'Lửa' xung đột lan rộng, Nga - NATO có thể đối đầu trực diện

Thời gian gần đây, Ukraine liên tục kêu gọi các nước phương Tây dỡ bỏ hạn chế về sử dụng tên lửa tầm xa mà phương Tây cung cấp cho Ukraine để tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, Nga đã đưa ra cảnh báo đanh thép rằng nếu hạn chế này được dỡ bỏ, nghĩa là NATO đang tham gia trực tiếp vào cuộc chiến với Nga.

Tại sao Ukraine muốn sử dụng tên lửa tầm xa? 

Trong nhiều tháng qua, Kiev đã nhiều lần đưa ra đề nghị phương Tây dỡ bỏ hạn chế sử dụng vũ khí tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga. Trong bối cảnh Nga đang phản công mạnh mẽ tại vùng biên giới Kursk, Ukraine kỳ vọng rằng vũ khí tầm xa sẽ giúp ngăn chặn các bước tiến của Nga ở miền Đông Ukraine và tăng thế tấn công cho Ukraine. Tuy nhiên, Nga đã đưa ra cảnh báo đanh thép rằng nếu hạn chế này được dỡ bỏ, nghĩa là phương Tây đang tham gia trực tiếp vào cuộc chiến với Nga.

Chúng tôi nghe nói rằng chính sách tầm xa của các bạn không thay đổi, nhưng chúng tôi thấy những thay đổi trong ATACMS, Storm Shadows và Scalps, đó là sự thiếu hụt tên lửa và hợp tác. Chúng tôi cần có khả năng tầm xa này không chỉ trên lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraine, mà còn trên lãnh thổ Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Tổng thống Ukraine còn cho rằng các đồng minh không nên chỉ cho phép các cuộc tấn công sâu vào bên trong nước Nga mà còn phải cung cấp tên lửa tầm xa cho Kiev để tiến hành các cuộc tấn công như vậy.

Các tên lửa tầm xa bao gồm các hệ thống tên lửa hành trình không đối đất Storm Shadow của Anh và Pháp, hệ thống SCALP tương tự do Pháp sản xuất hoặc ATACMS, hệ thống tên lửa đất đối đất do Mỹ sản xuất. Ngoài ra còn có tên lửa hành trình tầm xa TAURUS do Đức sản xuất.

Hệ thống Storm Shadow và hệ thống ATACMS đã được Ukraine sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào các cơ sở quân sự và cơ sở hạ tầng chiến lược bên trong các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng - nhưng không phải trên đất Nga.

Tùy thuộc vào biến thể, tên lửa ATACMS có tầm bắn từ 160 đến 300 km và có thể được phóng từ các bệ phóng như M270 MLRS và M142 HIMARS. Ảnh: Lực lượng Ukraine.

Hiện Ukraine đang đẩy mạnh các chương trình trong nước để phát triển vũ khí tầm xa, bao gồm cả máy bay không người lái (UAV) có khả năng tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, các tên lửa của phương Tây sẽ có độ chính xác cao hơn và khả năng phá hủy lớn hơn nhiều.

Theo AP, Ukraine coi khả năng sử dụng tên lửa tầm xa là một bước ngoặt, cho phép quân đội nước này nhắm mục tiêu vào các căn cứ không quân, kho tiếp tế và trung tâm liên lạc của đối phương cách biên giới hàng trăm km. Vũ khí tầm xa sẽ giúp làm giảm ưu thế trên không của Nga và làm suy yếu các tuyến tiếp tế cần thiết để tiến hành các cuộc không kích hàng ngày vào Ukraine bằng máy bay không người lái, tên lửa và bom lượn, và duy trì cuộc tấn công trên bộ của quân đội vào Ukraine.

Trong bối cảnh các lực lượng Nga đang phản công ồ ạt ở Kursk và đã đẩy lùi 4 cuộc tấn công của Ukraine, trong khi mùa đông đang đến gần có khả năng làm chậm bước tiến của Ukraine, khả năng không kích tầm xa sẽ trở thành ưu tiên cao hơn. Kiev muốn quay lại thế tấn công để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt nhân lực quân sự sau 2 năm rưỡi chiến tranh và để bảo vệ cơ sở hạ tầng điện bị hư hại nặng nề của mình.

Nga phát đi cảnh báo tới NATO

Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Lammy đã có chuyến đi chung tới Kiev, trong đó ông Blinken đưa ra gợi ý mạnh mẽ nhất từ trước đến nay về việc Nhà Trắng sắp dỡ bỏ lệnh hạn chế Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự quan trọng bên trong nước Nga.

Phản ứng trước động thái đó, Moscow đã đưa ra cảnh báo đanh thép rằng, việc phương Tây cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa trên lãnh thổ của Nga là trực tiếp bước vào cuộc chiến với Nga. Đây là lằn ranh đỏ cuối cùng mà Nga đã nhiều lần cảnh báo các nước phương Tây và Mỹ không nên vượt qua. Nếu Ukraine và đồng minh vượt qua ranh giới này, Nga sẽ có những biện pháp đáp trả thích đáng.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Anh David Lammy gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev, ngày 11/9. Ảnh: AP.

Ngày 13/9, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia cảnh báo, việc cho phép Ukraine phóng tên lửa vào sâu trong lãnh thổ Nga sẽ biến NATO thành “một bên trực tiếp tham gia vào hành động thù địch chống lại một cường quốc hạt nhân”.

Trước đó hôm 12/9, Tổng thống Vladimir Putin cũng tuyên bố, việc Ukraine dùng vũ khí tầm xa của phương Tây tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga đồng nghĩa với “các nước thành viên NATO, gồm Mỹ và các nước châu Âu, đang bước vào cuộc chiến với Nga”.

Điều này sẽ có nghĩa là các nước NATO, Mỹ và các nước châu Âu đang chiến đấu với Nga. Và nếu đúng như vậy, thì hãy ghi nhớ sự thay đổi trong bản chất của cuộc xung đột này, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định phù hợp dựa trên các mối đe dọa sẽ được tạo ra cho chúng tôi.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Đây không phải lần đầu tiên Moscow đưa ra những cảnh báo với Mỹ và phương Tây trong gần ba năm qua, liên quan đến xung đột Ukraine. Chuyên gia tại Chatham House của Anh cho rằng, lời cảnh báo của Nga về chiến tranh Nga - NATO là nghiêm túc nhằm kìm hãm các nước phương Tây ủng hộ Ukraine.

Tổng thống Putin đưa ra lời cảnh báo đáp trả, tuy nhiên ông không nói rõ đó là biện pháp gì. Theo các nhà phân tích, Nga có nhiều lựa chọn phản ứng để đáp trả nếu Mỹ và phương Tây dỡ bỏ hạn chế cho Ukraine, cho phép Kiev tấn công sâu vào Nga. Một số nhà phân tích không loại trừ khả năng Nga sẽ có một động thái mạnh hơn nhằm răn đe phương Tây, như tiến hành thử hạt nhân.

Tuy nhiên, ông Gerhard Mangott, Chuyên gia an ninh tại Đại học Innsbruck - Áo cho rằng, kịch bản này khó xảy ra. Theo ông Mangott, ngoài khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc tấn công vào các cơ sở hạ tầng quân sự của Mỹ, Anh ở nước ngoài, Nga sẽ tấn công các máy bay không người lái và máy bay chiến đấu của Anh ở gần Nga, như trên Biển Đen, hay bắn tên lửa vào các máy bay chiến đấu F-16 mang tên lửa Storm Shadow tại các căn cứ ở Romania và Ba Lan.

Chuyên gia Mangott cũng dự đoán, Ukraine sẽ phải hứng chịu các đòn đáp trả quân sự của Nga nếu được phương Tây bật đèn xanh về vũ khí tầm xa. Tuy nhiên, ông cho rằng, Nga sẽ không tấn công lãnh thổ NATO. Ngoài ra, một phương án mà Nga có thể tính đến là đáp trả ngoại giao, như đóng cửa đại sứ quán phương Tây tại Nga và ngược lại.

Phản ứng của các bên

Lời cảnh báo đanh thép của Nga đã có những tác động nhất định đối với Mỹ và các đồng minh. Trong cuộc họp mới nhất tại Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết, hai nước này chưa có ý định dỡ bỏ hạn chế đối với Ukraine về việc sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp.

Tuy nhiên, quan chức của NATO lại ủng hộ Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây. Điều này cho thấy vẫn có những chia rẽ trong nội bộ phương Tây về vấn đề này và làm dấy lên lo ngại xung đột Nga - Ukraine leo thang thành cuộc đụng độ trực tiếp giữa Moscow và khối NATO.

Thủ tướng Anh Keir Starmer ngày 13/9 đã đến Washington và có cuộc thảo luận với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trong đó, hai bên nhấn mạnh sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ và Anh vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công sâu vào lãnh thổ Nga do lo ngại các cuộc tấn công như vậy có thể dẫn đến xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga, đặc biệt là sau cảnh báo từ Điện Kremlin. Quyết định cuối cùng về Storm Shadow đã bị hoãn lại cho đến kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vào cuối tháng này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer tại hội đàm tại Washington hôm 13/9. Ảnh: AFP.

Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, sẽ không có thông báo nào về tên lửa tầm xa.

Lo ngại chủ yếu của chính quyền Tổng thống Biden là phản ứng từ phía Nga. Washington luôn e ngại việc cho phép Kiev sử dụng vũ khí Mỹ cung cấp tấn công sâu vào lãnh thổ Nga sẽ coi là hành động "tuyên chiến với Nga", mà Mỹ thì luôn muốn tránh đối đầu trực tiếp với Nga - một cường quốc vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra, các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng, tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp quá đắt đỏ và chỉ có số lượng hạn chế nên sẽ khó tạo ra sự khác biệt. Lầu Năm Góc cho biết, Nga đã chuyển 90% máy bay phóng bom lượn - một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với Ukraine, tới các căn cứ nằm ngoài tầm bắn của ATACMS. Điều này khiến việc để Ukraine dùng ATACMS tập kích sâu vào lãnh thổ Nga không thực sự hiệu quả.

Một mối lo ngại khác của Mỹ là việc tập trung vào các cuộc tấn công tầm xa có thể khiến Ukraine lơ là mối đe dọa trước mắt và cấp bách hơn: những bước tiến của Nga ở mặt trận Donbass, đặc biệt là cuộc tiến công về phía thành phố chiến lược Pokrovsk. Các quan chức Mỹ cho rằng việc mất thành phố này sẽ giáng một đòn mạnh đối với Ukraine.

Sau chuyến thăm của Thủ tướng Anh Keir Starmer tới Mỹ, nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Anh cho biết, sẽ không ủng hộ việc cho Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa. Trước đó, mối quan hệ của Anh và Nga đã xấu đi sau khi Cơ quan an ninh FSB của Nga hôm 12/9 cho biết đã trục xuất 6 nhà ngoại giao Anh tại Moscow với cáo buộc họ làm gián điệp và phá hoại. Điều này cho thấy phản ứng mạnh mẽ của Điện Kremlin đối với vai trò quan trọng của London trong việc giúp đỡ Ukraine.

Thủ tướng Anh Keir Starmer (phải) và Ngoại trưởng Anh David Lammy bước ra khỏi khu vực Cánh Tây (Nhà Trắng), sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 13/9. Ảnh: AFP.

Ngoài Mỹ và Anh, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Italia Antonio Tajani cũng tuyên bố Rome “không cho phép sử dụng các thiết bị quân sự” do Italia cung cấp “bên ngoài biên giới Ukraine."

Các thành viên của chính phủ Pháp thì lo ngại rằng cuộc xung đột ở Ukraine đang vượt khỏi tầm kiểm soát và Paris đang tìm cách tránh kịch bản này. Một quan chức Pháp cho biết trên tờ Le Monde rằng “Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để tránh Thế chiến thứ 3. Không thể bác bỏ giả thuyết rằng Nga có thể mở rộng quy mô các hoạt động quân sự của họ".

Ông Dan Sabbagh - Biên tập viên quốc phòng và an ninh của tờ The Guardian cũng nhận định rằng: “Việc cho phép Ukraine bắn vũ khí do phương Tây sản xuất vào sâu trong lãnh thổ Nga có thể gây ra tác động chính trị đáng kể đến tiến trình của một cuộc chiến đang sa lầy, dai dẳng và tàn khốc”.

Bên cạnh các ý kiến phản đối, các quốc gia khác như Thụy Điển, Phần Lan và Canada đã bày tỏ lập trường ủng hộ Ukraine tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga, bất chấp những đe dọa của Moscow rằng hành động này sẽ kéo Mỹ và các đồng minh vào cuộc chiến tranh trực tiếp.

Nhiều loại vũ khí phương Tây đang có mặt trên khắp tiền tuyến tại Ukraine. Ảnh: Reuters.

Theo trang Euronews, Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự của NATO - cơ quan có thẩm quyền quân sự cao nhất của liên minh này, lập luận rằng Luật Xung đột vũ trang đã trao cho một quốc gia quyền tự vệ và quyền này không dừng lại ở biên giới của quốc gia đó.

Tuy nhiên, ông Bauer cũng cho biết các quốc gia cung cấp vũ khí cũng có quyền đặt ra những hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí mà họ cung cấp.

Phương Tây đã nhiều lần vượt qua "lằn ranh đỏ", cho phép Kiev sử dụng vũ khí phương Tây trong xung đột Ukraine. Nhưng lần này, các nước này vẫn do dự trước đề nghị cung cấp vũ khí tầm xa và cho phép Kiev sử dụng chúng để tấn công mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga. Chưa biết những vũ khí này có thực sự giúp thay đổi cục diện xung đột hay không, nhưng một quyết định như vậy của Mỹ và phương Tây sẽ kéo theo nhiều rủi ro, đẩy các nước này đối đầu trực tiếp với Nga. Và chỉ một tính toán sai lầm của Kiev cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng không thể lường trước.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bất chấp xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục, thâm hụt thương mại trong tháng 8/2024 của Nhật Bản đã lên đến gần 700 tỷ yên (khoảng 4,9 tỷ USD) chủ yếu do đồng yên suy yếu đẩy giá nhập khẩu tăng cao.

Ngày 18/9, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 79 đã thông qua một nghị quyết yêu cầu Israel chấm dứt sự hiện diện bất hợp pháp tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng trong vòng 12 tháng.

Ngày 18/9, các thành viên Nghị viện châu Âu đã kêu gọi nhanh chóng giải ngân viện trợ tài chính từ Quỹ Đoàn kết của khối để giúp chống lại thiệt hại do lũ lụt ở Trung Âu.

Các chỉ số chứng khoán lớn đã giảm nhẹ khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/9, đồng USD tăng giá trong phiên giao dịch đầy biến động sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed – Ngân hàng Trung ương) quyết định cắt giảm mạnh lãi suất.

Ngày 18/9, Điện Kremlin cho biết, các cơ quan của Nga chưa đưa ra bất kỳ cảnh báo nào về mức độ phóng xạ cao hơn trong khí quyển, sau khi Na Uy cho biết họ phát hiện thấy nồng độ phóng xạ Caesium (Cs-137) tăng cao gần biên giới Bắc Cực với Nga.

Tổ chức Khí tượng Thế giới ngày 18/9 cảnh báo rằng, nếu chính phủ các nước không tăng cường hành động về khí hậu, hai phần ba các khu vực trên thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhiệt độ tăng thêm 3 độ so với thời kỳ tiền công nghiệp.