Mô hình 9+ cánh cửa cho học sinh trượt lớp 10 THPT công lập| Hà Nội tin mỗi chiều

Hơn 106.000 thí sinh Hà Nội dự thi lớp 10; Mô hình 9+ cánh cửa cho học sinh trượt lớp 10 THPT công lập... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hơn 106.000 thí sinh Hà Nội dự thi lớp 10

Gần 106.000 thí sinh Hà Nội đã hoàn thành ngày thi đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025. Nhiều thí sinh có tâm trạng khá phấn khởi vì làm được bài, tự tin với số điểm dự kiến không thấp.

Công tác coi thi hôm nay được triển khai nghiêm túc, đúng quy chế và bảo đảm an toàn. Theo đánh giá chung, đề thi môn Ngữ văn nằm trong chương trình, có cấu trúc quen thuộc và khá thú vị ở câu nghị luận xã hội.

Gần 106.000 thí sinh Hà Nội đã hoàn thành ngày thi đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Phần yêu cầu viết một đoạn văn nghị luận để trả lời câu hỏi: "Nên ứng xử thế nào trước mong đợi của những người thân yêu đối với chúng ta” ở câu 3, phần II của đề Ngữ văn, gây được sự chú ý và thích thú của nhiều thí sinh và phụ huynh.

Đề có tính mở, khơi gợi ý thức trách nhiệm cũng như định hướng giáo dục học sinh trong đời sống. Đây vừa là một vấn đề muôn thuở, đồng thời vẫn là nội dung gần gũi, quen thuộc với học sinh, nhất là khi các em đang đứng ở ngưỡng cửa của nhiều sự lựa chọn trong cuộc đời. Nhiều giáo viên nhận định, những thí sinh có khả năng lập luận tốt, tìm được những dẫn chứng ấn tượng để đưa vào bài viết sẽ là một điểm nhấn được đánh giá cao. Còn đối với đề thi Tiếng Anh của thành phố Hà Nội năm nay bao gồm kiến thức cơ bản nhưng vẫn có sự phân hóa thí sinh rõ rệt.

Nhiều thí sinh có tâm trạng khá phấn khởi vì làm được bài, tự tin với số điểm dự kiến không thấp.
Ảnh: Tuổi Trẻ.

Trong kỳ thi này, Hà Nội có 10 thí sinh đang điều trị y tế và gặp tai nạn. Các điểm thi đã bố trí phòng thi riêng cho mỗi em, đồng thời các phương án hỗ trợ tốt nhất được triển khai. Tại điểm thi Trường THCS Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình), có hai thí sinh đặc biệt: một thí sinh bị gãy chân và một em bị gãy tay. Hai thí sinh đã được các lực lượng hỗ trợ từ vòng ngoài đến vòng trong, đảm bảo tham dự kỳ thi an toàn, thuận lợi. Thí sinh gãy chân vẫn làm bài thi như bình thường, còn thí sinh bị gãy tay, theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, được bố trí thi tại phòng riêng có học sinh hỗ trợ viết, giám thị giám sát và ghi âm. Những sự hỗ trợ kịp thời này đã giúp các thí sinh và phụ huynh vơi bớt nỗi bất an trong kỳ thi quan trọng.

Mô hình 9+ cánh cửa cho học sinh trượt lớp 10 THPT công lập

Năm học 2024 - 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giao tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho 119 trường THPT công lập là 81.200 học sinh. Với số lượng gần 106.000 học sinh đăng ký tham dự kỳ thi, sẽ có gần 25.000 học sinh không trúng tuyển lớp 10 các trường THPT công lập. Như vậy, nếu thi trượt công lập, các học sinh sẽ tiếp tục chặng đường học tập như thế nào, đây là mối quan tâm của nhiều gia đình ở Hà Nội khi có con tham dự kỳ thi này.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, trên địa bàn thành phố hiện có nhiều loại hình trường phù hợp với năng lực, nguyện vọng học tập của học sinh. Năm học 2024 - 2025, ngoài hệ thống các trường THPT công lập, Hà Nội còn có hơn 100 trường tư thục, 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và gần 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tuyển học sinh lớp 10.

Bảo đảm chỗ học cho 100% học sinh tốt nghiệp THCS là chủ trương được thành phố duy trì nhiều năm nay. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Bảo đảm chỗ học cho 100% học sinh tốt nghiệp THCS là chủ trương được thành phố duy trì nhiều năm nay. Ngành giáo dục Hà Nội đã và đang tích cực tham mưu với thành phố triển khai nhiều giải pháp quyết liệt hơn để mở rộng quy mô, mạng lưới trường học, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô.

Cùng với Hà Nội, trong những ngày này, học sinh của nhiều tỉnh, thành phố đang tham gia vào kỳ thi chuyển cấp vào lớp 10. Đây được đánh giá là kỳ thì căng thẳng không kém kỳ thi THPT quốc gia bởi số trường công lập thì ít trong khi thí sinh lại nhiều. Để tránh căng thẳng và lựa chọn phù hợp sở trường, nhiều học sinh đã lựa chọn mô hình 9+. Đây là mô hình đào tạo song song giữa học nghề và học chương trình phổ thông. Thực tế có những học sinh khá vẫn lựa chọn học 9+ cho thấy công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh THCS đã dần phát huy hiệu quả.

Có thể trước đây, phần lớn cha mẹ vẫn quan niệm rằng hết cấp 2 thì phải lên cấp 3 rồi vào đại học, tạo tiền đề cho quá trình phát triển nghề nghiệp sau này. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, việc phân luồng học sinh cũng dần rõ nét, đặc biệt là chương trình đào tạo nghề hệ 9+.

Những năm gần đây, để thu hút thí sinh lựa chọn học nghề chương trình 9+, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với mong muốn đa dạng của người học và nhu cầu sử dụng lao động của thị trường việc làm. Đơn cử như tại Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội, ngoài danh mục ngành nghề đào tạo đa dạng, trong đó có những nghề thị trường đang khan hiếm nguồn nhân lực như công nghệ thông tin, du lịch - lữ hành, nhà trường còn khẳng định chắc chắn “nói không với thất nghiệp”. Tương tự, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cam kết 100% học viên tốt nghiệp đạt chuẩn kỹ năng nghề quốc gia sẽ có việc làm với mức thu nhập từ 7 - 15 triệu đồng/tháng.

Vài năm trở lại đây, việc phân luồng học sinh cũng dần rõ nét, đặc biệt là chương trình đào tạo nghề hệ 9+. Ảnh: VOV.

Tại Việt Nam, tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ mới chỉ đạt 21%. Như vậy, cơ hội việc làm cho học sinh hệ 9+ sau khi ra trường là không nhỏ. Từ thực tế đào tạo tại nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho thấy, sau khi tốt nghiệp hệ 9+, khoảng 50% học sinh tiếp tục học liên thông lên cao để có tay nghề vững vàng, cơ hội việc làm rộng mở; khoảng 10 - 20% học sinh thi vào các trường cao đẳng, đại học. Số còn lại tham gia thị trường lao động. Những con số này là minh chứng rõ nhất để khẳng định hiệu quả của chương trình 9+.

Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng công tác tư vấn sớm cho học sinh phổ thông là điều rất cần thiết và phải làm rất khoa học và bài bản. Quan trọng nhất của hướng nghiệp là các em đánh giá được khả năng của mình và có hướng đi phù hợp nhất.

Dưới góc độ quản lý về giáo dục nghề nghiệp, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho hay, đối tượng học nghề theo chương trình 9+ vừa được ưu tiên tuyển sinh, quan tâm bảo đảm chất lượng đào tạo, vừa được hỗ trợ về học phí trong suốt quá trình học tập. Phụ huynh, học sinh có thể yên tâm lựa chọn chương trình 9+ làm con đường lập thân, lập nghiệp cho lao động trẻ.

Mô hình 9+ đang được ngành giáo dục và lao động ngày càng chú trọng đầu tư để đáp ứng nhu cầu phân luồng giáo dục khi học sinh học hết bậc THCS, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Và thực tế, đã cho thấy sự thành công hay không lại không nằm ở bậc học mà nằm ở năng lực của chính mỗi học sinh.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hà Nội phấn đấu có 10.000 doanh nghiệp công nghệ số; Giả danh công an lừa người dân bán vàng để chuyển tiền... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội sẽ có nhà ở xã hội tại tất cả các khu công nghiệp; Vướng mắc khiến tuyến đường 1.500 tỷ đồng tại Hà Nội vẫn mãi dang dở... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Làm rõ trách nhiệm vụ cháy tại Định Công Hạ; Trận mưa lớn kèm theo gió to ở Hà Nội khiến nhiều cây xanh bị gãy đổ, đè lên hàng loạt ô tô... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội sẽ đưa hồ điều hoà công viên 744 tỷ vào hoạt động; Chính thức cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội nói không với thịt chó, mèo; Cảnh giác với bẫy lừa đảo mạo danh 'học kỳ công an,' 'trại hè quân đội'... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Phố đi bộ hồ Ngọc Khánh sẽ hoạt động trước Ngày Giải phóng Thủ đô; Vụ salon tóc bị tố "ăn bớt" 700 bộ tóc dành cho bệnh nhân ung thư là tin đồn thất thiệt... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.