Mà nghe tiếng cuốc gọi hè
Chiều nay, Hường sẽ chia sẻ những dòng tự sự của Vy Phong.
Tiếng chim kêu khắc khoải, sắc lạnh như mũi dao khứa vào đêm khiến cho không gian càng tĩnh lặng. Tiếng kêu hiện hữu, người nghe có thể định vị tương đối nó ở khoảng nào đó như bên góc ruộng, bên bờ ao, trong bụi tre, nhưng cũng thật khó để xác định chính xác cụ thể vị trí của con chim.
Đều là giống loài sống và kiếm ăn ở ao đầm, đồng ruộng nhưng không thong thả, tự nhiên như cò, sếu, vạc, chim cuốc lặng lẽ chui lủi nơi bờ bụi. Hễ nghe tiếng động, đặc biệt là thấy người thì nó lủi thật nhanh hoặc vụt bay lên như một mũi tên. Có lẽ vì vậy mà người đời có thành ngữ “nhanh như cuốc lủi”. Phải nhanh mắt và tinh mắt lắm mới thấy được dáng hình nhỏ bé, gầy gò, đen thui của loài chim này.
Chim cuốc vẫn thường kêu vào buổi trưa vắng, vào buổi chiều tà giục mặt trời lặn. Nhưng tiếng cuốc kêu trong đêm khuya thanh vắng thì dễ khiến lòng người hoài niệm bao nhiêu điều quá vãng xa xăm. Ngoài trời đêm tiếng chim da diết, trong phòng ấm tôi khắc khoải nhớ ngoại tôi. Thuở tôi còn bé, mỗi lần mẹ đi học nâng cao trình độ, tôi ở với ngoại, được ngoại chăm sóc và yêu thương. Nhà bà ngoại lưng nép dãy đồi cao, mặt hướng ra thửa ruộng nhỏ, bên phải ngôi nhà là một con kênh dẫn nước từ phía đập xa về. Hai bên con kênh là hoang dại những lùm lau, bụi lách, dải lác chen nhau mọc lên.
Trong tôi luôn hiện hữu hình ảnh gầy gò, khắc khổ của ngoại, sớm tối đi về trong tiếng cuốc kêu. Có những trưa hè, bên kia bờ kênh tiếng quắc..quắc… như hun thêm hơi nóng, còn trong nhà tiếng hát chèo từ chiếc radio chạy bằng pin lúc được lúc không. Có những đêm trăng sáng, tiếng cuốc trong veo làm cho ánh trăng như đặc quánh rồi rót xuống mặt ruộng, sóng sánh chảy vàng cả dòng kênh. Lần tôi bị thủy đậu, bọng nước mọc khắp người. Đau ê ẩm, trong cơn mơ chập chờn tôi thấy ngoại thao thức bên màn không ngủ. Thi thoảng chiếc khăn quấn tròn trên đầu thõng xuống, một tay bà đỡ lấy còn một tay vẫn không rời cái quạt mo phe phẩy dỗ giấc ngủ cho đứa cháu. Ngoài kia có tiếng con chim cuốc kêu rạc cả đêm. Tôi cứ thắc mắc vì sao con chim ấy không chịu đi ngủ. Sau này lớn lên, tôi ngẫm ra mới thấy con chim cuốc sống lặng lẽ, cơ cực nhưng nó thật chăm chỉ, chịu khó và thật là thủy chung, tình nghĩa.
Tiếng con chim kéo dài không nghỉ như đâm xuyên cả thời gian mà đưa lòng người hoài cổ. Dân gian ta xưa nghe thấu sự cô độc, bất lực trong tiếng kêu lạc giọng kia: “Thương thay con cuốc giữa trời/ Dầu kêu ra máu chẳng người nào nghe”. Chợt thấy đồng cảm biết bao với bà Huyện Thanh Quan thuở nào, lúc chiều tà qua đèo Ngang mà lòng hoang hoải chạnh nhớ nước thương nhà: “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc/Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”. Nhớ cụ Nguyễn Khuyến xưa, cũng nghe tiếng chim cuốc mà xa xót cho hồn Thục Đế vì vọng cố quốc mà khắc khoải thâu đêm: “Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ/Ấy hồn Thục Đế thác bao giờ/ Năm canh máu chảy đêm hè vắng/ Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ”. Hay tiếng đàn của nàng Kiều khi đoàn viên nhưng nghe vẫn nỉ non, khắc khoải buồn: “Khúc đâu đầm ấm dương hòa/ Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh/ Khúc đâu êm ái xuân tình/ Ấy hồn Thục Đế hay mình đỗ quyên?”. Nào có được sự quý phái, sang trọng như chim loan, chim phượng; đâu có được cái nhí nhảnh, lảnh lót như chim sáo hay sơn ca; con chim cuốc tự ti, lủi thủi sống đời vất vả với nỗi lòng riêng… Nhưng quả thật không có loài chim nào lại gây thương gợi nhớ, lại dễ lay động lòng trắc ẩn của nhân gian, từ giới tao nhân mặc khách cho đến những người bình dân như chim cuốc.
Khi gà gáy canh năm gọi mặt trời lên, chim cuốc cũng thôi kêu và tuyệt nhiên người đời không thể biết con cuốc đang ở chốn nào trong lùm cây, bụi rậm bên bờ ao, bờ ruộng kia. Nhìn ra ngoài ngõ, hoa xoan rụng tím lối đi. Tôi biết ấy là xuân đã cạn và con chim cuốc ra rả đêm qua là để gọi hè về. Thật ra, nó đang làm công việc mà thiên nhiên, tạo hóa đã giao phó cho giống loài của nó. Và thật kì diệu khi tiếng kêu của nó lại động đến lòng người, cho con người có những phút giây sống chậm để ngẫm về đời để nhìn lại mình và khơi dậy bao nhiêu cảm xúc sâu lắng, nhân văn./.
Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.
Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.
Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.
Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.
Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....
Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?
0