Mẹ tôi
Một tô phở thì đáng bao nhiêu tiền! Tôi vẫn thường nói với mẹ như thế mỗi khi về thăm. Mẹ chỉ chặc lưỡi ngó nắng ngoài sân.
Đành thôi. Lần nào thấy cái dáng mẹ ngồi ngó nắng ngoài sân tôi cũng ngậm ngùi biết bao nhiêu nỗi. Sáu mươi mấy năm trên cuộc đời có ngày nào mẹ thôi nghĩ về chồng con? Chắc có lẽ là không.
Nhớ lần đầu nghe mẹ tâm sự chuyện chưa từng ra ngoài tiệm ăn một thứ gì, dù là thèm một tô phở. Tôi chạnh lòng thương mẹ biết bao nhiêu. Từ khi bước chân về nhà chồng, mẹ đã hy sinh tất cả cho chồng con. Sáu đứa con lần lượt ra đời, chỉ rặt toàn con gái, được mụn con trai đầu lại bị tật nguyền. Cha chán nản lao vào rượu chè rồi nhiếc móc rằng tại mẹ mà ông không có người hương hỏa nối dõi. Mẹ nuốt từng lời nhiếc móc của cha vào lòng, trả ra bằng dòng nước mắt đắng cay. Bao nhiêu đêm mẹ lặng lẽ khóc một mình hở mẹ? Tôi rất muốn hỏi mẹ nhưng sợ rằng chính bản thân mẹ cũng chẳng thể nào nhớ nổi để trả lời.
Tôi đã trải qua tuổi thơ cơ cực như bao đứa trẻ nhà quê khác. Bộ quần áo lấm lem chẳng lành lặn nổi. Chúng tôi phụ giúp mẹ làm bất cứ chuyện gì có thể, từ cuốc cỏ khoai, tỉa bắp, đến mò cua bắt ốc dưới suối, vậy mà nhiều bữa cũng phải ăn khoai trừ cơm.
Bây giờ nhớ lại tôi chưa bao giờ oán thán về những ngày tháng cơ cực khi xưa, chỉ trách mình vô tâm quá đỗi khi mỗi lần xin tiền học phí mà mẹ bảo chưa có là lăn đùng ra khóc. Trong tâm trí của con bé nhà nghèo khi đó thì việc cô nhắc tên trước lớp xấu hổ ngàn lần, chưa bao giờ nó nghĩ rằng mẹ nó phải chạy vạy cực khổ thế nào để mượn cho được vài chục ngàn cho nó đóng học phí. Mãi sau này khi lớn mẹ mới kể về cái khổ cực mỗi khi đi mượn tiền cho mấy chị em đóng học phí. Biết mượn ai đây khi mà nhà nào thân quen cũng đã có vài khoản nợ chưa trả, còn tiền công làm cỏ thuê mười mấy ngàn bạc chỉ đủ gạo mắm cho nhà tám miệng ăn.
Vậy mà trong trí nhớ của tôi dù cố lục tìm cũng không ra khoảnh khắc nào mẹ mắng chửi chúng tôi, chỉ có hình ảnh mẹ ngồi bó gối ngó đêm đen kịt là ăn sâu vào tâm trí. Cái dáng ngồi đó ám ảnh tôi tới tận bây giờ…
Vài năm trước khi còn mạnh tay chân, mẹ vẫn cuốc đất trồng rau, dù bán chẳng được bao nhiêu tiền. Cha hay kể rằng sau mỗi buổi chợ mẹ ngồi bày tiền lẻ ra đếm, rồi ông kết luận rằng bao nhiêu tiền đâu mà ham dữ không biết. Nghe câu nói sao thấy chơi vơi một nỗi buồn. Buồn vì bao nhiêu năm chăn gối mà sao giọng cha lạnh dữ vậy, cứ như người dưng ngoài đường.
Cha đâu hiểu mẹ ham tiền thì ít mà ham làm thì nhiều. Tính mẹ hồi đó giờ vẫn vậy, ngồi không nó buồn tay buồn chân lắm, phải tìm ra cái gì làm mới chịu. Trồng vài ba luống rau có cái động tay động chân, hái bán rau sạch cho người ta kiếm vài đồng, đó là một niềm vui của tuổi già, giống như niềm vui của cha khi khề khà vài chén nói chuyện dóc chơi. Tôi không thể lý giải cho cha hiểu niềm vui bé nhỏ của mẹ, tính cha tôi gia trưởng, ông không bao giờ muốn nghe lời góp ý nào từ vợ con bởi trong ngôi nhà này, mảnh vườn này ông là nhất. Tôi chỉ lặng lẽ buồn rồi lặng lẽ cất vào trong ngăn tủ ký ức về mẹ, lâu lâu nhớ nhà, nhớ mẹ lại lần giở ra xem.
Mỗi lần chúng tôi kể lể chuyện chăm con cực khổ, mẹ lại bảo: "Chăm cho biết hồi xưa mẹ khổ thế nào, một nách sáu đứa con".
Nghe câu nói đó, mấy chị em tranh nhau bảo hồi đó khác, bây giờ khác, hồi đó trời sinh voi sinh cỏ, giờ nuôi một đứa con bằng chục đứa ngày xưa.
Chỉ mình tôi im lặng, chỉ mình tôi chạnh lòng nhớ ngày xưa mà thương mẹ quá đỗi. Làm mẹ rồi mới hiểu được lòng mẹ, người ta nói quả chẳng sai. Những đêm thức chăm con bệnh mới hiểu ngày xưa mẹ cực khổ thế nào khi chăm một lúc sáu đứa con, nhất là chăm đứa con tật nguyền xúc muỗng cơm còn không biết.
Mẹ ơi, sao mẹ có thể vượt qua những ngày tháng đó để nuôi năm đứa con ăn học nên người? Tôi lại chẳng thể hỏi mẹ vì biết có hỏi mẹ cũng sẽ chép miệng bảo vì mẹ không muốn tụi bây khổ như mẹ. Đời mẹ khổ quá nên dồn hết bao hy vọng vào các con, mong các con biết con chữ có công ăn việc làm ổn định chứ không vất vả một nắng hai mưa như đời của mẹ.
Bởi vậy mà khi chị hai vừa đủ lớn xin mẹ đi làm công nhân phụ giúp nuôi các em mẹ đã gạt đi bảo mẹ lo được. Nhiều lần nghe tin mẹ bệnh tôi nhói lòng biết bao khi nghĩ rằng do hồi đó làm việc quá nhiều mà giờ trở già mẹ mới đau bệnh liên miên như vậy.
Tôi hay bảo thôi mẹ đừng lo nữa, con cái lớn tự lo cuộc sống hơi đâu mẹ lo hoài. Tính vậy rồi biết sao được, mẹ hay cười xòa bảo vậy. Biết tính mẹ hay lo nên có chuyện mừng thì kể, chuyện buồn cũng ráng nhịn bỏ trong lòng. Vậy mà mẹ cũng kiếm ra chuyện để lo cho được, mỗi lần gọi điện hay nhắc lấy chồng xa thì ráng nhường nhịn bên chồng một xíu, có mỗi mình ngoài đó nhé con.
Ngày trước mẹ thương tôi vì học giỏi nhất nhà. Tôi biết mẹ đặt nhiều kỳ vọng vào mình, cũng ráng học cho mẹ vui. Mẹ nói, đời mẹ nghèo vì không biết chữ nên ráng nuôi tụi bây ăn học để khỏi khổ như mẹ.
Câu nói của mẹ ăn sâu vào tiềm thức để mỗi khi tôi xao nhãng là lại văng vẳng bên tai nhắc chừng. Có điều tôi chẳng làm mẹ rạng rỡ mặt mày bởi cho dù học giỏi vẫn chẳng kiếm được việc làm lương cao như con bà này bà nọ mà mẹ biết.
Mỗi lần nghe mẹ kể con người này làm chức này, con người kia làm chức kia là thể nào tôi cũng khóc thầm mỗi khi khuya lắc bởi lẽ tôi đã phụ lòng kỳ vọng nơi mẹ. Nhưng biết sao được, mỗi người có số phận riêng. Tôi ráng sức làm thêm nhiều công việc chỉ để dành dụm chút đỉnh, mỗi lần về thăm dúi cho mẹ ít tẩm bổ, nhưng bao giờ mẹ cũng dúi lại vào tay cháu không chịu nhận vì các con còn khổ, không có cho con thì thôi chứ lấy của các con làm gì.
Tôi không biết nói gì, chỉ thấy nghèn nghẹn trong lòng, thương mẹ quá đỗi…
Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.
Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.
Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.
Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.
Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....
Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?
0