Luật Đất đai gỡ khó cho các dự án chậm tiến độ

Luật Đất đai 2024 đã thể hiện được vai trò xương sống của mình trong hệ thống luật pháp về đất đai, thị trường bất động sản khi có nhiều điểm mới nổi bật. Đặc biệt, với việc xác định giá đất theo giá thị trường và bỏ khung giá đất. Dự kiến trong thời gian tới, thị trường bất động sản sẽ có sự chuyển mình rõ rệt, các dự án sẽ được khơi thông và cán cân cung – cầu sẽ tiến tới trạng thái cân bằng.

Dự án Khu đô thị mới Chi Đông (Mê Linh, Hà Nội) được chấp thuận đầu tư vào năm 2004 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Một trong những nguyên nhân được cho là chưa tìm được sự đồng thuận của một số hộ dân trong công tác bồi thường.

Cũng trong tình trạng tương tự, dự án Đại học Quốc gia Hà Nội và các dự án thành phần khác tại Hòa Lạc, Thạch Thất, tính đến nay mới giải phóng được khoảng 82%, còn lại là đất chưa giải phóng mặt bằng.

Theo thống kê, với hơn 700 dự án chậm tiến độ đang tồn tại ở Hà Nội, thì phần lớn nguyên nhân đến từ vướng mắc trong quyết định giao đất, cơ chế đền bù khi giải phóng mặt bằng. Tựu chung lại là yếu tố xác định giá đất.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ Tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết: "Ngoài cái thủ tục về cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp đất…thì cái định giá đất là một vấn đề. Và cũng phải nói là số lượng dự án bị vướng về cái này cũng rất lớn. Các dự án đều ở dạng chấp chới, đang chờ xem luật mình cụ thể như thế nào."

Luật Đất đai gỡ khó cho các dự án chậm tiến độ

Vậy số phận các dự án chậm tiến độ sẽ ra sao khi Luật Đất đai được thực thi? Câu trả lời đã rõ ràng: Phần ách tắc chắc chắn sẽ được khơi thông. Bởi lẽ, với những điểm mới trong nội dung của luật sẽ giải quyết được bài toán lợi ích, và đảm bào hài hòa giữa các bên. Cụ thể, tại chương Tài chính về đất đai, giá đất có nêu rõ sẽ bỏ quy định về khung giá đất của Chính phủ; quy định cụ thể nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất. Xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường và bảng giá đất được ban hành hàng năm thay vì 5 năm như luật cũ. Như vậy về cơ bản những người sở hữu đất sẽ có lợi hơn, doanh nghiệp cũng sẽ dễ dàng hơn để giải phóng mặt bằng theo cơ chế thị trường.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia Kinh tế chia sẻ: "Thực tế, việc mà bỏ khung giá đất là một trong những việc chúng ta đi theo kinh tế thị trường. Đó là, chúng ta dần dần giao giá đất cho các Uỷ ban Nhân dân các huyện để họ tự xác định giá đất hàng năm. Và trên cơ sở đó, thì làm cho giá đất mang tính thị trường nhất. Bởi rõ ràng ở một phạm vi địa lí nhỏ hơn, thời gian ngắn hơn thì việc xem xét lại giá cả của đất đai sẽ là phù hợp nhất với từng địa bàn."

Không chỉ có vậy, Luật Đất đai sửa đổi còn góp phần hạn chế một số quy định chưa rõ ràng như phương thức xác định loại đất như dự án nào được giao đất, dự án nào phải thông qua đấu thầu, đấu giá, cơ chế xác định giá đất đấu thầu ra sao…từ đó giúp nguồn tiếp cận đất đai được mở ra. Hơn nữa, tại Điều 81 còn quy định không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất sẽ bị thu hồi. Bởi vậy, doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đúng thời hạn quy định nếu không muốn bị thu hồi đất. Điều này góp phần tích cực tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Có thể thấy rõ tầm quan trọng của Luật Đất đai 2024 đối với thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung. Mới đây nhất Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố toàn văn Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của bộ Luật này trong việc tạo ra một môi trường pháp lý ổn định và minh bạch cho thị trường bất động sản Việt Nam. Qua việc tháo gỡ các vướng mắc pháp lý và cung cấp nền tảng pháp lý mới. Do vậy trong thời gian tới, niềm tin vào thị trường bất động sản sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn và là cơ sở và động lực để thị trường phát triển về trạng thái ổn định.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành các quyết định điều chỉnh quy hoạch phân khu đô thị ở quận Thanh Xuân và huyện Đan Phượng.

Chiều nay (17/5), tại cuộc họp về Đề án đầu tư xây dựng một triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu doanh nghiệp, chủ đầu tư phải công khai thông tin về dự án nhà ở xã hội.

Từ năm 2024 đến 2026, thị trường bán lẻ Hà Nội sẽ đón lượng lớn nguồn cung khi bốn trung tâm thương mại và khối đế sẽ được xây dựng, cung cấp thêm cho thị trường 230.000 m2 mặt bằng, chủ yếu ở phía tây Thủ đô.

Hà Nội có lượng lớn quỹ nhà, đất chuyên dùng thuộc sở hữu nhà nước nhưng hiện bị bỏ hoang hoặc cho thuê trái phép gây lãng phí, thất thoát. Theo Sở Xây dựng, hiện nay Sở đang tham mưu UBND Thành phố phương án khai thác hiệu quả quỹ nhà đất này.

TP. Hà Nội đang tìm nhà đầu tư khu đô thị thông minh, sinh thái nằm ở ba xã Tàm Xá, Vĩnh Ngọc, Xuân Canh (thuộc huyện Đông Anh). Dự án có quy mô 268 ha với tổng vốn đầu tư sơ bộ lên tới 33.000 tỷ đồng.

Sở Quy hoạch Kiến trúc vừa phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và UBND huyện Sóc Sơn công bố ba đồ án quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn, tỷ lệ 1/2000.