Mặt bằng cho thuê ở Hà Nội ế ẩm | Hà Nội tin mỗi chiều

Mặt bằng cho thuê ở Hà Nội ế ẩm; Sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Việt... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Mặt bằng cho thuê ở Hà Nội ế ẩm

Dạo quanh các tuyến phố vốn được biết đến là khu phố đắt đỏ nhất Hà Nội như phố Huế, Hàng Bông, Hàng Da, Thợ Nhuộm... không khó để bắt gặp những cửa hàng treo biển thanh lý trả cửa hàng và đóng cửa.

Mặt hàng quần áo, thời trang nở rộ những năm 2018 - 2019 với số lượng cửa hàng mở ra siêu lớn và siêu nhanh, nay lại là ngành chủ yếu trả mặt bằng.

Ông Nguyễn Anh Quang, một chủ sàn môi giới bất động sản cho thuê ở Hà Nội, cho biết vấn đề chính ảnh hưởng đến thị trường thuê mặt bằng nhà phố chính là sức mua của người tiêu dùng. Điều này dẫn tới sự thay đổi về mô hình kinh doanh của nhiều cửa hàng lớn.

Một mặt bằng kinh doanh diện tích 40m2 trên phố Kim Mã (quận Ba Đình) dán thông tin cho thuê với giá 50 triệu đồng. Ảnh: Hà Nội Mới.

Theo ông Quang, trước đây, các chủ kinh doanh thường tập trung vào các tuyến đường chính vừa buôn bán, quảng cáo và chấp nhận chịu lỗ, nhưng giờ sẽ có xu hướng rút lui về những mặt bằng vùng ven hoặc trong hẻm để tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, giá cho thuê tại thời điểm hiện tại vẫn thấp hơn nhiều so với thời điểm cuối năm 2019, trước đại dịch Covid-19. Do đó nhiều chủ nhà vẫn muốn tăng giá thuê, dẫn tới sự lệch pha trong kỳ vọng chủ nhà và kế hoạch kinh doanh của những người đi thuê.

Tại phố Hàng Bông, cửa hàng có diện tích khoảng 40 m2, giá cho thuê trung bình 30 - 50 triệu đồng/tháng. Mặt tiền nhỏ, diện tích bé hơn, ở phố Cửa Nam, từ 15 đến 22 m2, giá cho thuê dao động 15 - 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng ở những khu vực này đang trong tình trạng cửa đóng then cài vì không có khách thuê.

Khu vực phố cổ cũng xuất hiện nhiều mặt bằng cho thuê. Ảnh: Vĩnh Hoàng/ Báo Lao động.

Tương tự, tại Kim Mã - tuyến phố vốn dày đặc cửa hàng kinh doanh quần áo, đồ chơi, thời trang phụ kiện, nay nhà cũng đóng cửa hàng loạt.

Bà Lê Huyền Trang, chủ ngôi nhà cho thuê ở phố Kim Mã cho biết trước đây bà cho thuê với giá 60 triệu đồng/tháng. Hiện khách thuê đã trả lại mặt bằng vì kinh doanh ế ẩm. Hơn một tháng nay, bà treo biển cho thuê nhà nhưng vẫn chưa có khách.

Tại các tuyến phố trước đây hút giới trẻ do kinh doanh đồ thời trang, đồng hồ, quần áo, mỹ phẩm như Cầu Giấy, Xuân Thủy, Xã Đàn, hiện cũng có tình trạng hàng loạt cửa hàng trả mặt bằng kinh doanh.

Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết gần đây, nhiều mặt bằng cho thuê bị bỏ trống do chủ kinh doanh không gánh được các chi phí thuê cửa hàng, lương nhân viên, điện, nước. Một nguyên nhân quan trọng khác là mặc dù kinh tế khó khăn nhưng giá cho thuê mặt bằng vẫn ở mức cao. Chủ nhà và người thuê không có tiếng nói chung, buộc phải ngừng giao dịch.

Hai toà nhà trên phố Ngô Thì Nhậm đang được treo biển thông báo cho thuê. Ảnh: Vĩnh Hoàng/ Báo Lao động.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, nhu cầu thuê mặt bằng của các thương hiệu lớn, hay một số nhà hàng cao cấp, tại các nhà mặt phố hiện vẫn được duy trì. Còn những cửa hàng kinh doanh sản phẩm có thể chuyển đổi bán hàng theo hình thức trực tuyến thì gần như đã rút lui hết. Tình trạng trả lại mặt bằng ở những cửa hàng kinh doanh tại những phố nhỏ, ngõ nhỏ hiện cũng khá phổ biến.

Tình trạng hàng loạt mặt bằng cửa đóng then cài cho thấy chưa có sự thấu hiểu và chia sẻ giữa người cho thuê và người thuê; dường như thứ văn hóa "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" chưa xuất hiện trong cộng đồng những người có nhà cho thuê ở Việt Nam.

Các chuyên gia bất động sản cho rằng trong bối cảnh các cửa hàng, doanh nghiệp đang gồng mình để vượt qua khó khăn thì các chủ nhà cho thuê mặt bằng cần thay đổi để thích nghi. Cần tham khảo mặt bằng chung để đưa giá thuê nhà về đúng giá trị của nó, đi kèm với đó là hoàn thiện hạ tầng mặt bằng, đáp ứng các điều kiện của pháp luật, công năng sử dụng hợp lý để cả hai bên đều có lợi, cùng nhau phát triển.

Sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Việt

6 tháng đầu năm, ngành du lịch Việt Nam đón hơn 8,8 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ trên 66 triệu lượt khách nội địa, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những con số mà Cục Du lịch Quốc gia công bố đã chứng minh sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Việt. Tháng 6, Việt Nam đón hơn 1,2 triệu lượt khách quốc tế, 6 tháng là hơn 8,8 triệu lượt, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều điểm đến của Việt Nam thu hút du khách đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc. Ảnh NLĐ.

Với khách nội, có 14 triệu người Việt di du lịch trong nước trong tháng 6. Tính 6 tháng, tới 66,5 triệu lượt, tăng 2,5 triệu lượt so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi 6 tháng đầu năm ngoái thu được là 343.100 tỷ đồng thì 6 tháng năm nay là 436.500 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với 6 tháng đầu năm 2019 trước dịch Covid-19 ở mức 338.200 tỷ đồng, phục hồi cả về số lượng và chất lượng.

Trong bối cảnh cạnh tranh du lịch giữa các quốc gia trong khu vực ngày càng quyết liệt, chuyên gia trong ngành cho rằng chính sách thị thực thông thoáng và các chương trình xúc tiến quảng bá hiệu quả là hai thứ giúp du lịch Việt Nam hồi phục và vươn lên.

Cục Du lịch Quốc gia cập nhật số liệu đến bốn tháng đầu năm ở khu vực, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đứng thứ ba ở Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan và Malaysia.

Nhiều khách sạn 4-5 sao tại Hà Nội tham gia chương trình kích cầu lần này. Ảnh: Website khách sạn Metropole Hà Nội.

Tại thành phố Hà Nội, chương trình Người Hà Nội và du khách trải nghiệm dịch vụ tại các khách sạn 4 - 5 sao được Sở Du lịch thành phố Hà Nội đưa ra nhằm thu hút khách du lịch nội địa đến với Thủ đô.

Các khách sạn 4 - 5 sao trên địa bàn sẽ áp dụng chính sách ưu đãi về giá, các gói dịch vụ trọn gói cả phòng lưu trú - nhà hàng - hội thảo hay voucher giảm giá dịch vụ.

Năm 2024, Hà Nội kỳ vọng đón trên 27 triệu lượt khách bằng cách đa dạng hoá sản phẩm du lịch. Ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hà Nội cho biết: "Trong mùa hè này, du khách đến với Hà Nội có thể tham quan, khám phá các di tích, di sản với nhiều trải nghiệm cả ban ngày và buổi tối. Các hoạt động trải nghiệm, hoạt động dịch vụ tại các hệ thống cơ sở lưu trú chất lượng cao tại Hà Nội tiếp tục hoạt động và cung cấp nhiều trải nghiệm cho du khách".

Ngày 9/7 là kỷ niệm 64 năm Ngày thành lập ngành du lịch Việt Nam. Dù trải qua nhiều thách thức, ngành công nghiệp không khói vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Quán triệt phương châm: Liên kết chặt chẽ - Phối hợp nhịp nhàng - Hợp tác sâu rộng - Bao trùm toàn diện - Hiệu quả bền vững, ngành du lịch sẽ gặt hái nhiều kết quả mỹ mãn hơn nữa.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sau khi vào Biển Đông, bão số 3 có tên quốc tế là Yagi tiếp tục di chuyển theo hướng Tây - Tây Bắc, mỗi giờ đi được từ 10 - 15 km và đang ngày một mạnh dần lên.

Nhiều ngôi nhà tại khu phố cổ Hà Nội đang được rao bán giá mỗi m2 ngang ngửa một căn chung cư cũ!

Với bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, học sinh Việt Nam được nhiều trường đại học nước ngoài xét tuyển thẳng và có cơ hội nhận học bổng đến toàn phần.

Cầu Tứ Liên ở cửa ngõ phía bắc Hà Nội, với vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, sẽ được khởi công xây dựng ngay trong năm 2024.

Hà Nội sắp có Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia có quy mô thuộc top 10 trung tâm triển lãm lớn nhất thế giới, được dự báo sẽ là kỳ quan mới của Thủ đô, khởi phát nền kinh tế Expo sánh ngang với các tâm điểm giao thương toàn cầu.

Hơn 122.000 trong khoảng 673.600 thí sinh đỗ đại học nhưng không xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo.