'Mật lệnh hoa sữa' - phim truyền hình đầu tay của đạo diễn Tất Kiên
Nhắc đến những bộ phim lấy đề tài Hà Nội, chắc hẳn khản giả sẽ luôn nhớ tới các bộ phim kinh điển đã đi cùng năm tháng như “Em bé Hà Nội”, “Hà Nội 12 ngày đêm”, “Sống mãi với Thủ đô”, “Hà Nội mùa đông 1946”, “Người Hà Nội”… Trong số những bộ phim về Hà Nội, có lẽ không có nhiều bộ phim nói về những người chiến sĩ công an Thủ đô.
“Mật lệnh hoa sữa” - một phần củadự án phim “Vì Tình yêu Hà Nội” là bộ phim thuộc thể loại cảnh sát hình sự, mang tới cho khán giả những hình ảnh, câu chuyện chân thực về những chiến sĩ Công an Thủ đô, đồng thời tái hiện những kỳ án từng được phá.
Đảm nhận vai trò đạo diễn của bộ phim “Mật lệnh hoa sữa” là đạo diễn Nguyễn Tất Kiên, gương mặt đạo diễn khá mới trong mảng phim truyền hình.
PV: Thưa đạo diễn Nguyễn Tất Kiên, "Mật lệnh hoa sữa" là bộ phim truyền hình đầu tay của anh. Có thể nói anh đã đi một con đường khá dài từ khi bước ra khỏi cổng trường Sân khấu điện ảnh cho đến ngày quay trở lại với nghề đạo diễn phim?
Đạo diễn Nguyễn Tất Kiên: Tôi tốt nghiệp Khoa Đạo diễn điện ảnh của trường Sân khấu Điện ảnh năm 2007. Tôi vào Đài truyền hình Hà Nội, công tác tại Ban Thể thao giải trí và ở đó tôi được làm trong ekip với vai trò là trợ lý đạo diễn cho các gameshow nổi tiếng như "Đuổi hình bắt chữ", rồi sau đó làm đạo diễn cho chương trình "Ai trúng số độc đắc" do Nghệ sĩ nhân dân Tự Long làm MC. Tôi còn tham gia vào ekip của chương trình "Hộp đen", "Mã số bí mật". Thời đó thì rất nhiều gameshow.
Sau này Đài có dự án truyền hình thực tế mang tên "Tôi yêu Hà Nội". Thực ra nó không phải là nhiệm vụ của tôi mà khi đó xuất phát từ lý do cũng có thể nói văn thơ là mình yêu Hà Nội nên là tôi đã xin vào ekip thực hiện dự án đó. Tôi đóng góp mỗi tuần một số, tổng cộng là 52 số.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, những phố "Hàng" đã ngấm vào tôi từ ngày bé. Tình yêu Hà Nội thì tôi không nói ra, nhưng luôn dồi dào trong tâm trí, trong trái tim tôi.
PV: Nhắc đến series truyền hình thực tế "Tôi yêu Hà Nội" ngày ấy, đạo diễn Nguyễn Tất Kiên hẳn tự hào bởi series này được anh thực hiện bằng tình yêu của người con sinh ra và lớn lên ở Hà Nội dành cho mảnh đất này?
Đạo diễn Nguyễn Tất Kiên: Ngay từ số thứ hai thì tôi đã làm đề tài "giếng trong lòng phố". Nội dung của số đó nói về những cái giếng cổ, có những cái hình thành từ hàng nghìn năm như giếng cổ trong đền Bạch Mã. Có những giếng bây giờ vẫn được người dân trong 36 phố phường sử dụng. Cuộc sống của Hà Nội bây giờ hiện đại nhưng vẫn lưu giữ được những hình ảnh đó, thì đó là điều độc đáo mà tôi muốn khai thác.
Ở trung tâm Hà Nội, trái tim Hà Nội, ngay cạnh Hồ Gươm đó là cái giếng cổ trong số nhà 86 phố Hàng Trống. Cái nét sinh hoạt thường ngày rất mộc mạc mà tôi đã thể hiện được trong phóng sự đó. Có những tiếng gọi nhau như "nhặt rau, rửa rau đi, vo gạo đi, này ra đây bà rửa chân cho...". Rồi là trẻ con thì lấy nước, rồi là rửa xe rồi là vo gạo rồi là tắm giặt... Tất cả những cái đó đã tạo nên một bức tranh sinh hoạt thường ngày vẫn đang được tồn tại và diễn ra ngay trong trung tâm thành phố Hà Nội.
Tác phẩm "Giếng trong lòng phố" đó thì tôi may mắn được nhận giải B Giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ 35, năm 2020.
Có một tác phẩm tôi cũng khá tâm đắc. Nhà bác tôi ở Hàng Giấy, thì ngay ở phố Hàng Khoai, từ bé tôi đã thấy một bà bưng mẹt hoa ra bán. Đó là hoa gói, một nét chơi hoa của các cụ ngày xưa. Những đĩa hoa thơm hoàng lan, nhài, mẫu đơn... ngắt ra gói trong một cái cái lá để dâng lên tổ tiên các ngày rằm, ngày lễ. Đó là bà Thu ở làng hoa Ngọc Hà. Năm ngoái tôi có trở lại mua, mình lưỡng lự không biết là hàng nào, hóa ra là vẫn một hàng như vậy thôi, nhưng giờ là con gái bà ấy, bà đã mất rồi. Đó, một chứng nhân về văn hóa, về làng hoa Ngọc Hà đã mất rồi. Thì ngay thời điểm đó tôi lặng đi vài phút, vì tôi đã thực hiện một chương trình về bà. Và bây giờ khi quay lại, hàng hoa đó vẫn được nối tiếp bởi người con gái.
PV: Sau những năm tháng gắn bó với series truyền hình thực tế về Hà Nội, năm nay, anh làm phim truyền hình về Hà Nội. Sự chuyển hướng này của anh có thể coi là 1 bước đi mạo hiểm hay không, bởi không có quá nhiều bộ phim cảnh sát hình sự lấy đề tài về những chiến sĩ công an Thủ đô?
Đạo diễn Nguyễn Tất Kiên: Thực sự là với một người được đào tạo chuyên ngành đạo diễn điện ảnh, làm việc tại Đài cũng 17 năm rồi thì chưa khi nào tôi thôi cái câu hỏi trong suy nghĩ của mình là khi nào, liệu khi nào mình có thể được làm phim truyền hình hay không?
Bởi vì chuyên ngành mình học trong trường thì cũng chỉ là bài học ban đầu thôi, để mà có cơ hội thực hành, có cơ hội làm phim thì không phải ai cũng có may mắn. Nhất là khi mình vào Đài Hà Nội từng đấy năm thì sự gắn bó với Đài, tình yêu với Đài có thể nói rất nhiều và rất nhiều.
Chính vì vậy mà khi mà Đài Hà Nội có chủ trương sản xuất phim truyền hình thì thực sự tôi rất vui mừng.
PV: “Mật lệnh hoa sữa” là phim truyền hình về đề tài cảnh sát hình sự, được chuyển thể và phóng tác từ 2 truyện ngắn “Đối mặt” và “Người tù của ngày xưa” của Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái. Bên cạnh những kỳ án được tái hiện, bộ phim còn cho khán giả thấy góc nhìn đa chiều về nhịp sống Hà Nội. Anh sẽ xử lý bối cảnh phim như thế nào để truyền tải được thông điệp "vì tình yêu Hà Nội" trong bộ phim này?
Đạo diễn Nguyễn Tất Kiên: Phải thừa nhận rằng thể loại phim hình sự thì không có quá nhiều đất để cho mình có thể khoe bối cảnh, khoe những địa điểm đẹp, khoe những không gian thênh thang đẹp đẽ.
Bởi vì cái chất phim này thì mình luôn nói về tội phạm và các chiến sĩ công an, thì thường nhân vật chính không được đi dạo trong những khung cảnh đẹp lãng mạn mà thường là bối cảnh được diễn ra ở những góc khuất của thành phố. Việc khoe những bối cảnh hoặc là làm thế nào trong phim có được một Hà Nội thật là đẹp, thật là bắt mắt người xem thì khó, rất khó cho chúng tôi.
Nhưng với chủ trương phim phải quảng bá, phải xuất hiện được những hình ảnh đẹp của Hà Nội, thì với trách nhiệm của tôi, tôi sẽ cố gắng bất cứ lúc nào có thể ghi được hình ảnh đẹp của Hà Nội, từ những góc máy khuôn hình được đầu tư, và từ những thiết bị flycam ở tầm cao để cho thấy Hà Nội giờ đã thực sự phát triển, đã thực sự đẹp, đã thực sự là nơi đáng đến, là Hà Nội nghìn năm văn hiến với những danh lam cổ kính, trầm mặc.
Và khâu hậu kỳ thì chúng tôi sẽ cố gắng dựng khéo nhất để dù là phim hình sự thì vẫn phải có những đại cảnh về Hà Nội, những hình ảnh đẹp nhất của Hà Nội.
PV: Bên cạnh nội dung phim khắc họa những khó khăn, gian khổ, “Mật lệnh hoa sữa” cũng sẽ khai thác những khía cạnh về cuộc sống đời thường của những người chiến sĩ công an. Làm sao để kết hợp hài hòa giữa yếu tố phá án ly kỳ, gay cấn và những câu chuyện đời thường nhẹ nhàng, gần gũi?
Đạo diễn Nguyễn Tất Kiên: Ở "Mật lệnh hoa sữa", chúng tôi muốn chú trọng việc khai thác những yếu tố đời thường như đời sống gia đình và những mối quan hệ ngoài công việc của người chiến sĩ. Mối quan hệ gia đình ở đây có thể hiểu là mẹ, có thể hiểu là mối quan hệ từ tình yêu đôi lứa của người chiến sĩ.
Như bản thân tôi thì tôi đã thấm và đã rất có cảm xúc với những hình ảnh bình dị như là những bữa cơm tối bởi đó là giây phút đoàn tụ trong ngày của mỗi gia đình. Nhưng thử hỏi nếu một gia đình nào đó, bữa cơm chỉ có một người mẹ luôn luôn một mình một mâm cơm chờ con, thì đó là một hình ảnh khiến tôi đau đáu.
Bởi vì tôi hình dung ra được câu chuyện phim nó là như thế này: người mẹ chỉ còn một đứa con trai, là chiến sĩ công an, người bố thì đã mất. Bữa cơm nếu đầy đủ thì chỉ có hai mẹ con thôi, với mọi người thì rất là giản dị nhưng với người mẹ này thì đó là một cái gì đó thật xa vời. Và có những lần người mẹ hạnh phúc trào dâng bởi vì con về đúng bữa. Nhưng mà phần lớn thì con không về vì bận đi đánh án. Trong bữa cơm bà phải ăn một mình, ăn xong lại dọn thui thủi một mình. Đó là hình ảnh tôi muốn khai thác và phát triển để thấy được sự hy sinh của người mẹ.
Ngoài sự hy sinh của người chiến sĩ thì chúng tôi cũng muốn đề cập đến sự hy sinh của những người thân, những người trong gia đình, người yêu, người mẹ bởi vì họ cũng phải hy sinh.
PV: Sự hy sinh của những người chiến sĩ công an Thủ đô cũng được đạo diễn Nguyễn Tất Kiên và đội ngũ sản xuất thể hiện ngay trong chính tấm poster giới thiệu bộ phim?
Đạo diễn Nguyễn Tất Kiên: Sự hy sinh đó thì ngay ở thiết kế poster của phim chúng tôi cũng đã thể hiện được. Bối cảnh trong poster này là màn đêm Hà Nội. Đêm Hà Nội nó trầm mặc, nó cổ kính, nó bình yên lắm.
Chúng tôi lại đặt hình ảnh của Hà Nội đó là hình ảnh về cầu Long Biên vào buổi đêm, thì dưới ánh đèn đêm vàng vọt, cầu Long Biên hiện ra vẫn trầm mặc như xưa. Nó là một cây cầu nối liền tình cảm, nối liền hạnh phúc của mỗi gia đình, nối liền tình yêu của người chiến sĩ.
Ở một góc tối thì có người đàn ông không rõ là ai. Đứng trong bóng tối, nhìn lên cầu Long Biên, nhìn về Hà Nội. Ý là người chiến sĩ đang nhìn về Hà Nội để bảo vệ sự bình yên, để quan sát, để canh gác cho Hà Nội có được sự bình yên trong cái đêm trầm mặc của Hà Nội. Và cái dáng đứng đó thể hiện tình yêu của người chiến sĩ, ngắm nhìn thành phố thân yêu của mình.
PV: Bộ phim “Mật lệnh hoa sữa” không chỉ khắc họa hình ảnh những người chiến sĩ công an với tình yêu dành cho thành phố mà qua đó còn thể hiện tình yêu Hà Nội của chính anh và ekip làm phim?
Đạo diễn Nguyễn Tất Kiên: Tình yêu mà tôi dành cho Hà Nội ngấm vào tôi từ tấm bé. Mình sinh ra. Bố mẹ mình sinh ra và ông bà của tôi cũng ở Hà Nội. Tất cả mọi hoạt động từ bé, tất cả kỉ niệm, cảm xúc đầu đời của người thanh niên, của chàng sinh viên, của những năm tháng học trò đều gắn với Hà Nội. Thì Hà Nội là một nơi mà luôn luôn khiến tôi có cảm xúc.
Tên phim “Mật lệnh hoa sữa” này tôi cũng muốn gửi gắm ngoài chất thép, ngoài nhiệm vụ của những người chiến sĩ thì tôi cũng muốn đan cài ở ngay cái tên thì nó cũng phải thật sự là mềm mại và thật sự Hà Nội.
PV: Từng có rất nhiều bộ phim về Hà Nội đã ghi dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả. Mong bộ phim “Mật lệnh hoa sữa” sẽ đem đến làn gió mới trong dòng phim hình sự nói chung và những bộ phim lấy đề tài về Hà Nội nói riêng.
Xin cảm ơn đạo diễn Nguyễn Tất Kiên đã dành thời gian trò chuyện.
Kỷ niệm 100 năm ngày Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lần đầu đặt chân đến Trung Quốc trên hành trình bôn ba tìm đường cứu nước (11/11/1924 - 11/11/2024); hướng tới 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (1950 – 2025), Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức Triển lãm “Dấu chân Hồ Chí Minh ở Trung Quốc” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km, là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn bởi cảnh quan thiên nhiên độc đáo, bầu không khí trong lành.
Tại đình Nhật Tân, quận Tây Hồ - di tích cổ kính nằm ven đê sông Hồng, có một cây sanh cổ thụ hàng ngày tỏa bóng mát. Cây di sản này đã gắn bó với biết bao thế hệ người dân nơi đây.
Vườn hoa Cửa Nam sau cải tạo đã hoàn toàn thay đổi từ cảnh quan kiến trúc đến cách bố trí các tiểu cảnh, trở thành một không gian nghệ thuật sắp đặt độc đáo của Thủ đô.
Tối 11/11, show diễn thời trang đẳng cấp của cuộc thi "Hoa hậu Di sản Áo dài Việt Nam 2024" đã diễn ra tại thành cổ Sơn Tây, thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả và các tên tuổi hàng đầu trong làng thời trang và nghệ thuật.
Tiếp nối thành công của cuốn sách “Miền Tây du hí”. nằm trong dự án “trẻ em viết sách cho trẻ em”, cuốn "Miền Trung du hí" vừa được ra mắt, kể về những câu chuyện trong hành trình giao lưu văn hóa giữa các vùng miền của các tác giả nhí.
0