Lính tinh nhuệ NATO đã xuất hiện tại Ukraine

Cổng thông tin Tsargrad mới đây cho biết, các đơn vị tinh nhuệ của lực lượng NATO đã đến hai thành phố Lviv và Kiev của Ukraina. Động thái này diễn ra sau khi một số quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), dẫn đầu là Pháp, đề cập đến khả năng điều quân tới Ukraine. Những diễn biến này làm dấy lên lo ngại về một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO tại Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo việc phương Tây đưa quân tới tham chiến ở Ukraine có thể dẫn đến Thế chiến 3.

Lính tinh nhuệ NATO đến Ukraine

Theo cổng thông tin Tsargrad, việc điều động các đơn vị tinh nhuệ của NATO tới 2 thành phố của Ukraine là một phần của sứ mệnh chung ở Ukraine và quyết định thành lập sứ mệnh này đã được Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski công bố trước đó.

Ông Sikorski nhấn mạnh rằng, sự hiện diện của một nhóm quân NATO trên lãnh thổ Ukraine không có nghĩa liên minh này tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột với Nga. Bước đi này của các nước thành viên NATO được mô tả là nỗ lực nhằm “ngăn chặn thảm họa” trong khu vực diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.

Binh sỹ Ukraine trong khu rừng Kreminna ở vùng Lyman của Ukraine, ngày 26 tháng 12 năm 2023.

Các nhà hoạch định chính sách phương Tây trước đó đã nhất trí rằng cần phải gửi các nhóm tinh nhuệ quy mô nhỏ tới Ukraine cùng với các nhân viên hỗ trợ, với nhiệm vụ chính là bảo trì và sửa chữa thiết bị quân sự, chứ không trực tiếp tham gia chiến sự. Tuy vậy, theo ấn phẩm UnHerd, không loại trừ khả năng binh lính NATO sẽ đồn trú lâu dài ở biên giới Ukraine giáp Belarus hoặc tại cảng Odessa.

Nằm cách biên giới Ba Lan khoảng 70km, Lviv nằm ngay ngưỡng cửa của NATO, vì vậy nếu xung đột diễn ra ở đây sẽ có thể gây ra hậu quả mang tầm quốc tế. Thành phố này đã trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những người Ukraine chạy khỏi các vùng bị chiến sự tàn phá trên khắp đất nước. Họ đã đến Lviv để tìm kiếm sự an toàn, trong khi nhiều người khác dừng chân tại đây trước khi lên đường đến biên giới. Ngoài ra, ở phía bắc Lviv là Belarus, nơi được cho là có quân đội Nga và là một trong những bệ phóng của chiến dịch quân sự đặc biệt.

Trong khi đó, thủ đô Kiev của Ukraine thời gian qua đã liên tục trở thành mục tiêu tập kích của Nga. Hàng loạt tòa chung cư, cơ sở công nghiệp và năng lượng ở Kiev đã bị hư hại sau các cuộc không kích bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga.

Cuộc thảo luận công khai giữa các nước NATO

Sau cuộc phản công thất bại trong năm 2023, thời gian gần đây, Ukraine đã liên tiếp bị đẩy lùi trên tiền tuyến. Trong bối cảnh ấy, một số quốc gia thành viên của NATO, dẫn đầu là Pháp, đã bắt đầu cân nhắc đến phương án điều quân đến Ukraine.

Phát biểu sau một cuộc họp gồm 20 nhà lãnh đạo, chủ yếu là châu Âu ở Paris hôm 26/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng tuyên bố rằng: “không có gì bị loại trừ” liên quan đến việc chính thức đưa quân đội các nước NATO tới Ukraine.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: “Không có sự đồng thuận nào về việc chính thức hỗ trợ bất kỳ lực lượng bộ binh nào. Nhưng về mặt động lực, không có gì nên bị loại trừ. Chúng tôi sẽ làm mọi cách để Nga không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này.”

Những tuyên bố của ông Macron đã lần đầu tiên mở ra các cuộc thảo luận công khai giữa các quốc gia NATO về việc hỗ trợ nhân lực quân sự cho Ukraine.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố “không có kế hoạch triển khai lực lượng chiến đấu của NATO trên thực địa ở Ukraine”. Mỹ, Đức, Anh, Cộng hòa Séc và nhiều nước châu Âu khác tuyên bố không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine. Lãnh đạo các nước này cho biết họ không muốn lực lượng của mình tham gia trực tiếp vào cuộc chiến, cũng như không muốn đụng độ trực tiếp với Nga.

Tuy nhiên, một số quốc gia ở sườn phía đông của NATO đã ủng hộ ý tưởng của nhà lãnh đạo Pháp. Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho biết, nước này không thể đảm bảo rằng quân đội của mình sẽ không được điều động tới Ukraine trong tương lai. Còn Tổng thống Litva Gitanas Nausėda cũng kêu gọi các nước phương Tây nên thảo luận về ý tưởng gửi quân tới Ukraine và ngừng vạch ra “lằn ranh đỏ” trong việc hỗ trợ Kiev.

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan, Tướng Onno Eichelsheim cho rằng, các nước NATO nên xem xét mọi phương án để giúp đỡ Ukraine.

“Tôi nghĩ điều mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn thể hiện là chúng ta phải tính đến tất cả các lựa chọn. Tôi không nghĩ rằng các nước NATO hiện sẵn lòng làm điều đó nhưng bạn không bao giờ biết điều gì sẽ xảy ra”, ông nói.

Còn theo Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski, sự hiện diện của lực lượng NATO ở Ukraine không phải là điều “không thể tưởng tượng được” và ông đánh giá cao tổng thống Pháp vì đã không loại trừ ý tưởng đó.

Tham mưu trưởng lục quân Pháp, Tướng Pierre Schill hồi tháng 3 cho biết quân đội Pháp “sẵn sàng” cho bất kỳ đợt triển khai nào, với 20.000 binh sĩ có thể được chuẩn bị trong vòng 30 ngày. Ông Schill cũng khẳng định Paris thậm chí có thể chỉ huy một lực lượng đồng minh tổng hợp gồm 60.000 người.

Trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột Nga – Ukraine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng cảnh báo không nên khiến Nga tức giận và ủng hộ duy trì các kênh ngoại giao với Moscow. Tuy nhiên, những tính toán gần đây về khả năng triển khai quân đến Ukraine đã cho thấy sự thay đổi đáng kể trong quan điểm của Pháp. Theo giới quan sát, dường như ông Macron đang muốn khẳng định vị thế cường quốc hàng đầu của Pháp ở châu Âu trong bối cảnh chính trị đang thay đổi, cả trên trường quốc tế và trong nước. Điều này càng thể hiện rõ hơn khi Mỹ rút viện trợ và châu Âu phải đối diện thế tiến thoái lưỡng nan, hoặc đứng nhìn Ukraine cạn kiệt đạn dược và thất bại trên chiến trường, hoặc phải can thiệp và giúp đỡ một cách trực tiếp hơn.

Vai trò của binh sỹ NATO tại Ukraine

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã không chỉ mở đầu một cuộc tranh luận mà lời nói của ông còn nhằm xác nhận rằng đã có quân nhân từ các nước NATO trên đất Ukraina, mặc dù những binh sỹ này không đóng vai trò tích cực trong các hoạt động chiến đấu.

Phát biểu tại một hội nghị ở Warsaw hôm 8/3, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cũng thừa nhận đã có binh sỹ NATO tại Ukraine.

“Binh lính NATO đã có mặt ở Ukraine. Và tôi muốn cảm ơn các đại sứ của những quốc gia đã chấp nhận rủi ro đó. Những quốc gia này biết họ là ai nhưng tôi không thể tiết lộ họ. Ngược lại với các chính trị gia khác, tôi sẽ không liệt kê những quốc gia đó”, ông Sikorski nói, với câu cuối cùng là lời chỉ trích ngầm nhắm vào Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người vào cuối tháng 2 đã tiết lộ rằng quân nhân Anh và Pháp đang có mặt ở Ukraine.

Thủ tướng Đức Scholz khi đó lập luận rằng chính phủ của ông sẽ không cung cấp cho Kiev tên lửa tầm xa Taurus, vì điều này sẽ đòi hỏi Berlin phải gửi các kỹ thuật viên quân sự đến Ukraine để lập trình các loại vũ khí này, như điều đã xảy ra với tên lửa Storm Shadow / Scalp của Anh-Pháp.

Trên thực tế, sự hiện diện của binh sĩ các nước NATO ở Ukraine không phải điều gì mới mẻ. Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Tướng Pat Ryder xác nhận vào tháng 10/2022 rằng Mỹ có đại diện quân sự đóng quân để thực hiện nhiệm vụ giám sát việc cung cấp vũ khí. Trong các tài liệu mật của Lầu Năm Góc bị rò rỉ vào tháng 4 năm 2023, Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ ra rằng 5 quốc gia thuộc Liên minh Đại Tây Dương, gồm Mỹ, Pháp, Anh, Latvia và Hà Lan, có khoảng 100 nhân viên thuộc lực lượng đặc biệt tại đại sứ quán của họ ở Ukraine.

Quân đội Ukraine tham gia tập trận chung với Mỹ và các nước NATO khác gần Lviv vào tháng 9/2021.

Tổng thống Séc, Petr Pavel, một tướng về hưu và cựu chủ tịch ủy ban quân sự NATO, cũng cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào ngày 10/3 rằng các binh sĩ của NATO đã có mặt ở Ukraine trong hơn một thập kỷ, không phải trong các đơn vị chiến đấu mà với tư cách là người hướng dẫn cho các đơn vị chiến đấu của quân đội Ukraine.

Rủi ro khi binh sỹ NATO hiện diện tại Ukraine

Sự hiện diện của binh sỹ NATO tại Ukraine có thể mang tới nhiều rủi ro. Bởi một khi Nga giành lợi thế trên chiến trường, thì Mỹ và NATO sẽ phải đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan đáng lo ngại từ lâu: hoặc chấp nhận thực tế và khuyến khích Ukraine đàm phán để chấm dứt xung đột bằng giải pháp ngoại giao, hoặc leo thang và xem xét điều quân đội NATO chiến đấu cùng lực lượng vũ trang Ukraine để chống lại Nga, như đề nghị của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Giáo sư Li Haidong tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc nhận định, việc NATO gửi bộ binh tới Ukraine sẽ khiến xung đột vũ trang Nga-Ukraine vượt khỏi tầm kiểm soát.

“Nếu các nước NATO triển khai quân nhân tới Ukraine dưới danh nghĩa quân đội của họ, thay vì quân tình nguyện hay dân quân, Nga có thể buộc phải sử dụng nhiều vũ khí hủy diệt hơn và đưa thêm quân vào chiến trường, và cuộc chiến sẽ trở nên tàn khốc và khó kiểm soát hơn”, ông nói với tờ The Global Tờ Times.

Moscow từng nhiều lần cảnh báo rằng sự hiện diện của quân đội NATO ở Ukraine có thể sẽ khiến cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và khối do Mỹ đứng đầu là không thể tránh khỏi. Nga coi cuộc xung đột Ukraine là một cuộc chiến ủy nhiệm chống lại nước này và nhiều lần cảnh báo các thành viên NATO đang kéo dài cuộc xung đột bằng cách hỗ trợ Kiev.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố nước này sẽ xem quân đội phương Tây là “bên xâm lược” nếu họ được triển khai tới Ukraine và sẽ có phương án đáp trả. Ông chủ Điện Kremlin thậm chí còn cảnh báo, nếu xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO nổ ra, thế giới sẽ cận kề Thế chiến 3.

Điều 5 của Hiệp ước NATO có được kích hoạt?

Một câu hỏi được đặt ra hiện nay là nếu bất kỳ quốc gia thành viên NATO nào triển khai binh sĩ tới Ukraine và bị Nga tấn công, liệu Điều 5 của Hiệp ước NATO quy định chính sách phản ứng quân sự tập thể có được kích hoạt?

Theo nguyên tắc phòng thủ tập thể của NATO, Điều 5 quy định một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một hoặc nhiều thành viên sẽ bị coi là tấn công toàn khối.

Tuy vậy, theo báo cáo của một nhóm chuyên gia Quốc hội Đức mà hãng thông tấn DPA có được, Điều 5 sẽ không được kích hoạt nếu một quốc gia thành viên NATO triển khai lực lượng tới Ukraine và bị Nga tấn công. Lý do là vì việc triển khai bộ binh từ một quốc gia NATO tới Ukraine không được hiểu là tất cả thành viên khác trong NATO cũng tham gia vào xung đột. Nói cách khác, chỉ có nước điều quân mới là bên tham gia xung đột.

Cũng theo tài liệu chưa được công bố, Điều 5 của Hiệp ước NATO chỉ có thể được kích hoạt trong trường hợp các quốc gia thành viên của khối bị tấn công trên chính lãnh thổ nước họ./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Các mối đe dọa can thiệp vào chính trường Mỹ trước cuộc bầu cử đang gia tăng cả về cường độ và mức độ, đúng như dự báo của các quan chức tình báo và các nhà phân tích an ninh. Các quan chức an ninh quốc gia Mỹ cảnh báo rằng các mối đe dọa này tiềm ẩn nguy cơ kích động các cuộc biểu tình bạo lực sau ngày bầu cử 5/11.

Ngày 4/11, Chính phủ Tây Ban Nha cho biết đang triển khai tổng cộng 7.500 binh sĩ đến khu vực phía Đông bị lũ lụt tàn phá.

Cơ quan Liên hợp quốc và các chuyên gia cho biết, hồ Ohrid, một Di sản thế giới được UNESCO công nhận, đang có nguy cơ bị ô nhiễm. Nguyên nhân được cho là bởi đánh bắt quá mức và tình trạng phát triển đô thị.

Trong thông báo trên kênh Telegram chính thức, quân đội Israel tuyên bố đã tiêu diệt Abu Ali Rida, thủ lĩnh của Hezbollah ở khu vực Baraachit, miền Nam Liban.

Thủ tướng Anh Keir Starmer vừa thông báo sẽ tăng gấp đôi ngân sách dành cho Bộ Tư lệnh An ninh biên giới và coi các băng nhóm buôn người như tội phạm khủng bố, nhằm ngăn chặn nạn nhập cư trái phép qua eo biển Manche bằng thuyền nhỏ.

Hôm nay (5/11), nước Mỹ chính thức bước vào cuộc bầu cử tổng thống. Hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa chạy đua với thời gian kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ cả hai rất sít sao.