Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Hôm nay, 26/7, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cử hành trọng thể lúc 13h00. Lễ an táng diễn ra lúc 15h00 cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch. Đất nước và nhân dân vô cùng tiếc thương, tiễn biệt một nhà lãnh đạo xuất sắc, một người cộng sản kiên trung, một người Hà Nội giản dị.

>> Thông cáo đặc biệt về Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

>> Tóm tắt tiểu sử đồng chí Nguyễn Phú Trọng

>> Tường thuật Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

15h30: Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hoàn tất tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.

15h18: Đại tá Nguyễn Thiện Học, Đoàn trưởng Đoàn Nghi lễ Quân đội thay mặt Ban tang lễ kính mời các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đi vòng quanh mộ để tiễn biệt đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

15h14: Đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban tổ chức lễ quốc tang thay mặt gia quyến và Ban tổ chức lễ tang cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí đại biểu khách quý và đồng bào, đồng chí; các đơn vị lực lượng vũ trang; các nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo; các đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế đã đến viếng, gửi vòng hoa, điện chia buồn, dự Lễ truy điệu và an táng và tiễn đưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về nơi an nghỉ cuối cùng.

15h13: Trong nền nhạc trầm hùng của bài "Hồn tử sĩ", Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng gia quyến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhân dân đã dành một phút mặc niệm tiễn đưa Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng.

15h00: Sau khi đội công tác di chuyển linh cữu vào vị trí phần mộ, Đại tá Nguyễn Thiện Học, Đoàn trưởng Đoàn Nghi lễ Quân đội tuyên bố Lễ hạ huyệt.

14h40: Đoàn xe về đến Nghĩa trang Mai Dịch.

Đoàn xe về đến Nghĩa trang Mai Dịch.
(Ảnh: Đức Tâm)

Nghĩa trang Mai Dịch được xây dựng từ năm 1956 với tổng diện tích 5,9ha, để quy tập các phần mộ liệt sỹ thời kỳ chống Pháp của thành phố Hà Nội. Năm 1982, nghĩa trang được chỉnh trang, quy hoạch các khu mộ để an táng các cán bộ cao cấp.

Hiện tại, nghĩa trang Mai Dịch Hà Nội là nơi an nghỉ của 1.224 liệt sỹ và hàng trăm cán bộ cấp cao.

14h38: Linh xa đi qua khu vực Sân vận động Mỹ Đình.

Linh xa đi qua khu vực Sân vận động Mỹ Đình.
(Ảnh: Anh Tuấn)

14h20: Linh xa chở linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đưa tang đã đi qua tuyến phố Trần Duy Hưng.

Linh xa chở linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi qua tuyến phố Trần Duy Hưng
(Ảnh: Minh Thúy)

14h10: Linh xa chở linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đưa tang đã đi qua tuyến phố Điện Biên Phủ. Hàng trăm người dân đứng dọc hai bên đường để tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Linh xa chở linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi qua các đường Điện Biên Phủ.
(Ảnh: Kim Oanh)

14h02: Đoàn xe đang đi qua tuyến phố Tràng Tiền - Hàng Khay. Người dân thương tiếc đứng kín các ngả đường tại ngã tư để tiễn biệt Tổng Bí thư.

Linh xa chở linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi qua Tràng Tiền - Hàng Khay.
(Ảnh: Huy Anh)
13h53: Đoàn xe đi qua ngã tư Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tông.
Linh xa chở linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi qua Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tông.
(Ảnh: Việt Anh)
13h56: Đông đảo người dân Thủ đô vô cùng tiếc thương, đứng hai bên tuyến đường nơi đoàn xe tang đi qua để tiễn biệt lần cuối Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn xe tang đi ra khỏi Nhà tang lễ.
(Ảnh: Văn Tuyến)

Đoàn xe tang đi ra khỏi Nhà tang lễ.
(Ảnh: Văn Tuyến)

13h53: Đoàn xe tang đưa linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra khỏi cổng nhà tang lễ quốc gia, di chuyển trên đường Trần Thánh Tông.

13h47: Linh xa đưa linh cữu Tổng Bí thư bắt đầu rời Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội).

13h42: Linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được trang trọng phủ lá Quốc kỳ đỏ thắm.

Linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được phủ Quốc kỳ.
(Ảnh: Văn Tuyến)

Video: Đội Diễu binh ra đoàn xe tang.

13h30: Đoàn trưởng Đoàn nghi lễ quân đội điều hành lễ di quan. Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đưa linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra linh xa.

13h20: Trong niềm tiếc thương vô hạn, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể, đồng chí, đồng bào đã đi quanh linh cữu lần cuối tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một nhà lãnh đạo xuất sắc, một người cộng sản kiên trung, một người Hà Nội giản dị, suốt đời chiến đấu hi sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.

13h18: Sau phút mặc niệm, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ lòng tri ân và cảm ơn đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc cùng lãnh đạo các địa phương, các cơ quan đoàn thể, đơn vị; lãnh đạo cấp cao các nước, bạn bè quốc tế, các cơ quan ngoại giao đoàn, đồng bào, đồng chí, bạn bè cũng như anh em, họ hàng đã đến chia buồn, tiễn đưa cha mình về nơi yên nghỉ cuối cùng.

Video: Ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên nói lời cảm ơn.

13h16: Một phút mặc niệm bắt đầu.

13h05: Người dân quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghẹn ngào trong giờ phút tiễn biệt.

Người dân tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh - quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
(Ảnh: Duy Huy)

13h04: Đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng ban lễ tang đọc lời điếu.

13h03: Trong không khí trang nghiêm và xúc động, Quốc thiều Việt Nam được cử hành để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đức độ, mẫu mực, tài năng, kiên trung của Đảng, cả cuộc đời hết lòng vì nước vì dân.

13h00: Đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban tổ chức lễ tang điều hành Lễ truy điệu.

Đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban tổ chức lễ tang
(Ảnh: Văn Tuyến)

12h45: Tại Hội trường Thống nhất (TP. Hồ Chí Minh), các công tác chuẩn bị cũng đã hoàn tất.

Công tác chuẩn bị cho Lễ truy điệu Tổng Bí thư tại Hội trường Thống nhất, TP. Hồ Chí Minh.
(Ảnh: Tú Hà)

12h30: Linh xa chở linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được đưa vào vị trí. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đang kiểm tra công tác chuẩn bị cho lễ truy điệu và an táng tại nhà tang lễ Quốc gia.

Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang kiểm tra công tác chuẩn bị.
(Ảnh: Văn Tuyến)

12h15: Công tác chuẩn bị cho lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (TP Hà Nội) đã gần như hoàn thiện.

Thời tiết lúc này tại Hà Nội nắng nóng; nhiệt độ trung bình từ 35-37 độ.

Công tác chuẩn bị tại Nhà tang lễ.
(Ảnh: Văn Tuyến)

12h00: Các công tác chuẩn bị cho Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn đang tiếp tục được triển khai. Dự kiến Lễ truy điệu sẽ diễn ra vào 13h chiều nay, 26/7.

Công tác chuẩn bị cho Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
(Ảnh: Văn Tuyến)

Để phục vụ lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Công an thành phố Hà Nội lên phương án phân luồng giao thông và tổ chức hướng đi cho các loại phương tiện trong ngày 26/7 như sau:

Từ 06h00' đến 14h30' ngày 26/7/2024: cấm các phương tiện (trừ xe có phù hiệu bảo vệ, xe phục vụ Lễ Quốc tang) lưu thông trên các tuyến đường: Tăng Bạt Hổ, Phạm Đình Hổ (đoạn từ Lò Đúc đến Tăng Bạt Hổ), Nguyễn Công Trứ (đoạn từ Lò Đúc đến Trần Thánh Tông), Yec-Xanh, Trần Thánh Tông, Nguyễn Huy Tự, Lê Quý Đôn (đoạn từ Nguyễn Cao đến Yec-Xanh), Nguyễn Cao (đoạn từ Lê Quý Đôn đến Nguyễn Huy Tự), Hàng Chuối (đoạn từ Hàn Thuyên đến Nguyễn Công Trứ) và đường Trần Khánh Dư (đoạn từ Trần Hưng Đạo đến Lê Quý Đôn). Từ 14h00' đến 18h00' ngày 26/7/2024, cấm các phương tiện lưu thông trên tuyến Hồ Tùng Mậu (đoạn từ Lê Đức Thọ đến Nguyễn Cơ Thạch).

Từ 06h00' đến 14h30' ngày 26/7/2024, tạm cấm các xe ô tô chở hàng có khối lượng hàng hóa chuyên chở từ 500 kg trở lên, xe ô tô chở khách từ 29 chỗ trở lên (trừ xe buýt, xe thu gom rác, xe giải quyết sự cố, xe có phù hiệu bảo vệ, xe phục vụ Lễ Quốc tang) và hạn chế đối với xe ô tô cá nhân, xe mô tô hoạt động trên một số tuyến đường: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tông, Lò Đúc, Nguyễn Công Trứ (đoạn từ Lò Đúc đến Phố Huế), Trần Khánh Dư, Đê Nguyễn Khoái, Đê 401, Ngô Thì Nhậm, Lê Thánh Tông.

Từ 13h30' đến 15h00' ngày 26/7/2024, tạm cấm các xe ô tô chở hàng có khối lượng hàng hóa chuyên chở từ 500 kg trở lên, xe ô tô chở khách từ 29 chỗ trở lên (trừ xe buýt, xe thu gom rác, xe giải quyết sự cố, xe có phù hiệu bảo vệ, xe phục vụ Lễ Quốc tang); hạn chế đối với xe ô tô cá nhân, xe mô tô và cấm triệt để các phương tiện theo hiệu lệnh của lực lượng chức năng trên các tuyến đường: Trần Thánh Tông, Lê Thánh Tông, Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Điện Biên Phủ (đoạn từ Cửa Nam đến Trần Phú), Trần Phú, Sơn Tây (đoạn từ Trần Phú đến Kim Mã), Kim Mã, Đào Tấn (đoạn từ Kim Mã đến Liễu Giai), Liễu Giai (đoạn từ Đào Tấn đến Kim Mã), Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Đường gom Đại lộ Thăng Long (đoạn từ Phạm Hùng đến Lê Quang Đạo), Lê Quang Đạo, Lê Đức Thọ, Hồ Tùng Mậu (đoạn từ Trần Vỹ đến Nguyễn Cơ Thạch).

Từ 15h30' đến 20h00' ngày 26/7/2024, hạn chế các xe ô tô chở hàng có khối lượng hàng hóa chuyên chở từ 500 kg trở lên, xe ô tô chở khách từ 29 chỗ trở lên (trừ xe buýt, xe thu gom rác, xe giải quyết sự cố, xe có phù hiệu bảo vệ, xe phục vụ Lễ Quốc tang) hoạt động trên một số tuyến đường: Hồ Tùng Mậu (đoạn từ Nguyễn Cơ Thạch đến Phạm Hùng), Xuân Thủy, Cầu Giấy (đoạn từ Trần Thái Tông đến Trần Đăng Ninh), Trần Đăng Ninh (đoạn từ Cầu Giấy đến Nguyễn Khánh Toàn), Nguyễn Khánh Toàn, Đào Tấn, Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Lê Duẩn (đoạn từ Nguyễn Thái Học đến Nguyễn Thượng Hiền), Nguyễn Thượng Hiền, Yết Kiêu (đoạn từ Nguyễn Thượng Hiền đến Thiền Quang), Thiền Quang.

Trước đó, linh xa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được đưa đến Nhà tang lễ Quốc gia.

Linh xa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được đưa đến Nhà tang lễ Quốc gia.
(Ảnh: Văn Tuyến).

Linh xa, xe và lực lượng phục vụ được đưa đến nhà tang lễ, chuẩn bị cho lễ truy điệu, di quan và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào chiều nay.

Theo quy định, lễ Quốc tang gồm 15 ôtô và một xe chở linh cữu (linh xa). Trong đó, đoàn xe chỉ huy có: xe chở quốc kỳ, ảnh, gối huân huy chương; xe chở quân kỳ; xe chỉ huy; 6 xe vận tải chở đội hình danh dự; 3 xe vận tải ba cầu (xe kéo linh xa, xe chở hoa, xe dự phòng), 2 xe thông tin, một xe cứu thương. Linh xa phục vụ quốc tang phía cuối là khẩu lựu pháo 122mm, phía cuối có bệ với hàng chữ "Tổ quốc ghi công".

Xe phục vụ lễ tang cấp Nhà nước gồm 11 xe và một linh xa. Trong đó có hai xe chỉ huy (xe chở quân kỳ, ảnh, gối huân huy chương; xe chỉ huy). Ba xe vận tải chở đội hình danh dự. Ba xe vận tải ba cầu (xe kéo linh xa, xe chở hoa, xe dự phòng). Hai xe thông tin, một xe cứu thương.

12h ngày 26/7, dòng người xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư trước lễ truy điệu vẫn tiếp tục nối dài. Ban Tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết từ 7h đến 19h30 ngày 25/7, có 1.565 đoàn (với khoảng 55.600 lượt người), là đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang nhân dân, các đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức và bạn bè quốc tế, đồng bào đã đến viếng, gửi vòng hoa, chia buồn cùng gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Hội trường Thống nhất (TP.HCM) và quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội).

Người dân đến viếng Tổng Bí thư tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
(Ảnh: Văn Tuyến)
Người dân đến viếng Tổng Bí thư tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
(Ảnh: Văn Tuyến)
Người dân đến viếng Tổng Bí thư tại Hội trường Thống nhất - TPHCM.
(Ảnh: Kim Oanh)
Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Thời điểm này là cao điểm tổ chức Đại hội chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở, nhiệm kỳ 2025 - 2027. Bên cạnh việc tiếp tục đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, công tác lựa chọn nhân sự là vấn đề được quan tâm.

Chiều 22/12, Ban Chỉ đạo Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 đã tổ chức Hội nghị tổng kết, khen thưởng.

Lực lượng vũ trang Thủ đô được thành lập ngày 19/10/1946. Ngay sau khi ra đời, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 19/12/1946), Lực lượng vũ trang Thủ đô đã vào cuộc chống thù trong giặc ngoài, bảo vệ chính quyền cách mạng.

Trong lịch sử vẻ vang 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tự hào vì quân đội ta được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu trực tiếp sáng lập, giáo dục, rèn luyện. Và cũng thật đặc biệt khi tên của Người đã được nhân dân đặt cho quân đội với cách gọi vô cùng thân thương và trìu mến "Bộ đội Cụ Hồ".

Chiều 22/12, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng đã tổ chức hội nghị tổng kết, khen thưởng Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024. Trong thời gian diễn ra triển lãm các đơn vị của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội đã ký kết 16 hợp đồng với tổng giá trị khoảng 286,3 triệu USD.

Để đáp ứng nhu cầu của người dân được tiếp tục tham quan Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024, ngày 22/12, Bộ Quốc phòng đã có văn bản chính thức cho biết triển lãm sẽ kéo dài thời gian phục vụ của một số gian trưng bày đến ngày 23/12 (dự kiến ban đầu triển lãm kết thúc vào ngày 22/12).