Luật Thủ đô 2024: Tạo sức bật phát triển đường sắt đô thị

Đường sắt đô thị được xác định là “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, một động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Mới đây, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã ban hành kết luận về Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô. Theo đó, mục tiêu của đề án là đến năm 2045 tầm nhìn đến 2065, Hà Nội sẽ có 15 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 617 km; sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư khoảng trên 55 tỷ USD. Có thể khẳng định, đây là một thách thức rất lớn xuất phát từ thực tế triển khai đầu tư xây dựng đường sắt đô thị ở Thủ đô trong thời gian qua.

Tháng 8/2024, người dân Thủ đô phấn khởi đón nhận thông tin tuyến đường sắt đô thị  Nhổn - ga Hà Nội chính thức vận hành thương mại. Tuy nhiên, sau gần 15 năm xây dựng, hiện tuyến này cũng chỉ mới đưa vào khai thác được 8,5 km đi trên cao từ Nhổn về Cầu Giấy. Còn 4 km đi ngầm từ Kim Mã về ga Hà Nội vẫn đang tiếp tục triển khai từ nay đến cuối năm 2027.

Ông Nguyễn Bá Sơn - Phó trưởng ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết: “Đối với đoạn ngầm, chúng tôi đã bắt đầu tiến hành khoan hầm bằng máy đào hầm TBM vào ngày 30/7/2024. Cho đến thời điểm hiện nay, máy TBM đã khoan được 625 m. Chúng tôi cũng đang bám theo sát tiến độ và sẽ hoàn thành vào tháng 11/2025”.

Như vậy, sau nhiều năm nỗ lực triển khai đầu tư, đến thời điểm này, Hà Nội mới chỉ có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13 km và đoạn trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội dài 8,5 km hoạt động. Trong khi đó, tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Thượng Đình được chấp thuận đầu tư từ năm 2008 nhưng hiện vẫn chưa xây dựng và còn đang trong giai đoạn xin Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Thực tế triển khai các dự án đường sắt đô thị thời gian qua cho thấy, có rất nhiều bất cập. Bên cạnh vấn đề chậm tiến độ, các dự án còn bị đội vốn do chúng ta thiếu kinh nghiệm, phát sinh chi phí và khiếu nại của các nhà thầu làm tổng mức đầu tư tăng cao.

Ngoài ra, mạng lưới đường sắt đô thị hiện nay bao gồm các tuyến trong quy hoạch và các tuyến đã đưa vào khai thác còn thiếu tính gắn kết với việc tái cấu trúc không gian đô thị, thiếu tính liên thông, kết nối với chính hệ thống giao thông. Khó khăn trong việc tiếp cận các nhà ga cũng làm giảm đáng kể hiệu quả khai thác của loại hình giao thông vận tải khối lượng lớn này.

Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia, nhà quản lý nhận định, Luật Thủ đô 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù.

Luật Thủ đô 2024 dành riêng Điều 31 để quy định về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), bao gồm các nội dung như quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị và khu vực TOD, đầu tư phát triển đường sắt đô thị và các cơ chế thu phí giá trị thặng dư từ đất trong khu vực TOD. Điều này giúp tạo ra một cơ sở pháp lý vững chắc cho các dự án đường sắt đô thị.

Ths Vũ Anh Tuấn - Bộ môn quy hoạch và quản lý giao thông vận tải, Trường Đại học Giao thông Vận tải cho hay: “Mô hình TOD là để gắn kết các nhà ga của vận tải công cộng với những trung tâm, tạo sự thuận lợi cho việc đi lại bằng vận tải công cộng. Đây là quan hệ hai chiều: lượng khách đủ lớn sẽ nuôi được được hệ thống giao thông công cộng và hệ thống giao thông công cộng hiệu quả sẽ giải quyết được bài toán đi lại trong đô thị, tránh ùn tắc”.

TOD không chỉ là một giải pháp quy hoạch hiện đại mà là chiến lược chủ đạo để thúc đẩy sự phát triển đô thị năng động, bền vững. Chính sách này không chỉ giúp tối ưu hóa việc sử dụng đất, mà còn giảm tắc nghẽn giao thông, giảm phát thải và cải thiện chất lượng không gian công cộng.

TOD là “chìa khóa” để khai thác tiềm năng kinh tế tiềm ẩn, gia tăng giá trị đất đai và tạo điều kiện phát triển các trung tâm kinh tế mới. Chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển, tái tạo các khu vực trọng điểm trong thành phố thông qua việc tăng cường sử dụng đất và hoạt động đô thị có kế hoạch, đồng thời nâng cấp hạ tầng công cộng.

Đáng chú ý, Luật Thủ đô 2024 cho phép UBND thành phố Hà Nội có quyền quyết định các cơ chế, công cụ về quy hoạch và đầu tư mà không cần phải thông qua nhiều cấp, giúp rút ngắn thời gian và tăng tính chủ động trong việc triển khai các dự án.

Cụ thể, trong luật có một số đột phá lớn như cho phép Thủ đô được quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện.

Các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải đề cập trong Luật Thủ đô 2024 thực sự là những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Thủ đô, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai của ngành giao thông vận tải nói chung và các dự án đường sắt đô thị nói riêng, cũng như khắc phục các tồn tại của Luật Thủ đô trước đây.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Từ cuối tuần này, các địa phương của TP Hà Nội tập trung cho cao điểm đảm bảo trật tự đô thị, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm vỉa hè lòng đường, phục vụ dịp Tết Dương lịch 2025.

Cục Hàng không Việt Nam báo cáo, đến ngày 20/12, tổng số máy bay đăng ký quốc tịch Việt Nam là 249 chiếc, giảm 12 chiếc so với năm 2023. Đáng chú ý, 33 máy bay phải dừng bay trên 12 tháng do lỗi động cơ.

Thực hiện mục tiêu trở thành “Phường đạt chuẩn Đô thị văn minh”, thời gian qua, chính quyền địa phương và nhân dân phường Phú Thượng đã quyết tâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, lực lượng công an phường đóng vai trò quan trọng.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa có văn bản số 5672/BVHTTDL-VP về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Xuân Ất Tỵ 2025.

Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội dự kiến lượng khách qua bến xe trong thời gian cao điểm Tết Ất tỵ sẽ tăng khoảng 250-350% so với ngày thường. Một số tuyến có thể xảy ra tình trạng ùn cục bộ vào từng thời điểm.

Cuối năm, hoạt động sản xuất, buôn bán pháo nổ trái phép có chiều hướng tăng lên. Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện và bắt giữ nhiều vụ sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép.