Lọt thỏm giữa lòng bình yên
Thỉnh thoảng tôi ngờ vực, liệu có phải cú ngã ngày đó làm anh buông bỏ những ganh đua được mất, khăn gói về quê để sống cuộc đời bình thường nơi thôn dã. Chẳng có câu trả lời nào được đưa ra. Rồi thì lâu dần, khi cũng vài ba lần va vấp, gặp lại anh bên căn nhà cấp bốn giữa rừng dã quỳ, tôi đột nhiên hiểu rằng lý do là gì đã chẳng còn quan trọng. Ít nhất thì hiện tại, anh đã chọn cho mình một khoảng trời bình yên để nương náu tâm hồn.
Nhớ cái ngày anh phá sản, dự án khởi nghiệp từng vọt lên như một con ngựa ô hăng hái chợt trở thành bức tường đè sập mọi nhiệt huyết tuổi trẻ. Bạn bè xa lánh, gia đình thất vọng, những hằng hà ánh mắt đổ dồn vào anh, khoáy sâu sự tự ti của thất bại. Anh khóa trang mạng xã hội, chặn mọi cuộc gọi hỏi han dù không phải cái nào cũng là giả tạo. Anh như bốc hơi trong vòng tròn bạn bè, và rồi cũng chẳng ai còn quan tâm mấy liệu rằng anh hiện tại đã ổn.
Tôi tình cờ bắt gặp anh trong một quán rượu nhỏ, một tháng sau đó. Nhìn anh vừa uống, vừa cười, vừa chảy nước mắt mà tôi chỉ biết thở dài. Tôi hiểu vết thương này không cần liều thuốc bên ngoài, mà cần chính bản thân anh đấu tranh mới có thể lành lặn. Không có lời khuyên nào được đưa ra từ tôi, ngoài những cái vỗ vai khe khẽ. Tôi ngồi cạnh anh thật lâu, đủ để anh cảm thấy không quá lạc lối giữa cuộc đời lạnh lùng, và cũng đủ để cảm nhận phần nào nỗi đau anh đang gánh. Ra về, anh nhìn tôi rồi cười, một nụ cười mà tới giờ này tôi vẫn chẳng hiểu hết hàm ý. Có lẽ là sự biết ơn và buông bỏ, tôi đoán thế.
Bẵng một thời gian, tôi gặp lại anh trong những bức ảnh trên trang cá nhân. Một khu vườn nhỏ, một căn nhà nhỏ, và một sự bình yên thật to. Tôi thở phào, thầm mừng cho anh vì đã tự xoa dịu được vết thương ngày trước. Chẳng ai hiểu mình bằng chính bản thân, và cũng chẳng ai thương mình như mình tự vỗ về an ủi. Khi tự chữa lành từ bên trong, thì vết thương sẽ không còn điểm sẹo xấu xí. Tôi thầm nhủ, đôi lúc một mình lại có ý nghĩa thật hay ho.
Anh gửi tôi xem mấy bức hình. Ngôi nhà cấp bốn được xây theo kiểu kiến trúc giống những năm 90, tường gạch chịu lực, khung thép và xà nhà bằng gỗ, có ba gian với nhiều cột chống phía trước. Sau này vì số thành viên tăng lên nên xây thêm cạnh đó hai tầng nhà kiểu ống có cầu thang nhỏ đặt bên ngoài sân sau, vừa thuận tiện vừa thẩm mỹ.
Qua bao mùa mưa mùa khô, anh dựng thêm hàng rào mắt lưới, thay mái ngói chống thấm và sơn lại màu áo mới. Dọc theo hàng rào quanh nhà, anh tỉ mỉ trồng những khóm dã quỳ dịu nhẹ, vừa che khuất bớt khoảng sân, vừa làm đẹp cho khu vườn tràn cây lá.
Ngôi nhà nằm cạnh trục đường nông thôn để thuận lợi cho lưu thông, cách con đường bằng mảnh vườn xanh mướt. Anh tự làm luống, bên trái trồng đủ loại rau: xà lách, hành lá, cải cúc, bên phải trồng bắp, chuối tiêu.
Nhờ có góc sân và mảnh vườn ấy nên tiếng ồn ào xe cộ hay bụi bặm ngoài đường được ngăn bớt, khiến tổ ấm nhỏ thêm phần bình an, tĩnh lặng.
Anh thường thích đặt mấy cái ghế nhựa ra ngoài sân gạch, ngồi nhâm nhi ly cà phê phin tự pha, rồi ngắm hoa cỏ quanh nhà do chính tay mình chăm sóc, miệng thì thầm câu hát vu vơ. Nhìn anh thư thái với những điều bình dị thường nhật, tôi bất giác mỉm cười, cũng học theo, đắm mình trong không gian tĩnh lặng.
Ngôi nhà này hẳn là có công năng chữa lành những thương tổn từ những bon chen, ganh đua, mệt nhọc. Có lẽ vì vậy mà nhiều người hay gọi ngôi nhà là mái ấm.
Có lẽ quyết định về quê là một lựa chọn cần nhiều sự dũng cảm, với những người như anh. Và cũng có lẽ, đó là quyết định đúng đắn khi anh đủ khả năng làm được những điều mình thích.
Chẳng hiểu sao, nhìn anh, tôi chợt nhớ tới câu rap trong một bài hát: "Nếu mà mệt quá giữa thành phố sống chồng lên nhau. Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau". Ngôi nhà của anh đã làm tôi hiểu rằng, chỉ cần mình đủ năng lực và trách nhiệm với cuộc sống, thì dù ở nơi nào, lựa chọn ra sao, miễn bản thân thấy vui vẻ, thì mọi thứ đều sẽ trở nên dễ dàng.
Tôi thường nhớ tới nụ cười thư thái của anh khi tự tay chăm chút mái ấm nhỏ. Để rồi mỗi lúc tim trào lên những muộn phiền cơm áo, tôi lại bất giác nhớ về chốn thân quen nơi làng quê ấy, khẽ ước ao cũng có ngày được sở hữu một ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa lòng bình yên, tắm tưới hồn mình bằng những màu xanh hy vọng, như thế.
Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.
Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.
Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.
Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.
Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....
Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?
0