Mái tóc ba tôi

Ở một nơi xa quê, có một người con nhung nhớ về người cha của mình, nhớ về mái tóc bạc trắng của cha và những kỷ niệm yêu thương thời thơ ấu…

Ngày bé xíu, tôi được ba địu trên vai đến trường mẫu giáo. Tóc ba xanh đen. Tôi cứ thắc mắc hoài: "Sao tóc ba dày mà đen quá. Tóc con lại màu nâu và thưa?".

Ba nói tóc màu như tôi mới đẹp. Thưa nhẹ như làn mây và màu nâu của ruộng đất quê mình. Tôi khúc khích cười, hai bàn tay nhỏ xíu mân mê mái tóc của ba.

Lớn hơn chút xíu, mỗi trưa về, tôi lại ngồi nhổ tóc sâu cho ba dưới gốc thông già. Nắng tinh nghịch xuyên qua tán cây, nhảy nhót trên bàn tay tôi, trên mái đầu ba. Nắng soi cho tôi thấy những cọng tóc sâu của ba. Chân tóc hơi phai màu đen và đuôi tóc thì không còn thẳng như trước. Ba cười hiền và nháy mắt: "Con thấy nhiều nhà khoa học - tóc họ xoăn xoăn chứ. Ba cũng là nhà khoa học ấy. Nhà khoa học làm ra hạt gạo".

Ảnh minh họa: Việt giải trí.

Khi đến tuổi tập tành ra đồng để làm việc đồng áng như bao tụi nhỏ khác trong làng, tôi hay theo gót ba đi ra ruộng - nhổ cỏ lạc mùa hay cấy lúa chiêm. Hai ba con trên đồng, nhấp nhô hai màu nón. Tôi được ba sắm cho chiếc nón mới tinh, trắng phau, có chiếc quai nón hồng duyên dáng. Còn ba tôi đội chiếc nón mê màu nâu của lá thông khô, mất chóp nón và sờn lá cọ. Mưa nắng chạm vào tóc ba. Nắng nhuộm màu phai vàng. Mưa gội đi màu xanh đen.

Ngày tôi ôn thi đại học, ba gánh vác hết công việc đồng áng, chẳng cho tôi làm cùng. Chỉ biết nhắc ba mang nón đi đội kẻo trời chợt nắng chợt mưa. Trưa làm đồng về ba cũng chẳng cho tôi nhổ tóc sâu cho ba. Ba kêu: "Ba có già nhanh vậy đâu mà lắm tóc sâu đến mức ngày nào con cũng nhổ". Rồi bắt tôi chợp mắt, dù chốc lát, trước buổi chiều đến trường ôn thi.

Ảnh minh họa: Báo Vĩnh Phúc.

Ngày tôi khoác ba lô lên Thủ đô nhập học. Tôi ôm ba chặt chẳng muốn rời. Quàng tay ôm cổ ba giữa trời thu heo may quê mình. Lưu luyến mùi hương mà âu yếm nhìn màu tóc ba. Chợt giật mình thảng thốt: "Mái tóc ba đã điểm bao sợi trắng tự lúc nào". Ba xoa mái tóc đen dài và lau nhẹ giọt nước mắt của tôi, trìu mến nói: "Tóc trắng trông sẽ thêm phần phúc hậu mà con gái!".

Tóc ba bạc màu cho mái tóc tôi xanh. Nhưng tình ba con muôn nắng muôn mưa mãi chẳng phai màu.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong ký ức của một người con, có một căn nhà xưa sơ sài tới mức không có cổng, nhưng trong căn nhà nhỏ ấy, lại đầy ắp tình yêu thương của mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau…

Dạo gần đây mạng xã hội nổi rần rần về chữa lành. Chỉ cần mở YouTube, 10 podcast thì 9 cái nói về việc chữa lành. Có người nói với tôi, muốn hạnh phúc phải yêu chính mình trước đã, phải chiều chuộng bản thân, làm gì mình thích để chữa lành. Dành thời gian cho bản thân nhiều hơn, nghĩ đến bản thân nhiều hơn, đặt gánh nặng trách nhiệm trên vai xuống để đi chữa lành cho đầu óc thanh thản, nhẹ nhàng hơn...

Đêm ở biển, thanh âm của biển, vị của biển, giữa một màu đen bát ngát bao la. Lòng bình yên lắng dịu. Biển vắng giữa đêm mùa thu thật lạ mà thật quen. Ngỡ như ta đã gặp đâu đó một thời xa lắm. Nhớ về một đêm biển vắng năm nào, ngồi ở một căn chòi nhỏ, lặng nghe tiếng mưa rơi... Biển vẫn vậy, dịu dàng quá đỗi. Ta khác rồi, liệu đã thâm trầm như biển ngày xưa?

Trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng từng một lần theo đuổi điều gì đó tưởng chừng vĩ đại, tưởng chừng hoàn hảo. Đó có thể là những giấc mơ lớn lao hay chỉ là những điều giản dị, bé nhỏ mà tâm hồn chúng ta đã khắc khoải tìm kiếm. Với tôi, hành trình ấy bắt đầu từ những buổi chiều thơ bé, nơi tôi đắm mình giữa đồng cỏ xanh rì, tìm kiếm chiếc lá cỏ hoàn hảo - một thứ biểu tượng đẹp đẽ mà tôi tin rằng khi tìm thấy, cuộc đời tôi sẽ trọn vẹn theo cách kỳ diệu nhất. Có một người cũng giống như tôi.

Có một người không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng quãng thời gian mà người ta vẫn ưu ái gọi tên "đẹp nhất của đời người" - thời trung học của cô đã gắn với mảnh đất cổ kính, nên thơ này. Từ lâu, Hà Nội đối với cô đã vượt lên cả một miền ký ức, trở thành một phần hiện hữu trong cuộc đời.

Cuộc sống vội vã trôi, cuốn mỗi người chúng ta vào guồng quay không ngừng nghỉ. Để tới một lúc nào đó, ta bỗng phát hiện ra dường như mình đã quên mất những điều bình dị, ấm áp xung quanh, quên mất rằng ta và người ấy vẫn cần lắm những nồng ấm, yêu thương…