MH370 - Bí ẩn hàng không lớn nhất mọi thời đại

Cách đây tròn 10 năm, số phận của máy bay MH370 đã trở thành một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất thế giới khi nó biến mất không để lại bất cứ dấu vết nào trên hành trình bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh vào ngày 8/3/2014. Sau một thập kỷ, chính phủ Malaysia có thể sẽ nối lại cuộc tìm kiếm đã dừng lại trước đó, sau đề xuất của một công ty công nghệ Mỹ. Vậy xung quanh vụ mất tích của MH 370 có những điều gì bí ẩn?

0h41 sáng 8/3/2014, chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia cất cánh từ sân bay Kuala Lumpur như thường lệ trên chặng bay đến Bắc Kinh, Trung Quốc. Sau 39 phút kể từ khi cất cánh, tổ lái MH370 đột ngột không còn liên lạc với trạm kiểm soát không lưu, rồi biến mất khỏi màn hình radar vào lúc 1h22 sáng cùng ngày.

Dữ liệu về chuyến bay cho thấy, MH370 nhanh chóng đạt độ cao gần 10.700m chỉ định cho hành trình bay sau khi cất cánh. Người lái chính lúc đó là cơ phó Fariq Hamid, 27 tuổi. Đây là chuyến bay huấn luyện cuối cùng, dự kiến sẽ giúp anh sớm được chứng nhận nghề đầy đủ. Thầy huấn luyện của Fariq - cũng chính là cơ trưởng của chuyến bay - Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, một trong những cơ trưởng cấp cao nhất tại Malaysia Airlines.

Tại buồng lái đêm đó, trong khi cơ phó Fariq lái máy bay, cơ trưởng Zaharie quản lý bộ đàm. Sắp xếp này đúng tiêu chuẩn nhưng cách truyền tin của ông Zaharie có phần khác thường. Lúc 1h01, Zaharie báo đàm rằng máy bay đang chững lại ở độ cao gần 10.700 mét, một báo cáo không cần thiết trong không phận có radar giám sát, nơi các phi công thường chỉ thông báo rời một độ cao, chứ không phải đạt đến độ cao nào đó.

Lúc 1h08, máy bay vượt qua bờ biển Malaysia và bay qua Biển Đông, tiến vào không phận Việt Nam. Ông Zaharie một lần nữa báo cáo độ cao máy bay là gần 10.700 mét. 11 phút sau, khi máy bay tiến gần tới điểm bắt đầu khu vực tài phán không lưu của Việt Nam, kiểm soát viên không lưu tại Trung tâm Kuala Lumpur thông báo qua bộ đàm: "Malaysia 370, liên lạc với TP.HCM 120,9. Chúc buổi tối tốt lành". Cơ trưởng Zararie đáp lời: "Chúc buổi tối tốt lành. Malaysia 370". Cơ trưởng Zararie không đọc lại tần số như ông đáng lẽ phải làm. Đây là lần cuối cùng tổ lái MH370 liên lạc với mặt đất. Phi hành đoàn MH370 sau đó đã không đăng ký đến với trạm kiểm soát không lưu TP.HCM và cũng không hồi đáp bất kỳ nỗ lực nào gọi họ sau đó.

Và 37 giây sau, toàn bộ máy bay biến mất khỏi radar của cơ quan kiểm soát không lưu Malaysia. Đó là lúc 1h21 ngày 8/3, tức là 39 phút sau khi máy bay cất cánh. Ông NIK AHMAD HUZLAN –  Cựu cơ trưởng Malaysia  Airline bày tỏ nghi ngờ, điều bí ẩn nhất là làm thế nào một chiếc máy bay khởi hành trong tình trạng hoàn hảo lại có thể gặp trục trặc biến mất?

Trung tâm điều phối cứu hộ hàng không vũ trụ của Malaysia đáng lẽ nên được báo cáo vụ việc trong vòng một giờ sau khi máy bay mất tích. Song đến 2h30, điều đó vẫn chưa được thực hiện. Hơn 4 tiếng nữa trôi qua, tức vào lúc 6h32, nhà chức trách rốt cuộc mới bắt đầu phản ứng khẩn cấp. Vào thời điểm đó, máy bay đáng lẽ đã hạ cánh ở Bắc Kinh.

MH 370 bí ẩn hàng không lớn nhất mọi thời đại

Ông Ahmad Jauhari Yahya – Tổng Giám đốc điều hành Malaysia Airlines cho biết, "Chúng tôi không nhận được tín hiệu báo khẩn cấp nào từ máy bay, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các nước để duy trì tìm kiếm”.  Từ thời khắc đó cho đến thời điểm hiện tại không còn bất kỳ thông tin nào về MH370 cũng như 239 hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay này.

Sự việc của MH 370 được cả thế giới chú ý đến khi máy bay được khai thác là Being 777, đây là dòng máy bay được xếp vào loại an toàn nhất thế giới thời điểm đó. Không chỉ đứng đầu về tầm bay, số lượng hành khách, Boeing 777 còn tiên phong trong thiết kế và các công nghệ thông tin điện tử.

Vào thời điểm năm 2014, dòng máy bay chở khách Boeing 777 có thiết kế tiên tiến, nhằm khắc phục hạn chế của một số loại máy bay cũ và chuyên phục vụ cho các chuyến bay đường dài xuyên lục địa. 777 cũng là thành viên mới nhất của Boeing lúc bấy giờ. Boeing 777 được kiểm soát hay điều khiển qua hệ thống máy tính và cũng là chiếc máy bay đầu tiên trên thế giới được sản xuất mà không qua một mô hình nào thay vào đó được thiết kế hoàn toàn trên máy tính.

Máy bay được thiết kế với các công nghệ tiên tiến và nổi bật như mạng lưới điện tử hàng không cáp quang, túi bay điện tử, đường truyền âm thanh và dữ liệu giao tiếp đường dài giúp tiếp nhận và phát thông tin từ giọng nói của phi hành đoàn hay hành khách... Khi đó, Boeing 777 là dòng máy bay hai động cơ lớn nhất và có tầm bay xa nhất thế giới, tối đa 17.446 km. Thiết kế từ 301 đến 365 ghế ngồi. 777 có khả năng bay hơn 11000 km không nghỉ. Hai động cơ Rolls-Royce Trent 875 nặng 33,8 tấn cho phép các máy bay đạt tốc độ Mach 0.84, tương đương 1.000 km/h. Máy bay này có thể bay gần 3 tiếng chỉ bằng một động cơ trong trường hợp khẩn cấp. Nó là loại máy bay hai động cơ đầu tiên được chứng nhận có thể bay qua đại dương trong thời gian 180 phút.

Trên B777 có hai nguồn năng lượng song song cung cấp năng lượng trên cùng một đường truyền, nếu một đường truyền bị sự cố, máy bay sẽ ngay lập tức chuyển năng lượng từ nguồn này sang nguồn kia. Điều này cho phép năng lượng điện trên 777 luôn luôn được duy trì. Với hệ thống điện, nhiên liệu và công nghệ thuộc hạng hiện đại nhất trên thế giới, Boeing 777 được cho là mẫu máy bay chở khách an toàn bậc nhất trên thế giới khi đó.

Hiện đại là vậy, nhưng MH 370, chiếc Boeing 777 đã biến mất mà không để lại bất kỳ một dấu hiệu nào phục vụ cho việc tìm kiếm, bất kể những nỗ lực của hàng không các nước, và cả những chiến dịch hỗ trợ tìm kiếm rầm rộ của không quân, hải quân quốc tế trong đó có Việt Nam. Theo báo cáo, các kiểm soát viên không lưu Việt Nam đã nhìn thấy MH370 bay vào không phận và sau đó biến mất khỏi radar 1 phút 17 giây trước khi máy bay tiến vào điểm chuyển giao quyền điều hành, viết tắt là IGARI. Trong suốt quá trình này tổ bay MH370 chưa từng liên lạc với trạm không lưu TP.HCM. Dù vậy trạm không lưu TP.HCM vẫn cố gắng liên lạc với máy bay nhiều lần nhưng không thu được kết quả. Các kiểm soát viên không lưu Việt Nam đã gọi điện thông báo sự cố cho phía Kuala Lumpur khi việc kết nối với MH370 không thành công.

Trong phản hồi của Cục Hàng không Việt Nam đối với thông báo từ phía Malaysia rằng Việt Nam chậm trễ trong việc thông báo máy bay MH370 mất tích, cục Hàng không Việt Nam khẳng định không có bằng chứng cho thấy MH370 đã vượt qua điểm chuyển giao IGARI vào vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý. Thời điểm MH370 biến mất khỏi màn hình radar nó vẫn đang ở trong vùng thông báo bay của Singapore (phần vùng trời này được Singapore ủy quyền cho Malaysia điều hành). Cục hàng không Việt Nam khẳng định, MH370 chưa thiết lập liên lạc với trạm không lưu Hồ Chí Minh. Do vậy, việc chuyển giao kiểm soát chưa được hoàn tất. Phía Việt Nam chưa thực hiện điều hành, kiểm soát với máy bay này.

Cơ quan kiểm soát không lưu Malaysia và hãng hàng không Malaysia Airlines nhanh chóng rơi vào khủng hoảng trước việc MH370 mất tích. Giới chức tức tốc tìm kiếm chiếc máy bay bằng mọi cách trong khi người thân của các hành khách ở Bắc Kinh mòn mỏi chờ đợi một chuyến bay không bao giờ đến.

Việc tìm kiếm MH370 ban đầu tập trung ở Biển Đông, giữa Malaysia và Việt Nam. Đó là một nỗ lực quốc tế quy tụ 34 tàu và 28 máy bay từ 7 quốc gia khác nhau.

Sau khi nhận được tin báo máy bay mất tích, Việt Nam là một trong những nước tổ chức tìm kiếm sớm nhất khi sử dụng 11 máy bay, 10 tàu hiện đại của các lực lượng tìm kiếm cứu nạn, tàu Hải quân, cảnh sát biển. Đặc biệt, có sự tham gia của tàu nghiên cứu biển HQ888 (mang tên GS Trần Đại Nghĩa) - tàu thăm dò 3D màu hiện đại nhất Đông Nam Á.

Lực lượng của Việt Nam trong 8 ngày tìm kiếm liên tục với những trang bị hiện đại và con người được huấn luyện tinh nhuệ nhất đã phát hiện nhiều dấu hiệu nghi là của chiếc máy bay xấu số nhưng khi được xác minh thì đều không phải

Sau nhiều ngày tìm kiếm trên một vùng diện tích rộng lớn khoảng trên 80.000 km2 nhưng vẫn không tìm được bất kỳ dấu tích nào liên quan đến máy bay MH370, sáng 14/3/2014, Bộ Quốc phòng gửi công điện cho Bộ Tư lệnh Hải quân, Phòng không Không quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Quân khu 5, 7, 9 yêu cầu các lực lượng tham gia tìm kiếm chuyển trạng thái từ “tìm kiếm tích cực” sang “tìm kiếm duy trì”

Trong vòng vài ngày, các bản ghi radar chính thu thập từ các máy tính kiểm soát không lưu cũng như được chứng thực một phần nhờ dữ liệu không quân bí mật của Malaysia tiết lộ, ngay khi MH370 biến mất khỏi radar, máy bay đã ngoặt lái về phía tây nam, bay trở lại qua bán đảo Mã Lai và di chuyển vòng quanh đảo Penang. Từ đây, máy bay đi theo hướng tây bắc lên eo biển Malacca và băng qua biển Andaman tiến ra Ấn Độ Dương, nơi nó vượt qua phạm vi quan sát được của radar và đi vào vùng bị che khuất.

Khoảng thời gian đó diễn ra trong hơn một tiếng đồng hồ, cho thấy đây không phải là một vụ không tặc điển hình. Bất chấp những thiết kế để có thể xác định được vị trí máy bay, Boeing 777 - MH370 thực tế vẫn chưa được tìm thấy sau 10 năm với biết bao nỗ lực tìm kiếm. Vẫn không ai biết chính xác về số phận của chiếc máy bay chở khách này.  Vụ mất tích đã khởi đầu cho một trong những cuộc tìm kiếm hàng không quy mô lớn nhất trong lịch sử và đã tạo ra một loạt giả thuyết về nơi nó kết thúc và những gì đã xảy ra trên máy bay.

Những giả thuyết đã được đưa ra từ rất nhiều những chuyên gia, các đơn vị tìm kiếm uy tín trên thế giới, nhưng càng tìm kiếm, mọi thứ càng trở nên vô vọng. Nhưng người thân của các nạn nhân thì vẫn có một niềm tin về sự trở về.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

TP-150 là loại máy bay huấn luyện sơ cấp và tuần tra, dùng cho huấn luyện phi công quân sự và có thể áp dụng trong hàng không dân dụng. TP-150 được thiết kế bởi các kỹ sư của hãng Flying Legend Italy.

AS700 là tàu bay dân dụng dạng khí cầu có người lái do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), nhà sản xuất máy bay hàng đầu của nước này, phát triển.

Phó Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1578/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội số 2.1 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Hãng hàng không Juneyao Airlines đã bắt đầu khai thác đường bay thẳng kết nối Hà Nội, TP.HCM và Thượng Hải, tạo thêm sự lựa chọn cho người dân.

Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội hiện đang trong giai đoạn thi công đoạn ngầm. Về công tác khoan hầm, tính đến ngày 9/12 đã đào được 665m và 440 vòng vỏ hầm đã được lắp đặt.

Trong tháng 12, Vietnam Airlines nhận thêm ba máy bay mới bao gồm một chiếc Boeing 787-10 Dreamliner và hai chiếc Airbus A320neo, đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.