Loạt vụ nổ súng đốt nóng căng thẳng Israel-Liên hợp quốc
Điều gì đã xảy ra trong tuần qua?
Căng thẳng giữa Israel và Liên hợp quốc những ngày qua đang có dấu hiệu leo thang sau khi lực lượng phòng vệ Israel (IDF) nhiều lần nổ súng và tấn công vào căn cứ của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở miền Nam Liban khiến một số binh sỹ bị thương. Các cuộc tấn công của Israel vào phái bộ gìn giữ hòa bình - vốn hoạt động tại Liban trong hơn 45 năm, đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ.
Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Liban được thành lập vào năm 1978 với mục tiêu đảm bảo ổn định và hòa bình ở khu vực biên giới phía Nam Liban. UNIFIL được giao một loạt nhiệm vụ từ việc giám sát Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) rút lui khỏi Liban vào năm 2006, đến việc hỗ trợ quân đội Liban đảm bảo khu vực phi quân sự ở miền Nam. Tuy nhiên, nhiệm vụ này ngày càng trở nên khó khăn khi trụ sở và các vị trí của UNIFIL nhiều lần bị tập kích trong những ngày qua.
Hôm 9/10, lực lượng phòng vệ Israel đã cố tình bắn và vô hiệu hóa một số camera giám sát của UNIFIL tại một căn cứ của Liên hợp quốc ở làng Labbouneh, biên giới Liban. Ngày 10/10, hai nhân viên của UNIFIL đã bị thương sau khi xe tăng Israel bắn và đâm vào một tháp canh trong trụ sở chính của UNIFIL.
Ngày 11/10, binh sĩ Israel một lần nữa nổ súng vào một đài quan sát tại trụ sở của UNIFIL ở khu vực Naqoura, phía Nam Liban, giáp biên giới Israel. Vụ tấn công khiến hai binh sĩ của UNIFIL bị thương. Chỉ vài giờ sau, một binh sỹ khác của lực lượng gìn giữ hòa bình đã bị bắn khi thực hiện nhiệm vụ ở Naqoura. Thậm chí, UNIFIL cho biết quân đội Israel còn bắn trúng lối vào boong-ke nơi quân nhân lực lượng gìn giữ hòa bình trú ẩn, làm hư hại các phương tiện và hệ thống liên lạc. Một phương tiện bay không người lái Israel bay vào trụ sở của UNIFIL tới lối vào boong-ke.
UNIFIL đã gọi những vi phạm này là “gây sốc”. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết các cuộc đột kích vào lực lượng gìn giữ hòa bình “có thể cấu thành tội ác chiến tranh”, khẳng định UNIFIL và các cơ sở của lực lượng này không bao giờ được phép là mục tiêu tấn công.
Trong khi đó, Israel cáo buộc lực lượng Hezbollah ở Liban hoạt động ở những khu vực gần các vị trí của UNIFIL. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Liban đang “gặp nguy hiểm”, đồng thời kêu gọi binh sỹ gìn giữ hòa bình rời vị trí đóng quân ngay lập tức.
“Israel đã nhiều lần yêu cầu UNIFIL tránh xa nguy hiểm. Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu họ tạm thời rời khỏi khu vực chiến sự, nằm gần biên giới của Israel với Liban. Lực lượng Hezbollah ở Liban đã sử dụng các cơ sở và vị trí của UNIFIL làm vỏ bọc trong khi tấn công các thành phố và cộng đồng của Israel.”
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu
Tuy nhiên, Liên hợp quốc khẳng định các nhân viên gìn giữ hòa bình sẽ tiếp tục đóng quân tại các vị trí ở Liban, bất chấp yêu cầu di dời của phía Israel.
“Chúng tôi nhắc nhở Lực lượng phòng vệ Israel và tất cả các bên liên quan về nghĩa vụ của họ trong việc đảm bảo an toàn, an ninh cho nhân viên và tài sản của Liên hợp quốc, cũng như tôn trọng quyền bất khả xâm phạm của các cơ sở của Liên hợp quốc mọi lúc mọi nơi. Lực lượng gìn giữ hòa bình UNIFIL hiện diện ở miền nam Liban để hỗ trợ khôi phục sự ổn định theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Bất kỳ cuộc tấn công cố ý nào vào lực lượng gìn giữ hòa bình đều là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế và nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an.”
Ông Farhan Haq, Phó phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc
Mặc dù UNIFIL là một phái bộ gìn giữ hòa bình, nhưng lực lượng này có thể sử dụng vũ lực trong một số trường hợp nhất định, bao gồm cả tự vệ, để bảo vệ thường dân trước mối đe dọa bạo lực sắp xảy ra và bảo vệ các cơ sở, thiết bị của Liên hợp quốc. Nhiệm vụ của UNIFIL được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gia hạn hàng năm theo yêu cầu của Liban. Hội đồng Bảo an gần đây đã gia hạn nhiệm vụ cho đến ngày 31/8/2025. UNIFIL hiện bao gồm hơn 10.000 nhân viên đến từ 50 quốc gia, đóng quân tại nhiều căn cứ rải rác dọc biên giới Israel - Liban.
Bạo lực nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã làm dấy lên sự phẫn nộ và làn sóng phản đối trên khắp thế giới. Các quan điểm cho rằng, việc một quốc gia thành viên Liên hợp quốc tấn công lực lượng gìn giữ hòa bình của tổ chức này là “chưa từng có” và không thể chấp nhận được.
Nga và Trung Quốc, hai nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng đã bày tỏ quan ngại về diễn biến mới này, trong đó kêu gọi các bên liên quan giữ bình tĩnh và không để tình hình thêm phức tạp. Mỹ, đồng minh của Israel kêu gọi Israel hợp tác với Liên hợp quốc để tiến hành điều tra toàn diện nhằm xác định chính xác nguyên nhân của sự việc, đồng thời cảnh báo về nguy cơ xung đột vượt khỏi tầm kiểm soát nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Mục tiêu thực sự của Israel sau loạt vụ tấn công UNIFIL
Đây không phải là lần đầu tiên lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở miền nam Liban bị Israel tấn công kể từ khi các cuộc đụng độ giữa Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) và Hezbollah nổ ra vào tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, tính chất và quy mô của vụ việc có nhiều khác biệt. Với loạt vụ tấn công gần đây nhằm vào UNIFIL, các nhà phân tích cho rằng hành động của Israel không phải là ngẫu nhiên, mà là lựa chọn có chủ ý của Tel Aviv, nhằm đạt được những lợi ích chính trị và quân sự cụ thể.
Tiến sĩ Valeria Giannotta, nhà phân tích chính trị người Italia nhận định với hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) rằng cuộc tấn công của Israel vào UNIFIL không phải là “tai nạn”. Trong nhiều tuần trước đó, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã thông báo ý định tiến hành các cuộc xâm nhập vào Liban và yêu cầu UNIFIL di chuyển khỏi các tiền đồn dọc khu vực biên giới giữa Israel và Liban. Tuy nhiên, Liên hợp quốc từ chối yêu cầu này, khẳng định rằng các lực lượng gìn giữ hòa bình có vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định và tránh leo thang căng thẳng giữa hai bên.
Trong bối cảnh đó, Tiến sĩ Valeria Giannotta cho rằng các cuộc tấn công của Israel dường như có tính toán trước và được xem như một thông điệp cảnh báo tới UNIFIL, đặc biệt là các lực lượng quốc tế đang hiện diện ở khu vực. Việc tấn công vào các căn cứ của lực lượng gìn giữ hòa bình là một dấu hiệu cho thấy Israel không hài lòng với sự can thiệp của Liên hợp quốc và muốn tăng cường quyền kiểm soát tại các khu vực chiến lược gần biên giới Liban.
“Chúng tôi không chiến đấu với người dân Liban. Chúng tôi đang chiến đấu với lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn. Đã đến lúc Liên hợp quốc đưa UNIFIL ra khỏi các thành trì của Hezbollah và ra khỏi các khu vực chiến sự. Việc Liên hợp quốc từ chối sơ tán lực lượng gìn giữ hòa bình ở Liban khiến họ trở thành con tin trong tay Hezbollah.”
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu
Theo Tiến sĩ Valeria Giannotta, việc Israel tấn công UNIFIL có thể được lý giải như một phần trong chiến lược của nước này nhằm đạt được những mục tiêu chính trị và quân sự lớn hơn. Israel từ lâu đã xem các cơ quan của Liên hợp quốc đặc biệt là UNIFIL, như một trở ngại trong việc thực hiện các hoạt động quân sự tại khu vực. Chính phủ Israel, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, không che giấu tham vọng mở rộng ảnh hưởng và tăng cường sự kiểm soát đối với các vùng lãnh thổ giáp ranh với Liban và Palestine.
Bên cạnh đó, Israel cũng thể hiện thái độ không hài lòng với Liên hợp quốc, biểu hiện qua việc thường xuyên chỉ trích và yêu cầu đóng cửa các tổ chức liên quan như Cơ quan Cứu trợ và Hỗ trợ người tị nạn Palestine (UNRWA). Những hành động này cho thấy Israel coi sự hiện diện của các tổ chức quốc tế là một yếu tố cản trở khả năng thực hiện các kế hoạch quân sự của mình.
“Các hoạt động của Cơ quan Cứu trợ và Hỗ trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) là một phần không thể thiếu trong phản ứng nhân đạo quốc tế. Không thể cô lập một cơ quan của Liên hợp quốc khỏi các cơ quan khác. Việc Israel vận động thông qua các dự luật hạn chế hoạt động của UNRWA tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng sẽ hoàn toàn trái ngược với Hiến chương Liên hợp quốc.”
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres
Trước những rủi ro nghiêm trọng mà lực lượng gìn giữ hòa bình ở Liban đang phải đối mặt, Liên hợp quốc đã cắt giảm 25% lực lượng tại các vị trí bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ngoài ra, 300 binh sỹ gìn giữ hòa bình ở các vị trí tiền tuyến đã được tạm thời điều chuyển đến các căn cứ lớn hơn.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, bất kỳ cuộc tấn công có chủ ý nào nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình đều cần phải chấm dứt, vì nó vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Mặt khác, hành động bạo lực của Israel nhằm vào UNIFIL còn có nguy cơ tạo ra những tiền lệ nguy hiểm đối với hoạt động của các lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở nhiều nơi trên thế giới trong tương lai.
Mối quan hệ Israel - Liên hợp quốc chạm đáy
Loạt vụ tấn công mới nhất nhằm vào phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Liban diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Israel và Liên hợp quốc căng thẳng suốt hàng chục năm qua, và đặc biệt xấu đi kể từ khi Tel Aviv tiến hành chiến dịch quân sự ở dải Gaza.
Trong một động thái chưa từng có, Bộ Ngoại giao Israel hồi đầu tháng này thậm chí còn ngạo mạn cấm Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhập cảnh, với tuyên bố người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này là nhân vật không được hoan nghênh ở Israel, bất chấp sự phản đối của hàng trăm quốc gia, cho thấy quan hệ giữa hai bên đã “chạm đáy” lịch sử.
Hôm 2/10, ngoại trưởng Israel – ông Israel Katz – tuyên bố Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres “không được chào đón” tại Israel, đồng thời cáo buộc Tổng thư ký “ủng hộ” các lực lượng Hamas, Hezbollah và Houthi do Iran hậu thuẫn.
Phản ứng trước động thái của Israel, trong một lá thư chung, hơn 100 nước thành viên Liên hợp quốc nhấn mạnh “sự ủng hộ và tin tưởng hoàn toàn vào Tổng thư ký Guterres và công việc của ông”. Các nước này cho rằng, quyết định của bộ ngoại giao Israel về việc cấm ông Guterres nhập cảnh Israel đã gây tổn hại đến “khả năng thực hiện nhiệm vụ” của Tổng thư ký Liên hợp quốc và “có thể làm chậm trễ hơn nữa” những nỗ lực chấm dứt thù địch ở khu vực Trung Đông.
Theo chính trị gia người Palestine Mustafa Barghouti, đây chỉ là một trong số nhiều diễn biến căng thẳng giữ Israel với tổng thư ký Guterres nói riêng, và Liên hợp quốc nói chung những năm qua, cho thấy sự ngạo mạn và hành động liều lĩnh của nhà nước Do Thái dường như không có giới hạn. Hồi năm ngoái, Tổng thư ký Guterres đã khiến Israel phản ứng gay gắt khi ông nói rằng cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023 không tự nhiên mà xảy ra và đã nhiều lần lên án quân đội Israel giết hại dân thường ở Gaza.
Có chung quan điểm, ông Trita Parsi, phó chủ tịch điều hành tại Viện quản lý nhà nước Quincy có trụ sở tại Washington, Mỹ, bày tỏ lo ngại, tuyên bố của Bộ ngoại giao Israel có thể khiến Tel Aviv bị cô lập hơn nữa trên trường quốc tế.
Về phía Israel, Tel Aviv cho rằng Liên hợp quốc “đã trở thành công cụ” của một số quốc gia thành viên bất bình với Israel vì nước này kiểm soát các vùng lãnh thổ của người Palestine. Khi phát biểu tại Đại hội đồng LHQ ở New York hồi tháng 9, Thủ tướng Netanyahu thậm chí mô tả cơ quan này là “nơi tràn ngập bài Do Thái”.
Không một xung đột hay cuộc khủng hoảng nào mà Liên hợp quốc phải ra nhiều nghị quyết như với Israel và các vùng lãnh thổ Palestine. Theo thống kê của tổ chức phi chính phủ UN Watch, Đại hội đồng Liên hợp quốc trong giai đoạn 2015 - 2022 thông qua 140 nghị quyết chỉ trích Israel xây dựng khu định cư và sáp nhập cao nguyên Golan.
Trong năm 2023, Đại hội đồng cũng thông qua 15 nghị quyết lên án Israel, gấp đôi số nghị quyết về các vấn đề khác. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, điểm nóng Trung Đông cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí có nguy cơ lan rộng và kéo thêm nhiều bên tham gia.
Đã đến lúc các bên liên quan và cộng đồng quốc tế cần phải nỗ lực hợp tác thiết thực bằng các cam kết có ý nghĩa và bền vững để nhanh chóng chấm dứt bạo lực, tìm kiếm giải pháp ngoại giao hiệu quả. Điều này dù sẽ cần rất nhiều thời gian và thiện chí, nhưng hoàn toàn đáng để tất cả các bên cùng nỗ lực vì một vùng đất Trung Đông hòa bình và ổn định.
Ngay khi Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) thông báo lệnh bắt giữ Thủ tướng và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel cùng một thủ lĩnh của lực lượng Hamas, cộng đồng quốc tế đã đưa ra những phản ứng trái chiều.
Theo hãng thông tấn TASS, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga luôn ưu tiên và hiện đã sẵn sàng giải quyết mọi tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tuy nhiên cũng nhấn mạnh nước này đã sẵn sàng cho mọi kịch bản.
Người phát ngôn Nhà Trắng, bà Karine Jean-Pierre cho biết Mỹ không có ý định sửa đổi học thuyết hạt nhân sau khi Nga đưa ra học thuyết hạt nhân sửa đổi.
Dữ liệu mới nhất từ Văn phòng Thống kê Quốc gia của Anh cho thấy tỷ lệ lạm phát tại nước này trong tháng 10 tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng qua, củng cố kỳ vọng của thị trường rằng sẽ không có đợt cắt giảm lãi suất nào khác trong năm nay.
Giá dầu thế giới tăng khoảng 1% vào ngày 21/11, sau khi Nga và Ukraine gia tăng các cuộc tấn công bằng tên lửa, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ căng thẳng nguồn cung dầu thô nếu xung đột lan rộng.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22/11 cho biết nước này đã thực hiện chính sách miễn thị thực cho 29 nước, trong đó có Đức và Pháp, nhằm thúc đẩy du lịch quốc tế.
0