Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2024

Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2024 - một sự kiện thường niên đã trở thành thương hiệu của du lịch Hà Nội đã được tổ chức, nhằm lan tỏa những giá trị lịch sử, văn hóa, bản sắc dân tộc nói chung và vẻ đẹp rất đỗi đặc trưng của Hà Nội nói riêng thông qua hình ảnh tà áo dài duyên dáng Việt Nam.

Hoàng Thành Thăng Long - Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long là nơi diễn ra Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội. Lễ hội mang đậm vẻ đẹp truyền thống dân tộc đã đưa điểm đến đặc biệt nhất của du lịch Hà Nội, gắn với lịch sử ngàn năm của Thủ đô trở thành tâm điểm của các hoạt động sôi nổi trong dịp kỷ niệm kỷ niệm đầy ý nghĩa - 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Sở Du lịch Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội và các đơn vị có liên quan đã tổ chức sự kiện này - một sản phẩm độc đáo của du lịch Hà Nội vào độ Thu về, khoe sắc những tà áo dài trong tiết trời se mát, trong không khí mùa thu dịu nhẹ và lãng mạn. Điều đặc biệt của lễ khai mạc Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm nay, với chủ đề “Hà Nội - Tinh hoa Áo dài”, đó là đã tái hiện lại một phần hình ảnh của lịch sử 70 năm Thủ đô Hà Nội trên sân khấu Quảng trường Đoan Môn, với tất cả nét hào hùng và niềm tự hào về một Hà Nội anh hùng với khát vọng hòa bình và phát triển.

Dự lễ khai mạc có: bà Hà Thị Nga - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; bà Ngô Thị Thanh Hằng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; bà Ngô Thị Doãn Thanh - nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà; và đại diện đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, sau 3 lần tổ chức, đến nay, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội đã trở thành Lễ hội vào mỗi dịp tháng 10 hàng năm với định hướng xây dựng một sản phẩm văn hóa, du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội, điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”. Phó chủ tịch  cũng nhấn mạnh rằng: “Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội mở ra định hướng mới cho phát triển văn hóa, du lịch Thủ đô, góp phần để Việt Nam và Hà Nội trở thành điểm đến yêu mến và sự lựa chọn hàng đầu của nhiều du khách trong nước và bạn bè quốc tế, là Điểm đến du lịch Thành phố hàng đầu thế giới”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu khai mạc lễ hội.

Tại Lễ khai mạc với chủ đề “Hà Nội - Tinh hoa Áo Dài”, chương trình nghệ thuật đã làm sống lại những hình ảnh của thủ đô Hà Nội 70 năm lịch sử. Các tiết mục múa, trình diễn thời trang đã tái hiện lại hình ảnh Hà Nội - Thủ đô anh hùng, kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu, đang không ngừng đổi mới, phát triển và hội nhập. Chương trình có sự tham gia của hàng trăm ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng mang đến những ca khúc hào hùng, gắn liền với lịch sử Hà Nội 70 năm của Thủ đô. Ngoài ra, lễ khai mạc còn có những màn trình diễn các bộ sưu tập áo dài của các nhà thiết kế đến từ khắp mọi miền Tổ quốc như: Đỗ Trịnh Hoài Nam, Đức Hùng, Quang Hòa, Cao Minh Tiến, Hoa hậu Ngọc Hân, Thủy Nguyễn, La Hằng, Vũ Thảo Giang, Lưu Quỳnh Lan... và các thương hiệu áo dài như OZ Design House,… Tất cả đã tạo ra một bữa tiệc âm thanh, sắc màu, ánh sáng nhưng cũng không kém phần sâu lắng và đong đầy cảm xúc về Hà Nội, về lịch sử hào hùng 70 năm giải phóng Thủ đô.

Từ 3 năm qua, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội đã trở thành một sản phẩm lễ hội mang đậm dấu ấn của ngành du lịch Thủ đô trong mùa Thu Hà Nội, mùa của các sự kiện du lịch Thu, nhằm chuyển tải thông điệp du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang chuyển mình mạnh mẽ, đưa hình ảnh chiếc áo dài từ “đại sứ văn hóa” dần trở thành “đại sứ du lịch” - đưa tà áo dài trở thành một biểu tượng du lịch đặc trưng Hà Nội.

Theo giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 tiếp nối các thành công của những mùa trước, hướng tới mục tiêu phát triển, quảng bá du lịch Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Đồng thời khai thác, tôn vinh tà áo dài truyền thống của dân tộc Việt Nam trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc và hấp dẫn của thành phố Hà Nội - điểm đến du lịch văn hóa hàng đầu trong khu vực và thế giới. Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội, cũng như nhiều hoạt động Festival du lịch được thành phố khuyến khích xây dựng trở thành thương hiệu cho du lịch Hà Nội cũng đang tạo cơ hội cho doanh nghiệp du lịch Thủ đô quảng bá, hợp tác với các nghệ nhân, nhà thiết kế thời trang áo dài xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, gắn với tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Thăng Long - Hà Nội.

Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 đã diễn ra đầy màu sắc và sống động trong 3 ngày,từ ngày 04 đến ngày 06/10/2024, với rất nhiều chương trình thu hút đông đảo người dân tham gia như: City Bus Tinh hoa áo dài; Trình diễn áo dài của các nhà thiết kế và chung kết cuộc thi thiết kế áo dài; Carnaval áo dài với sự tham gia của 1.000 người.

Trước chương trình khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội năm 2024, vào sáng 04/10, một chương trình City Bus với tên gọi " Tinh hoa áo dài" đã được Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Hanoi City Tour phối hợp tổ chức. Mở màn đầy ấn tương cho chuỗi hoạt động của Lễ hội với hơn 700 hành khách mặc áo dài đi xe bus 2 tầng, khám phá các điểm đến di sản của Thủ đô.

700 hành khách mặc áo dài, đi xe bus khám phá các điểm đến di sản Hà Nội.

Chuyến xe buýt 2 tầng đi qua các điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội như: Tràng Tiền, Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long… Mỗi hành khách đều mặc trang phục áo dài truyền thống rực rỡ màu sắc màu với niềm tự hào về nét đẹp trang phục Việt, một biểu tượng của vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam. Tự hào khoác lên mình bộ áo dài truyền thống in hình đất nước và lá cờ tổ quốc, bà Phạm Thị Kim Liên, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, hào hứng chia sẻ: "Tôi mặc bộ áo dài cờ đỏ sao vàng, có cả hình ảnh của Tổ quốc Việt Nam. Là người dân Hà Nội, tôi rất tự hào về thủ đô của mình, tự hào về vẻ đẹp của Hà Nội. Tôi mong muốn Thủ đô ngày càng phát triển càng văn minh hiện đại, càng xanh sạch đẹp, trở thành điểm đến độc đáo, thân thiện, hấp dẫn và mến khách". Anh Trần Quang Hướng - một thành viên của Câu lạc bộ Đình làng Việt chia sẻ: “Hôm nay các thành viên của Câu lạc bộ đều hào hứng mặc chiếc áo dài ngũ thân để trải nghiệm xe bus 2 tầng, nhằm lan toả vẻ đẹp của áo dài truyền thống. Áo dài ngũ thân cả nam và nữ đều mặc được, có nét độc đáo riêng, đặc biệt là đặc trưng trong các lễ hội Việt, không chỉ dành cho phụ nữ mà còn dành cho nam giới. Hiện nay, nhiều anh em đã quen thuộc với áo dài ngũ thân, chiếc áo ngũ thân không chỉ thoải mái mà còn rất đẹp với nam giới. Là một trong những người trẻ yêu áo dài, tôi cảm thấy tự hào khi được hoà mình vào dòng chảy lan toả tinh hoa, văn hoá Việt Nam".

Hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024, không chỉ là dịp để tôn vinh vẻ đẹp của trang phục truyền thống, mà còn là cơ hội quý báu để quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô "an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn" đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Với nhiều người dân Hà Nội, được trải nghiệm City Bus “Tinh hoa áo dài” trên chuyến xe buýt 2 tầng cũng là lần đầu tiên được tham quan, trải nghiệm, ngắm phố phường Hà Nội từ một góc nhìn khác thường ngày. Đây cũng là cơ hội để họ giới thiệu với bạn bè về sự phát triển của Hà Nội, về một Hà Nội văn minh, thanh lịch.

Một số du khách chia sẻ: "Tôi cảm nhận phố phường Hà Nội rất đẹp, thanh lịch, người dân thủ đô thì lúc nào cũng vui vẻ và mến khách, một vẻ đẹp rất Hà Nội. Chúng tôi rất mong được chia sẻ những hình ảnh đẹp về thủ đô ngàn năm văn hiến đến toàn thế giới, để mọi người cùng biết đến vẻ đẹp của tà dài Việt Nam và phụ nữ Hà Nội thanh lịch, trung hậu, đảm đang."

Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 góp phần đưa áo dài trở thành trang phục quen thuộc trong đời sống hằng ngày và các sự kiện quan trọng, khẳng định vị thế của một biểu tượng văn hóa Việt Nam.

Sở Du lịch Hà Nội và Hanoi City Tour sẽ tiếp tục tổ chức chuyến xe City bus “Tinh hoa áo dài” 2024 vào ngày 10/10, với dự kiến 1.010 hành khách tham gia.

Một trong những hoạt động trọng tâm của Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội năm 2024 là Carnaval Áo dài với chủ đề “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển”, với hơn 1000 chị em phụ nữ mặc áo dài tham dự, tại Hoàng thành Thăng Long. Đây là sự kiện được Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp cùng Sở Du lịch Hà Nội tổ chức vào sáng 5/10.

Tới dự chương trình có Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa; Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà; Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Thành uỷ viên, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội Lê Kim Anh; Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hà Nội Đặng Thị Hương Giang cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố và hơn 1.000 đại biểu đại diện các tổ chức quốc tế, các nữ nghệ sĩ, doanh nhân, công chức, viên chức, sinh viên; phụ nữ, lực lượng vũ trang, cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô...

Điểm nhấn là chương trình đồng diễn dân vũ với áo dài trên nền các ca khúc “Người Hà Nội - Tiến về Hà Nội - Hà Nội những công trình” của 1014 phụ nữ Thủ đô, trao giải cuộc thi thử thách “Check in Hà Nội với áo dài” tại các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Thủ đô; màn diễu hành áo dài của hơn 1.000 đại biểu từ Trung tâm Hoàng thành Thăng Long hướng về Quảng trường Ba Đình, qua các tuyến phố Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập, thể hiện tinh thần đoàn kết, chung tay xây dựng Thủ đô hòa bình, văn hiến, văn minh, hiện đại.

Chương trình có sự tham gia của đông đảo các gia đình nhiều thế hệ, cán bộ, công chức, viên chức, các nghệ sỹ, doanh nhân, nhà thiết kế, học sinh, sinh viên đến những người lao động bình thường, hưu trí, nội trợ và một số bạn bè quốc tế. Tất cả đều chung mong muốn thể hiện tinh thần đoàn kết, phát huy giá trị áo dài.

Chị Lê Thị Tuyết Trang, hội viên phụ nữ huyện Đông Anh (Hà Nội) chia sẻ: “Đến với Carnaval Áo dài với chủ đề “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển”, chị em phụ nữ đại diện cho huyện Đông Anh cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào vì mình là người phụ nữ của thủ đô Hà Nội. Phụ nữ Đông Anh đã lựa chọn tà áo dài truyền thống để tôn lên nét đẹp của người phụ nữ Thủ đô và cũng là để kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô.”

Còn với chị Đỗ Hiền - một tình nguyện viên tham gia chương trình cho biết: “Tôi đã chuẩn bị rất kỹ để đến một sự kiện áo dài hoành tráng như thế này, thật sự rất háo hức về lễ hội áo dài để có thể quảng bá hình ảnh áo dài của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.”

Cùng với Carnaval áo dài là lễ trao thưởng cho các tác phẩm đạt giải cuộc thi thử thách " Check in Hà Nội" với áo dài năm 2024. Cuộc thi là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các hoạt động, sự kiện của Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024, tạo một sân chơi sáng tạo cho đông đảo người dân tham gia vào lễ hội. Cuộc thi đã nhận được tổng cộng 3.465 tác phẩm dự thi từ khắp mọi miền đất nước gửi về. Mỗi tác phẩm dự thi đều thể hiện vẻ đẹp của áo dài truyền thống gắn với vẻ đẹp của Hà Nội ở mọi góc độ, qua đó nhân lên tình yêu với Thủ đô yêu dấu.

Đại biểu trao giải thưởng cho các tác phẩm đoạt giải Cuộc thi Thử thách “Check in Hanoi” với Áo dài 2024.

Cách đây 70 năm, vào mùa thu vàng rực rỡ, Hà Nội đã chào đón những bước chân hào hùng của đoàn quân chiến thắng trở về, mang theo ngọn cờ độc lập, tự do tung bay trên từng con phố. Mỗi góc phố, mỗi hàng cây nơi đây đều gắn liền với những trang sử hào hùng của Thủ đô yêu dấu - nơi trái tim của cả dân tộc. Chương trình Carnaval Áo dài nói riêng và Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội năm 2024 nói chung đã góp phần tôn tinh thần hào hùng và cũng đậm chất riêng của lịch sử và văn hóa Hà Nội đó. Những tà áo dài của hòa bình, của vẻ đẹp truyền thống và niềm tự hào về văn hóa dân tộc, hiện thân của nét đẹp người phụ nữ Thủ đô thanh lịch - văn minh, đang góp phần tôn vinh những ký ức lịch sử trong lễ hội mùa Thu kỷ niệm 70 năm Thủ đô giải phóng, đồng thời phát huy vai trò của phụ nữ và cộng đồng tham gia xây dựng Hà Nội và đất nước giàu đẹp, văn minh.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Thông tin từ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 cho biết, tại vùng biển thềm lục địa phía Nam, tàu CSB 8005 vừa tiếp nhận, cấp cứu kịp thời thuyền viên của tàu cá BV 4643 TS, tên Nguyễn Tấn Tiến (sinh năm 1973; quê quán huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị gặp nạn trên biển.

Hôm nay (6/11), Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ mười bốn (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội. Buổi sáng, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Dự kiến, trong 30 ngày đầu vận hành tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, TP.HCM dự kiến chi ngân sách hỗ trợ 100% giá vé cho toàn bộ hành khách đi tàu và 17 tuyến xe buýt kết nối.

Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019-2023 và công bố Bộ pháp điển Việt Nam.

Trong chương trình dự Hội nghị cấp cao tại Trung Quốc, chiều 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến dâng hoa và thăm Khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Giải trình tại phiên thảo luận của Quốc hội về ngân sách, đầu tư công, ngày 5/11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, từ tuần sau cơ quan thuế sẽ dùng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm soát doanh thu, mua bán trên các sàn thương mại điện tử.