Mặn mòi Hà Nội

Hà Nội với tôi là những thương nhớ đầu tiên từ hồi tôi đi thi đại học. Hà Nội đã lấy đi của tôi bao nhiêu nước mắt, còn là giấc mơ mà tôi chẳng thể chạm vào. Hà Nội là những kỷ niệm của tôi khi biết người thương nhập viện, là khoảnh khắc thót tim khi đưa con ra cấp cứu viện nhi, là khoảnh khắc cháy lòng khi cha bệnh trọng. Và là khoảnh khắc đi chơi về muộn, thấy những người dân lầm lũi ngủ ngon lành nơi gầm cầu, trong lòng cống...

Hà Nội, là ngày đầu tiên tôi đi thi đại học. Giữa hàng ngàn phụ huynh chờ đón ngoài kia, tôi vẫn nhận ra người anh trai bé nhỏ của mình, anh thông minh học giỏi là sinh viên Đại học Y. Anh trèo lên tường bám tay vào hàng rào sắt, giơ tay vẫy liên hồi. Tôi ứa nước mắt vờ không nhận ra, nấp sau cây xà cừ lau nước mắt, rồi lại giả vờ quay ra toe toét cười. Ba tiếng tôi làm bài thi, tôi biết với anh là thế kỉ. Anh chở tôi về nhà chủ, ngồi sau xe tôi lại ứa nước mắt, quyết tâm bài thi sau sẽ tốt hơn.

Ảnh minh họa

Về tới nhà trọ, hai bác chủ nhà đợi cơm tự lúc nào. Họ gắp thức ăn cho tôi rồi dặn cố lên. Ba ngày tá túc, lúc ra về anh gửi tiền cảm ơn, họ không lấy một xu. Họ bảo cháu đến ở là vui lắm.

Hà Nội với tôi là những thương nhớ đầu tiên như thế. Tôi thiếu nửa điểm vào đại học Hà thành. Vậy là Hà Nội tuột khỏi tầm tay, trở thành mối tình dang dở. Hà Nội là mối tình đơn phương tôi thao thiết nhớ những đêm buồn tênh kí túc trung du. Hà Nội đã lấy đi của tôi bao nhiêu nước mắt. Hà Nội là giấc mơ mà tôi chẳng thể chạm vào. Hà Nội cứ xa tôi, xa mãi. Cho đến một ngày tôi thực sự nhận ra tâm hồn tôi không thực sự thuộc về nơi ấy…

Hà Nội, là cơn ác mộng của tôi khi biết người thương nhập viện. Lần đầu đặt chân về thủ đô khi chỉ có một mình. Dọc ngang phố. Nườm nượp xe. Tôi đi tìm người thương khi chỉ biết duy nhất một điều, Bạch Mai là điểm đến. Tôi đi như điên dại giữa phố đông khi nghĩ anh chẳng thể nào qua khỏi. Không gặp được anh, tôi òa khóc nghĩ mình đến muộn. Nhưng tôi gọi điện về quê, đầu dây bên kia là giọng của anh: "Ngốc ạ! Anh còn chưa kịp nói yêu em, chết làm sao được chứ?" Tôi thở phào… Hà Nội. Đừng thử thách tôi như thế. Tôi chỉ là một con nhóc nhà quê…

Hà Nội, là khoảnh khắc thót tim khi đưa con ra cấp cứu viện Nhi. Con sốt cao, thóp phồng lên, chân tay giật giật. Tôi nhòe nhoẹt nước mắt cầu mong con sẽ không sao. Phong bì 100 nghìn tôi kẹp vội vào sổ khám gọi là có chút cảm ơn bác sĩ giúp mình. Anh bác sĩ cười hiền hậu: “Con không sao. Em đừng làm vậy. Cầm về mà mua sữa cho con.” Nghe anh nói mà tôi thấy ấm lòng…

Hà Nội, là khoảnh khắc đi chơi về muộn, thấy những người dân lầm lũi ngủ ngon lành nơi gầm cầu, trong lòng cống. Người cuộn tròn trong manh chiếu rách, người mong manh một tấm áo che thân… Ngoài kia, cách đó chỉ chừng mươi mét tòa nhà cao ốc lung linh đèn nháy. Ánh sáng thừa thãi đủ hắt vào những thân phận nhỏ nhoi kia. Nhói lòng. Hà Nội đừng đắng thế được không?

Người lang thang nằm ngủ trên vỉa hè ở Hà Nội. Ảnh minh họa.

Hà Nội, là khoảnh khắc cháy lòng khi cha bệnh trọng. Sợ hãi, buồn phiền, chán nản. Nhắc anh xe ôm phóng nhanh lên. Anh vừa đi vừa trấn an mình. Rằng không ai từng suy sụp như anh. 5 tuổi mất mẹ. 8 tuổi mất cha. Bà dì ghẻ độc ác ném anh vào đời khi 10 tuổi. Hà Nội là điểm đến. Lang thang 20 năm trên từng xen ti mét Hà thành. Giờ anh có vợ con, có nhà Hà Nội. Nhưng anh vẫn ngày ngày lái xe ôm lượm lấy từng đồng. Cuộc sống chưa bao giờ là chấm hết đâu em.

Có chút mạnh mẽ hơn, nhưng vẫn buồn lo khi tiếng xe cấp cứu cổng viện rú lên. Rút 100 ngàn đưa anh xe ôm, bảo thôi không cần trả lại. Anh nói, anh chỉ lấy 50 ngàn. Bố ốm nặng cần tiền trị bệnh, anh không muốn chở không công vì em sẽ không vui. Chạy vội lên lầu thăm bố còn văng vẳng bên tai: "Anh không phải người Hà Nội gốc. Nhưng gốc cũng từ quê mà ra em ạ. Anh sẽ làm cho người Hà Nội đẹp hơn lên…".

Bố gầy yếu nằm trên giường bệnh. Nắm bàn tay da bọc lấy xương của cha mà buốt rụng tim gan. Đừng mang cha tôi đi. Tôi chỉ cầu mong cha hai chữ bình an. Tôi chạy ra hành lang bệnh viện lau đi dòng nước mắt mà chỉ vừa mới đây thôi nó bị ngăn không được phép trào ra.

Trong màn sương mờ đục thành phố, sau màng nước mắt, tôi chợt nhận ra có một mặt trời dịu hiền vừa mới hiện lên. Đó là mặt trời, chắc chắn là mặt trời phải không Hà Nội ơi?

Thu Hương

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Theo dòng hồi ức về một thời xưa cũ, tìm về vùng ánh sáng của những chiếc đèn dầu một thuở đã gắn liền cùng nếp sống sinh hoạt và văn hóa của bà con. Điện xưa rất yếu, ban ngày gần như không có điện, ngoài đường rất tối, không sáng như ngày nay, trong nhà lúc nào cũng phải có chiếc đèn dầu.

Với khán giả của Hà Nội thập niên 90 của thế kỷ trước và đầu những năm 2000, Tuyết Nhung là cái tên không hề xa lạ. Trong ký ức của nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực ẩm thực, căn bếp của gia đình khi bà con nhỏ ngoài một bóng đèn dây tóc leo lét chỉ đủ soi sáng để gia đình dọn mâm bát, còn lại không có bất cứ đồ dùng nào chạy bằng điện.

Nếu bạn đã thấy hơi lạnh tràn về trên phố mỗi sớm mai, đã thấy cuốn lịch trên tường mỏng dần đi theo ngày tháng... thì cho dù có bận rộn để hoàn thành kế hoạch của năm, cho dù có đang mải miết chinh chiến vì áo vì cơm, cũng có đôi lần lòng chùng xuống. Vì ngoài kia, tháng 12 đã về, đã lấp ló đâu đó, trên vệt nắng vàng nhạt đầu ngày, trong cơn gió se se mỗi sáng, trong những đêm lành lạnh một mình.

Đầu đông, những cây phượng bắt đầu trút lá. Trên vòm cây lá vẫn xanh đó mà dưới gốc cây xác lá đã trải vàng một đoạn đường. Một cơn gió nhẹ lay. Lòng người cũng say say với những chiếc lá phượng bay bay trong gió, vương vào mái tóc, vương trên vai áo. Vậy là cũng sắp hết một năm!

Chớm đông, ấy là khi những ngày cuối cùng của tháng 10 dần đi qua và tháng 11 bắt đầu kéo về. Ta chẳng còn mấy khi có dịp được ngắm bầu trời trong vắt với ánh nắng vàng ruộm trải dài mênh mang mỗi buổi chiều tà mà thay vào đó là một màu trời xám xịt với những cơn mưa phùn lê thê ướt rượt.

Thời bao cấp đi đã qua hơn 40 năm nhưng với nhiều người, những hình ảnh về dòng người chen chúc xếp hàng chờ mua thực phẩm với tờ tem phiếu trên tay thật khó quên. Trong những năm tháng ấy, cơm độn - một món ăn giản dị nhưng chứa đựng biết bao cảm xúc và kỷ niệm của người Hà Nội xưa - luôn khiến ta bồi hồi nhớ về những năm tháng khó khăn nhưng cũng đầy tình thương yêu.