ ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, khi những tán cây ngô đồng dần trở nên vàng vọt, lòng một người không khỏi nao nao nhớ mùa thu Hà Nội. Đó cũng là lý do dẫu sống xa xứ nhưng người đó thường giữ thói quen quay trở về Hà Nội vào mùa thu. Cũng bởi, mùa thu trong ký ức của nhiều người Hà Nội có một hương vị rất riêng biệt, chẳng thể trộn lẫn với bất kỳ nơi nào.
Có một người ngồi trong quán nhâm nhi từng ngụm café. Nhìn ngắm không gian được bài trí theo lối cổ xưa, những vật dụng xưa cũ, những ký ức chợt ùa về. Những vui buồn, sung sướng hay khổ đau đều như một thước phim quay chậm từ từ hiện ra trong trí óc cô. Một bản nhạc không lời nhiều âm sắc khiến cô chầm chậm đi ngược dòng thời gian.
0