Miền Bắc sắp đón nắng nóng và mưa lớn, cần chủ động ứng phó| Hà Nội tin mỗi chiều

Hà Nội lại đón nắng nóng, xen giữa mưa dông; Đề xuất người đóng BHXH trên 20 năm được nghỉ hưu sớm 5 năm; Từ 1/7, những ai chuyển tiền trên 10 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học?... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội lại đón nắng nóng, xen giữa mưa dông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khoảng từ ngày 12 đến 14/6 và từ 17 đến 20/6, Hà Nội lại đón nắng nóng. Xen giữa hai đợt nắng nóng này là mưa dông, có nơi mưa to.

Từ ngày 12/6, gần như toàn miền Bắc hết mưa và bắt đầu có nắng nóng diện rộng, nhiệt độ tăng nhanh. Trưa và chiều 12/6, nhiệt độ Hà Nội lên đến 43 - 44 độ C, các khu vực lân cận nóng tương tự. Các tỉnh thành Đông Bắc Bắc Bộ như Lạng Sơn, Cao Bằng cũng có nhiệt độ lên đến 36 - 37 độ C. Nhiệt độ ở Hà Nội vẫn tiếp tục tăng vào ngày 13/6, với nhiệt độ cảm nhận cao nhất trong ngày chạm mức 45 độ C.

Từ ngày 12 đến 14/6 và từ 17 đến 20/6, Hà Nội lại đón nắng nóng. Ảnh: Báo Châu/ Hanoimoi.

Nắng nóng kéo dài trong ngày sẽ khiến cơ thể dễ mệt mỏi, thiếu nước, người dân lưu ý uống nước đều đặn, nếu có thể thì tránh làm việc lâu ngoài trời. Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Nắng nóng được dự báo sẽ bắt đầu giảm vào ngày 14/6 và sẽ kết thúc vào hôm sau đó. Theo dự báo, từ 14/6 - 17/6, khu vực này sẽ xuất hiện đợt mưa vừa, mưa to diện rộng trở lại, cảnh báo lũ quét, trượt lở đất.

Theo dự báo, từ 14/6 - 17/6, khu vực này sẽ xuất hiện đợt mưa vừa, mưa to diện rộng trở lại.
Ảnh: Lê Tân/ VnExpress.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: "Các đợt mưa lớn xuất hiện thời gian này không phải bất thường, do trong tháng 6, khu vực Bắc Bộ vẫn đang trong giai đoạn chuyển mùa và chịu tác động của những đợt không khí lạnh có khả năng gây mưa lớn. Trung tâm vẫn có những cảnh báo sớm để các địa phương có thể đưa ra phương án phòng chống thiên tai phù hợp".

Thời gian qua, mỗi khi xảy ra mưa lớn đều xuất hiện tình trạng úng ngập tại nhiều điểm trên địa bàn thành phố. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội mới đây cũng đã ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với các loại hình thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024; trong đó đưa ra các phương án ứng phó với các tình huống xảy ra ngập lụt, vỡ đê, vỡ đập, lũ rừng, bão mạnh, siêu bão và 5 tình huống giả định tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã lên phương án ứng phó với những trận mưa có lượng mưa từ 50 mm/h đến 70 mm/h và những trận mưa trên 100 mm/h; năm nay trên địa bàn thành phố dự kiến xuất hiện 30 điểm úng ngập.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho hay: "Sở Giao thông Vận tải Hà Nội căn cứ theo từng vị trí ngập cụ thể để tổ chức giao thông đảm bảo linh hoạt, phù hợp thực tế, đặc biệt tại những vị trí có thể bị ngập sâu. Đồng thời giao cho Thanh tra Sở phối hợp với các đơn vị tổ chức lập chốt trực gác barie, thiết lập các biển báo báo hiệu vị trí và độ sâu mực nước, biển báo hướng dẫn giao thông, để cảnh báo cho các phương tiện qua lại; phân luồng, tổ chức giao thông để đảm bảo an toàn cho các phương tiện và tài sản của người dân".

Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị chức năng thì người dân cần cẩn trọng đề phòng rủi ro, nắm bắt thông tin dự báo về thời tiết, chấp hành tốt các quy tắc đảm bảo an toàn để hạn chế thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra. Trong khi tham gia giao thông cũng như sinh hoạt, lao động sản xuất mà xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm (dông, lốc, mưa đá) thì nên lựa chọn nơi tránh trú phù hợp, tránh những rủi ro phát sinh ngoài ý muốn.

Đề xuất người đóng BHXH trên 20 năm được nghỉ hưu sớm 5 năm

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có nhiều chính sách mới, phức tạp liên quan đến nhiều vấn đề được người lao động và người sử dụng lao động cũng như dư luận xã hội quan tâm.

Tham gia ý kiến về tiền lương hưu, đại biểu Nguyễn Duy Thanh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho biết: "Qua thực tế tìm hiểu người lao độnhg, người sử dụng và ý kiến của nhiều hiệp hội ngành nghề trong quá trình lấy ý kiến đóng góp dự án Luật BHXH (sửa đổi) đã đề nghị nghiên cứu kế thừa Luật BHXH năm 2006. Đó là, người lao động có thời gian đóng BHXH trên 20 năm được nghỉ hưu sớm và mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi bị trừ 1%".

Từ thực tế trên, đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này cần bổ sung quy định cho phép người lao động có thời gian đóng BHXH trên 20 năm được nghỉ hưu sớm tối đa 5 năm so với tuổi nghỉ hưu.

NLĐ trung tuổi đang được cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tư vấn, giới thiệu các vị trí việc làm phù hợp. Ảnh: Thủy Trúc/ Kinh tế & Đô thị.

Với đề xuất của đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phạm Thị Thu Lan cho rằng: "Về phía công đoàn, hoàn toàn ủng hộ quyền lợi của người lao động. Khi người lao động gần đến tuổi nghỉ hưu mà không tìm được việc làm thì cuộc sống sẽ rất khó khăn. Đề xuất của đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh rất chính đáng nhưng còn phải tính toán khả năng chi trả của Quỹ BHXH. Nhưng nếu có chính sách khác hỗ trợ để người lao động tiếp tục đi làm công việc phù hợp, đóng BHXH sau này được hưởng mức lương hưu cao hơn so với nghỉ hưu sớm 5 năm thì sẽ tốt hơn".

Việc sửa đổi bổ sung Luật BHXH, trong đó quy định chế độ hưu trí hiện nay phải đặt trong bối cảnh Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh, số người lao động lớn tuổi đang tăng nhanh và đối mặt với vấn đề giải quyết việc làm.

Đại biểu Quốc hội đề xuất Ban soạn thảo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cho NLĐ đóng BHXH trên 20 năm được nghỉ hưu sớm 5 năm. Ảnh: Thủy Trúc/ Kinh tế & Đô thị.

Từ thực tế này, TS Phạm Đình Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học BHXH, BHXH Việt Nam cho rằng: "Người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, nếu chưa đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì không nên nghỉ hưu sớm khi đã đóng 20 năm BHXH, trừ trường hợp có vấn đề về sức khỏe, mất khả năng lao động".

Nhiều năm nghiên cứu về BHXH, TS Phạm Đình Thành tính toán người lao động nghỉ hưu trước tuổi bao nhiêu năm thì quỹ BHXH phải chi bù cho từng đó năm nghỉ hưu sớm. Không những vậy, quỹ hưu trí còn phải đóng BHYT cho người nghỉ hưu. Vì vậy, cần hạn chế người lao động nghỉ hưu trước tuổi, giảm áp lực cho việc cân đối quỹ. Một điều đáng nói, hiện nay tuổi thọ bình quân đã tăng lên đáng kể do chất lượng cuộc sống không ngừng được cải thiện. Khi đó, thời gian hưởng lương hưu của từng người sẽ tăng lên. Để giải quyết vấn đề này, một giải pháp quan trọng đã được Nhà nước triển khai là tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62 tuổi đối với nam, mỗi năm tăng ba tháng; từ 55 lên 60 tuổi đối với nữ, mỗi năm tăng ba tháng; với lộ trình thực hiện từ năm 2021. Hiện nay, Nhà nước đã triển khai một số giải pháp hỗ trợ việc làm, chính sách thị trường lao động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, để tạo việc làm mới hoặc ổn định chỗ làm việc.

Cùng với chính sách này, chuyên gia BHXH cho rằng, Nhà nước cần có thêm các chính sách mới để giải quyết việc làm cho người lao động như: hỗ trợ từng phần cho doanh nghiệp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp để giữ chân người lao động lớn tuổi ở lại làm việc. Hoặc Nhà nước có chế độ hỗ trợ từng phần do suy giảm khả năng lao động để người lao động tiếp tục làm việc cho đến đủ tuổi nghỉ hưu. Đây là những chính sách được nhiều nước thực hiện mang lại hiệu quả, Việt Nam có thể vận dụng để hỗ trợ người lao động lớn tuổi duy trì việc làm, thu nhập.

Từ 1/7, những ai chuyển tiền trên 10 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học?

Ngân hàng Nhà nước cho biết từ ngày 1/7/2024 áp dụng xác thực sinh trắc học đối với giao dịch chuyển tiền từ 10 triệu đồng, nhưng không áp dụng với mọi giao dịch. Hiện nay, các ngân hàng đồng loạt phát đi thông báo, yêu cầu khách hàng cài đặt sinh trắc học để đáp ứng quy định mới về thanh toán ngân hàng được áp dụng từ 1/7 tới đây. Để cài đặt sinh trắc học, khách hàng có thể mang căn cước công dân gắn chip đến các điểm giao dịch của ngân hàng; hoặc có thể tự cài đặt online bằng cách truy cập ứng dụng mobile banking của ngân hàng và thao tác theo các hướng dẫn của ngân hàng.

Việc yêu cầu xác thực sinh trắc học sẽ tăng cường độ phức tạp của quy trình giao dịch, nhưng giúp tăng cường bảo mật cho khách hàng. Ảnh: VnBusiness.

Việc yêu cầu xác thực sinh trắc học sẽ tăng cường độ phức tạp của quy trình giao dịch, nhưng giúp tăng cường bảo mật cho khách hàng. Các giao dịch cần xác thực sinh trắc học bao gồm: Chuyển tiền online trên 10 triệu đồng/lần hoặc tổng số tiền giao dịch từ 20 triệu đồng/ngày trở lên; Giao dịch lần đầu bằng ứng dụng ngân hàng (mobile banking) hoặc trước khi giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị đang giao dịch lần gần nhất. Ngoài ra, một số ngân hàng cũng áp dụng với một số giao dịch khác như: Đăng nhập lần đầu sau khi bấm “quên mật khẩu” và cấp lại mật khẩu mới; Giao dịch thanh toán, tiết kiệm, giao dịch ví điện tử. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào chuyển tiền online trên 10 triệu đồng/lần hoặc tổng số tiền giao dịch từ 20 triệu đồng/ngày trở lên, cũng phải thực hiện sinh trắc học.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tất cả các giao dịch thanh toán mà các đơn vị chấp nhận thanh toán, các tổ chức tín dụng, các trung gian thanh toán đã xác thực thì không yêu cầu xác thực sinh trắc học. Ví dụ thanh toán tiền điện, nước, thanh toán thuế, thanh toán phí giao thông, tất cả những giao dịch có điểm đến rõ ràng thì không yêu cầu phải xác thực sinh trắc học.

Đối với trường hợp tổng giá trị các giao dịch trong ngày dưới 20 triệu đồng sẽ không phải thực hiện xác thực bằng sinh trắc học. Nếu tổng giá trị giao dịch thực hiện trong ngày quá 20 triệu đồng, giao dịch tiếp theo sẽ yêu cầu người chuyển tiền xác thực sinh trắc học, nhưng cũng chỉ phải xác thực sinh trắc học một lần khi vượt 20 triệu đồng. Như vậy là đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho người dùng vì chúng tôi xác định chuyển tiền khác với thanh toán.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hà Nội phấn đấu có 10.000 doanh nghiệp công nghệ số; Giả danh công an lừa người dân bán vàng để chuyển tiền... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội sẽ có nhà ở xã hội tại tất cả các khu công nghiệp; Vướng mắc khiến tuyến đường 1.500 tỷ đồng tại Hà Nội vẫn mãi dang dở... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Làm rõ trách nhiệm vụ cháy tại Định Công Hạ; Trận mưa lớn kèm theo gió to ở Hà Nội khiến nhiều cây xanh bị gãy đổ, đè lên hàng loạt ô tô... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội sẽ đưa hồ điều hoà công viên 744 tỷ vào hoạt động; Chính thức cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội nói không với thịt chó, mèo; Cảnh giác với bẫy lừa đảo mạo danh 'học kỳ công an,' 'trại hè quân đội'... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Phố đi bộ hồ Ngọc Khánh sẽ hoạt động trước Ngày Giải phóng Thủ đô; Vụ salon tóc bị tố "ăn bớt" 700 bộ tóc dành cho bệnh nhân ung thư là tin đồn thất thiệt... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.