Lý do đằng sau vụ CEO Telegram bị bắt

Pháp tuyên bố vụ bắt giữ CEO Telegram Pavel Durov không nhằm mục đích chính trị mà do nền tảng này có những vi phạm như: không kiểm soát việc phát tán nội dung khiêu dâm trẻ em, mua bán ma túy, từ chối hợp tác với giới chức. Song giới quan sát nhận định, Pháp và các đồng minh có thể khai thác nhiều tin tình báo giá trị liên quan đến Nga. Đặc biệt khi Telegram có sức ảnh hưởng rất lớn trong cuộc chiến Nga – Ukraine.

Trước đó, ngày 24/8, cảnh sát Pháp bắt giữ Nhà sáng lập kiêm CEO ứng dụng nhắn tin Telegram Pavel Durov tại sân bay Paris-Le Bourget, ngoại ô thủ đô Paris, Pháp.

Ông Durov bị bắt tại sân bay vào khoảng 20h ngày 24/8 sau khi đến đây từ Azerbaijan bằng máy bay riêng, theo lệnh bắt tại Pháp trong khuôn khổ một cuộc điều tra sơ bộ của cảnh sát.

Việc bắt giữ này liên quan tới cáo buộc ông Durov không quản lý Telegram hiệu quả, thiếu hợp tác với giới chức. CEO Telegram cũng bị cáo buộc trở thành một phần trong cuộc điều tra liên quan tới các tội danh lừa đảo, buôn bán ma túy, kích động khủng khủng bố và nội dung độc hại trên nền tảng này.

Durov có quốc tịch Nga, Pháp, UAE, Saint Kitts và Nevis (quốc gia vùng Caribe). Theo kênh truyền hình TF1, Durov có thể phải đối mặt án tù lên đến 20 năm.

CEO Telegram Pavel Durov. Ảnh: rbc.ru.

Liệu có động cơ chính trị trong vụ bắt giữ ?

The New York Times ngày 26/8 dẫn lời công tố viên Paris Laure Beccuau cho biết vụ bắt CEO Telegram Pavel Durov nằm trong khuôn khổ cuộc điều tra bắt đầu từ ngày 8/7, với những cáo buộc có thể đưa ra như đồng lõa trong việc phát tán nội dung khiêu dâm trẻ em, bán ma túy, rửa tiền và từ chối hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật.

Theo bà Beccuau, cuộc điều tra đang được các chuyên gia về tội phạm mạng và chống gian lận xử lý. Pavel Durov đã bị các điều tra viên tiến hành thẩm vấn.

Hiện chưa rõ liệu vị CEO của Telegram có bị buộc tội nào do bà Beccuau đưa ra hay không.

Theo ông Jean - Michel Bernigaud, Tổng Thư ký OFMIN - cơ quan cảnh sát Pháp chuyên trách phòng chống bạo lực với trẻ vị thành niên, Pavel Durov bị bắt do Telegram không ngăn chặn được nội dung xấu về trẻ em.

"Vấn đề cốt lõi là sự thiếu kiểm duyệt và hợp tác từ phía nền tảng, đặc biệt là trong cuộc chiến chống tội phạm tình dục trẻ em", ông Bernigaud nói.

Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng lên tiếng về sự việc, khẳng định vụ bắt CEO Telegram không có bất kỳ động cơ chính trị nào.

Tổng thống Macron cho biết ông đã đọc được "thông tin sai lệch về Pháp" liên quan sự việc, song không nêu cụ thể. Nhà lãnh đạo Pháp khẳng định nước này cam kết đảm bảo quyền tự do ngôn luận.

Tuyên bố của ông Macron trên X cũng là xác nhận chính thức đầu tiên liên quan đến việc Pháp bắt giữ CEO Telegram.

Tranh cãi sau khi CEO Telegram bị bắt

Ngày 25/08/2024, các cơ quan tư pháp Pháp đã thông báo gia hạn lệnh giam giữ ông chủ của Telegram, Pavel Durov, một ngày sau khi ông bị bắt tại ngoại ô Paris.

Nhiều nhân vật nổi tiếng đã bình luận về vụ việc này, bao gồm Edward Snowden, Tucker Carlson hay cả Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev.

Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) nổi tiếng vì tố giác Mỹ, hiện sống lưu vong tại Nga đã chỉ trích Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vì vụ bắt CEO Telegram.

Ông Snowden cáo buộc ông Macron "bắt con tin" như một cách muốn tiếp cận các giao tiếp riêng tư của người dùng. "Điều này hạ thấp không chỉ nước Pháp mà là cả thế giới", ông Snowden này viết.

Nhà báo và nhà bình luận chính trị người Mỹ Tucker Carlson nhận định: vụ bắt giữ người sáng lập ứng dụng Telegram Pavel Durov ở Pháp là một lời cảnh báo đối với các nền tảng trực tuyến phản đối sự kiểm duyệt. Trên X, Carlson tuyên bố vụ bắt giữ là một cuộc tấn công vào quyền tự do ngôn luận.

Tỷ phú Mỹ Elon Musk đăng bài trên X kêu gọi trả tự do cho CEO Telegram Pavel Durov.

CEO hãng xe điện Tesla, Elon Musk lên tiếng bảo vệ ông chủ Telegram Pavel Durov và chỉ trích CEO Meta Mark Zuckerberg vì đã khuất phục trước "áp lực kiểm duyệt”.

Trên mạng xã hội X, một người dùng thắc mắc tại sao Mark Zuckerberg chưa bị bắt, dù cũng đang sở hữu các ứng dụng có cách hoạt động tương tự Telegram.

Elon Musk sau đó chia sẻ bài đăng trên và nói: "Bởi vì anh ta đã bị khuất phục trước áp lực kiểm duyệt. Instagram có vấn đề lớn về bóc lột trẻ em, nhưng không ai bắt giữ Zuckerberg vì anh ta kiểm duyệt quyền tự do ngôn luận và cho phép chính phủ truy cập vào dữ liệu người dùng".

Sau bài viết của Elon Musk, đại diện Meta tuyên bố công ty luôn tuân thủ các yêu cầu của cơ quan thực thi pháp luật về dữ liệu nếu bị bắt buộc về mặt pháp lý. Người này khẳng định cả Messenger và WhatsApp đều được mã hóa, nghĩa là bên thứ ba, gồm cả Meta, không thể truy cập dữ liệu người dùng.

Về phía Telegram, mạng xã hội này cho rằng chủ sở hữu mạng xã hội phải chịu trách nhiệm khi nền tảng bị lạm dụng là điều vô lý.

Ngày 26/8, tài khoản X của Telegram phát đi thông tin khẳng định nền tảng này tuân thủ luật pháp châu Âu, bao gồm Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số do Liên minh châu Âu (EU) ban hành, trong đó yêu cầu các công ty mạng xã hội lớn phải ngăn chặn hoạt động trao đổi nội dung, hàng hóa và dịch vụ bất hợp pháp. Thông điệp trên được Telegram đưa ra một ngày sau khi nhà sáng lập và CEO Pavel Durov bị bắt.

Telegram viết rằng: "CEO Pavel Durov không có gì phải che giấu và thường xuyên đi công tác ở châu Âu. Thật vô lý khi tuyên bố một nền tảng hoặc chủ sở hữu của nó phải chịu trách nhiệm về việc nó bị lạm dụng".

Công ty nhấn mạnh việc kiểm duyệt của nền tảng "nằm trong tiêu chuẩn của ngành và liên tục được cải thiện". "Gần một tỷ người dùng toàn cầu sử dụng Telegram như một phương tiện giao tiếp và là nguồn thông tin quan trọng. Chúng tôi đang chờ đợi một giải pháp nhanh chóng cho tình huống này", bài viết có đoạn.

CEO Telegram có thể là 'mỏ vàng' cho tình báo phương Tây

Điện Kremlin ngày 26/8 cho biết Nga chưa nhận được thông tin chính thức từ Pháp về lý do Paris bắt CEO Telegram. Đại sứ quán Nga tại Paris cho biết, cơ quan này đã yêu cầu được tiếp xúc lãnh sự với Durov và kêu gọi Paris bảo đảm quyền của CEO Telegram, song phía Pháp không phản hồi.

Một nhà hoạt động phản đối vụ bắt giữ CEO Telegram Pavel Durov gần Đại sứ quán Pháp tại Moskva ngày 25/8. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, sau khi CEO Telegram bị Pháp bắt giữ vào ngày 24/8, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói rằng CEO Telegram đã tính toán sai lầm khi rời Nga để tới nước khác, dẫn đến bị bắt. Ông Medvedev cho rằng Pavel Durov muốn trở thành “con người của thế giới”, chắc không bao giờ nghĩ là mình sẽ phải hợp tác với các cơ quan chính phủ ở nước ngoài.

"Từ cách đây rất lâu, tôi từng hỏi Pavel Durov về lý do anh ta không muốn hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật Nga trong những vụ án nghiêm trọng. Durov đáp rằng 'đó là lập trường nguyên tắc của tôi'. Sau đó tôi cảnh báo rằng anh ta sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng ở mọi quốc gia", Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 25/8 viết trên Telegram, đề cập nhà sáng lập kiêm CEO ứng dụng nhắn tin Telegram.

Ông Dmitry Medvedev cảnh báo Pháp có thể phải trả giá đắt cho việc bắt giữ nhà sáng lập Telegram.

Giới quan sát nhận định Pháp và các đồng minh có thể khai thác nhiều tin tình báo giá trị liên quan đến Nga, đặc biệt khi Telegram có sức ảnh hưởng rất lớn, nhất là kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, ứng dụng đã khẳng định là một nguồn thông tin thiết yếu liên quan đến cuộc chiến.

Quân đội, các nhà hoạt động của cả Nga và Ukraine đều sử dụng nền tảng này để trao đổi thông tin, chia sẻ dữ liệu, đăng hình ảnh, video về hoạt động quân sự trên chiến trường. Nhiều chính trị gia hàng đầu của Nga cũng dùng Telegram như một phương tiện truyền thông hàng ngày mà không phải lo ngại nguy cơ bị lộ lọt dữ liệu, do Telegram đặt trụ sở tại Dubai, UAE và gần như không chịu ảnh hưởng của phương Tây.

Ông Alexey Rogozin, Cố vấn Ủy ban Chính sách kinh tế, Công nghiệp và Phát triển đổi mới của Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) cảnh báo, vụ Pháp bắt giữ nhà sáng lập Telegram Durov có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc quản lý lực lượng vũ trang Nga do Telegram đã lấn sâu vào các tiến trình quân sự của Nga.

"Nhiều người ví rằng, việc bắt giữ Pavel Durov tương đương bắt giữ người đứng đầu cơ quan liên lạc của Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga. Rất nhiều quyền kiểm soát quân đội ngày nay đều gắn liền với Telegram", ông Alexey Rogozin nói, đồng thời cho biết thêm, Telegram lẽ ra phải bị chặn ở Nga do các mối đe dọa an ninh sau khi CEO nền tảng này bị bắt.

Những điều có thể chưa biết về Pavel Durov

Pavel Durov, sinh năm 1984 tại thành phố Saint Petersburg của Nga, có quốc tịch Nga, Pháp, UAE, Saint Kitts và Nevis (quốc gia vùng Caribe).

Sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Saint Petersburg vào năm 2006, Durov sáng lập mạng xã hội VKontakte (nay là VK) được ví như “Facebook của Nga”. Mạng xã hội này hiện có hơn 90 triệu người dùng mỗi tháng, được sử dụng nhiều nhất tại Nga và các nước SNG.

Năm 2011, Durov bắt đầu vướng vào nhiều vấn đề với chính quyền Nga, trong đó có việc đối đầu với cảnh sát Saint Petersburg khi bị yêu cầu xóa một website có liên quan đến bầu cử nhưng ông từ chối. Ông bắt đầu bán cổ phần ở VK cho những người khác.

Giữa tháng 4/2014, Durov công khai từ chối giao dữ liệu cá nhân liên quan đến người Ukraine trên VK. Sau đó, ông bị sa thải khỏi vị trí CEO của nền tảng. Ông tuyên bố "rời khỏi Nga và không có kế hoạch trở lại".

Pavel Durov sáng lập ứng dụng Telegram vào năm 2013. Ảnh: TechCrunch.

Pavel Durov cùng anh trai sáng lập Telegram vào năm 2013, đặt trụ sở tại Dubai. Mục tiêu của họ là tạo ra một ứng dụng nhắn tin với tính bảo mật cao, nhằm bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.

Telegram nhanh chóng thu hút sự chú ý nhờ vào các tính năng nổi bật như mã hóa end-to-end, cho phép các cuộc trò chuyện chỉ có thể được đọc bởi người gửi và người nhận. Điều này đã giúp Telegram trở thành một lựa chọn phổ biến cho những người dùng tìm kiếm sự bảo mật.

Một trong những điểm nổi bật của Telegram là khả năng tạo nhóm chat lớn với hàng triệu thành viên và các kênh thông tin (channels) cho phép người dùng truyền đạt thông tin đến số lượng lớn người theo dõi.

Telegram cũng đã tiên phong trong việc phát triển các tính năng như Bot Telegram, cho phép người dùng tạo và tùy chỉnh các ứng dụng nhỏ trong nền tảng nhắn tin của mình. Những đổi mới này đã giúp Telegram không ngừng mở rộng và duy trì sự cạnh tranh trong ngành công nghệ.

Sự tập trung vào bảo mật đã khiến Telegram trở thành nền tảng được người dùng ưu tiên quyền riêng tư ưa thích, nhưng tính năng này cũng khiến nó trở nên hấp dẫn đối với các tổ chức tội phạm và các nhóm cực đoan.

Tính đến năm 2024, Telegram đã có hơn 900 triệu người dùng toàn cầu và tiếp tục mở rộng với nhiều tính năng mới và cải tiến.

Pavel Durov nổi tiếng không chỉ vì sự thành công của Telegram mà còn vì lối sống bí ẩn và tối giản của mình. Sau khi rời khỏi VK, Durov sống lưu vong ở nhiều nơi, bao gồm Paris và Dubai, để tránh sự chú ý của các cơ quan chính quyền và duy trì sự tự do cá nhân. Ông thường xuyên di chuyển và tránh xa sự chú ý của truyền thông, điều này càng làm tăng thêm sự bí ẩn xung quanh cuộc sống của ông.  

Có nguồn tin cho hay, trong một tuyên bố gần đây, ông tự nhận là cha của hơn 100 đứa trẻ nhờ việc hiến tinh trùng, và coi đó là "nghĩa vụ công dân".

Theo ước tính của Forbes, tại ngày 25/8/2024, Pavel Durov có khối tài sản trị giá 15,5 tỷ USD, đứng thứ 122 trong danh sách tỷ phú. Năm 2023, giá trị tài sản ròng của Durov được Forbes ước tính là 11,5 tỷ USD.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tại Baku, Azerbaijan đang dần tiến tới những giờ đàm phán cuối cùng, tuy nhiên các đại biểu vẫn chưa thể tìm ra tiếng nói chung đối với vấn đề lớn là tài chính khí hậu.

Tại cuộc họp báo ngày 21/11, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre xác nhận, Mỹ đã thông báo trước cho Ukraine và các đồng minh về kế hoạch phóng tên lửa tầm trung của Nga.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang cân nhắc thay đổi ban lãnh đạo của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) bằng cách sa thải giám đốc hiện tại và đưa một cựu đặc vụ giàu kinh nghiệm và trung thành với chương trình Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại (MAGA) của ông vào vị trí đứng đầu cơ quan này.

Ngày 22/11, một người đàn ông đã tử vong và một người khác phải nhập viện sau khi một chiếc trực thăng rơi ở một vùng xa xôi của Australia.

Sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) quyết định ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant ngày 21/11 với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, hàng loạt các quan chức Mỹ đã có những phản ứng trái chiều trước vấn đề này.

Tân Hoa xã hôm 21/11 đưa tin, Cục địa chất tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc xác nhận một mỏ vàng khổng lồ với trữ lượng ước tính hơn 1.000 tấn đã được phát hiện ở miền nam Trung Quốc.