Mặt bằng trên đất vàng vắng khách thuê | Hà Nội tin mỗi chiều

Nhiều nhà ở có vị trí đẹp thuận tiện cho việc buôn bán trên các tuyến phố Hà Nội treo biển cho thuê đã lâu nhưng chưa có khách thuê.

Trên các tuyến phố Huế, Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Giảng Võ, Xã Đàn, Chùa Bộc nhiều năm trước có giá cho thuê vào hàng đắt đỏ bậc nhất Hà Nội, mấy năm lại đây, nhiều vị trí treo biển cho thuê nhiều tháng rồi vẫn không có khách đến hỏi.

Những căn nhà mặt tiền cho thuê với giá từ vài chục triệu tới cả trăm triệu đồng mỗi tháng, nay bỏ trống, chờ khách tới thuê.

Căn nhà có diện tích cho thuê 40m2 trên Phố Huế đóng cửa dài ngày. Ảnh: Nhật Minh/ Báo Lao động.

Trước đây, tình trạng này chỉ diễn ra tại khu vực phố cổ. Hiện nay, tình trạng này đã lan sang nhiều tuyến phố tại các quận nội thành. Ngoài treo biển cho thuê, nhiều chủ mặt bằng cũng đăng tải thông tin trên các trang môi giới nhưng tình hình cũng không khả quan.

Tại đường Kim Mã, chỉ riêng bên phía số nhà lẻ đoạn từ ngã tư giao Núi Trúc đến Nguyễn Thái Học có khoảng 30 cửa hàng đã đóng cửa hoặc đang treo biển cho thuê mặt bằng. Trước đây, đoạn phố này tập trung đông đảo các cửa hàng quần áo, phụ kiện thời trang nữ.

4 trong số hàng chục mặt bằng bị bỏ trống hoặc tìm khách thuê bên dãy số lẻ đường Kim Mã, Hà Nội.
Ảnh: Anh Tú/ VnExpress.

Shophouse cũng chung cảnh ế ẩm. Tại một dự án bàn giao từ đầu năm ngoái tại khu đô thị Tây Hồ Tây, đến nay mới có không đến 10 căn có khách thuê sử dụng. Nhiều khu nhà phố ở quận Nam Từ Liêm, Hà Đông hay Long Biên cũng không khá hơn, dù giá đầu tư mỗi căn cách đây 3-4 năm đã trên 20 tỷ.

Thực tế, sau đại dịch Covid-19, thói quen mua sắm của người dân đã thay đổi, chủ yếu sang online. Đồng thời, sự lên ngôi và kích cầu của các sàn thương mại điện tử đã khiến thị trường bán lẻ bị mất dần vị thế, trong đó phân khúc thời trang, mỹ phẩm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Nhiều căn shophouse ở quận Tây Hồ (Hà Nội) đang treo biển cho thuê. Ảnh: Thu Giang/ Báo Lao động.

Làn sóng trả mặt bằng ở Hà Nội đã diễn ra từ nửa cuối năm 2020 sau đợt dịch đầu tiên, kéo giá thuê giảm cục bộ tại một số khu vực. Nhà phố khu trung tâm được giới kinh doanh săn lùng trở lại từ giữa năm 2022. Tuy nhiên, sự ấm nóng trên thị trường cho thuê cũng không kéo dài được lâu khi tình trạng trả nhà mặt phố lại dần tái diễn từ cuối quý III năm ngoái. Sang năm 2024, một số đơn vị nghiên cứu thị trường cũng nhận định tình trạng mặt bằng ế ẩm tại nhiều tuyến phố trung tâm ngày càng phổ biến.

Dẫu bị ế ẩm nhưng giá mặt bằng cho thuê khu vực trung tâm thành phố đều không có dấu hiệu giảm. Phần lớn chủ nhà giữ giá thuê, một số mặt bằng khách vào thuê sau vẫn tăng 10 - 20% so với giá khách thuê trước đó. Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh có dấu hiệu phục hồi, nhiều chủ mặt bằng kiên quyết giữ giá thuê, thậm chí tăng theo quý.

Một căn nhà trên phố Hàng Đường đang được gia chủ mong muốn cho thuê 2 tầng với mục đích buôn bán hoặc làm nhà ở. Ảnh: Nhật Minh/ Báo Lao động.

Theo khảo sát của Savills Việt Nam, giá thuê bán lẻ tại tầng 1 hoặc mặt phố nhiều tuyến đường quận Hoàn Kiếm đầu năm 2024 cao hơn 20% so với trước dịch và được dự báo còn tiếp tục tăng thêm.

Ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế Quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, hoạt động sản xuất kinh doanh mặc dù đã phục hồi tích cực, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở các thành phố lớn phải sang nhượng, trả lại mặt bằng thuê ở cả các trung tâm thương mại, tuyến phố trung tâm.

Nhiều cửa hàng trên phố cổ Hà Nội đã chuyển địa điểm kinh doanh. Ảnh: Thu Giang/ Báo Lao động.

Trước thực tế này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu Tổng cục Thống kê đánh giá về tình trạng cửa hàng đóng cửa, doanh nghiệp trả văn phòng, cũng như tình trạng kinh doanh ở các trung tâm kinh tế lớn.

Theo các chuyên gia kinh tế, để tình trạng này được cải thiện, thành phố cần có chính sách hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa như giảm thuế, phí, gia hạn thời gian nộp thuế. Ngoài ra, các chủ nhà cần xem xét điều chỉnh mức giá thuê phù hợp với tình hình thực tế.

Doanh nghiệp và chủ cửa hàng cần phải nghiên cứu và thích nghi với thị trường hiện nay, đó là ứng dụng về công nghệ trong bán hàng, cùng với đó là các vấn đề biến động khác của thị trường. Tình trạng trả mặt bằng hàng loạt tại nhiều tuyến phố kinh doanh sầm uất ở Hà Nội là một vấn đề đáng lo ngại, phản ánh những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt.

Mặt bằng trên phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) treo biển cho thuê. Ảnh: Thu Giang/ Báo Lao động.

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần phải có sự dung hòa giữa bên cho thuê và bên thuê, từ đó tạo ra sự phù hợp cung cầu. Khi những mặt bằng nhà phố này đóng cửa, nguồn thu của người cho thuê không còn. Nhiều khách thuê sẽ có xu hướng chuyển hoạt động từ nhà mặt phố vào phía trong ngõ hoặc dịch chuyển đến nơi có giá cả phù hợp hơn.

Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc chuyên trang phân tích thị trường bất động sản dự báo, trong 6 tháng đầu năm 2024, những người cho thuê nhà bắt đầu phải điều chỉnh giá theo cơ chế, mức giá sẽ phù hợp hơn với những nhóm khách đi thuê. Chuyên gia cho rằng, khi kinh tế bắt đầu hồi phục, các nhãn hàng nước ngoài quay trở lại Việt Nam, khi đó thị trường mặt bằng nhà phố cơ bản sẽ bắt đầu chuyển động trong những tháng cuối năm 2024.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Theo quy định hiện hành, đổ rác sai quy định có thể bị phạt đến 2 triệu đồng. Tuy nhiên, tại nhiều tuyến phố, ngõ trên địa bàn Hà Nội vẫn tồn tại khá nhiều “điểm đen” rác thải. Ngoài lý do một số người dân có ý thức kém, việc khó xử lý người vi phạm là nguyên nhân khiến tình trạng đổ rác bừa bãi còn phổ biến và ảnh hưởng đến môi trường sống, mỹ quan đô thị.

Bán hàng trực tuyến của những người nổi tiếng đã không còn quá xa lạ nhưng đây cũng là cách quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ hàng hoá qua kênh online của những người dân ở Bát Tràng. Từ vùng an toàn của những người nghệ nhân cần mẫn với văn hoá làng nghề, giờ đây họ đã tìm được làn gió mới, gia tăng thu nhập cho chính mình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Hà Nội vừa có đề xuất giá thuê nhà ở xã hội từ 48.000 đồng/m²/tháng và cao nhất 198.000 đồng/m²/tháng. Hiện đề xuất này đang trong thời gian lấy ý kiến rộng rãi.

Xe buýt có lẽ là phương tiện vận tải công cộng phổ biến không chỉ ở Hà Nội mà ở tất cả các tỉnh thành. 10 năm qua, một chiếc vé xe buýt ở Thủ đô chỉ với giá chưa tới 10.000 đồng. Nhưng kể từ 1/11 tới đây, Hà Nội sẽ tăng giá vé xe buýt, liệu có tác động gì đến người dân?

Nếu một ngày, tắc đường không còn nữa, thay vào đó là những dòng xe di chuyển êm đềm, nhịp nhàng, không có khói bụi ô nhiễm thì quả là “đáng mơ ước”.

Một hoa hậu đầy tai tiếng với scandal chưa đọc hết một cuốn sách lại sắp phát hành một cuốn tự truyện cuộc đời ở tuổi 28. Có điều gì đáng bàn ở câu chuyện này?