Liệu phương Tây đang phớt lờ Ukraine?

Đến nay cuộc xung đột Nga - Ukraine đang bước vào mùa đông thứ hai và có nguy cơ còn kéo dài. Tâm lý mệt mỏi tại các nước phương Tây đang tạo ra áp lực để các chính trị gia tìm cách chấm dứt xung đột thông qua giải pháp ngoại giao, bởi suy cho cùng bất kỳ cuộc xung đột nào rồi cũng sẽ phải kết thúc trên bàn đàm phán. Điều cần làm nhất hiện nay là đưa Nga và Ukraine quay trở lại bàn đàm phán hoà bình vì xung đột càng kéo dài sẽ chỉ càng nối dài những tổn thất và mất mát cho cả hai phía.

Vì sao Nga mở cuộc tấn công lớn nhất vào Avdiivka?

Các quan chức Mỹ và Ukraine ước tính, Nga đã triển khai ít nhất 3 tiểu đoàn với hàng nghìn binh lính chiến đấu ở Avdiivka, bắt đầu từ ngày 9/10. Cuộc tấn công diễn ra giữa thời điểm quan trọng khi cả hai bên đều muốn giành thế chủ động trước khi mùa đông đến và nhiệt độ hạ thấp, có khả năng kéo sự chú ý và nguồn lực của Ukraine khỏi các cuộc phản công ở phía Nam - nơi Kiev vẫn hy vọng giành đột phá sau nhiều tháng bế tắc trước phòng tuyến kiên cố của Nga. Các quan chức Ukraine và các nhà phân tích quân sự cho biết, đây là cuộc tấn công lớn nhất của Nga kể từ tháng 2 khi Moscow dồn nhiều nguồn lực và trang thiết bị vũ khí vào thành phố này.

Pháo binh Nga nã đạn vào các vị trí trọng yếu của Ukraine

Tướng Oleksandr Syrskyi, Chỉ huy lực lượng mặt đất của Ukraine đã miêu tả các điều kiện hiện tại dọc gần 1.000km tiền tuyến là "khó khăn" và "thách thức". Quân đội Ukraine cũng đối mặt với các cuộc tấn công của Nga quanh Bakhmut - thành phố mà Nga tuyên bố giành quyền kiểm soát hồi tháng 5 sau 10 tháng giao tranh liên tiếp.

Được mệnh danh là "cửa ngõ tới Donetsk" khi chỉ cách thủ phủ của khu vực này 8km về phía Tây Bắc, Avdiivka đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của Ukraine nhằm gây sức ép lên tuyến hậu cần của Nga trong khu vực. Theo một số nhà quan sát, mặc dù sau 2 tuần tấn công, các thành quả của Nga vẫn khá khiêm tốn nhưng Moscow đã kiểm soát được các sườn của thành phố, thu hẹp khoảng cách để quân đội Ukraine ra và vào thành phố xuống chỉ còn 7km, từ đó gây khó khăn cho việc tiếp ứng.

Tổng thống Nga Putin nói: “Quân đội của chúng tôi đang cải thiện vị trí trên một khu vực khá rộng lớn. Điều này cũng đang xảy ra trên hướng Kupiansk, Zaporizhzhia và Avdiivka. Đúng, đây là một biện pháp phòng thủ tích cực với sự cải thiện vị trí của chúng tôi tại một số khu vực nhất định. Chúng tôi không che giấu điều này."

Bộ trưởng Quốc phòng Nga thăm nhà máy sản xuất máy bay

Một sĩ quan Ukraine hoạt động trong nhóm phân tích Frontelligence Insight cho biết, các lực lượng của Nga đang sử dụng bom thả từ trên không để phá hủy Avdiivka. Theo giới quan sát, mục tiêu chung của Nga ở Avdiivka là tiếp cận tuyến cao tốc M-04 và khôi phục giao thông trên tuyến đường sắt Yasinovata-Donetsk. Điều đó có thể cho phép Nga có thêm một tuyến hậu cần nữa cho các lực lượng ở phía Nam.

Trong khi đó, một số nhà quan sát lo ngại Avdiivka có thể biến thành Bakhmut thứ hai – nơi từng xảy ra giao tranh ác liệt kéo dài nhiều tháng biến thành phố trở thành "địa ngục". Tổng thống Zelensky và giới lãnh đạo quân sự Ukraine khi đó từng quyết định cố thủ ở Bakhmut đến cùng nhằm khiến Nga tiêu hao đạn dược và lực lượng, đồng thời ngăn họ tiến công ở những nơi khác. Theo giới quan sát, tại Avdiivka, với việc Ukraine đã xây dựng được phòng tuyến kiên cố, Nga sẽ cần dồn nhiều nguồn lực hơn vào đây.

Tình thế khó khăn của Ukraine

Kể từ khi xung đột nổ ra, các lực lượng của Nga đã duy trì lợi thế về pháo binh, tấn công vào các vị trí với tần suất gấp 3 - 4 lần so với Ukraine.

Trong khi đó, Ukraine ở tình thế đối lập khi thiếu hụt nghiêm trọng cả về lực lượng và đạn dược. Theo các chuyên gia, sự thiếu hụt này không phải là vấn đề ngắn hạn mà sẽ kéo dài ít nhất 1 năm. Quân đội Ukraine sẽ cạn kiệt đạn dược vào năm sau và các nước phương Tây sẽ không thể lấp đầy kho vũ khí cho tới năm 2025.

Binh sĩ Ukraine đang dần thiếu đạn được

Trong kế hoạch được thông qua hồi đầu năm, Liên minh châu Âu (EU) từng cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine một triệu quả đạn pháo cho Ukraine vào tháng 3 năm 2024, sử dụng các kho dự trữ hiện có và sau đó là các thỏa thuận mua sắm chung và mở rộng sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, thông tin thu thập được từ các nguồn và tài liệu được Bloomberg kiểm tra cho thấy đến nay mục tiêu này mới chỉ được hoàn thành khoảng 30%. Với khối lượng hợp đồng được ký hiện nay, nguy cơ không đạt được mục tiêu là rất lớn.

Theo dự đoán của một số chuyên gia, trong bối cảnh ấy, vào năm 2024, Ukraine vẫn chưa thể tiến hành các chiến dịch có thể thay đổi diễn biến cuộc xung đột. Trong khi đó, Nga có ngành công nghiệp vũ khí đã tăng cường sản xuất lên nhiều lần ở tất cả lĩnh vực.

Nhằm hỗ trợ Ukraine, NATO đang kêu gọi các quốc gia thành viên vượt qua khuynh hướng bảo hộ và đạt được sự đồng thuận về tiêu chuẩn thống nhất cho đạn pháo để thúc đẩy sản xuất. Tuy nhiên, hiện có những lo ngại rằng xung đột Israel – Hamas leo thang đang làm giảm dần sự chú ý với xung đột ở Ukraine, khiến các nước phương Tây tập trung nhiều hơn vào các diễn biến ở Trung Đông. Điều này có thể đặt ra thách thức cho Ukraine trong việc mua sắm, cung cấp vũ khí và hỗ trợ quốc tế.

Mỹ chọn Israel, phớt lờ Ukraine?

Tổng thống Mỹ Joe Biden từng cam kết sẽ hỗ trợ Ukraine “chừng nào còn cần thiết”. Lời cam kết này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhắc lại tại cuộc họp của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine diễn ra tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ.

Ông Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng: “Giờ đây, liên minh này tiếp tục làm nên lịch sử với sự đoàn kết và sự ủng hộ lâu dài của chúng tôi dành cho Ukraine. Mỹ sẽ sát cánh cùng Ukraine cho đến chừng nào cần thiết.”

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Tổng thống Ukraine tại hội nghị của NATO

Nhưng kể từ cuộc tấn công với quy mô chưa từng có của Hamas sang lãnh thổ Israel ngày 7 tháng 10, một cuộc khủng hoảng quốc tế mới đã nổ ra, làm phân tán sự chú ý của dư luận thế giới. Và cuộc xung đột ở Trung Đông có thể làm hạn chế nguồn lực của những nước đặc biệt ủng hộ Ukraine, như Mỹ.

Một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Israel và cam kết sẽ dành cho Tel Aviv một gói viện trợ quân sự “khổng lồ, chưa từng có”, trang tin tức Axios của Mỹ đưa tin Mỹ sẽ cung cấp cho Israel hàng chục nghìn quả đạn pháo 155 mm vốn ban đầu được dành cho Ukraine. Mỹ hiện có một kho đạn dược đặt ở Israel, nơi chỉ lực lượng Mỹ mới được quyền tiếp cận. Đầu năm nay, Mỹ bắt đầu lấy đạn từ cơ sở này và một kho dự trữ khác ở Hàn Quốc để đáp ứng nhu cầu lớn về đạn dược của Ukraine. Các quan chức Israel nói với trang tin Axios rằng theo yêu cầu trực tiếp của chính phủ Israel, Mỹ sẽ bổ sung thêm cho kho đạn dược ở Israel từ nguồn dự trữ dành cho Ukraine và số đạn pháo này sẽ đến Israel trong vài tuần tới.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo giới, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng khẳng định Oa-sinh-tơn chắc chắn có thể giải quyết đồng thời cả hai cuộc khủng hoảng. Tuy vậy, bất đồng rõ ràng đang tồn tại giữa ông Biden và các nghị sĩ thuộc Cộng hòa muốn cắt viện trợ cho Ukraine.

Tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson trong cuộc trả lời phỏng vấn với Fox News ngày 29/10 cho biết, yêu cầu về hỗ trợ tài chính cho Ukraine của Tổng thống Joe Biden hiện tại không cấp bách bằng việc hỗ trợ cho Israel trong cuộc chiến với Hamas. Tổng thống Biden đã kêu gọi một gói hỗ trợ chung cho cả Ukraine và Israel trong dự luật ngân sách khẩn cấp trị giá 106 tỷ USD thay vì để các nghị sĩ bỏ phiếu riêng về từng vấn đề. Chính quyền ông Biden cũng công bố một kế hoạch vào đầu tháng này về việc cung cấp ngân sách bổ sung trị giá 61,4 USD cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, 14,3 tỷ USD cho Israel và 9,2 tỷ USD cho hoạt động cứu trợ nhân đạo ở cả hai quốc gia.

Quốc hội Mỹ trước đó đã thông qua 113 tỷ USD hỗ trợ cho Ukraine nhưng quan điểm phản đối việc hỗ trợ bổ sung cho Kiev trong đảng Cộng hòa đang ngày càng gia tăng. Đề cập đến việc viện trợ cho Ukraine, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson mới đây cho biết ông muốn Mỹ có nhiều trách nhiệm hơn đối với hàng tỷ USD mà nước này đang chi để hỗ trợ Kiev.

"Chúng tôi sẽ có những điều kiện về vấn đề đó nên chúng tôi đang thảo luận. Chúng tôi muốn trách nhiệm giải trình và chúng tôi muốn Nhà Trắng có những mục tiêu rõ ràng", ông Mike Johnson, Chủ tịch Hạ viện Mỹ nói.

Theo tờ Kyiv Post của Ukraine, việc ông Johnson được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ cho phép Quốc hội nước này quay trở lại công việc lập pháp nhưng lại là một tin rất đáng lo ngại đối với Ukraine và cuộc phản công của nước này trước Nga. Tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ được cho là theo đường lối cứng rắn và đã bỏ phiếu "Không" đối với 5 trong số 6 gói đề xuất để hỗ trợ cho Ukraine. Trước đó, gói ngân sách dành cho Ukraine đã bị gạt ra khỏi dự luật chi tiêu mà quốc hội Mỹ thông qua hôm 30/9 nhằm ngăn chặn việc chính phủ Mỹ đóng cửa.

Tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu diễn ra mới đây, các nhà lãnh đạo EU cũng khẳng định có thể xử lý cả cuộc xung đột ở Ukraine và ở Trung Đông cùng một lúc.  Nhưng tuyên bố này dường như chỉ là trên lý thuyết. Càng ngày, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas càng đẩy Ukraine ra khỏi tâm điểm chính trị và tình đoàn kết của EU với Ukraine cũng dần suy yếu.

Sự hỗ trợ tại Châu Âu cũng đang suy giảm

Trong hai ngày 26 và 27-10, Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh tại Brussels (Bỉ). Không nằm ngoài dự đoán, các nhà lãnh đạo của “ngôi nhà chung” 27 thành viên đã không đạt được thỏa thuận phê duyệt gói tài chính trị giá 50 tỷ euro trong 4 năm để viện trợ cho Ukraine. Slovakia và Hungary là 2 nước thành viên phản đối gay gắt kế hoạch chi tiêu này.

Phát biểu với đài phát thanh nhà nước Hungary bên lề hội nghị thượng đỉnh EU, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng chiến lược của Liên minh châu Âu liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine “đã thất bại” và EU nên lập kế hoạch B vì Ukraine sẽ không giành chiến thắng trên tiền tuyến.

Thủ tướng Hungary Orban đánh giá: “Liệu Châu Âu có thể hỗ trợ cho Ukraine hay không thì tôi không biết, nhưng tôi chắc chắn rằng Hungary không thể và cũng không sẵn sàng làm điều đó, bởi vì tôi thấy không có lý do gì mà chúng tôi phải hỗ trợ Ukraine bằng tiền đóng thuế của người dân.”

Đến nay, Hungary vẫn chưa từng thực hiện các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Nga, và vẫn tiếp tục mua khí đốt của Moscow.

Trong khi đó, tân Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã tuyên bố sẽ dừng mọi viện trợ quân sự cho Ukraine. Ông Robert Fico cũng cho rằng, EU cần thay đổi vai trò, từ nhà cung cấp vũ khí cho Ukraine sang kiến tạo hòa bình, nhấn mạnh tốt hơn hết Ukraine và Nga nên tham gia đàm phán hòa bình thay vì xung đột mà không có kết quả gì.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết: “Với tư cách là thủ tướng, tôi không ủng hộ việc giúp đỡ quân sự cho Ukraine. Tôi cũng sẽ không bỏ phiếu cho bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với Nga trừ khi có một phân tích về tác động đối với Slovakia trên bàn đàm phán. Nếu các lệnh trừng phạt có thể gây thiệt hại cho chúng tôi, như hầu hết các lệnh trừng phạt của EU trong quá khứ, thì tôi thấy không có lý do gì ủng hộ chúng.”

Theo dữ liệu của EU, khối và các quốc gia thành viên đã cung cấp cho Ukraine hơn 88 tỷ đô la viện trợ kể từ khi bắt đầu xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2/2022. Tuy vậy, tại một cuộc họp của các ngoại trưởng EU vào tuần trước, lần đầu tiên vấn đề Israel đã loại vấn đề Ukraine ra khỏi chương trình nghị sự hàng đầu.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm nay của Chủ tịch Tập Cận Bình là một phần trong nỗ lực đảo ngược chính sách cứng rắn của Liên minh châu Âu (EU) về giảm rủi ro từ Trung Quốc, đặc biệt giữa lúc căng thẳng thương mại giữa hai bên chưa giảm. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc – châu Âu.

Những ưu tiên chính sách của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong nhiệm kỳ mới gồm tiếp tục thúc đẩy kinh tế Nga phát triển vượt bậc trở thành một trong 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới, cải thiện đời sống của người dân, hoàn thành các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt và thắt chặt hơn nữa quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia đang phát triển.

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đã có cuộc trao đổi với Đài Hà Nội về ý nghĩa của thắng lợi vĩ đại này. Một thắng lợi mà ông cho rằng có thể xem như hình mẫu của chiến tranh nhân dân, hình mẫu của việc huy động sức mạnh toàn dân tộc.

Trong cuộc họp đầu tháng 5, Cục dự trữ liên bang Mỹ FED đã quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản hiện nay ở mức từ 5,25 đến 5,5% để kiềm chế lạm phát. Việc FED duy trì mức lãi suất cao khiến đồng USD tăng giá và gây ra nhiều tác động đến nền kinh tế của Mỹ cũng như toàn cầu.

Trí tuệ nhân tạo đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ, nhưng năm 2024 được đánh giá là năm hứa hẹn mở ra một loạt tiến bộ đột phá trong phát minh robot AI thế hệ mới.

Châu Á đã trở thành điểm nóng cho các nhà đầu tư quốc tế nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và thị trường tiêu dùng khổng lồ. Trong đó, các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia và Singapore được coi là những lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư.