Lưu hương tinh hoa đất trời
Sen Bách Diệp, một giống sen quý riêng có của vùng Tây Hồ, Hà Nội với nét đặc trưng riêng về hoa và hương thơm. Tự bao đời, sen Tây Hồ đã trở thành niềm tự hào của vùng đất kinh thành Thăng Long trong câu ca dao:
"Đấy vàng, đây cũng đồng đen
Đấy hoa thiên lý, đây sen Tây Hồ"
Từ những hạt gạo sen chắt chiu từ linh khí linh thiêng, người Hà Nội đã khéo kết hợp với những cánh trà từ những vùng trà nổi tiếng Thái Nguyên, Hà Giang cho ra đời thức uống trà sen cầu kỳ, tinh tế và đặc sắc của nghệ thuật ẩm thực Hà Thành.
Theo các nhà khoa học Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, sen Bách Diệp là giống cây trồng bản địa, riêng có của vùng đất Tây Hồ mà chưa thấy nơi nào trong cả nước cũng như trên thế giới có được.
Ngược dòng lịch sử, sen Tây Hồ đã được ghi chép sớm nhất vào thế kỷ thứ 11. Đại Việt sử ký toàn thư có nhắc, vào thời Lý, các vương hầu, công chúa, quan đại thần triều đình đã cho xây các ly cung, biệt điện, tư thất bên cạnh những vạt sen thơm ngát ở các làng ven Hồ Tây.
"Vũ trung tùy bút" của Phạm Đình Hổ và "Tang thương ngẫu lục" của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án cũng viết về thú chơi của chúa Trịnh Sâm trong dịp Lễ hội Trung thu năm 1774. "Ngày hôm đó, Chúa ngự trên ly cung Thụy Liên. Dưới là sen, trên bờ là cây phù dung mắc đèn lồng. Nhạc công hoặc ngồi trên gác chuông chùa Trấn Quốc hoặc ẩn mình dưới bóng cây, bến đá tấu nhạc".
Từ những nghiên cứu khoa học, bằng chứng cứ lịch sử hay qua những giai thoại dân gian, có thể khẳng định, sen Tây Hồ đã có từ nghìn đời. Dù có đi bốn phương trời hay tìm kiếm đâu đó trên khắp nước Việt, dù có bắt gặp hàng trăm hồ sen lớn nhỏ nhưng chắc rằng sẽ không dễ gì tìm được giống sen trăm cánh đượm hương như sen ở vùng đất Tây Hồ. Sen Bách Diệp là một báu vật tự nhiên của riêng Hà Nội.
Khi những vạt nắng vàng trải khắp không gian cũng là lúc hoa sen Tây Hồ nở rộ. Khai thác, lưu giữ hương sen là một nghệ thuật đòi hỏi sự kỳ công. Vào thời điểm ánh nắng ban mai còn chưa ló rạng, người chủ đầm đã nhẹ nhàng chèo con thuyền nhỏ len lỏi qua những cánh lá, thân sen thẳng tắp để hái những đóa sen vừa chớm nở.
Ở Quảng An, nghề làm trà sen đã được kế thừa từ đời này qua đời khác. Sen vào vụ cũng là lúc những người phụ nữ nơi đây gác lại mọi việc để đan hương dệt vị cho trà.
Trong nghề thủ công ướp trà sen Quảng An Tây Hồ, có thể chỉ ra hai cách ướp phổ biến hiện nay, đó là ướp khô (theo lối ướp thủ công truyền thống) và ướp bông tươi (hay còn được gọi là ướp xổi).
Từ kinh nghiệm uống trà hàng ngàn năm của dân tộc, những thứ trà nổi tiếng nhất Việt Nam đã được lựa chọn để kết hợp với sen Tây Hồ, để từ đó ra đời một thức uống tinh tế, đặc biệt nhất của người Thăng Long - Hà Nội.
Đã có trà sen ngon, được ướp cầu kỳ, chuẩn vị nhưng cách pha trà cho khéo cũng là cả một nghệ thuật. Sai lầm của nhiều người khi pha trà sen là ngâm trà trong ấm, khi uống mới rót ra chén khiến trà bị nồng hương. Cách pha đúng là phải làm sao khi nâng chén trà lên, chỉ thấy hương thơm hoa sen nhẹ nhàng, thoang thoảng.
5 nguyên tắc cơ bản để có một tách trà ngon, đó là: "nhất thủy - nhị trà - tam pha - tứ ấm - ngũ quần anh" (nhất nước, nhì trà, thứ ba là cách pha, thứ tư là ấm trà phải đủ tiêu chuẩn, thứ năm là bạn tâm giao cùng thưởng thức).
Nhằm khôi phục mạnh mẽ lại nghề thủ công truyền thống ướp trà sen Quảng An, Thành phố Hà Nội đã có kế hoạch bảo tồn, phát triển, mở rộng diện tích trồng sen Bách Diệp để tôn vinh giá trị sen hồ Tây và góp phần giữ gìn nghề truyền thống ướp trà sen nơi đây đồng thời làm đẹp cảnh quan hồ Tây, thu hút khách du lịch.
Tinh hoa của đất trời hội tụ cả trong những bông sen Bách Diệp - một loài hoa kiêu kỳ, quí phái mà tạo hóa ban tặng cho riêng cho vùng đất Tây Hồ - Hà Nội. Để lan tỏa hương sen quý giá, người Hà Nội tự bao đời cũng đã khéo léo và kỳ công tìm cách lưu hương sen trên những cánh trà, tinh tế, nhẹ nhàng đan hương dệt vị trong một thức uống thanh tao, để trà sen Tây Hồ trở thành "Thiên hạ đệ nhất trà", đặc sản của người Hà Nội.
Nghề thủ công truyền thống ướp trà sen Quảng An được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là một tin vui giúp Thủ đô Hà Nội càng thêm quyết tâm thực hiện các biện pháp bảo tồn, quảng bá và phát triển giá trị sen Tây Hồ, mở ra chặng đường mới cho nghề thủ công truyền thống độc đáo của đất kinh kỳ có cơ hội phát triển bền vững.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam - Cuba thành phố Hà Nội và Đại sứ quán các nước Mỹ Latinh tại Việt Nam tổ chức đêm nhạc Mỹ Latinh lần thứ XII vào tối 15/12.
Đại tá, nhiếp ảnh gia Trần Hồng vừa phối hợp cùng UBND phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm khai mạc Triển lãm nhiếp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhân kỷ niệm 32 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, tối qua, tại Hà Nội, Đại sứ quán Hàn Quốc, Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam và Nhà hát Kịch Việt Nam phối hợp tổ chức biểu diễn vở nhạc kịch “Cô gái và chiếc xe máy”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trong số hơn 2.900 sản phẩm OCOP - Chương trình mỗi xã một sản phẩm, được Hà Nội chứng nhận, có tới hơn 770 sản phẩm đến từ các làng nghề.
Từ 1/1/2025, Hà Nội sẽ chính thức thu phí tham quan tại các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và bảo tàng trên địa bàn thành phố, các mức thu phí dao động từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng/lượt.
Sự tươi mới và trong trẻo của tranh màu nước đã cuốn hút được người yêu nghệ thuật. Hiện nay, ngoài Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, nhiều câu lạc bộ tranh màu nước ở các tỉnh, thành mới được thành lập, tạo sân chơi cho các hoạ sĩ yêu tranh màu nước.
0