Liệu có xảy ra một cuộc cách mạng màu ở Gruzia?
Căng thẳng dâng cao sau bầu cử
Tình hình đang diễn biến nguy hiểm ở Gruzia, một quốc gia láng giềng của Nga. Hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình ở Thủ đô Tbilisi sau khi Uỷ ban bầu cử công bố kết quả bầu cử Quốc hội.
Dữ liệu do Ủy ban bầu cử Trung ương Gruzia công bố cho thấy, đảng Giấc mơ Gruzia đã giành được khoảng 54% số phiếu bầu của cử tri, tiếp theo là đảng đối lập Liên minh vì sự thay đổi (10,80% số phiếu bầu), đứng thứ ba là Phong trào dân tộc thống nhất (được 10,04% phiếu bầu), các đảng còn lại được dưới 10%.
Tổng thống Gruzia Zourabichvili cho rằng, kết quả bầu cử có gian lận và từ chối công nhận kết quả. Bà cũng cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử của nước này và kêu gọi người dân Gruzia phản đối.
"Phương pháp được sử dụng trong cuộc bầu cử này nhiều khả năng là của Nga, FSB, vì nó rất tinh vi, với việc sử dụng nhiều hình thức gian lận. Tuyên truyền được sử dụng trước cuộc bầu cử là một bản sao rõ ràng. Cũng giống như luật của Nga, chúng ta có luật "đại diện nước ngoài", sao chép luật của Nga và việc tuyên truyền bầu cử cũng được sao chép trực tiếp".
Bà Salome Zourabichvili - Tổng thống Gruzia.
Đúng như dự đoán, Mỹ và Liên minh châu Âu đã kêu gọi một cuộc điều tra về điều mà họ gọi là những bất thường trong cuộc bầu cử. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố rằng, Mỹ “lên án mọi hành vi vi phạm các chuẩn mực quốc tế và cùng với các quan sát viên trong nước và quốc tế kêu gọi điều tra đầy đủ về tất cả các hành vi bất thường trong bầu cử được báo cáo”, bao gồm cả “việc đảng cầm quyền lạm dụng quyền lực, tài sản công, hối lộ và đe dọa cử tri”.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nói rằng Nga kiên quyết bác bỏ các cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Quốc hội Gruzia và gọi những cáo buộc này là vô căn cứ.
“Về tình hình ở Gruzia, chúng tôi không tác động và không can thiệp theo bất kỳ cách nào vào các vấn đề của Gruzia. Chỉ có người Gruzia mới có thể quyết định. Nhưng chúng tôi thấy những nỗ lực can thiệp chưa từng có từ phương Tây. Họ không chỉ cố gắng chèn ép Tbilisi mà còn thực sự áp đặt các điều khoản”.
Ông Dmitry Peskov - Người phát ngôn của Kremlin.
Các nhà quan sát ở Nga và Gruzia dự đoán tình trạng bất ổn và biểu tình sẽ nổ ra ở Gruzia, do phe đối lập thân phương Tây bất mãn với chiến thắng bầu cử của đảng cầm quyền Giấc mơ Gruzia và cáo buộc Nga can thiệp vào kết quả bầu cử.
Có hai điều kiện để các chiến thuật này thành công. Điều kiện đầu tiên là những nỗ lực tích cực của một người bảo trợ bên ngoài gây áp lực lên chính quyền theo nhiều cách khác nhau. Điều kiện thứ hai là nhận thức của những người nắm quyền ở trong nước rằng người bảo trợ này quan trọng đến mức không thể làm trái ý họ được. Tóm lại, điều này phụ thuộc vào ý chí của các thế lực bên ngoài và sự chấp nhận của giới cầm quyền trong nước. Không chắc chắn là Gruzia đáp ứng được cả hai điều kiện trên để có thể xảy ra một cuộc cách mạng màu.
EU và Mỹ chỉ trích đảng Giấc mơ Gruzia cầm quyền và tỏ ra thất vọng sâu sắc với đường lối chính trị của đảng này. Các biện pháp tượng trưng như tuyên bố trừng phạt và đình chỉ tiến trình gia nhập EU đã được thực hiện. Họ coi cuộc bầu cử hôm 26/10 là sự lựa chọn giữa một đảng cầm quyền đã thắt chặt quan hệ với Nga với một bên là phe đối lập hướng tới mục tiêu đẩy nhanh quá trình hội nhập với châu Âu.
Về nguyên tắc, các điều kiện đã chín muồi để một cơn bão bùng nổ, nhưng phương Tây hiện có nhiều việc quan trọng hơn phải làm. Họ không quá quan tâm đến không gian hậu Xô Viết như vào những năm 1990 và đầu những năm 2000.
Đảng Giấc mơ Gruzia chắc chắn rằng phần lớn dân số thực sự ủng hộ họ, cho dù không lớn tiếng như những người ủng hộ phe đối lập. Không giống như một số quốc gia khác thuộc Liên Xô cũ, ở Gruzia có sự cạnh tranh chính trị, mặc dù chính quyền luôn có lợi thế.
Liệu Gruzia có trở thành Ukraine thứ hai?
Cuộc bầu cử có ý nghĩa địa chính trị to lớn đối với mối quan hệ ngoại giao trong tương lai của Gruzia với Nga và Liên minh châu Âu, đặc biệt là trong bối cảnh Nga và EU đang cạnh tranh ảnh hưởng đối với nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Nikolai Silayev, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Các vấn đề Kavkaz và An ninh Khu vực, tin rằng bất chấp mọi tình trạng bất ổn trong những tháng gần đây và áp lực từ phương Tây, những nỗ lực của phe đối lập đã bị cản trở do thiếu một kế hoạch hạn chế chính trị, kinh tế và xã hội thống nhất. Đảng Giấc mơ Gruzia đã tiến hành một chiến dịch hiệu quả và có ảnh hưởng. Tuy nhiên, chiến thắng của đảng cầm quyền Gruzia trong cuộc bầu cử Quốc hội sẽ khiến nước này rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới. Lý do là bởi Tổng thống nước này và các đảng đối lập từ chối chấp nhận kết quả bầu cử, gây ra các cuộc biểu tình quy mô và căng thẳng trong nước.
Cuộc bầu cử Quốc hội Gruzia diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ của nước này với Mỹ và Liên minh châu Âu xấu đi vào mùa xuân năm nay sau khi đảng cầm quyền của Gruzia chủ động thông qua Đạo luật minh bạch ảnh hưởng của nước ngoài - quy định bất kỳ tổ chức phi chính phủ nào có hơn 20% nguồn tài trợ từ nước ngoài, thì các tổ chức chính phủ hoặc cơ quan truyền thông phải đăng ký là “tổ chức phục vụ lợi ích của các thế lực nước ngoài”. Ngoài ra, Gruzia đã thông qua luật cấm tuyên truyền đồng tính. Sau hai quyết định này, Brussels tuyên bố đình chỉ quá trình gia nhập EU của nước này.
"Những nỗ lực đang được thực hiện để làm mất ổn định tình hình trong nước cộng hòa này. Sự can thiệp cũng có thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng không phải từ Nga. Nghĩa là, một số lượng lớn các lực lượng từ các nước châu Âu đã cố gắng tác động đến kết quả của cuộc bỏ phiếu này. Trên thực tế, điều này đã được tuyên bố công khai và không ai cố gắng che giấu. Chúng tôi không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Gruzia và không có ý định làm như vậy trong tương lai".
Ông Dmitry Peskov - Người phát ngôn Điện Kremlin.
Điều đáng chú ý là hệ thống chính trị của Gruzia là một hệ thống nghị viện và định hướng chính sách đối ngoại của đất nước phụ thuộc vào việc ai kiểm soát Quốc hội và thành lập chính phủ. Với kết quả bầu cử phần lớn đã chắc chắn, chiến thắng của đảng Giấc mơ Gruzia đảm bảo cho đảng này kiểm soát 89 ghế trong Quốc hội gồm 150 ghế, đủ để lãnh đạo đất nước nhưng không đủ số phiếu cần thiết để ban hành những thay đổi hiến pháp quy mô lớn.
Nhưng theo chuyên gia về các vấn đề Gruzia Givi Abashidze, với việc đảng Giấc mơ Gruzia tiếp tục nắm quyền, người dân có thể quên mất quá trình nước này gia nhập EU, mặc dù đảng này sẽ chính thức tuyên bố rằng họ muốn Gruzia gia nhập EU nhưng không muốn đối đầu với Nga. Theo chuyên gia này, phe đối lập Gruzia đã bị đánh bại, nhưng phương Tây vẫn sẽ cố gắng hết sức để đưa cuộc chiến giữa chính phủ nước này và phe đối lập ra đường phố ở các thành phố lớn của Gruzia nhằm hủy bỏ kết quả bầu cử Gruzia.
Tình hình hiện nay ở Gruzia giống như ở Ukraine vào năm 2004 - khi ông Yanukovych giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, nhưng kết quả phải bị hủy bỏ dưới áp lực của phe đối lập, sau đó ông Yushchenko nhậm chức tổng thống, mở đường cho sự trỗi dậy sau này của phe ủng hộ phương Tây và chống Nga lên nắm quyền ở Kiev.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã đến thăm Gruzia và gặp Thủ tướng nước này. Ông chúc mừng Gruzia đã không trở thành Ukraine thứ hai với kết quả bầu cử vừa qua. Hungary hiện đang là Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu: "Tôi xin chúc mừng Thủ tướng về chiến thắng trong cuộc bầu cử. Tôi theo dõi cuộc tranh luận đang diễn ra về cuộc bầu cử, tôi đọc đánh giá của các tổ chức quốc tế và tôi thấy rằng không ai dám nghi ngờ rằng cuộc bầu cử này là một cuộc bầu cử công bằng và dân chủ. Bên cạnh tất cả những lời chỉ trích, không ai dám đi xa đến vậy. Người dân Gruzia đã đưa ra lựa chọn ủng hộ châu Âu, tôi thấy rằng cả phe đối lập và đảng cầm quyền đều cam kết hội nhập Liên minh châu Âu" .
Chuyến thăm này được xem như lời khẳng định tính hợp pháp của cuộc bầu cử, nhưng nó cũng làm nổi bật sự khác biệt trong quan điểm giữa Hungary và các nước khác trong EU. Ông Orban đã từng gây phẫn nộ cho các nhà lãnh đạo EU vào mùa hè với một loạt các "chuyến thăm hòa bình" tới Ukraine, Nga và Trung Quốc. Đặc biệt, ông đã bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Orban đã đi trước một bước khi chúc mừng Thủ tướng Irakli Kobakhidze và đảng Giấc mơ Gruzia về "chiến thắng áp đảo" của họ vào thứ Bảy - trước cả khi kết quả bầu cử được công bố. Sau đó, trong chuyến thăm, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố chiến thắng của đảng này trong cuộc bầu cử Quốc hội tại quốc gia Nam Kavkaz là tự do và dân chủ bất chấp cuộc biểu tình phản đối lớn của phe đối lập lên án cuộc bỏ phiếu là gian lận và bất hợp pháp.
Ông Orban, đối tác thân cận nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Liên minh châu Âu, là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Gruzia sau cuộc bỏ phiếu hôm thứ Bảy.
Ngoại trưởng của 13 quốc gia thành viên EU ra tuyên bố chung chỉ trích chuyến thăm thể hiện sự ủng hộ đối với chính phủ Gruzia của Orban là "quá sớm" và nhấn mạnh rằng ông "không thay mặt EU".
Đảng cầm quyền Gruzia thân Nga hay EU?
Đảng Giấc mơ Gruzia được trùm tỷ phú Vidzina Ivanishvili thành lập vào năm 2012 và ban đầu được coi là một đảng thân châu Âu. Trong nhiệm kỳ đầu tiên nắm quyền, đảng này đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Brussels và cuối cùng hai bên đã ký thỏa thuận liên kết để tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại vào năm 2014. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đã có những dấu hiệu cho thấy đảng này - đặc biệt là người sáng lập, tỷ phú Ivanishvili đang tiến gần hơn đến Moscow.
Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, Chính phủ Gruzia không ủng hộ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow và ông Ivanishvili cũng không công khai lên án Nga.
Tuy nhiên, với gần 80% dân số ủng hộ tư cách thành viên EU, chính phủ không thể công khai lên án EU hay bất kỳ tham vọng nào nhằm thoát khỏi ảnh hưởng của EU. Thay vào đó, ông lưu ý, đảng này đã tập trung chỉ trích các đảng đối lập và các thế lực bên ngoài đe dọa kéo Gruzia vào cuộc chiến với Ukraine.
Mặt khác, đảng cầm quyền cũng thúc đẩy mối quan hệ sâu sắc hơn với Moscow để tránh chọc giận nước láng giềng. Đồng thời, đảng này đang tỏ ý rằng họ muốn Gruzia gia nhập EU, nhưng theo “các điều kiện của Gruzia”, giống như cuộc đấu tranh của Hungary với EU dưới thời Thủ tướng Orban.
Tỷ phú Ivanishvili, người đã nhiều năm không giữ chức vụ công nhưng vẫn được đánh giá là có ảnh hưởng lớn đến chính quyền của đảng Giấc mơ Gruzia cũng đã lên tiếng trước cuộc bầu cử, nhấn mạnh Gruzia phải tránh dính líu đến những xung đột hiện nay trong khu vực Trung Đông và châu Âu. Theo ông, Gruzia từng được yêu cầu "mở chiến trường thứ hai" trong cuộc xung đột Nga - Ukraine và gây chiến với Nga trong "ba hoặc bốn ngày", nhưng đảng cầm quyền từ chối. Ông cũng cáo buộc Phong trào dân tộc thống nhất, đảng đối lập lớn nhất do cựu Tổng thống Gruzia Saakashvili thành lập, được hỗ trợ bởi "các thế lực bên ngoài nhằm gây bất ổn cho đất nước Gruzia".
Phe đối lập, Phong trào dân tộc thống nhất được cựu Tổng thống Mikheil Saakashvili thành lập vào năm 2003. Sau khi lên nắm quyền cùng năm, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ đảng vẫn ở mức từ 13% đến 20%. Trong nhiệm kỳ thứ ba nắm quyền, đảng đã sa lầy vào bê bối. Sau các cuộc biểu tình rầm rộ, đảng này đã bị liên minh do đảng Giấc mơ Gruzia lãnh đạo, lật đổ vào năm 2012.
Ông Saakashvili bị bắt sau khi từ Ukraine trở về Gruzia vào tháng 10/2021 và hiện đang bị kết án 6 năm tù vì tội “lạm dụng quyền lực”. Những việc này đã khiến Phong trào dân tộc thống nhất bị nhiều cử tri coi là “độc hại", khiến nhiều đảng đối lập đang cố gắng tránh xa cựu tổng thống.
Gruzia đang rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị sau cuộc bầu cử Quốc hội. Các cuộc biểu tình ở Gruzia có thể còn diễn biến căng thẳng trong những ngày tới. Cuộc khủng hoảng này không chỉ đe dọa sự ổn định trong nước mà còn khiến cơ hội Gruzia gia nhập Liên minh châu Âu (EU) càng trở nên xa vời.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cam kết duy trì hợp tác với nhóm vũ trang đồng minh ở Syria, trong đó dân quân người Kurd đóng vai trò nòng cốt.
Với 158 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 13 phiếu trắng, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 đã nhất trí thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức, vô điều kiện và kéo dài tại Dải Gaza, đồng thời trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các con tin.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã có cuộc hội kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Moscow, tái khẳng định cam kết về mối quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ và Nga, trong đó có tăng cường quan hệ quốc phòng, bất chấp những thách thức địa chính trị.
Ngày 11/12, Nga cảnh báo sẽ đáp trả cuộc tấn công của Ukraine vào một thành phố ở phía tây nam nước này, mà Moscow cho rằng có liên quan đến 6 tên lửa đạn đạo ATACMS do Mỹ sản xuất.
Trải rộng trên một diện tích xấp xỉ bằng năm sân bóng đá, bãi rác tại tỉnh Rizal của Philippines gần như che khuất những ngọn núi. Đây là ví dụ rõ nhất cho thấy quy mô cuộc khủng hoảng rác thải nhựa đang diễn ra tại quốc gia Đông Nam Á này.
Ngày 11/12, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đến tòa án Tel Aviv trong ngày thứ hai của phiên tòa xét xử tham nhũng.
0