Liệu Israel có tấn công trả đũa Iran?
Israel tuyên bố sẽ trả đũa Iran
Nội các chiến tranh Israel hôm 15/4 đã quyết định trả đũa một cách mạnh mẽ và rõ ràng vụ tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Iran vào nước này.
Chúng tôi đã phê duyệt các kế hoạch hoạt động cho cả hành động tấn công và phòng thủ. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ đất nước Israel cùng với các đối tác của mình.
Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari - Người phát ngôn quân đội Israel.
Quyết định này phát đi thông điệp Israel sẽ không cho phép một vụ tấn công quy mô như vậy nhằm vào nước này mà không bị đáp trả. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã nói với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin rằng Israel không chấp nhận việc mỗi lần Tel Aviv tấn công các mục tiêu tại Syria thì Iran lại đáp trả bằng việc tấn công vào lãnh thổ Israel.
Tuy nhiên, giới chức Israel cho biết nước này cũng không muốn biện pháp trả đũa Iran gây ra một cuộc chiến khu vực hay làm tan vỡ liên minh các nước đã giúp Israel đối phó với cuộc tấn công của Iran.
Đêm ngày 13/4 (tức khoảng 3h sáng theo giờ Việt Nam), Iran đã phóng hàng trăm máy bay không người lái UAV và hàng chục quả tên lửa vào Israel. Đây là vụ tấn công quân sự trực tiếp đầu tiên quy mô lớn của Iran vào lãnh thổ Israel, nhằm trả đũa vụ Israel không kích tòa lãnh sự quán Iran ở Damacus (Syria) hôm 1/4. Theo lực lượng phòng vệ Isreal, các cuộc không kích của Iran vào Israel không gây ra nhiều thương vong.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani tuyên bố hành động của Iran có ý nghĩa răn đe và phù hợp với Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc về quyền tự vệ chính đáng và để đáp trả cuộc tấn công Israel nhằm vào lãnh sự quán Iran ở Syria.
Các nhà phân tích cho rằng Iran đã rất khôn khéo khi triển khai một cuộc tấn công ở mức vừa phải để không làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực.
Khá rõ ràng là Iran đã không tấn công bằng tất cả những gì họ có. Trên thực tế, đây là một cuộc tấn công rất hạn chế và dường như nó thiên về việc để giữ thể diện của họ. Họ đã vượt qua lằn ranh đỏ của Israel, họ đã tấn công từ lãnh thổ Iran, nhưng cuộc tấn công để giảm nguy cơ leo thang, hoặc duy trì cuộc tấn công ở mức tối thiểu, để đảm bảo rằng nếu Israel quyết định leo thang hơn nữa, dư luận thế giới sẽ thấy rằng đây là sự lựa chọn không cần thiết của Israel chứ không phải là lỗi của Iran.
Ông Trita Parsi - Phó Chủ tịch điều hành Viện quản lý có trách nhiệm Quincy.
Những tuyên bố trả đũa lẫn nhau của Israel và Iran khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về sự bùng nổ những bất đồng vốn được ví như “thùng thuốc súng” ở Trung Đông. Nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới đã đưa ra lời kêu gọi các bên kiềm chế.
Tổng thống Joe Biden kêu gọi Israel “cân nhắc thận trọng và có chiến lược” trước khi đưa ra phản ứng vì có thể khiến xung đột lan rộng. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà trắng John Kirby tuyên bố Mỹ không muốn chứng kiến một cuộc chiến tranh với Iran.
Quốc vương Abdullah II của Jordan bày tỏ quan ngại rằng những diễn biến hiện nay ở Trung Đông có thể khiến xung đột leo thang, gây nguy hiểm cho an ninh và ổn định khu vực.
Nga bày tỏ quan ngại về tình hình ở khu vực Trung Đông sau vụ tấn công của Iran, đồng thời kêu gọi các nước trong khu vực kiềm chế.
Chúng tôi cực kỳ quan ngại về tình trạng căng thẳng leo thang trong khu vực. Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước trong khu vực kiềm chế. Leo thang hơn nữa không có lợi cho bất kỳ ai. Vì vậy, chúng tôi chủ trương rằng mọi bất đồng chỉ được giải quyết bằng con đường chính trị và biện pháp ngoại giao.
Ông Dmitry Peskov - Người phát ngôn Điện Kremlin.
Phía Trung Quốc ghi nhận tuyên bố của Iran rằng hành động của họ được thực hiện có giới hạn và là hành động tự vệ. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng hy vọng Tehran có thể xử lý tốt tình hình và tránh cho khu vực thêm bất ổn.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hoan nghênh việc Iran ngừng các hoạt động tiếp theo chống Israel. Ông Guterres đồng thời kêu gọi Israel không thực hiện bất kỳ hành động trả đũa nào nhằm giảm bớt căng thẳng trong khu vực, thiết lập hòa bình và ngăn chặn bạo lực lan rộng.
Phản ứng của Israel đã khiến người dân cả hai nước Israel và Iran lo lắng. Theo một cuộc thăm dò được công bố hôm 16/4, gần 3/4 công chúng Israel được hỏi đã phản đối việc tấn công trả đũa Iran, nếu hành động đó gây tổn hại cho liên minh an ninh của Israel với các đồng minh. Cuộc khảo sát của Đại học Do Thái cũng cho thấy 74% công chúng phản đối một cuộc phản công “nếu điều đó làm suy yếu liên minh an ninh của Israel với các đồng minh”, trong khi 26% ủng hộ một cuộc tấn công cho dù nó làm tổn hại đến mối quan hệ với các đồng minh.
Trong khi đó, nhiều người Iran cho rằng việc Israel tấn công vào Iran sẽ là tin vô cùng xấu đối với người dân nước này. Người dân Iran sẽ phải chịu thêm các áp lực kinh tế, sự an toàn bị đe dọa.
Israel có phản ứng quá mức ?
Israel tuyên bố sẽ đáp trả Iran về cuộc tấn công hôm 13/4 nhưng vẫn chưa ấn định thời gian hay mức độ đáp trả. Israel đang phải tìm cách cân bằng, khi nước này một mặt đối diện áp lực quốc tế về việc cần cho thấy sự kiềm chế, một mặt tìm kiếm phản ứng thích hợp trước cuộc tấn công của Iran. Các nhà phân tích nhận định Israel có ít lựa chọn, đặc biệt khi nước này đang trong cuộc xung đột kéo dài 6 tháng qua với phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza, đồng thời đối đầu với các lực lượng được Iran hậu thuẫn trong khu vực trên nhiều mặt trận.
Cuộc chiến với lực lượng Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza cho đến nay đã khiến hơn 33.000 dân thường thiệt mạng, phía Israel cũng chịu tổn thất lớn, hơn 300 binh sĩ thiệt mạng. Kế hoạch của Israel nhằm tấn công vào thành phố Rafah miền Nam Gaza đang vấp phải sự phản đối gay gắt từ cộng đồng quốc tế, vì thành phố này hiện là nơi trú ẩn của 1,7 triệu người Palestine lánh nạn và đang đối mặt với nạn đói. Các tổ chức nhân đạo lo ngại cuộc tấn công vào Rafah có thể sẽ gây ra thảm họa nhân đạo khủng khiếp.
Bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, trong đó có đồng minh Mỹ, Israel vẫn có ý định tấn công vào Rafah, vì cho rằng "chỉ có áp lực mới có thể thúc đẩy Hamas trao trả con tin”.
Trong khi đó, khu vực biên giới Isarel với Liban cũng không yên tiếng súng trong nhiều tháng qua. Quân đội Israel và lực lượng Hezbollah tại Liban thường xuyên nã rocket vào nhau. Tình trạng căng thẳng này đã khiến gần 100.000 người Israel phải sơ tán khỏi các thị trấn phía Bắc nước này và hàng chục nghìn người Liban sống gần biên giới đã di tản.
Mới đây nhất là những diễn biến trả đũa lẫn nhau giữa Israel và Iran sau vụ Israel tấn công vào lãnh sự quán Iran tại Syria. Bộ trưởng quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết Israel đang chống lại Iran trên mọi mặt trận, cáo buộc rằng Iran hậu thuẫn cho Hezbollah, Hamas, Houthi.
Trả lời phóng viên Đài Hà Nội về việc liệu Israel có phản ứng quá mức trong các hoạt động quân sự của mình thời gian qua, từ khi Israel tấn công vào Dải Gaza cho đến khi tấn công vào trụ sở ngoại giao của Iran, đại sứ Israel tại Việt Nam cho biết: "Tôi có thể trả lời ngay lập tức rằng Israel đã không phản ứng quá mức trong các hoạt động quân sự của mình. Nhưng trước hết xin được nói qua những thông tin cơ bản. Kể từ ngày 7 tháng 10, chúng tôi đã bước vào cuộc chiến tranh với Hamas. Chúng tôi không bắt đầu cuộc chiến đó. Cuộc chiến do Hamas bắt đầu. Người Palestine cũng chịu nhiều đau khổ do tác động của cuộc chiến. Viện trợ nhân đạo là cần thiết. Chúng tôi cởi mở với điều đó, chúng tôi để ngỏ mọi khả năng, viện trợ bằng đường biển, đường không. Chúng tôi muốn đối thoại, muốn ngừng bắn, muốn tìm ra giải pháp, chúng tôi muốn con tin trở về. Đó là điều quan trọng nhất".
Mỹ không có ý định tham gia cuộc phản công của Israel
Trong khi Israel cho biết sẽ đáp trả cuộc tấn công của Iran, thì Mỹ đang cảnh báo các quan chức Tel Aviv rằng nếu tấn công quân sự trả đũa thì Israel sẽ phải tự mình làm điều đó mà không có sự tham gia của Mỹ. Đây là một thông điệp đối với một đồng minh thân cận qua nhiều thập kỷ, nhận được nhiều viện trợ quân sự của Mỹ hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Sau nhiều tháng Israel đối mặt với sự chỉ trích gay gắt từ Mỹ và các đồng minh khác rằng các hoạt động quân sự của họ ở Dải Gaza đã đi quá xa. Chính quyền Tổng thống Biden đã nói rõ rằng Mỹ sẽ không tham gia các hành động quân sự tấn công chống lại Iran vì lo ngại một cuộc chiến rộng lớn hơn ở Trung Đông. Một quan chức Mỹ cho biết: “chúng tôi tin rằng Israel có quyền tự do hành động để tự vệ. Đó là một chính sách lâu dài”.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn các quan chức Mỹ cũng cho biết Tổng thống Joe Biden đã nói với Thủ tướng Netanyahu rằng Washington sẽ không tham gia vào bất kỳ cuộc trả đũa nào của Israel chống Iran.
Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc chiến tranh với Iran. Chúng tôi không tìm kiếm sự leo thang căng thẳng trong khu vực. Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc xung đột rộng lớn hơn.
Ông John Kirby - Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng, Mỹ.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để thảo luận về vụ tấn công của Iran, Tổng thống Mỹ Joe Biden tái khẳng định "cam kết sắt đá" trong đảm bảo an ninh cho Israel. Ông nói sẽ cùng các lãnh đạo phương Tây "phối hợp phản ứng ngoại giao đồng bộ" sau động thái của Iran.
Tuy nhiên, Mỹ hiện nay không muốn can thiệp sâu vào căng thẳng giữa Israel và Iran vì cuộc bầu cử tổng thổng Mỹ sắp diễn ra. Dư luận nước Mỹ đang phản đối chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden ở Trung Đông. Điều đó bất lợi cho chính ông Joe Biden và Đảng Dân chủ trong bầu cử cuối năm. Vì vậy, Washington khó có thể đưa lực lượng để hỗ trợ Irsael vào thời điểm này. Mỹ sẽ tính toán thận trọng hơn, kiềm chế hơn để xung đột không lan rộng.
Quan chức Nhà Trắng tiết lộ Tổng thống Joe Biden khẳng định Mỹ sẽ không tham gia bất kỳ chiến dịch quân sự nào của Israel với mục tiêu trả đũa Iran.
Có thể thấy, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Gaza đã bước sang tháng thứ 7, căng thẳng giữa Iran và Israel có nguy cơ khiến Trung Đông rơi vào tình trạng “chiến tranh trong chiến tranh”. Do đó, điều cần thiết là các bên phải tránh leo thang hoặc ít nhất là kiềm chế các hành động thiếu tính toán, để giảm những nguy cơ đối với an ninh khu vực.
Khi cuộc chiến Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 4, nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết cuộc xung đột khi ông chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.
TikTok có thể xem là một trong những ứng dụng "xấu số" nhất thế giới. Dù có lượng người dùng đông đảo, ứng dụng này cũng đang bị cấm tại rất nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều lý do khác nhau.
Sáng 17/12, một thiết bị nổ được cài trong một chiếc xe scooter điện đã phát nổ gần lối vào của một tòa dân cư trên Đại lộ Ryazansky ở Moscow, vào đúng thời điểm người đứng đầu Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga Igor Kirillov cùng trợ lý của ông đi ngang qua, khiến hai người thiệt mạng.
Theo các nguồn tin Ukraine, tính đến tháng 11 năm nay, ít nhất 18 tướng, một đô đốc Nga đã thiệt mạng. Tuy nhiên, phía Nga mới xác nhận 8 trường hợp, và thêm trường hợp mới nhất là Trung tướng Igor Kirillov.
Ở tuổi 73, ông Francois Bayrou trở thành thủ tướng thứ 4 của nước Pháp chỉ trong vòng một năm. Ông sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua và vực dậy nền kinh tế.
Israel đã tận dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để ném bom các mục tiêu trên khắp đất nước nước này. Israel tuyên bố chiến dịch quân sự của họ ở Syria chỉ là “biện pháp tạm thời” để đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn vũ khí của Syria rơi vào tay những kẻ cực đoan.
0