Mở cổng nhà đón Tết

Giữa vô vàn những ngôi nhà kín cổng cao tường, đâu đó vẫn còn những chiếc cổng giản đơn xưa cũ, chỉ gồm hai chiếc cọc gỗ nghiêm ngắn đỡ cánh cổng mỏng manh bằng gỗ liễu thấp tè. Mỗi sáng mở cổng, tiếng kẽo kẹt thân thương lại cất lên. Tết đến, cổng nhà lại được thay mới, rộng mở đón khách.

Mời bạn cùng Hường nghe Xuân Chinh kể chuyện về chiếc cổng nhà mình ở nơi xóm núi.

Nhà tôi ở chân đồi cuối xóm. Cả ngày ngồi ở cổng nhà ngó dài cổ mà đếm cũng chỉ lác đác dăm bảy người đi qua. Đó là những người đi lấy củi, lấy cây thuốc trong rừng. Họ vội vã qua cổng nhà tôi. Sáng thì vội đi nhanh kẻo mặt trời đứng bóng. Tối thì vội về nhanh kẻo không thấy mặt người. Cổng nhà tôi quanh năm yên tĩnh, chậm rãi đếm người lại qua.

Ảnh minh họa

Cây nhãn bố trồng cạnh cổng lớn dần. Người làng trong, làng ngoài được giao đất trồng rừng. Người ta đi làm rừng nhiều hơn. Ngày ngày họ tấp nập vào nhà tôi xếp xe đầy gốc nhãn ở cổng. Ngoài đi học, chị em tôi phân công nhau đứa đi chăn trâu, đứa ở nhà trông xe cho các bác các cô. Dĩ nhiên, việc trông xe luôn hấp dẫn vì nhàn nhã. Hàng mấy chục cái xe đạp, xe nào cũng quen xe nhớ mặt chủ hết nên không phải ghi vé. Các cô bác lại quý trẻ con, hay cho chúng tôi khi gói kẹo lạc, khi xâu bánh đa … Có đồ ăn, chị em tôi vắt vẻo ngồi bên cánh cổng trông xe cả ngày không chán.

Cánh cổng liễu, mỗi năm thay mới một lần đón Tết. Những thanh gỗ làm cổng phơi nắng mưa cả năm trời, già nua, nứt nẻ được bố xếp gọn ghẽ vào góc bếp, làm củi đun vừa vặn nồi bánh chưng. Ngày Tết, cổng nhà vui vẻ đón khách với màu áo liễu mới sáng vàng dưới nắng. Khi nghe tiếng xe đạp lọc cọc từ giữa xóm là bố mẹ tôi đã vội ra cổng đón khách. Cánh cổng mở sẵn, thanh thoát và thân thiện. Nó chứng kiến cái ôm ấm nồng, cái bắt tay thật chặt, cái cúi người chào hỏi kính cẩn từ những người hằng ngày nó quen mặt. Tết, những người nông dân chân chất, hồn hậu vẫn thân thiết với nhau, nhưng tế nhị và ý tứ chứ không suồng sã, vô tư như ngày thường.

Tết, bố nhắc chúng tôi mở cổng cả ngày. Cánh cổng mở là dấu hiệu của sự mến khách, là ngụ ý bánh chưng, dưa hành, hạt dưa… nhà tôi luôn sẵn sàng nghênh đón khách. Tối, cổng vẫn mở, bố mắc thêm chiếc đèn ra cành nhãn để cổng sáng trưng. Với mọi người, Tết đặc biệt. Với chiếc cổng, nó cũng có sự đặc biệt so với ngày thường. Dần dần xóm tôi có nhiều nhà chuyển tới. Nhà mái bằng, cao tầng mọc như nấm. Mà nhà đã cao tầng thì cái cổng cũng không thể ọp ẹp gỗ nứa như xưa, phải trụ bê tông, cánh cổng sắt. Mà nhà nào cũng đóng cửa im ỉm suốt ngày.

Lại một Tết nữa sắp đến. Bố gọi điện nhắc chúng tôi về làm cổng với bố. Vẫn mảnh sân cũ bày ra đủ gỗ liễu, vẫn tay cưa tay thước, vẫn là bố, là chị em chúng tôi. Nhưng giờ đây lưng bố còng hơn, tóc bố đã đổi màu. “Tết đến mà nhà nào cũng kín cổng cao tường thì xóm này buồn cả năm ư?”, bố nói trong khi thuần thục dựng hai cánh cổng vào hai cái cọc liễu mới. Tết này, kiểu cổng nhà tôi vẫn thế, nguyên si từ đời ông sang đời bố tôi./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trải qua các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đất nước ta đã sản sinh ra những thế hệ thanh niên đại diện cho mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước. Như thế hệ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; thế hệ một thời hoa đỏ 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước'; thế hệ 'sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử' trong chiến tranh bảo vệ biên giới...

Con đường ngày xưa chúng tôi đi học, lòng đường bé tin hin bằng hai gang bàn tay người lớn, thêm sỏi đá mấp mô ngáng bánh xe đạp không thương tiếc. Bữa nào vừa nhấn bàn đạp mải miết, vừa ngúc ngoắc đầu nói chuyện là gặp hòn đá xóc nảy người, chiếc cặp nhẹ tênh có khi giật mình rơi khỏi giỏ xe cà tàng. Con đường “huyền thoại” ấy chưa đi vào thơ ca nhạc họa của văn nghệ sĩ bao giờ nhưng nó đi vào ký ức tuổi thơ của chúng tôi cho tới tận hôm nay.

Sự hiện hữu của thời gian trở nên rõ rệt là khi trên khuôn mặt xuất hiện thêm những nếp gấp, một vài vết tàn nhang cùng màu tóc dần ngả bạc. Thời gian vô tình khiến những hoạt động mà mình vốn yêu thích bỗng trở nên khó thực hiện, mặc dù lòng nhiệt huyết vẫn còn nhưng tuổi tác và khuôn mặt đã không còn phù hợp nữa rồi.

Phố bắt đầu ngày mới bằng những sắc hoa thuỳ mị trong chợ hoa Quảng Bá. Đường Âu Cơ tươi xinh màu sắc trong tia nắng dịu nhẹ chưa vương mùi bụi khói. Tâm thức anh chợt lạc về câu chuyện em nói với anh ngày xưa khi anh cùng em ngang qua đoạn đường này.

Thấm thoắt, ngoại tôi đã về miền mây trắng đoàn tụ với ông bà tổ tiên được mười sáu năm rồi. Từ ngày ngoại mất, số lần tôi theo mẹ về quê chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mỗi năm tới ngày giỗ ngoại, tuy không nói ra nhưng tôi cảm nhận được nỗi buồn nghẹn lại trong lồng ngực mẹ nếu năm đó mẹ không thể sắp xếp về quê thắp cho ngoại nén hương.

Thuở bé, mỗi lần được nằm gối đầu lên đùi mẹ, lắng tai nghe những giai điệu trong trẻo mà sâu lắng từ những câu hát ầu ơ quen thuộc, lòng tôi mỗi lúc ấy đều cảm thấy dễ chịu và ấm áp lạ thường. Sau này, khi năm tháng trôi đi, bôn ba trên khắp các nẻo đường xuôi ngược, hễ vô tình được nghe thấy thứ âm thanh giản dị và thân thương ấy, thì những ký ức tuổi thơ trong tôi lại nối tiếp theo tiếng hát tìm về.