Lựa chọn và chăm sóc cây xanh phù hợp để Hà Nội thêm xanh | Hà Nội tin mỗi chiều

Trong cơn lốc đô thị hóa với san sát những tòa nhà cao tầng, đâu đó dở dang những khối bê tông, ồn ã khói bụi công trường, nhiều người lại hoài niệm về một Hà Nội xưa giản dị, trầm mặc cùng những hàng cây cổ thụ trên con phố quen.

Không chỉ đảm bảo mỹ quan đô thị, cung cấp bóng mát, giúp lọc không khí, cây xanh còn góp phần tạo nên bản sắc cho một đô thị. Làm thế nào để giữa một đô thị hiện đại, người dân vẫn được hòa mình với thiên nhiên và tận hưởng màu xanh mát của những tán cây?

Vài năm trở lại đây, nhiều tuyến phố Hà Nội được phủ bóng mát nhờ các hàng cây xanh trồng mới. Tuy nhiên, việc trồng trong không gian chưa phù hợp, việc chăm sóc, bảo vệ còn hạn chế khiến ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội, cây xanh chưa phát huy hết được hiệu quả.

Dải phân cách giữa đường Đại Cồ Việt rộng chỉ 1,5 m, cây phượng vĩ được trồng ở đây với khoảng cách chỉ từ 2 - 3 m. Trên thực tế, phượng vĩ cần không gian rộng hơn thế. Tiêu chí, khoảng cách giữa cây xanh và công trình đô thị được quy định đối với cây bụi, cây thân gỗ cách tường nhà và công trình từ 2 m đến 5 m.

Việc trồng trong không gian chưa phù hợp, việc chăm sóc, bảo vệ còn hạn chế khiến ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội, cây xanh chưa phát huy hết được hiệu quả. Ảnh: Kênh 14.

Cây thân gỗ và cây bụi phải trồng cách vỉa hè và đường từ 1,5 m đến 2 m và khoảng cách tối thiểu cách nhau từ 5 m đến 7 m. Tại một dải phân cách khác, cây chà là chiếm chủ đạo. Trong khi theo Quy hoạch hệ thống cây xanh công viên, vườn hoa và hồ nước thành phố Hà Nội đến năm 2030, đây là loài cây được khuyến nghị trồng trong công viên, vườn hoa.

Hà Nội với đặc trưng của mùi hương hoa sữa mỗi độ thu về. Tuy nhiên, trước đây Hà Nội do trồng mật độ cây sữa dày đã tạo nên mùi hương nồng nặc gây khó chịu như trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh tại quận Ba Đình.

Chính vì lẽ đó, thời gian qua, một lượng lớn cây hoa sữa trên tuyến đường này đã được đánh chuyển và thay thế bằng cây Lát hoa - loài cây thuộc loại thân gỗ.

Hà Nội do trồng mật độ cây sữa dày đã tạo nên mùi hương nồng nặc gây khó chịu. Ảnh: Dân trí.

Vào tháng 7/2019, gần 100 cây hoa sữa trên phố Trích Sài, quận Tây Hồ cũng đã được di dời, đưa đến trồng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn, huyện Sóc Sơn sau khi có ý kiến của người dân. Trước đó, vào tháng 3/2015 chính tuyến phố này cũng xôn xao với việc chính quyền “chặt vội, trồng nhầm” cây mỡ/vàng tâm.

Từ năm 2014, Hà Nội đã có Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó xác định rõ 8 tiêu chí để lựa chọn cây xanh cũng như danh sách hơn 70 loài cây bóng mát để trồng trong đô thị nhưng chừng đó là chưa đủ.

Theo Tiến sĩ - Kiến trúc sư Phạm Minh Tuấn - Trưởng bộ môn Kiến trúc Cảnh quan Đại học Xây dựng Hà Nội, cần có riêng quy hoạch cây xanh, tạo một kịch bản chung cho thành phố. Khu vực nào trồng những giống cây nào, phối hợp với các loài cây như nào để đem lại giá trị thẩm mỹ cao nhất, giá trị lịch sử, giá trị đặc trưng không gian của từng khu vực trong lòng nội đô Hà Nội.

Từ năm 2014, Hà Nội đã có Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Internet.

Không chỉ vậy, Hà Nội còn cần hệ thống vườn ươm để chủ động nguồn cung cấp cũng như thử nghiệm giống mới trước khi đem vào khai thác sử dụng. Hiện tại, quỹ đất vườn ươm của Hà Nội vẫn thiếu. Thường là những diện tích tạm sử dụng nhiều khi là những vùng đất xen kẹt nào đó.

Chính vì vậy, rất khó để làm những không gian giả định, thí điểm. Thiếu không gian để trồng thử nghiệm nên khi mang trồng ngoài phố, có những loài cây đã không thể thích nghi. Bên cạnh đó, khi mới trồng, để tránh cây bị siêu vẹo, lật đổ, đơn vị quản lý đã tiến hành lắp khung sắt, giá đỡ cho cây. Tuy nhiên, trong quá trình sinh trưởng của cây, cộng với việc khung sắt giá đỡ không được tháo gỡ nới lỏng kịp thời nên nhiều cây xanh bị chính những khung sắt siết chặt, hằn sâu vào thân cây.

Trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội có hơn 8.000 cây cổ thụ có độ tuổi tối thiểu 50 năm. Một số cây đã già cỗi, bị sâu mục thân, gốc, thối rễ không còn khả năng chống chịu khi gặp mưa bão.

Ông Nguyễn Đức Hưng -  Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội cũng nhìn nhận, công tác cắt tỉa cây hiện nay, đôi khi còn chưa đạt yêu cầu về kỹ thuật, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây và khả năng tạo bóng mát.

Hà Nội có hơn 8.000 cây cổ thụ có độ tuổi tối thiểu 50 năm. Ảnh: Đô thị mới.

Quá trình chăm sóc, duy trì cây chưa áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới. Công tác cắt tỉa chủ yếu mới chỉ đảm bảo an toàn cho người dân, phòng chống thiên tai mà chưa quan tâm nhiều đến cảnh quan, tính thẩm mỹ, trang trí đô thị và chưa có biện pháp bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Do đó, cần khảo sát chi tiết, thống kê số lượng, vị trí địa điểm, phân tích điều kiện sinh trưởng của từng chủng loại cây, xây dựng tiêu chí để phân loại, lập phương án thay thế một số chủng loại cây xanh già cỗi, có sự tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về nội dung này. Đặc biệt, mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh, tránh các trường hợp bức tử cây như đã xảy ra.

Bên cạnh đó, công tác thiết kế vỉa hè của các quận huyện vẫn chưa hài hòa với quy hoạch cây xanh. Điều này đã khiến công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn.

GS.TS Phạm Văn Điển – Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp cho rằng, Hà Nội cần được phủ xanh đặc trưng và tích hợp đa giá trị, trong đó việc lựa chọn chủng loại, loài cây đáp ứng các tiêu chí về kiến trúc, cảnh quan, thẩm mỹ phù hợp với điều kiện đô thị từng địa bàn, từng tuyến phố, cần lưu ý vấn đề không gian, vỉa hè hay dải phân cách có đủ rộng hay không. Cây xanh đô thị nếu không được lựa chọn đúng về giống loài, cây không phát triển được, không chịu được giông gió và đổ ngã còn gây nguy cơ thương vong cho người dân.

Hà Nội có khoảng 1,9 triệu cây xanh góp phần không nhỏ tạo nên diện mạo xanh của Thủ đô. Ảnh: Internet.

Hiện, Hà Nội có khoảng 1,9 triệu cây xanh. Số cây này góp phần không nhỏ tạo nên diện mạo xanh của Thủ đô. Tuy nhiên, chỉ số về tiêu chuẩn đất cây xanh còn thấp, chưa đạt 50 cây/km. Tỷ lệ cây xanh mới đạt 2,06 m2/người.

Hà Nội đặt mục tiêu trồng mới 200.000 - 250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến đường đô thị vào năm 2024. Qua đó, nâng tỷ lệ cây xanh 8 - 10 m2/người vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu này cần có sự nỗ lực và quyết tâm rất lớn từ chính quyền và người dân.

Trồng cây xanh là giải pháp số một để hấp thụ khí CO2, chống biến đổi khí hậu nên việc có kỹ thuật đúng, quan điểm quản lý chuẩn thì vấn đề lựa chọn cây xanh tại các đô thị là điều cấp thiết ngay ở thời điểm hiện tại. Và cũng đã đến lúc, mỗi người cần phải bồi đắp tính cách, văn hóa, lối sống văn minh, gắn bó hài hòa với những mảng xanh, để cùng góp phần nâng cao chất lượng sống và tạo dựng nên một Thủ đô xanh và phát triển bền vững.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bán hàng trực tuyến của những người nổi tiếng đã không còn quá xa lạ nhưng đây cũng là cách quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ hàng hoá qua kênh online của những người dân ở Bát Tràng. Từ vùng an toàn của những người nghệ nhân cần mẫn với văn hoá làng nghề, giờ đây họ đã tìm được làn gió mới, gia tăng thu nhập cho chính mình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Hà Nội vừa có đề xuất giá thuê nhà ở xã hội từ 48.000 đồng/m²/tháng và cao nhất 198.000 đồng/m²/tháng. Hiện đề xuất này đang trong thời gian lấy ý kiến rộng rãi.

Xe buýt có lẽ là phương tiện vận tải công cộng phổ biến không chỉ ở Hà Nội mà ở tất cả các tỉnh thành. 10 năm qua, một chiếc vé xe buýt ở Thủ đô chỉ với giá chưa tới 10.000 đồng. Nhưng kể từ 1/11 tới đây, Hà Nội sẽ tăng giá vé xe buýt, liệu có tác động gì đến người dân?

Nếu một ngày, tắc đường không còn nữa, thay vào đó là những dòng xe di chuyển êm đềm, nhịp nhàng, không có khói bụi ô nhiễm thì quả là “đáng mơ ước”.

Một hoa hậu đầy tai tiếng với scandal chưa đọc hết một cuốn sách lại sắp phát hành một cuốn tự truyện cuộc đời ở tuổi 28. Có điều gì đáng bàn ở câu chuyện này?

Những âm thanh tưởng chừng có trong một bộ phim hành động nhưng thực chất lại là âm thanh nẹt bô, rú ga của những cô, cậu học trò trên đường được ghi lại. Điều gì đang xảy ra thế này?