Mảnh ghép nhân duyên
Tháng 7 năm 2013, sân bay Changi Singapore.
Làm xong thủ tục nhập cảnh, tôi nặng nề kéo chiếc vali bốn mươi cân hành lý tiến ra ngoài lòng bồi hồi xúc động. Trước mắt tôi là một không gian rộng lớn và tráng lệ. Đèn điện sáng choang, mặt sàn lấp lánh, xung quanh là những khuôn mặt xa lạ với đủ thứ ngôn ngữ, màu da. Dù vậy, tôi không còn cảm thấy lạ lẫm và nhỏ bé như lần đầu tiên đặt chân tới hòn đảo này.
Lần thứ hai trở lại, tôi mang theo mình một trái tim khao khát được gặp lại người tôi yêu. Tôi vừa đi vừa đảo mắt tìm kiếm bóng hình thân thuộc giữa những bước chân hối hả, những cái ôm siết chặt, những người giơ biển tên đứng chật kín lối đi.
Cuối cùng, tôi đã nhìn thấy anh, tay anh vẫy, miệng anh cười, một nụ cười dịu dàng luôn làm tôi say đắm, nụ cười tôi đã ngắm qua màn hình máy tính suốt hàng tháng trời đằng đẵng. Đôi chân tôi lao nhanh về phía người thanh niên đeo kính, gầy guộc và sà vào vòng tay đang dang rộng chờ sẵn. Con tim tôi như vỡ oà trong hạnh phúc. Sau bao cố gắng, tôi đã được anh ôm trọn trong lòng. Rồi anh đặt lên mái tóc tôi một nụ hôn. Rất khẽ và dịu dàng.
Tôi và anh gặp nhau lần đầu khi cả hai đều đang sống và làm việc nơi xứ người. Lần đó anh tới cửa hàng tôi làm để mua đồ. Nhận ra đồng hương lại thấy đống thuốc bổ trong giỏ hàng trước mặt, tôi vô tư rút thẻ nhân viên của mình để quét mã giảm giá. Chẳng tính toán gì, cũng không mong đợi dù chỉ một lời cảm ơn, tôi đơn giản nghĩ số tiền ấy có đáng là bao so với tấm lòng của một người con dành cho ba mẹ hay tình đồng hương nơi xa xứ. Không ưu ái riêng anh, tôi vẫn thường làm vậy cho những bạn du học sinh người Việt khác. Vậy mà anh lại âm thầm cảm kích, để rồi nhân duyên giữa chúng tôi từ đó tự lớn dần lên.
Trước khi gặp anh, tôi đã trải qua vài ba mối tình bằng trái tim thổn thức và tâm hồn ngọt ngào, thơ ngây để nhận lại chỉ là những giọt nước mắt làm đẫm gối trong đêm. Sau khi ra trường, tôi tới Singapore theo một chương trình thực tập có lương. Lần đầu xa nhà, xa mẹ, xa quê hương, tôi đã trải qua biết bao khó khăn, tủi hờn.
Với cường độ công việc dày đặc, mỗi ngày tôi phải đứng và đi bộ liên tục hơn mười tiếng đồng hồ. Không biết bao nhiêu đêm tôi lê từng bước chân nặng nề trở về căn phòng chật hẹp nấu bữa tối khi kim ngắn chỉ vào số mười hai. Tôi quên sao được những ngày bị tai nạn, chân băng bó phải nằm một chỗ không người chăm sóc. Chân đau nhức, bụng sôi réo, đầu nóng sốt. Bạn bè có đấy mà hoá ra cũng chỉ như người xa lạ. Nước mắt rơi rồi tự mình phải lau khô. Tôi thèm được ăn cơm mẹ nấu, được quay về quãng thời gian đi học vô tư. Những uất ức ở nơi làm việc, nỗi cô đơn nơi xứ người, sự thất vọng về tình bạn - tôi chẳng thể giãi bày cùng ai ngoài chất đầy trong lồng ngực bé nhỏ. Thế rồi, cuộc đời cho tôi gặp anh.
Sau này, anh từng kể lại đó là lần đầu tiên anh vô tình bước chân vào cửa hàng của tôi rồi phải lòng cô thu ngân đồng hương vừa xinh đẹp lại tử tế. Mặc dù giá bán ở đây thường cao hơn chuỗi cửa hàng khác nhưng sau lần ấy, dẫu chẳng có nhu cầu, anh vẫn tình nguyện trở thành vị khách hàng trung thành chỉ để tìm cách làm quen với tôi. Khi thì anh lấy đại một hộp kẹo ngậm trưng ở quầy thu ngân, khi thì một chai nước, có lúc là tuýp kem đánh răng… Lần nào anh cũng phải xếp một hàng dài mà khi tới lượt lại chẳng kịp nói gì ngoài nụ cười mỉm và ánh mắt dịu dàng để rồi chỉ nhận lại một nụ cười xã giao.
Còn tôi, sau vài lần bị lừa dối, đã chẳng còn niềm tin vào tình yêu. Cho nên, khi gặp anh ở một đất nước xa lạ và chỉ còn một tháng nữa sẽ trở về Việt Nam, cả tôi và anh đều không trông đợi gì xa hơn ở mối quan hệ này. Vậy mà, câu hát tình yêu đến em không mong đợi gì lại vô tình như được viết để dành cho tôi thời điểm đó. Anh mời tôi đi ăn tối để đáp lại những lần tôi dùng thẻ nhân viên của mình quét mã giảm giá cho anh. Nếu ở Việt Nam chắc chắn tôi sẽ không nhận lời ăn tối với một người không phải bạn bè mà tôi cũng không có ý định tìm hiểu yêu đương như thế.
Nhưng tôi đang ở một đất nước xa lạ. Người ta nói đi nước ngoài, bạn có thể cho phép mình trải nghiệm những điều mới mẻ. Vậy là sau nhiều lần từ chối, tôi đã đồng ý.
Đó là một nhà hàng lãng mạn nằm trong một công viên xinh đẹp. Một nơi sang trọng và lịch lãm đối với con bé quê mùa như tôi. Người phục vụ mặc bộ vest đen cúi đầu mở cửa chào chúng tôi bằng nụ cười thân thiện. Những vị khách ngồi ở các bàn xung quanh trông bình thường, giản dị nhưng đều toát lên khí chất quý phái. Một ban nhạc toàn những nghệ sĩ lớn tuổi đang biểu diễn ngay trung tâm nhà hàng khiến không gian càng trở nên đẳng cấp. Có lẽ vì say trong khung cảnh lung linh ấy mà tôi đã vô tư trút bầu tâm sự với anh về những nỗi niềm chất đầy trong lồng ngực.
Anh điềm tĩnh đón nhận và im lặng lắng nghe tất thảy. Không vỗ về, an ủi cũng chẳng động viên, anh chỉ ngồi đó nhìn tôi bằng ánh mắt ấm áp và hút hết những năng lượng tiêu cực về phía mình. Anh không kể gì về bản thân. Hẳn anh đã quá quen với cô đơn và những thách thức của cuộc đời mà anh biết mọi lời nói dành cho tôi đều là sáo rỗng. Vậy nên, trong suốt những ngày cuối cùng tôi ở lại đất nước Singapore xinh đẹp, anh cứ lặng lẽ ở bên tôi như thế.
Trở lại Việt Nam, tôi vẫn giữ liên lạc với anh qua Internet. Chính nhờ lần xa nhau đó, tôi nhận ra mình lỡ yêu anh mất rồi. Chỉ mới về nước một ngày mà tôi đã nhớ hòn đảo nhỏ, nhớ anh đến quay quắt. Tôi nhớ như in cảm giác nhói đau trong tim khi nhìn anh cầm cây vợt tennis đỡ trái banh dội lại từ bức tường.
Lần ấy, anh rủ tôi chơi môn thể thao tôi chưa từng chơi. Dù anh cố gắng huấn luyện thế nào, tôi cũng không thể cùng anh chơi một ván tử tế. Trong lúc ngồi nghỉ, nhìn anh đánh bóng một mình, tôi hỏi anh bình thường chơi môn này với ai? Anh thản nhiên đáp anh đánh với bức tường thôi. Câu trả lời nhẹ nhàng như cú đánh bóng của anh lại gieo vào lòng tôi niềm xúc động nghẹn ngào. Với một người hướng ngoại như tôi thì việc làm bạn với bức tường như thế cô đơn biết bao, đáng thương biết bao. Có lẽ từ giây phút ấy, trái tim tôi đã dấy lên một khao khát bản thân có thể thay bức tường kia chuyền lại bóng cho anh mỗi lần anh mệt mỏi với cuộc sống bên ngoài.
Trải qua bao sóng gió, khó khăn, tôi và anh đã ở bên nhau được mười năm có lẻ. Anh vẫn như ngày nào, lặng lẽ ở bên làm chỗ dựa cho tôi. Có những giai đoạn tưởng đứt gánh giữa đường nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn dành cho đối phương vị trí duy nhất để sánh bước bên mình. Giờ đây, chúng tôi đã có thêm con trai bé bỏng là kết quả của mối tình bình dị giữa tôi và anh. Tưởng hoàn toàn trái ngược về mọi mặt, chúng tôi lại vô tình ăn khớp như hai mảnh ghép ở cạnh nhau trong một bức tranh xếp hình khổng lồ.
Tôi - một người con gái xứ Bắc, anh - một người con trai đất Sài Thành. Tôi - một cô gái trải qua nhiều mối tình, anh - một chàng trai cô đơn nơi xứ người suốt mười năm. Tôi nồng nhiệt, hăm hở với cuộc đời; anh bình tĩnh, điềm đạm bảo vệ tôi trước mọi con sóng lớn. Tôi vẫn cảm ơn cuộc đời đã cho tôi vấp ngã trước bao mối tình để tôi nhận ra mảnh ghép thực sự của mình chính là anh, để tôi biết quý trọng chăm chút vun đắp cho mối duyên này.
Trong khuôn viên của một ngôi trường cấp ba, nơi một cô giáo làm việc mỗi ngày, có trồng rất nhiều cây. Mỗi loài cây đều có sức hút riêng với những đặc tính khác nhau. Những gốc sala cuối góc sân trường luôn làm cô chú ý bởi vẻ đẹp thuần khiết nhưng mạnh mẽ; như bao thế hệ học trò vừa hồn nhiên trong trẻo, vừa tự tin. Mỗi khi trong lòng có những chênh vênh bất ổn, cô thường thả hồn mình trôi vào khoảng xanh mênh mông này để tìm lại bình yên.
Nhiều ngân hàng có lợi nhuận tăng mạnh quý III; Giá vàng hạ nhiệt; Ông Trump mất hơn 2,4 tỷ USD trong 3 ngày... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.
Hà Nội sẽ có thêm xe điện kết nối đường sắt đô thị; Đề xuất tăng tiền phạt khi vi phạm luật giao thông; Nhiều xe đạp vẫn ngang nhiên đi vào làn cao tốc; Tuyến buýt 87 - Kết nối sự thân thiện... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.
Có lẽ mỗi người đều có những quy chuẩn đại diện riêng cho cá nhân mình. Nên việc đề xuất khởi động chọn quốc phục Việt Nam đã trở nên “nóng” đến vậy.
Chúng ta đều hiểu rằng mối quan hệ giữa Người sử dụng lao động - Người lao động là mối quan hệ ràng buộc và phức tạp. Khi có tranh chấp phát sinh, đặc biệt khi có thiệt hại do người lao động gây ra thì vấn đề bồi thường như thế nào cho đúng quy định pháp luật?
Giao kết hợp đồng lao động là việc người sử dụng lao động và người lao động bày tỏ ý chí, thống nhất với nhau về việc xác lập hợp đồng lao động. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Vậy ai trong cơ quan, doanh nghiệp là người có thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động?
0