Miền ký ức nơi sân ga, góc chợ
Tôi rời làng quê để tới Hà Nội nhập học trong một buổi chiều cuối thu cánh đồng lúa ngả màu vàng óng. Chiếc ba lô bên mình, nhìn ra ô cửa sổ chuyến tàu, những ngôi nhà bắt đầu lấp lánh ánh đèn khi buổi chiều tàn bóng tối ập xuống. Tôi ngơ ngác nhìn ra khoảng không gian xa xa, thấy một chút lãng đãng, một chút vừa vấn vương. Tuổi mười tám, có điều gì háo hức đang chờ đợi ở phía trước, như chuyến tàu vẫn lăn bánh trên đường ray.
Ga Hàng Cỏ đón tôi bằng những ánh vàng đèn điện buổi tối. Một gam màu đủ ấm nóng cho cô sinh viên vừa mới xa nhà. Có những con tàu đợi chờ nằm dọc sân ga. Một đoàn tàu chuẩn bị chuyển bánh, người đi ngược, kẻ về xuôi. Ai thôi đợi chờ để tìm cho mình những nẻo đường về có bình yên, hạnh phúc? Từ lúc chiều nay, mẹ tôi bịn rịn đưa tôi ra ga. Mẹ dặn tôi cố gắng học hành thật tốt. Cả quãng đường dài tôi ngồi trong hàng ghế trên tàu, nỗi nhớ về mẹ nhìn đằng trước, ngó đằng sau, chỗ nào tôi cũng thấy.
Ga Hàng Cỏ, bây giờ đổi tên là ga Hà Nội, được xây dựng từ thời Pháp 1897-1902. Trải qua bao biến động thăng trầm của lịch sử, diện tích ga Hàng Cỏ đã thay đổi nhiều. Nơi sân ga ấy, đôi khi không chỉ là dọc ngang chuyến tàu rời bến đi xa, mà còn chở cả ký ức một thời chẳng ai có thể quên được. Đó là hàng trăm chuyến tàu chở hàng vạn thanh niên Hà Nội vào Nam chiến đấu; là những cuộc chia tay đầy cảm xúc, rất đỗi tự hào của người Hà Nội.
Tôi không có nhiều kỷ niệm về ga Hàng Cỏ, nhưng tôi không thể quên ngày đợi em trai tôi ra chơi với chị nhân dịp nghỉ hè mà hai chị em lạc nhau tìm muốn khóc.
Một ngày mùa đông lạnh đỏ trên những tán lá bàng, tôi và đứa bạn chở nhau ra chợ Đồng Xuân. Khu chợ gắn bó với Hà Nội bao đời cùng lịch sử. Ngày xưa, trên những dòng sông gió hát, nơi thuyền bè tấp nập, người dân chèo thuyền qua lại bán mua. Triều đình nhà Nguyễn đã cho xây dựng khu chợ ở phía Nam sông Tô Lịch để phục vụ việc giao thương buôn bán của tàu thuyền.
Chợ Đồng Xuân ngày đó đi vào trong ký ức của các cụ ta bởi những gian hàng mùa nào thức ấy. Người dân tứ xứ đổ về đây, lao xao cá tôm; rôm rả hàng cà, hàng táo, hàng lê. Cả những người từ mạn Thanh – Nghệ cũng chèo thuyền về đây để đổi cá lấy gạo.
Năm 1946, toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Trung tuần tháng 2 năm 1947, một trận chiến ác liệt giữa Trung đoàn Thủ đô và nhân dân chợ Đồng Xuân với giặc Pháp trong những năm đầu kháng chiến.
Ngày nay, ngay cửa chợ Đồng Xuân là bức phù điêu Hà Nội mùa đông năm 1946 như nhắc nhở chúng ta sự hy sinh của các cảm tử quân và đồng bào ta.
Bạn tôi đọc tặng tôi bài thơ Bà Xẩm ở chợ Đồng Xuân, bài thơ mà ông ngoại bạn thường hay nhẩn nha cùng chiếc đàn nhị:
"Hà Nội như động tiên sa
Sáu giờ tắt hết đèn xa đèn gần
Vui nhất có chợ Đồng Xuân
Mùa nào thức nấy, xa gần xem mua".
Bài thơ như đưa tôi lạc về miền ký ức với những cô hàng xén răng đen thường bán kim chỉ, bấc đèn, khăn đen mỏ quạ; những chị nón thúng quai thao trong tấm áo mớ ba mớ bảy gánh gồng đi chợ bán mua. Chợ ở đây thường bán buôn nhiều hơn bán lẻ. Hàng hóa, vải vóc đủ sắc màu.
Tôi bước vào trong chợ định chọn cho mình một chiếc áo phao thật ấm. Nhưng khi đếm tiền trong túi, để có được chiếc áo đó chắc tôi chẳng còn tiền để mua thức ăn cho cả tuần sau. Chị bán hàng nhìn tôi ái ngại rồi nhỏ nhẹ bảo rằng: "Chị sẽ giữ áo này lại cho em. Hôm nào, em đến lấy, chị bớt cho em chút ít". Tôi rối rít cảm ơn chị.
Tôi chẳng thể quên chiếc áo phao màu đỏ ước ao; càng chẳng thể quên cái nhìn ấm áp, nụ cười thân thiện của một chị bán hàng có tết tóc đuôi sam xinh xắn. Thế đấy, cung cách buôn bán của tiểu thương chợ Đồng Xuân như níu bước chân tôi.
Hà Nội như người bạn cũ sớm nay đưa cho tôi hộp màu và cọ, bảo tôi vẽ bức tranh về Hà Nội. Điểm xuyết với màu xám cho đoàn tàu ga Hà Nội, màu vàng của chợ Đồng Xuân, màu rêu phong phố cổ; màu đỏ của ngọn cờ trên đỉnh Cột cờ Hà Nội.
Nhưng có lẽ tôi chưa đủ màu để vẽ lên tất cả màu văn hóa tuyệt vời và sâu sắc của Hà Nội yêu thương.
Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.
Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.
Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.
Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....
Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?
Có những ánh mắt ta chẳng thể nào quên, không cần lời nói nhưng lại lưu giữ một điều gì đó sâu thẳm trong tim, tựa như một lời yêu chưa kịp nói. Cuộc đời là những chuyến đi dài, và trong những ngày cũ kỹ, có ai đó đã từng bước qua đời ta, để lại một dấu lặng mang tên ký ức.
0