Liban có trở thành Gaza thứ hai?

Giao tranh giữa Israel và lực lượng Hezbollah tại Liban đã leo thang nguy hiểm sau vụ việc hàng trăm máy nhắn tin và bộ đàm của thành viên Hezbollah phát nổ trên khắp Liban vào tuần trước, làm dấy lên lo ngại chiến tranh lan rộng tại khu vực và biến Liban trở thành Gaza thứ hai.

Hezbollah cáo buộc Israel vượt ranh giới đỏ

Trong một bài trả lời phỏng vấn đài CNN, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ lo ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng ở mặt trận Liban, biến nơi này thành một Gaza thứ hai. "Có khả năng leo thang mạnh mẽ hơn nhiều. Và đó là điều khiến tôi lo ngại - khả năng biến Liban thành một Gaza thứ hai, mà tôi nghĩ sẽ là một thảm kịch tàn khốc đối với thế giới", ông Guterres nói.

Trước đó, nhà lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah đã cáo buộc Israel đứng đằng sau vụ hàng loạt máy liên lạc phát nổ ở Liban. Ông Nasrallah cho rằng đối phương có ưu thế về công nghệ, đặc biệt được Mỹ và phương Tây hỗ trợ khi cố gắng “phá hủy cơ cấu chỉ huy của Hezbollah và làm tổn thương các thủ lĩnh của tổ chức này cũng như gây hỗn loạn trong tổ chức” nhưng không thành công. Ông Nasrallah cho biết hàng nghìn máy nhắn tin đã bị kẻ thù Israel nhắm tới và tất cả đều bị kích nổ cùng một lúc. Thông qua cuộc tấn công này, họ đã vi phạm tất cả các quy định, luật lệ và ranh giới đỏ.”

Thủ lĩnh nhóm vũ trang Hezbollah Hassan Nasrallah

Ông Nasrallah cáo buộc đây là hành động khủng bố, “một vụ thảm sát, diệt chủng" của Israel và là một "lời tuyên chiến" sẽ phải chịu sự trừng phạt. Ông Nasrallah cũng cảnh báo rằng mặt trận Liban sẽ không dừng lại cho đến khi hành động của Israel ở Gaza kết thúc.

Nhiều nhà quan sát chính trị cho rằng các cuộc tấn công liên tục vào hệ thống thông tin liên lạc ở Liban là loạt đạn khởi động trước khi Isarel phát động một chiến dịch quân sự lớn.

Ông Yeghia Tashjian, nhà nghiên cứu chính trị đại học Beirut nhận định, “dựa trên lịch sử các cuộc tấn công khủng bố mạng trên thế giới, thường là các quốc gia, khi họ định tấn công hoặc xâm lược một quốc gia khác, họ bắt đầu bằng các cuộc tấn công an ninh mạng nhằm gây thiệt hại về tâm lý, thiệt hại về cơ sở hạ tầng và sau đó họ tấn công bằng chiến tranh thông thường”.

Nhà phân tích chính trị về Trung Đông Elijah Magner cũng cho rằng: “Thông thường trong mọi cuộc chiến, cuộc tấn công đầu tiên là vào căn cứ chỉ huy kiểm soát. Ở đây Israel đang tấn công vào hệ thống kiểm soát, tức là hệ thống thông tin liên lạc. Làm tê liệt hệ thống thông tin liên lạc là điều cần thiết trong bất kỳ cuộc chiến nào vì đây là xương sống chính của quân đội”.

Ngay sau loạt vụ nổ thiết bị liên lạc tại Liban, lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã tiến hành một làn sóng tấn công dữ dội vào các mục tiêu của Hezbollah ở bên kia biên giới.

Hôm 20/9, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết Israel đang chuyển sang "giai đoạn mới", với trọng tâm chuyển sang biên giới phía bắc với Liban. "Chúng tôi đã tổ chức một loạt các cuộc thảo luận quan trọng. Đây là giai đoạn mới của cuộc chiến, bao gồm các cơ hội nhưng cũng có những rủi ro đáng kể... Chuỗi các hành động quân sự và quốc phòng sẽ tiếp tục", ông Yoav Gallant tiết lộ.

Thủ tướng Israel Netanyahu cho biết mục tiêu của Israel là đảm bảo các cộng đồng ở phía bắc Israel được trở về nhà an toàn, đồng thời cảnh báo rằng Hezbollah sẽ phải trả "cái giá ngày càng tăng" theo thời gian. Ông Netanyahu cũng tuyên bố “Trong những ngày gần đây, chúng tôi đã giáng một loạt đòn tấn công vào Hezbollah mà họ không bao giờ tưởng tượng được. Nếu Hezbollah không hiểu thông điệp này, tôi hứa rằng họ sẽ phải hiểu nó".

Thực tế giao tranh giữa Israel và Hezbollah đã diễn ra âm ỉ gần như hàng ngày suốt gần 1 năm qua ở biên giới phía nam Liban. Tuy nhiên, sau khi xảy ra hàng loạt vụ nổ thiết bị liên lạc tại Liban, liên tiếp trong những ngày qua, giao tranh giữa hai bên trở nên dữ dội hơn. IDF thông báo không quân nước này đã tiến hành hàng trăm đợt không kích mới nhằm vào các mục tiêu Hezbollah ở phía Nam Liban, phá hủy nhiều bệ phóng tên lửa và các tòa nhà của nhóm vũ trang đối địch. Quân đội Israel khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch không kích nhằm bào mòn và làm suy yếu năng lực quân sự của Hezbollah.

Ngày 20/9, Israel đã không kích dữ dội vào vùng ngoại ô Beirut, khiến hơn 40 người thiệt mạng, trong đó có dân thường và một chỉ huy cấp cao của Hezbollah. Sau vụ tấn công này, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố Israel sẽ không dừng lại cho tới khi đạt được mục tiêu.

 Israel không kích vào vùng ngoại ô Beirut hôm 20/9, khiến hơn 40 người thiệt mạng.

Ngày 22/9, Tổng tham mưu trưởng quân đội Israel, Herzi Halevi cho biết, quân đội nước này đã chuẩn bị tốt cho các giai đoạn chiến đấu tiếp theo, sẽ diễn ra trong vài ngày tới.  Chúng tôi sẽ đưa người dân trở về nhà an toàn và nếu Hezbollah vẫn chưa hiểu điều này, sau hai tuần nữa, họ sẽ tiếp tục bị tấn công cho đến khi hiểu ra".

Về phía Hezbollah, nhóm này cho biết, họ đang chiến đấu trong một "trận chiến không giới hạn" chống lại Israel. Những ngày qua, Hezbollah đã mở thêm nhiều đợt tập kích tên lửa dữ dội vào một số khu dân cư phía Bắc Israel khiến nhiều người bị thương. Một số nguồn tin khu vực cho biết, ngày 22/9, Hezbollah tiến hành tổng cộng 5 đợt tập kích với khoảng 100 quả tên lửa bắn về phía khu vực Cao nguyên Golan, vùng Thượng và Hạ Galilee. Tên lửa của Hezbollah cũng tấn công hai cơ sở quân sự ở phía Bắc Israel, gồm một căn cứ không quân và một nhà máy sản xuất quốc phòng ở Haifa.

Trang Economist dẫn nguồn tin quân sự ngày 22/9 cũng cho biết, Israel đang chuẩn bị cho chiến dịch trên bộ nhằm vào Liban, động thái được cho là để thiết lập vùng đệm ở khu vực biên giới giữa hai nước.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, để triển khai chiến dịch trên bộ ở một mặt trận thứ hai không phải là điều dễ dàng với Israel. Bởi hiện nay Israel đã tiêu hao nhiều nguồn lực tại Gaza. Một nguồn tin khu vực cho biết Israel đã chuẩn bị sẵn ý tưởng cho kế hoạch tấn công trên bộ vào Liban, song hiện tại không có đủ lực lượng để thực hiện. Thực tế là hiện nay các cuộc giao tranh giữa Israel và Hezbollah vẫn chỉ dừng lại ở khu vực biên giới giữa hai nước. Việc mở rộng cuộc tấn công vào sâu lãnh thổ của nhau sẽ là một bước đi mạo hiểm, đòi hỏi phải có sự tính toán kỹ lưỡng. Đối với Israel, việc phân chia nguồn lực cho nhiều mặt trận vào lúc này sẽ không phải là chiến lược tốt.

Ngoài ra, hiện trong giới lãnh đạo quân sự và chính trị Israel đang có trạng thái chia rẽ. Một số người ủng hộ hành động leo thang nhanh hơn để tận dụng tình hình hỗn loạn trong nội bộ phong trào Hezbollah ở Liban, trong khi các quan chức khác lại đề xuất cách tiếp cận thận trọng hơn để buộc lực lượng này phải xem xét lại lập trường và lùi bước.

Còn đối với Hezbollah, bị suy yếu về mặt quân sự và choáng váng sau vụ nổ hàng loạt thiết bị liên lạc bí mật sẽ là trở ngại lớn nếu nhóm này muốn mở rộng quy mô chiến đấu.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành phiên họp khẩn về Liban hôm 20/9. Tại hội nghị, các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc cho rằng, bạo lực tiếp tục leo thang giữa Israel và các nhóm vũ trang Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Liban có nguy cơ gây ra một cuộc xung đột gây thiệt hại lớn hơn nhiều, đồng thời kêu gọi hướng tới các biện pháp ngoại giao để thiết lập lại hòa bình. 

Bà Rosemary DiCarlo người đứng đầu các vấn đề chính trị và hòa bình của Liên hợp quốc cho rằng: “nếu mọi thứ vẫn tiếp diễn như vậy, chúng ta có nguy cơ chứng kiến ​​một cuộc chiến có thể làm lu mờ cả sự tàn phá và đau khổ đã chứng kiến ​​cho đến nay. Vẫn chưa quá muộn để tránh sự điên rồ như vậy. Vẫn còn chỗ cho ngoại giao".

Ông Amar Bendjama, Đại diện thường trực của Algeria tại Liên hợp quốc cũng lên tiếng cho biết: "Trong khi cộng đồng quốc tế kêu gọi hạ nhiệt, Israel lại kéo khu vực này vào chiến tranh, mở rộng các hành vi thù địch từ ranh giới xanh sang toàn bộ lãnh thổ Liban. Hội đồng Bảo an phải thực thi nghị quyết của mình. Nghị quyết 1701 phải được thực hiện đầy đủ mà không thiên vị. Và các hành vi xâm lược của lực lượng chiếm đóng Israel phải chấm dứt. Chỉ bằng cách chấm dứt sự chiếm đóng, chúng ta mới có thể mở đường cho hòa bình và ổn định lâu dài trong khu vực".

Các quan chức Mỹ cũng lo ngại về khả năng giao tranh giữa Israel và Hezbollah sẽ gia tăng đáng kể trong những ngày tới và thậm chí có khả năng gây ra một cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai bên. Người đứng đầu Lầu Năm góc Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Israel Yoav Gallant ngày 20/9, bày tỏ lo ngại về tình trạng leo thang căng thẳng giữa Israel và Hezbollah, đồng thời kêu gọi nhanh chóng tìm ra một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 21/9 đã kêu gọi người Mỹ rời khỏi Liban khi các chuyến bay thương mại vẫn còn có thể hoạt động. Nhiều hãng hàng không quốc tế cũng đã đình chỉ các chuyến bay đến Beirut và Tel Aviv trong thời gian này.

Sau những leo thang gần đây tại mặt trận Liban, Bộ Ngoại giao Ai Cập đã ra tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo an ninh và sự ổn định tại Liban, đồng thời ngăn chặn bạo lực lan rộng.

Trước đó, hôm 17 và 18/9, Liban và cả Trung Đông rung chuyển khi xảy ra hàng loạt vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên Hezbollah, làm ít nhất 45 người thiệt mạng và hơn 3.500 người bị thương.

Nhiều xe cứu thương trên đường phố Beirut sau vụ hàng loạt máy nhắn tin phát nổ tại Liban hôm 17/9.

Ông Tashjian, một điều phối viên các vấn đề quốc tế và khu vực tại Viện Chính sách công và Các vấn đề quốc tế của Đại học Beirut Issam Fares của Mỹ nhấn mạnh, các cuộc tấn công bằng máy nhắn tin cấu thành hành động “khủng bố tâm lý và chiến tranh tâm lý mà Israel đang gây ra cho người dân Liban”. Theo ông Tashjian, “các cuộc tấn công liên tiếp bằng thiết bị điện tử không chỉ giới hạn ở thủ đô cũng như không giới hạn ở mục tiêu Hezbollah hoặc những người ủng hộ tổ chức này, mà tạo thành một cuộc tấn công nhằm vào toàn bộ người dân Liban”.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Thông tin Liban Ziad Makary nhấn mạnh, nước này cực lực lên án hành động gây hấn của Israel chống lại Liban. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Liban thông báo Beirut đã trình khiếu nại về vụ tấn công lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Theo truyền thông khu vực, loạt vụ nổ máy nhắn tin chủ yếu xảy ra với các máy nhắn tin được Hezbollah nhập về từ khoảng 5 tháng trước. Có nguồn tin cho hay, số thiết bị này rất có thể đã bị Cơ quan tình báo đối ngoại Mossad của Israel cài một lượng nhỏ thuốc nổ có sức công phá lớn, trước khi chúng được chuyển giao cho Hezbollah.

Tổng thống Israel Issrac Herzog hôm 22/9 chính thức bác bỏ cáo buộc về việc Israel liên quan đến các vụ nổ này. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết, trước khi xảy ra loạt vụ nổ, Israel đã tuyên bố sẽ mở rộng mục tiêu quân sự sang mặt trận phía Bắc ở biên giới với Liban. 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết ông sẽ theo đuổi quan hệ hợp tác với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhằm làm sâu sắc thêm liên minh song phương lâu đời, không chỉ vì lợi ích của hai quốc gia mà còn cho toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ngày 21/11, Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu đã lên án quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ ông và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant với cáo buộc tội ác chiến tranh ở Gaza, cho rằng đây là quyết định "chống Do Thái".

Lực lượng không quân Ukraine vừa xác nhận Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) từ vùng Astrakhan miền Nam nước này, nhắm vào thành phố Dnipro của Ukraine.

Cựu hạ nghị sĩ bang Florida Matt Gaetz hôm 21/11 thông báo rút khỏi đề cử bộ trưởng Tư pháp do Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đưa ra.

Chính quyền Nhà nước Palestine đã từ chối mọi kế hoạch của Israel về việc thiết lập vùng đệm ở phía Bắc Dải Gaza để phân phối viện trợ.

Tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani, Chủ tịch Tập đoàn Adani vừa bị truy tố tại New York, Mỹ với cáo buộc âm mưu hối lộ và gian lận trị giá hàng tỷ USD. Đáng chú ý, tỷ phú Gautam Adani hiện là người giàu thứ 2 tại Ấn Độ và giàu thứ 22 tại châu Á, với tổng tài sản gần 70 tỷ USD.