Lửa hồng sưởi ấm ngày đông

Mấy hôm nay một đợt gió lạnh tràn về, mang theo cái rét đậm rét hại của một mùa đông buốt giá. Bầu trời trở nên nặng trĩu, xám ngắt. Không gian ngập tràn khí lạnh. Những ngày này, ký ức về những ngày đông chưa xa dễ ùa về với những ai nhiều hoài niệm.

Chiều nay, Hường mời bạn nghe những dòng ký ức của Hồ Tuyền về những ngày đông yêu dấu bên ba mẹ.

Tôi bước ra thềm đón cái lạnh mùa đông, hai tay xuýt xoa tự ôm lấy mình. Những cơn gió hững hờ vờn qua mái tóc. Cái lạnh của mùa đông năm nay không quá buốt giá nhưng cũng đủ để tôi chạnh lòng nhớ những ký ức ngày xưa, đủ để tôi thèm hơi ấm tình thân.

Tôi bưng ly trà gừng nhấp từng ngụm, bồi hồi nhớ những ngày đông xưa cũ bên ba mẹ. Mỗi sáng mùa đông lạnh giá, trong khi chị em tôi còn đang co ro trong chiếc mền cũ kỹ sờn rách, mẹ đã dậy sớm nhóm bếp củi nấu bữa ăn sáng cho các con. Đó là nồi cháo trắng bỏ thêm vài nhánh lá dứa ăn cùng với nước mắm kho quẹt. Mẹ dùng nồi đất, cho chút mỡ heo bắc lên bếp lửa cho nóng rồi cho củ hành vào nồi phi thơm, thêm nước mắm hạt tiêu và gia vị. Vậy là đã có nồi nước mắm kho quẹt thơm nức mũi. Khi mùi nước mắm thơm nồng quyện cùng mùi khói bếp cay cay tỏa lên làm chị em tôi tỉnh giấc mà không cần mẹ phải gọi.

Có hôm vẫn là cháo trắng nhưng mẹ đổi món ăn kèm với dưa muối do mẹ tự tay làm từ những trái dưa non thu hoạch sau mỗi cuối mùa, mà chúng tôi hay gọi là dưa mót. Dưa đã muối sẵn, mẹ bào mỏng vắt bỏ bớt nước mặn rồi xào với mỡ heo, nêm chút gia vị cho vừa ăn, vậy thôi mà đã có thêm một món ăn cùng với cháo trắng rất ngon. Nhà đông con nên món cháo trắng cho bữa sáng luôn là lựa chọn tiết kiệm nhất. Có những sáng một trong số chị em tôi khóc thút thít vì sao cứ mãi ăn một món. Nhưng hiểu được sự khốn khó của gia đình, chúng tôi động viên nhau để không làm ba mẹ buồn.

Tôi thường dậy sớm hơn các em để phụ mẹ canh bếp. Bên bếp lửa rực than hồng, tôi ôm quyển vở đọc bài nho nhỏ vừa đủ hai mẹ con nghe. Thỉnh thoảng mẹ nhìn tôi và hỏi “lạnh không con gái?” Tôi cảm nhận được sự yêu thương của mẹ dành cho tôi và cho cả gia đình. Tôi không còn thấy lạnh vì ngoài bếp lửa còn có tình yêu của mẹ sưởi ấm trái tim tôi. Đến bây giờ món cháo trắng vẫn theo tôi qua năm tháng. Mỗi khi tôi bệnh, không thèm món nào khác nhưng lại thèm món cháo trắng kho quẹt ngày xưa thơm nồng bên bếp củi.

Tôi nhớ cả những ngày đông gom đống lá cây để dành đốt lửa sưởi ấm mỗi chiều. Tôi nhớ ngày bé, nhà tôi có cây nhãn cổ thụ rất lớn, tán lá bao trùm cả khoảng sân. Chiều muộn, tôi thường quét lá gom về một góc. Mỗi chiều mùa đông đi học về, chị em tôi chạy ào ra sân đốt lá để sưởi ấm. Đôi bàn tay xuýt xoa hơ hơ gần đống lửa rồi đặt lên má cho bớt lạnh. Mẹ tôi không quên nhắc chúng tôi đội nón kẻo sương chiều vương trên mái đầu mà nhiễm lạnh.

Bên đống lửa vấn vít mùi lá khô, đôi khi chị em tôi vùi những củ khoai lang, khoai mì trong đống lửa để nướng. Mùi hương của khoai cháy xém quyện cùng mùi khói thoang thoảng làm cái bụng đang đói thêm nôn nao. Trải tàu lá chuối ra đất, lục tìm trong đống tro nóng rực vớt những củ khoai thơm lừng đặt lên tàu lá. Những đứa trẻ háu ăn tranh nhau giành phần to nhất, hai tay bỏng rát vội chạm vào vành tai cho đỡ nóng. Chúng tôi quây quần bên đống lửa thưởng thức món khoai nướng mà ấm lòng. Đã qua bao mùa đông bên ánh lửa hồng, chúng tôi có biết bao kỷ niệm vui buồn cùng nhau. Chúng tôi đã cùng nhau lớn lên trong tình yêu thương của ba mẹ như ngọn lửa hồng sưởi ấm ngày đông.

Những kỷ niệm bên gia đình vẫn luôn là ngọn lửa âm thầm cháy trong tim tôi mỗi khi nhớ về. Ngọn lửa ấy soi sáng dẫn lối cho tôi bước vững chãi trên con đường của mình mà không bị lạc hướng./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Dường như hầu hết ở các làng quê Việt bây giờ, cùng với những thiết chế văn hóa được xây dựng khang trang, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thì cổng làng gắn với tên làng đã tạo nên nét riêng dáng dấp của một làng lưu dấu trong tâm khảm mỗi người. Những tên gọi của làng thường hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa nhân văn sâu xa, mang cả ước vọng khát khao của cha ông một thuở lập làng với sự bình an, ấm no đầy đủ. Vì thế, danh xưng những tên làng cứ lưu mãi qua từng thế hệ…

Hà Nội đón tôi đương vào khoảnh khắc giao mùa. Gánh hoa loa kèn trắng tinh khôi tỏa mùi hương dịu nhẹ giao hòa trong làn gió nhè nhẹ khiến tâm hồn đa cảm thêm khắc khoải giao cảm với đời, để mênh mang thương nhớ hương vị cà phê Giảng - thức uống trở thành một phần thân thương, một phần văn hóa của Hà Nội phố.

Mẹ tôi không nghiện trầu cau nhưng mẹ vẫn trồng một giàn trầu xanh mơn mởn. Mẹ bảo nhà có giàn trầu mới ấm áp. Nhưng tôi hiểu mẹ đã gửi gắm vào đó biết bao nhiêu ân tình và cả nỗi nhớ về ngoại khôn nguôi.

Sống nhẩn nha giữa đời vội vã có thể chưa từng dễ dàng với chúng ta. Nhưng khi bước đi dưới những tán lá xanh xào xạc theo con gió, dưới bầu trời một màu ngăn ngắt xa xôi, tôi cảm giác hồn mình như cánh bồ công anh mảnh khảnh tự do bay mãi, chẳng nghĩ ngợi gì. Có những ngày như thế, những khoảnh khắc như thế. Chỉ cần im lặng hít thở thôi cũng đủ hạnh phúc.

Hà Nội với tôi là những thương nhớ đầu tiên từ hồi tôi đi thi đại học. Hà Nội đã lấy đi của tôi bao nhiêu nước mắt và còn là giấc mơ mà tôi chẳng thể chạm vào. Hà Nội là nhưng kỷ niệm của tôi khi biết người thương nhập viện, là khoảnh khắc thót tim khi đưa con ra cấp cứu viện nhi, là khoảnh khắc cháy lòng khi cha bệnh trọng. Và là khoảnh khắc đi chơi về muộn, thấy những người dân lầm lũi ngủ ngon lành nơi gầm cầu, trong lòng cống...

Trải qua các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đất nước ta đã sản sinh ra những thế hệ thanh niên đại diện cho mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước. Như thế hệ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; thế hệ một thời hoa đỏ 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước'; thế hệ 'sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử' trong chiến tranh bảo vệ biên giới...