Lo lắng con thi trượt, phụ huynh đặt cọc suất lớp 10 trường tư | Hà Nội tin mỗi chiều

Lo lắng con thi trượt, phụ huynh đặt cọc suất lớp 10 trường tư; Giá nhà tăng cao, giấc mơ mua nhà xa vời... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Lo lắng con thi trượt, phụ huynh đặt cọc suất lớp 10 trường tư

Bạn có con thi vào lớp 10 thì chắc hẳn thời gian qua cảm giác thấp thỏm, lo lắng, đợi chờ luôn thường trực. Kỳ tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 ở Hà Nội dự báo tiếp tục “nóng” khi số lượng học sinh lớp 9 tăng, kéo theo tỷ lệ trượt sẽ cao. Để dự phòng, nhiều phụ huynh đang đôn đáo đặt cọc “suất” lớp 10 trường tư...

Năm học 2023-2024, thành phố Hà Nội có gần 135.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, tăng hơn 5.000 em so với năm học 2022-2023. Thông thường, tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập hằng năm là khoảng 60%. Nếu tỷ lệ này không thay đổi, tỷ lệ “chọi” vào lớp 10 các trường công lập năm học 2024-2025 sẽ cao hơn, kéo theo áp lực với nhiều học sinh, gia đình.

Theo thông lệ hàng năm, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội sẽ diễn ra vào tháng 6, song đến thời điểm này, Hà Nội vẫn chưa công bố số lượng môn thi. Nhiều học sinh và phụ huynh toàn thành phố đang thấp thỏm, lo lắng đợi phương án thi từ Sở GD-ĐT Hà Nội. Trong khi đó, nhiều trường phổ thông tư thục đã thông báo kế hoạch tuyển sinh.

Kỳ thi lớp 10 ở Hà Nội được đánh giá căng thẳng hơn cả kỳ thi đại học (Ảnh minh hoạ)

Năm ngoái, hàng nghìn phụ huynh học sinh đã phải xếp hàng từ đêm để có được một suất học cho con vào trường tư thục. Năm nay, số lượng học sinh lớp 9 nhiều hơn nên nhiều gia đình lo lắng, tìm chỗ đặt cọc giữ chỗ cho con từ sớm. Để yên tâm giành được một “tấm vé” vào lớp 10, nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền triệu để đăng ký ghi danh.

Hầu hết trường tư thục hiện nay đều có quy định thí sinh khi đăng ký xét tuyển phải đóng phí đăng ký dự tuyển, còn được gọi là “phí giữ chỗ”. Khoản phí này không được hoàn lại nếu học sinh không theo học. Mức phí này có sự khác biệt không nhỏ, từ vài triệu đồng/học sinh đến vài chục triệu đồng/học sinh. Trường Trung học phổ thông Archimedes Academy có mức phí 23 triệu đồng/học sinh; Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Newton là 12 triệu đồng; Trường Trung học phổ thông Lý Thái Tổ là 11 triệu đồng/học sinh...

Thực tế cho thấy, mặc dù được cảnh báo nếu học sinh không nhập học, khoản phí này sẽ không được hoàn trả trong bất kỳ tình huống nào, nhưng các phụ huynh vẫn sẵn sàng chấp nhận. Hầu hết phụ huynh đều có tâm lý, nếu con trúng tuyển vào trường tốt hơn thì sẵn sàng chấp nhận mất cọc.

Liên quan đến vấn đề phí đặt cọc “giữ chỗ”, đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định, phí “giữ chỗ” không có trong quy định của ngành Giáo dục. Các trường tư thục hoạt động tự chủ, được tổ chức tuyển sinh sớm hơn và việc xây dựng, thực hiện các khoản thu theo nguyên tắc thỏa thuận với phụ huynh học sinh. Vài năm qua, các trường tư thục vẫn duy trì khoản thu này. Khoản này sẽ được trừ vào phí trong năm học khi học sinh nhập học. Có trường đưa ra mức phí cao là để giảm lượng hồ sơ ảo. Phụ huynh cần cân nhắc kỹ lưỡng, không nên quá lo lắng hoặc a dua theo số đông để tránh lãng phí.

Chúng ta đang phổ cập giáo dục lên đến bậc Đại học. Tuy vậy, hàng năm, không ít gia đình phải đôn đáo lo lắng khi con mới chỉ bước vào bậc phổ thông. Rõ rằng, chúng ta đang phải chịu những áp lực không đáng có. Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng đưa ra những giải pháp căn cơ về trường, lớp thì phụ huynh chỉ có thể tự tìm cách cởi trói áp lực cho mình và cho các con. Bởi áp lực thi cử bao giờ cũng có nguyên nhân từ tâm lý, từ sự kỳ vọng quá mức của cha mẹ đặt lên con trẻ.

Việc chăm lo và chuẩn bị phương án dự phòng cho con của cha mẹ học sinh là chính đáng. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng cần lưu ý đến năng lực học tập thực chất cũng như điều kiện kinh tế của gia đình để lựa chọn, quyết định nguyện vọng học tập lớp 10 phù hợp. Trên địa bàn thành phố, hiện có nhiều loại hình trường học đáp ứng nguyện vọng học tập đa dạng của học sinh.

Giá nhà tăng cao, giấc mơ mua nhà xa vời

Giấc mơ sở hữu một nơi an cư ngày càng trở nên xa vời với nhiều người khi giá nhà ở Việt Nam đang cao gấp gần 24 lần thu nhập. Trong khi đó, chỉ số này theo các chuyên gia, sẽ là lý tưởng khi ở mức từ 5-7 lần.

Ở các nước phát triển, nếu người dân thu nhập 100 đồng thì chi tiêu cho những nhu cầu tối thiểu như ăn ở, đi lại... khá thấp, chỉ khoảng 30-40 đồng. Trong khi đó, ở Việt Nam, nếu một người thu nhập 100 triệu đồng/tháng thì chi tiêu cho ăn ở, đi lại hết 30 - 40 triệu, còn 60 triệu đồng họ mới có khả năng mua được nhiều thứ, trong đó có mua nhà. Thế nhưng với người công nhân nhận lương trung bình 6 triệu đồng/tháng, họ đã phải ăn tới 3-4 triệu đồng/tháng, số tiền dư còn rất thấp, thậm chí không có dư nếu họ có con cái đi học. Tất nhiên, đây chỉ là con số ước tính, tuy nhiên, chúng ta vẫn dễ dàng nhận ra, hiện nay chỉ người giàu Việt Nam mới có tiền để mua nhà, người thu nhập trung bình khá khó mua nhà, còn người thu nhập trung bình kém và người nghèo, cả đời cũng không mua nhà được.

Tại hai đô thị lớn là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, giá thuê nhà và chi phí liên quan đến nơi ở trên đà tăng trong 3 năm qua. Ảnh minh họa

Số liệu từ Tổng Cục Thống Kê tháng 2 cho thấy chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,43%. Trong đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,48% và giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,71%; giá điện sinh hoạt tăng 0,78%, nước sinh hoạt tăng 1,73%. Khi giá mua, thuê và chi phí sinh hoạt đều có xu hướng tăng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu nhập của người dân đô thị, nhu cầu nhà ở - vốn là nhu cầu thiết yếu càng trở nên xa xỉ và xa vời. Với những người trẻ thu nhập trên dưới 10 triệu đồng, giấc mơ an cư sẽ rất khó để thực hiện. Thậm chí, có những người thu nhập 25 triệu đồng/tháng nhưng việc mua nhà vẫn phải đắn đo.

Về nguyên nhân khiến giá nhà đất liên tục tăng, theo các chuyên gia hiện nay, thị trường bất động sản đang rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là loại nhà ở thương mại bình dân (nhà ở giá vừa túi tiền) và nhà ở xã hội là hai loại nhà đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người thu nhập trung bình và người thu nhập thấp đô thị. Mặt khác, tỷ trọng nguồn cung đang mất cân đối khi các sản phẩm nhà ở bình dân bị thiếu hụt. Tính trên tổng nguồn cung, phân khúc này đã sụt giảm đáng kể từ 30% vào năm 2019, xuống còn 6% trong năm 2023.

Tôi còn nhớ, có giai đoạn, tỉnh Bình Dương từng triển khai xây dựng những ngôi nhà 100 triệu đồng, còn tỉnh Đồng Nai có nhà 200 triệu đồng, đáp ứng mong mỏi có nhà của hàng trăm nghìn lao động xa quê. Nhưng Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh không có nhà 300-500 triệu đồng, cũng không có nhà cho thuê. Trước thực trạng này, chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".

Theo các chuyên gia, để kéo giảm giá nhà ở trên thị trường bất động sản thì phải có giải pháp hiệu quả làm tăng nguồn cung nhà ở. Muốn vậy, trước hết phải tháo gỡ một số vướng mắc, bất cập của một số quy định pháp luật làm tăng nguồn cung dự án, đáp ứng nhu cầu nhà ở từ bình dân đến cao cấp cho mọi tầng lớp dân cư trong xã hội. Đồng thời, muốn đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở thì phải xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách cũng như tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để tạo điều kiện phát triển nhà ở xã hội và loại “nhà ở giá phù hợp với thu nhập” của đa số người dân là những người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị bao gồm cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, người mới lập nghiệp, mới lập gia đình, công nhân lao động và người nhập cư.

Bên cạnh đó, để cho thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững, phải rà soát để hoàn thiện các cơ chế chính sách về phát triển thị trường vốn, bao gồm thị trường tiền tệ - tín dụng, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đi đôi với xây dựng chính sách thuế tài sản, như thuế nhà đất, bởi lẽ hiện nay mới chỉ có thuế sử dụng đất phi nông nghiệp - đất ở với thuế suất rất thấp 0,03%. Song song với đó, cần thay đổi cách tính tiền sử dụng đất hiện nay bằng việc ban hành mới sắc thuế đánh trên hành vi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, đất ở, vừa không để xảy ra tình trạng “thuế chồng thuế”, vừa góp phần điều tiết thị trường bất động sản, vừa không làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, vừa tạo được nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách nhà nước./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bán hàng trực tuyến của những người nổi tiếng đã không còn quá xa lạ nhưng đây cũng là cách quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ hàng hoá qua kênh online của những người dân ở Bát Tràng. Từ vùng an toàn của những người nghệ nhân cần mẫn với văn hoá làng nghề, giờ đây họ đã tìm được làn gió mới, gia tăng thu nhập cho chính mình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Hà Nội vừa có đề xuất giá thuê nhà ở xã hội từ 48.000 đồng/m²/tháng và cao nhất 198.000 đồng/m²/tháng. Hiện đề xuất này đang trong thời gian lấy ý kiến rộng rãi.

Xe buýt có lẽ là phương tiện vận tải công cộng phổ biến không chỉ ở Hà Nội mà ở tất cả các tỉnh thành. 10 năm qua, một chiếc vé xe buýt ở Thủ đô chỉ với giá chưa tới 10.000 đồng. Nhưng kể từ 1/11 tới đây, Hà Nội sẽ tăng giá vé xe buýt, liệu có tác động gì đến người dân?

Nếu một ngày, tắc đường không còn nữa, thay vào đó là những dòng xe di chuyển êm đềm, nhịp nhàng, không có khói bụi ô nhiễm thì quả là “đáng mơ ước”.

Một hoa hậu đầy tai tiếng với scandal chưa đọc hết một cuốn sách lại sắp phát hành một cuốn tự truyện cuộc đời ở tuổi 28. Có điều gì đáng bàn ở câu chuyện này?

Những âm thanh tưởng chừng có trong một bộ phim hành động nhưng thực chất lại là âm thanh nẹt bô, rú ga của những cô, cậu học trò trên đường được ghi lại. Điều gì đang xảy ra thế này?