Lời nói cuối cùng như điềm báo của thủ lĩnh Hamas Haniyeh

Như một điềm báo, những lời nói cuối cùng của thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh với Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ruhollah Ali Khamenei trước khi ông bị ám sát tại Tehran là một câu thơ trong kinh Koran về sự sống, cái chết, sự bất tử và khả năng phục hồi.
Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh tại cuộc gặp Lãnh tụ tối cao Iran Khamenei

“Chính Allah là người ban sự sống và gây ra cái chết. Và Allah biết rõ mọi hành động ... Nếu một nhà lãnh đạo ra đi, một người khác sẽ xuất hiện”, ông Haniyeh nói bằng tiếng Ả-Rập.

Vài giờ sau, ông đã bị ám sát trong một cuộc tấn công nghi ngờ do Israel thực hiện nhằm vào nhà khách nơi ông đang ở.

Những lời cuối của ông Haniyeh được phát trên truyền hình khi thủ lĩnh Hamas nói chuyện với Lãnh tụ tối cao Iran Khamenei, phản ánh niềm tin Hồi giáo sâu sắc đã định hình cuộc sống và cách tiếp cận của ông đối với cuộc xung đột của người Palestine với Israel và lấy cảm hứng từ nhà sáng lập Hamas Sheikh Ahmed Yassin. Israel đã bỏ tù và ám sát ông Yassin vào năm 2004, nhưng kể từ đó Hamas đã phát triển thành một lực lượng quân sự hùng mạnh.

Trong một cuộc phỏng vấn của Reuters tại Gaza năm 1994, cố thủ lĩnh Hamas Haniyeh, người vừa được chôn cất tại Qatar ngày 2/8, cho biết cố lãnh đạo Yassin đã dạy họ rằng người Palestine chỉ có thể giành lại quê hương bị chiếm đóng thông qua “cuộc đấu tranh của họ”.

"Không một người Hồi giáo nào nên chết trên giường của mình trong khi Palestine vẫn bị chiếm đóng", ông Haniyeh trích lời ông Yassin.

Dòng người tham dự đám tang thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh tại Tehran, Iran

Đối với những người ủng hộ Palestine, ông Haniyeh cùng phần còn lại của ban lãnh đạo Hamas là những chiến binh đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng Palestine khỏi sự chiếm đóng của Israel và duy trì sự nghiệp đấu tranh ấy khi ngoại giao quốc tế thất bại.

Ông Haniyeh cũng cho biết ông đã học được từ ông Sheikh Yassin “tình yêu Hồi giáo và sự hy sinh cho Hồi giáo và không quỳ gối trước những kẻ bạo chúa và chuyên chế”.

Thủ lĩnh Hamas Haniyeh là nhà đàm phán hàng đầu của Hamas trong cuộc đàm phán ngừng bắn nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Dải Gaza. Trong cuộc xung đột nổ ra tại dải đất của người Palestine từ tháng 10 năm ngoái, ba người con trai cùng bốn người cháu của ông Haniyeh đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel vào tháng 4. Ít nhất 60 thành viên khác trong gia đình lớn của ông cũng đã thiệt mạng.

“Máu của con cái tôi không có giá trị hơn máu của con cái người dân Palestine... Tất cả những người tử vì đạo của Palestine đều là con cái tôi”, ông nói sau khi các con ông qua đời.

“Thông qua máu của những người tử vì đạo và nỗi đau của những người bị thương, chúng ta tạo ra hy vọng, chúng ta tạo ra tương lai, chúng ta tạo ra độc lập và tự do cho người dân của chúng ta”, ông nói. “Chúng ta nói với những kẻ chiếm đóng rằng máu này sẽ chỉ khiến chúng ta kiên định hơn với các nguyên tắc và sự gắn bó với đất nước của mình”.

'Bình thường hóa sẽ không kết thúc xung đột'

Được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo cấp cao của Hamas vào năm 2017, ông Haniyeh đã di chuyển giữa Thổ Nhĩ Kỳ và thủ đô Doha của Qatar, giúp ông thoát khỏi lệnh hạn chế đi lại tại Dải Gaza bị phong tỏa và cho phép ông hành động như một nhà đàm phán trong các cuộc đàm phán ngừng bắn.

“Tất cả các thỏa thuận bình thường hóa mà các bạn (các quốc gia Ả-Rập) đã ký với (Israel) sẽ không chấm dứt cuộc xung đột này”, ông Haniyeh tuyên bố ngay sau cuộc tấn công hôm 7/10 của các chiến binh Hamas khiến 1.200 người Israel thiệt mạng và bắt giữ 250 người khác làm con tin.

Israel sau đó đã đáp trả cuộc tấn công bằng một chiến dịch quân sự tàn khốc, đến nay đã cướp đi sinh mạng của khoảng 40.000 người dân Gaza và khiến phần lớn vùng đất này trở thành đống đổ nát.

Vào tháng 5, văn phòng công tố của Tòa án Hình sự Quốc tế đã yêu cầu lệnh bắt giữ ba nhà lãnh đạo Hamas trong đó có ông Haniyeh, cũng như Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh. Các nhà lãnh đạo Israel và Palestine đều bác bỏ cáo buộc.

Ông Haniyeh là thủ lĩnh Hamas thứ ba bị Israel ám sát trong hai thập kỷ qua. Trước đó, Israel đã giết người sáng lập Hamas Sheikh Yassin và người kế nhiệm Abdel-Aziz al-Rantissi trong vòng một tháng trong các cuộc không kích bằng trực thăng vào năm 2004.

Thi hài thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh được chôn cất tại Qatar

Khaled Meshaal, người được cho là sẽ kế nhiệm ông Haniyeh lãnh đạo Hamas, đã thoát chết sau một nỗ lực ám sát bất thành do Thủ tướng Israel Netanyahu ra lệnh vào năm 1997.

Theo ông Adeeb Ziadeh, một chuyên gia về các vấn đề Palestine tại Đại học Qatar, Hamas là một hệ tư tưởng và việc giết ông Haniyeh sẽ không thể kết liễu nhóm vũ trang này cũng như không thể khiến họ đầu hàng.

“Mỗi lần Hamas mất đi một thủ lĩnh, một thủ lĩnh khác lại xuất hiện, đôi khi còn mạnh mẽ hơn về thành tích và thực hiện các nguyên tắc của Hamas”, ông Ziadeh nói.

Israel ngày 1/8 xác nhận Mohammed Deif, một trong những người chủ mưu của vụ tấn công ngày 7 tháng 10, đã bị giết trong một cuộc không kích của Israel ở Gaza vào tháng trước. Saleh Al-Arouri, một trong những người sáng lập ra cánh quân sự Hamas, cũng đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Israel vào vùng ngoại ô phía nam Beirut vào tháng 1 năm 2024.

Gây dựng sức mạnh quân sự của Hamas

Hiến chương ra đời năm 1988 của Hamas kêu gọi phá hủy Israel, mặc dù các nhà lãnh đạo Hamas đôi khi đã đề nghị một lệnh ngừng bắn dài hạn với Israel để đổi lấy một nhà nước Palestine khả thi trên toàn bộ lãnh thổ Palestine do Israel chiếm đóng trong cuộc chiến năm 1967. Tuy nhiên, Israel coi đây chỉ là một mưu đồ của Hamas.

Trong những thập kỷ kể từ đó, Hamas đã bắn hàng nghìn quả tên lửa vào Israel và tiến hành một số cuộc chiến với quân đội Israel trong khi vẫn không ngừng xây dựng lực lượng và quân đội của mình. Hamas cũng đã cử những kẻ đánh bom liều chết vào Israel trong những năm 1990 và 2000.

Năm 2012, khi được Reuters hỏi liệu Hamas có từ bỏ cuộc đấu tranh vũ trang hay không, ông Haniyeh trả lời “tất nhiên là không” và cho biết cuộc kháng chiến sẽ tiếp tục “dưới mọi hình thức - kháng cự của quần chúng, kháng cự chính trị, ngoại giao và quân sự”.

Tuy nhiên, bất chấp mọi lời lẽ cứng rắn trước công chúng, các nhà ngoại giao và quan chức Ả-Rập đã coi ông là người tương đối ôn hòa so với các thành viên cứng rắn hơn của Hamas tại Gaza, nơi cánh quân sự của Hamas do ông Yahya Sinwar lãnh đạo đã lên kế hoạch cho cuộc tấn công ngày 7 tháng 10.

Trong khi nói với quân đội Israel rằng họ sẽ thấy mình “chết chìm trong cát ở Gaza”, ông và người tiền nhiệm Khaled Meshaal đã đi khắp khu vực để đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn do Qatar làm trung gian với Israel, bao gồm cả việc trao đổi con tin để lấy người Palestine trong các nhà tù của Israel.

Mặc dù vậy, ông Haniyeh, một người Hồi giáo Sunni, cũng đã góp công lớn trong việc xây dựng năng lực chiến đấu của Hamas, một phần thông qua việc phát triển mối quan hệ với Iran, quốc gia đã không hề che giấu sự hỗ trợ về mặt quân sự và tài chính cho nhóm vũ trang này./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cảnh báo sẽ yêu cầu đồng minh giao lại kênh đào này nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được.

Đảng Dân chủ đối lập ở Hàn Quốc đã kêu gọi quyền Tổng thống Han Duck Soo nhanh chóng ký ban hành dự luật bổ nhiệm cố vấn đặc biệt để điều tra Tổng thống Yoon Suk Yeol và đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee.

Không giống như truyền thống, năm nay, một nhóm ông già Noel tại thủ đô Argentina đã đổi xe trượt tuyết của họ lấy một đoàn xe máy đi phát quà, nhằm mang lại niềm vui và không khí lễ hội cho trẻ em tại các bệnh viện trên khắp thành phố.

Lễ hội Băng Tuyết Cáp Nhĩ Tân lần thứ 26 chính thức khai mạc vào cuối tuần qua tại thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, mở ra một thế giới trải nghiệm kỳ diệu như trong mơ dành cho du khách trong nước và quốc tế.

Một chiếc trực thăng đã đâm vào một bệnh viện ở phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ vào Chủ nhật, khiến bốn người thiệt mạng, gồm hai phi công, một bác sĩ và một nhân viên trên máy bay. Không có ai bên trong tòa nhà hoặc trên mặt đất bị thương.

Cảnh sát Nigeria ghi nhận đã có ít nhất 13 người thiệt mạng trong hai vụ giẫm đạp nhận quà từ thiện tại nước này, đa số các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.