Lễ kỷ niệm cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
● 10:10: Đại diện thế hệ trẻ phát biểu
Đại diện thế hệ trẻ phát biểu tại lễ kỷ niệm, em Nguyễn Chi Phương - sinh viên xuất sắc Trường Đại học Luật Hà Nội, bày tỏ xúc động và tự hào khi được đại diện cho tuổi trẻ Thủ đô phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
“Trong giây phút trang nghiêm và xúc động này, chúng cháu - thế hệ trẻ Việt Nam xin được bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, những hy sinh to lớn của thế hệ cha anh đi trước vì nền hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Chúng cháu nguyện mang khát vọng thanh xuân của tuổi trẻ hòa cùng với khát vọng chung của Thủ đô và đất nước, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”, Nguyễn Chi Phương bày tỏ.
Nguyễn Chi Phương cho biết những tháng ngày học tập ở nhà trường, qua các bài học lịch sử, những tư liệu trên sách báo, đặc biệt trong những ngày gần đây, Thủ đô Hà Nội như đang sống lại những giờ phút lịch sử đó, tất cả đã cho thế hệ trẻ niềm xúc động, tự hào và vô cùng trân trọng, biết ơn những sự đóng góp, hy sinh của thế hệ cha ông cho thế hệ trẻ được hưởng thành quả tươi đẹp như ngày hôm nay.
Lễ kỷ niệm ngày hôm nay và các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, không chỉ là dịp để thế hệ trẻ được ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, của Thủ đô Hà Nội mà qua đó đã tiếp lửa cho tuổi trẻ hôm nay và mai sau, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, cổ vũ, động viên chúng cháu phát huy truyền thống cách mạng, giữ vững niềm tin, tinh thần độc lập, ý chí tự cường, ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn, tích cực đóng góp công sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Thủ đô thân yêu và Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Khẳng định lễ kỷ niệm ngày hôm nay và các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô đã để lại ấn tượng sâu sắc trong trái tim thế hệ trẻ Thủ đô; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, cổ vũ, động viên thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, giữ vững niềm tin, tinh thần độc lập, ý chí tự cường, ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn, tích cực đóng góp công sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Thủ đô thân yêu và Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, em Nguyễn Chi Phương khẳng định, phát huy truyền thống Thủ đô anh hùng, thế hệ trẻ nguyện tuyệt đối trung thành với Đảng, kiên định con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần; trở thành những công dân “vừa hồng, vừa chuyên”.
“Phát huy truyền thống Thủ đô anh hùng, tiếp bước thế hệ thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “Ba đảm đang”, tuổi trẻ chúng cháu nguyện không ngừng tu dưỡng, rèn đức, luyện tài; luôn xung kích, dấn thân, đi đầu trong nghiên cứu khoa học, lao động sáng tạo; nỗ lực trong khởi nghiệp, lập nghiệp; tình nguyện vì cộng đồng; đem sức mạnh, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam vào công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Chúng cháu nguyện mang khát vọng thanh xuân của tuổi trẻ hòa cùng với khát vọng chung của Thủ đô và đất nước, góp phần xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”, em Nguyễn Chi Phương bày tỏ.
● 10:00: Đại diện nhân chứng lịch sử phát biểu
Đại diện cho những chiến sĩ năm xưa về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Thụ, cựu chiến binh quận Hai Bà Trưng, nguyên cán bộ Trung đoàn 102 - Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên phong) cho biết hiện đã bước sang tuổi 92, nhưng ký ức về thời khắc lịch sử hào hùng năm xưa vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí ông, nhất là về sự dũng cảm, kiên cường của các chiến sĩ đã chiến đấu oanh liệt, không tiếc máu xương trong suốt 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội, bảo vệ an toàn cho cuộc rút lui đầy mưu trí của quân ta qua sông Hồng để lên Chiến khu Việt Bắc, thực hiện trường kỳ kháng chiến.
Trải qua 9 năm gian khổ, thiếu thốn, hy sinh, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneve về đình chiến tại Việt Nam.
“Những người lính chúng tôi được giao nhiệm vụ về giải phóng Thủ đô thân yêu. Ai cũng phấn khởi và bồi hồi xúc động. Trên đường trở về, Đại đoàn 308 tổ chức lễ mừng công tại khu vực Trại Cờ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Nhân dân từ các vùng tự do, vùng địch tạm chiếm của Bắc Ninh, Hà Nội, Phúc Yên nô nức đổ ra chào đón đoàn quân chiến thắng.
Khi đó, mỗi chiến sĩ chúng tôi được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng một chiếc "Huy hiệu Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đó thực sự là niềm vinh dự và vô cùng tự hào. Chúng tôi ai cũng nâng niu, trân trọng gắn chiếc huy hiệu ấy lên ngực trái, gần trái tim của mình, coi đây là kỷ vật vô giá, gìn giữ suốt đời và truyền lại cho con cháu mai sau”, đồng chí Nguyễn Thụ bồi hồi nhớ lại.
Tiếp tục hành quân về Hà Nội, các chiến sĩ dừng chân tại Đền Hùng, vinh dự được gặp và nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người khẳng định nhiệm vụ giải phóng Thủ đô là vô cùng quan trọng, vinh dự và có ý nghĩa chính trị to lớn. Người căn dặn chúng tôi phải luôn cảnh giác, giữ vững bản lĩnh, tinh thần cách mạng và hiểu rõ trách nhiệm của mình trong giai đoạn mới.
Sáng 10/10/1954, Đại đoàn 308 do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ chỉ huy, chia làm nhiều cánh lớn, mở cuộc hành quân tiến vào giải phóng Thủ đô. Hà Nội như được hồi sinh, hàng chục vạn người dân từ già tới trẻ tưng bừng đổ ra đường, mặc những trang phục đẹp nhất, mang cờ, hoa, hân hoan, tự hào hát vang đón chào đoàn quân chiến thắng. Thời khắc lịch sử huy hoàng năm ấy mãi mãi không thể phai mờ trong trái tim của mỗi người con Hà Nội.
“Sau 70 năm nhìn lại, chúng tôi, những người lính năm xưa vô cùng tự hào và phấn khởi trước sự đổi thay mạnh mẽ của Thủ đô và đất nước, nhân dân được sống trong hòa bình, hạnh phúc, đời sống ngày một ấm no.
Có được niềm vui ngày hôm nay, chúng tôi vô cùng biết ơn Đảng quang vinh, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người Tổng Tư lệnh tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam và hàng triệu đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh xương máu vì độc lập của Tổ quốc, làm nên một Hà Nội anh hùng, một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Chúng tôi luôn tâm niệm mình là chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, chiến sĩ Điện Biên năm xưa, là cựu chiến binh sẽ luôn phát huy truyền thống cách mạng, giữ vững phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, gương mẫu trong lối sống, chấp hành và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tích cực tham gia các phong trào của địa phương phát động, góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, tiến bộ hơn”, cựu chiến binh Nguyễn Thụ xúc động chia sẻ.
● 09:40: Đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đọc diễn văn kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, hôm nay, tại Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng, thành phố vì hòa bình, trái tim của cả nước, chúng ta long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi lời chào mừng nồng nhiệt và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới đồng chí, đồng bào và các đại biểu; bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của Đảng ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới; của các bậc tiền bối, của hàng triệu anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh; những đóng góp to lớn của nhân dân, những người đã quên mình trong lao động, sáng tạo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và Thủ đô thân yêu của chúng ta; mãi mãi ghi nhớ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế, nhân dân thế giới đã dành cho Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, dưới sự lãnh đạo tài tình của Bác Hồ, của Trung ương Đảng và Chính phủ, Thủ đô Hà Nội luôn luôn có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, gắn liền với những mốc son chói lọi đầy vinh dự, tự hào. Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập ở Hà Nội; ngày 19/8/1945, Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi trọn vẹn ở Hà Nội, nhanh chóng lan tỏa đi khắp nơi, cổ vũ và thúc đẩy mạnh mẽ nhân dân cả nước nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội; mở ra thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh quang vinh. Điều 3, Hiến pháp năm 1946 - bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã xác định “Thủ đô đặt ở Hà Nội”.
Trước dã tâm của thực dân Pháp cướp nước ta lần nữa, ngày 19/12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “…chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân và dân Hà Nội với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước. Bằng cuộc chiến đấu 60 ngày đêm vô cùng oanh liệt, Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc thần thánh, kìm chân và tiêu hao sinh lực địch để các cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến an toàn rút khỏi Hà Nội. Chín năm kháng chiến trong lòng địch, quân và dân Hà Nội vừa trực tiếp đánh địch, vừa chi viện, chia lửa cho các chiến trường, đặc biệt là chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần cùng toàn dân tộc làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt lịch sử thay đổi cục diện chiến tranh, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn thương lượng và ký Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc nước ta.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: "Chúng ta mãi mãi không bao giờ quên thời khắc lịch sử sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh quân lớn, mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Hơn bốn mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức, hân hoan trong rừng cờ hoa, hừng hực khí thế “Trùng trùng quân đi như sóng/lớp lớp đoàn quân kéo về…/ Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về/ Cả cuộc đời tươi vui từ đây”, đón mừng đoàn quân chiến thắng, đoàn quân cách mạng, đoàn quân của Bác Hồ trở về. Chiều cùng ngày, hàng vạn người dân cùng với các lực lượng vũ trang đã vui mừng, xúc động, tham dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ và nghe Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi. Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết...”. Người căn dặn: “Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh…”.
“Thời khắc lịch sử đó là minh chứng về sức dân tộc, tinh thần đoàn kết, khát vọng hòa bình của nhân dân ta; là mốc son mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước; đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, chấm dứt 9 năm kháng chiến trường kỳ. Hà Nội - Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - sạch bóng quân thù; nhân dân ta làm chủ vận mệnh của mình và đất nước, phấn khởi bắt tay xây dựng xã hội mới, xã hội Xã hội chủ nghĩa; mở ra thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng của Thăng Long - Hà Nội ở thời đại Hồ Chí Minh”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ.
● 09:35: Giới thiệu đại biểu
Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Tô Lâm - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; Nông Đức Mạnh - nguyên Tổng Bí thư; Trương Tấn Sang - nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Tấn Dũng - nguyên Thủ tướng Chính phủ; Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Văn An - nguyên Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Sinh Hùng - nguyên Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thị Kim Ngân - nguyên Chủ tịch Quốc hội; Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.
Tới dự còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch nước; các đồng chí Phó Thủ trướng Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng;
Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023 - 2025; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang nhân dân; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố Hà Nội qua các thời kỳ; lãnh đạo các các Sở, ban, ngành, đoàn thể, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội; đại biểu đại diện Ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội; Cựu chiến binh, Cựu thanh niên xung phong; đại biểu văn nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô; đại biểu khách quốc tế…
● 09:32: Chào cờ
● 09:00: Chương trình nghệ thuật
Mở đầu lễ kỷ niệm là chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tái hiện những khoảnh khắc lịch sử trong kháng chiến chống Pháp của quân, dân Thủ đô, khí thế hào hùng trong Ngày Giải phóng Thủ đô và những sự kiện lịch sử vẻ vang của Thủ đô Hà Nội trên hành trình 70 năm qua.
Với chủ đề “Thủ đô 70 năm - Bản Hùng ca", chương trình nghệ thuật chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô gồm 3 chương.
Chương I: Ký ức tự hào
Chương I có chủ đề “Ký ức tự hào”, gồm 5 phân cảnh: “Hà Nội - Những ngày mùa đông 1946”; “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”; “Lá cờ Đảng”; “Người Hà Nội” và “Giải phóng Điện Biên - Tiến về Hà Nội”, tái hiện sống động không khí hào hùng của Thủ đô sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.
Thời điểm Hà Nội trước tháng 12/1946, những vụ khiêu khích của giặc Pháp với các tốp tự vệ thành Hoàng Diệu ngày càng công nhiên. Trong khi đó, những vụ gây rối của phần tử phản động trong và ngoài nước khiến tình hình mỗi lúc một cam go. Tình thế cấp bách buộc Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta không còn lựa chọn nào khác hơn là đứng lên cầm vũ khí chiến đấu, phát động cuộc kháng chiến toàn quốc để bảo vệ độc lập dân tộc.
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những chàng trai, cô gái Thủ đô hào hoa, thanh lịch đã bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Nhiều thanh niên, thiếu niên đã anh dũng ngã xuống, giữ trọn vẹn lời thề của người Hà Nội: "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Chương II: Khúc tráng ca
Trong cuộc chiến đấu mở rộng phá hoại ra miền Bắc, nhất là chiến dịch Hà Nội 12 ngày đêm tháng 12/1972, khí phách sự kiên cường của quân và dân Hà Nội một lần nữa làm lay động trái tim toàn nhân loại. Dưới làn mưa bom, dù mất mát, đau thương nhưng người Hà Nội vẫn điềm tĩnh, dũng cảm, quật cường. Quân dân Thủ đô “hiệp đồng tác chiến” cùng các quân, binh chủng dệt nên lưới đạn phòng không sáng trời, “rồng lửa Thăng Long” vút lên quật đổ nhào pháo đài bay B52. Một Hà Nội anh hùng và lãng mạn trở thành biểu tượng, lương tri và phẩm giá con người. Hình ảnh cô gái làng hoa Ngọc Hà bên xác máy bay B52 Mỹ là một trong những biểu tượng về Hà Nội trữ tình và chiến thắng của “một thời đạn bom, một thời hòa bình”.
Chương III: Thủ đô 70 năm xây dựng và phát triển
Xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước đầy kiêu hãnh, mỗi người dân Việt Nam đều mang trong tim khát vọng hòa bình, mong ước cuộc sống bình yên, hạnh phúc sẽ trường tồn trên dải đất chữ S thiêng liêng. Cùng cả nước, người Hà Nội ra sức học tập, lao động - sản xuất, chiến đấu… cống hiến cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, để cơ đồ đất nước ngày càng phồn vinh, có vị thế lớn trên trường quốc tế. Đồng thời góp sức xây dựng và phát triển thủ đô ngày càng " Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
● 08:00: Đón tiếp đại biểu
Chương trình do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - Quốc hội - Chủ tịch nước - Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức.
Lễ kỷ niệm cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô được tổ chức nhằm tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa to lớn của Ngày Giải phóng Thủ đô; khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí, quyết tâm và sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Lễ kỷ niệm cũng khẳng định những thành tựu vĩ đại của Đảng và dân tộc ta đã đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc - thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhất là trong gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước.
Công an quận Hà Đông phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội ngày 3/11, đã tạm giữ hình sự hai đối tượng về hành vi cướp tài sản; đồng thời, giao một đối tượng có liên quan dưới 14 tuổi về Công an phường để quản lý giáo dục.
Chiều 20/11, TAND TP.HCM đã thẩm vấn bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Xuyên Việt Oil để làm rõ về hành vi gây thất thoát tài sản Nhà nước khi không nộp tiền Quỹ bình ổn giá và Thuế bảo vệ môi trường.
Ngày 21/11, phiên tòa xem xét kháng cáo của bà Trương Mỹ Lan, 68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng 47 người và các đơn vị, tổ chức liên quan, tiếp tục với phần bào chữa cho nhóm bị cáo thuộc Đoàn thanh tra về các sai phạm tại SCB.
UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố". Lộ trình thực hiện đề án bắt đầu từ năm 2025, mục tiêu đến năm 2035 sẽ sử dụng 100% xe buýt điện.
Tình huống nguy hiểm trên xảy ra ngày 20/11 trên tuyến quốc lộ 6 đoạn qua huyện Mai Châu, Hòa Bình và được chính camera hành trình trên xe ô tô con bị nạn ghi lại.
Gần đây tại quận Thanh Xuân, câu chuyện về những chiếc barie dựng tại các ngõ nhỏ vào giờ cao điểm đã thu hút sự chú ý. Mục đích ban đầu là để kiểm soát lưu lượng giao thông, thế nhưng sự xuất hiện của chúng cũng đã gây ra rất nhiều tranh cãi từ những người đi lại thường xuyên qua đây.
0