Lao xao nỗi nhớ
Tôi còn nhớ rất rõ, năm tôi lên mười tuổi. Vì mê mẩn trước vẻ đẹp của giàn hoa giấy trước sân nhà bạn mà tôi đã nằng nặc đòi ba trồng cho mình một giàn hoa y hệt như vậy. Chiều chuộng đứa con gái nhỏ, ba tôi đã đi xin hai đoạn thân cây hoa giấy về trồng.
Bao ngày ba chăm bẵm, cây đã tốt tươi. Ngày đó không có điều kiện làm nhà vòm như bây giờ nên ba tỉ mẩn chẻ tre làm thành giàn rồi khéo léo uốn tỉa cho cây leo lên, các cành cây bò lan phủ kín khắp giàn, che rợp cả một khoảng không mát rượi. Ba tôi chăm sóc từng cành cây, nhánh hoa cẩn thận, tỉ mỉ hệt như cách chăm sóc cô con gái nhỏ ương bướng, khó chiều. Dưới giàn hoa giấy ba tôi đặt một chiếc chõng tre. Và rồi từ nơi ấy tuổi thơ tôi bắt đầu lớn dần lên.
Có thể nói không có loài hoa nào quanh năm rực rỡ và có sức sống mãnh liệt như hoa giấy. Mùa xuân hoa nở, mùa hè hoa nở, mùa thu hoa nở và mùa đông hoa nở. Lạ lùng thay càng nắng, càng gió, càng khắc nghiệt hoa càng bung biêng khoe sắc thắm. Những trưa hè nằm dưới chõng tre ngước nhìn lên, một giàn hoa hồng tươi điểm xuyết những nhụy hoa trắng li ti mới đẹp làm sao.
Từng cánh hoa mỏng tang khum khum vào nhau ôm lấy nhụy trắng giống như những chiếc đèn lồng bé nhỏ xinh xinh. Những sợi nắng xuyên qua từng kẽ lá, xuyên qua từng chùm hoa đang độ rực rỡ nhất tạo thành những bóng nắng nhảy múa trên mặt đất. Mỗi lần có cơn gió thoảng qua từng cánh hoa lại rung rinh, rung rinh... Những cánh hoa rơi xuống nhẹ nhàng tạo thành một lớp thảm màu hồng thật đẹp. Và như vậy ngay cả khi hoa rời khỏi cành về với đất vẫn giữ vẻ đẹp nguyên vẹn, chân phương.
Trên chiếc chõng tre ấy, ba tôi thường để sẵn một ấm chè xanh. Mỗi lần đi làm đồng về ba ngồi dưới giàn hoa giấy uống nước chè, hút thuốc. Những bác hàng xóm ngang qua cũng sẽ ghé vào ngồi dưới vòm hoa nghỉ ngơi. Những lúc như thế ba tôi sẽ không quên bật chiếc radio nhỏ nghe chương trình thời sự trong nước, quốc tế rồi cùng những người nông dân chân lấm tay bùn cả đời chưa ra khỏi lũy tre làng bàn luận sôi nổi.
Tôi mê chiếc radio bé nhỏ của ba vì đó là thế giới thần tiên của tôi, là nơi mở ra cho tôi bao chân trời mơ ước. Cứ chiều chiều tôi nằm trên chiếc chõng tre, ngửa mặt nhìn lên giàn hoa giấy và háo hức chờ đợi đến 17h30 để nghe giọng nói quen thuộc vang lên: "Buổi sinh hoạt văn nghệ dành cho thiếu nhi".
Thời chúng tôi, sách truyện là một thứ gì đó xa xỉ. Thi thoảng, tôi mới được má cho một cuốn truyện cũ mà má nhặt được trong mớ ve chai, sách báo cũ mua về. Những cuốn truyện cũ không sứt bìa cũng sẽ rách vài trang, mất vài tờ. Vậy đó mà quý, mà tranh nhau đọc ngấu nghiến, cảm giác vui sướng không dễ gì tả được.
Nhờ chiếc radio của ba mà tôi đã nghe được bao nhiêu truyện, mãi sau này lớn lên tôi mới có điều kiện để mua. Tuổi thơ tôi lớn lên cùng với "Búp sen xanh" của Sơn Tùng, "Mùa lá rụng trong vườn" của Ma Văn Kháng, "Không gia đình" của Hector Malot, "Tuổi thơ dữ dội" của Phùng Quán, "Cánh buồm đỏ thắm" của Aleksandr Grin.
Cũng dưới giàn hoa giấy đó, tôi đã cùng anh chị tôi, bạn bè tôi và bọn trẻ con trong xóm chơi bao nhiêu trò chơi thuở nhỏ. Chẳng có ngọn gió nào mát lành bằng ngọn gió thổi trên những tán lá hình trái tim xanh mướt, chẳng có màu hoa nào rực rỡ, rạng ngời bằng màu hồng tươi hoa giấy và cũng chẳng có tuổi thơ nào đáng nhớ bằng những ngày chân đất đầu trần chơi bắn bi, nấu ăn, chơi nhảy dây, chơi ô ăn quan dưới bóng mát của giàn hoa giấy.
Hình như khi con người ta càng lớn, càng trải qua nhiều biến cố, thăng trầm lại càng hoài niệm, càng nhớ về những ký ức êm đềm của thuở ấu thơ.
Đã bốn năm tôi không còn nghe tiếng bước chân ba, không còn nghe mùi khói thuốc, không còn nghe tiếng ho đêm, không còn nghe câu nói quen thuộc mỗi khi tôi đẩy cổng bước vào: "Con về rồi đó à?". Tôi chờ đợi một phép màu xảy ra. Nhưng không, lá đã rụng, hoa đã rơi và ba đã mãi không về lại nữa. Đến bây giờ tôi mới tin cỏ cây cũng có linh hồn, cũng biết buồn thương. Loài hoa rực rỡ, kiên cường là vậy cũng xao xác từng bông phủ kín mặt đường ngày cuối cùng tiễn ba đi.
Những ngày tuyệt vọng, buồn đau tôi ngồi thẫn thờ bên giàn hoa giấy. Tôi mơ thấy mình là đứa con gái bé nhỏ năm mười tuổi lẽo đẽo theo ba mỗi sớm mỗi chiều. Tôi nghe thấy tiếng radio phát ra nơi đầu ngõ, tiếng lao xao của chùm hoa giấy đong đưa trong gió, tiếng ba tôi dặn dò: "Con gái, con phải học cách mạnh mẽ như loài hoa giấy kia, không bao giờ đầu hàng số phận, càng khắc nghiệt càng khoe sắc thắm, đi qua bốn mùa bằng tất cả những rạng rỡ, tươi vui".
Tôi hiểu ra, hoa tàn rồi hoa nở, hôm nay rồi ngày mai, mọi thứ vẫn tuần hoàn tiến về phía trước. Và ba vẫn mãi bên tôi, dõi theo từng bước chân tôi dù ở bất cứ nơi nào. Mùa này, nắng nhiều, gió nhiều, sắc hoa đang độ rực rỡ nhất và trong tôi nỗi nhớ vẫn mãi lao xao đầu ngõ...
Trong ký ức của một người con, có một căn nhà xưa sơ sài tới mức không có cổng, nhưng trong căn nhà nhỏ ấy, lại đầy ắp tình yêu thương của mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau…
Dạo gần đây mạng xã hội nổi rần rần về chữa lành. Chỉ cần mở YouTube, 10 podcast thì 9 cái nói về việc chữa lành. Có người nói với tôi, muốn hạnh phúc phải yêu chính mình trước đã, phải chiều chuộng bản thân, làm gì mình thích để chữa lành. Dành thời gian cho bản thân nhiều hơn, nghĩ đến bản thân nhiều hơn, đặt gánh nặng trách nhiệm trên vai xuống để đi chữa lành cho đầu óc thanh thản, nhẹ nhàng hơn...
Đêm ở biển, thanh âm của biển, vị của biển, giữa một màu đen bát ngát bao la. Lòng bình yên lắng dịu. Biển vắng giữa đêm mùa thu thật lạ mà thật quen. Ngỡ như ta đã gặp đâu đó một thời xa lắm. Nhớ về một đêm biển vắng năm nào, ngồi ở một căn chòi nhỏ, lặng nghe tiếng mưa rơi... Biển vẫn vậy, dịu dàng quá đỗi. Ta khác rồi, liệu đã thâm trầm như biển ngày xưa?
Trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng từng một lần theo đuổi điều gì đó tưởng chừng vĩ đại, tưởng chừng hoàn hảo. Đó có thể là những giấc mơ lớn lao hay chỉ là những điều giản dị, bé nhỏ mà tâm hồn chúng ta đã khắc khoải tìm kiếm. Với tôi, hành trình ấy bắt đầu từ những buổi chiều thơ bé, nơi tôi đắm mình giữa đồng cỏ xanh rì, tìm kiếm chiếc lá cỏ hoàn hảo - một thứ biểu tượng đẹp đẽ mà tôi tin rằng khi tìm thấy, cuộc đời tôi sẽ trọn vẹn theo cách kỳ diệu nhất. Có một người cũng giống như tôi.
Có một người không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng quãng thời gian mà người ta vẫn ưu ái gọi tên "đẹp nhất của đời người" - thời trung học của cô đã gắn với mảnh đất cổ kính, nên thơ này. Từ lâu, Hà Nội đối với cô đã vượt lên cả một miền ký ức, trở thành một phần hiện hữu trong cuộc đời.
Cuộc sống vội vã trôi, cuốn mỗi người chúng ta vào guồng quay không ngừng nghỉ. Để tới một lúc nào đó, ta bỗng phát hiện ra dường như mình đã quên mất những điều bình dị, ấm áp xung quanh, quên mất rằng ta và người ấy vẫn cần lắm những nồng ấm, yêu thương…
0