Mô hình cổng trường an toàn phát huy hiệu quả tích cực | Hà Nội tin mỗi chiều

Mô hình cổng trường an toàn phát huy hiệu quả tích cực; Hà Nội hỗ trợ nông dân mua thiết bị bay không người lái phun thuốc trừ sâu; Ngăn chặn hiểm họa mang tên 'thuốc lá điện tử'... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Mô hình cổng trường an toàn phát huy hiệu quả tích cực

Hiện nay, thực trạng ùn tắc mất an toàn giao thông tại các cổng trường mỗi giờ đến lớp và tan học là vấn đề nhức nhối. Nhiều trường học tại Hà Nội thời gian qua để đảm bảo an toàn cho học sinh đã áp dụng các giải pháp như phân làn, kẻ vạch, rào chắn tạm thời nhằm hạn chế ùn tắc giao thông, lộn xộn trước cổng trường học trong giờ cao điểm.

Nằm trong khuôn khổ Dự án sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu giai đoạn 2021-2025, thời gian qua Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã phối hợp với các tổ chức quốc tế, thí điểm các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông trước cổng cụm trường học Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm), Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông) và cụm trường học Sài Sơn (huyện Quốc Oai). Qua thời gian thí điểm đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Giao thông tại các khu vực cổng trường này đã an toàn hơn so với trước đây.

Sở GT-VT Hà Nội tổ chức giao thông tại khu vực cổng trường tiểu học Nguyễn Du, Q. Hà Đông. Ảnh: baogiaothong

Trước cổng Trường Tiểu học Nguyễn Du và cụm trường học Sài Sơn, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cắm biển hạn chế tốc độ phương tiện qua khu vực cổng trường học không vượt quá 30km/giờ. Đồng thời, cơ quan chức năng làm lối đi bộ nổi cho học sinh sang đường tại khu vực cổng trường học kết cấu bằng bê tông nhựa với chiều cao 9cm; tổ chức lại nút giao bằng đảo giao thông kết hợp điểm trú chân cho người đi bộ sang đường.

Để tăng khả năng nhận diện của người tham gia giao thông, các đơn vị liên quan đã sơn kẻ các lối cho người đi bộ qua đường bằng vạch màu trắng. Cổng Trường Tiểu học Nguyễn Du cũng được tổ chức lại các vị trí đỗ xe của phụ huynh để bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự cho khu vực. Còn tại cụm trường Xuân Đỉnh, một số vị trí không có hè đường cho người đi bộ, dự án đã điều chỉnh mở rộng, bổ sung lối đi bộ bằng hàng cọc tiêu trụ dẻo có phản quang gắn dưới lòng đường. Làn đường dành cho học sinh đi xe đạp được bố trí qua nút giao.

Cùng với các giải pháp về hạ tầng, Sở GT-VT Hà Nội đã phối hợp với các nhà trường hướng dẫn giáo viên, phụ huynh, học sinh nắm rõ phương án tuân thủ các điều chỉnh tổ chức giao thông; đồng thời bố trí lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với các lực lượng khác hướng dẫn giao thông trong các khung giờ cao điểm, giờ tan trường.

Qua một thời gian thí điểm, Tổ chức Sáng kiến thiết kế thành phố toàn cầu đã thu thập thông tin, khảo sát bằng hình ảnh, phim, phiếu khảo sát điều tra. Kết quả khảo sát cho thấy, tốc độ của phương tiện khi đi qua các cổng trường học được thí điểm đã giảm, không còn xảy ra các vụ va chạm giao thông tại đây.

Cụ thể, theo kết quả phỏng vấn trực tiếp 60 người tại cụm trường học Sài Sơn, tỷ lệ học sinh sử dụng các giải pháp an toàn của dự án đã tăng 18%. Số người chọn đi xe đạp đến khu vực này hằng ngày tăng 5% và có tiềm năng tăng thêm 4% trong tương lai. Ngoài ra, người dân thấy khu phố an toàn hơn cho trẻ em tăng 18% và số phụ huynh yên tâm hơn khi cho con tự đi bộ hoặc xe đạp đến trường tăng 16%. Số người được hỏi cảm thấy đường phố rất an toàn sau khi can thiệp tăng 49%.

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Du, qua khảo sát số người chọn đi xe đạp để đến khu vực này tăng tới 18,9%. Ngoài ra, số người sử dụng xe đạp đi lại hằng ngày qua tuyến đường này tăng lên 20,6%. Có tới 70,6% số phụ huynh được hỏi cho biết cảm thấy yên tâm hơn khi cho con tự đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường cho thấy mức độ tin tưởng của phụ huynh đối với sự an toàn của cổng trường sau khi được thiết kế lại.

Tại cụm trường học Xuân Đỉnh, tỷ lệ đi xe đạp tăng 25% và đi bộ tăng 14%; tỷ lệ học sinh sử dụng đường phố tăng 22% cho thấy việc thiết kế và tổ chức lại giao thông đã bước đầu thành công, làm cho khu vực này dễ tiếp cận hơn với học sinh.

Thực tế, có rất nhiều phụ huynh có con học tại các trường thuộc phạm vi dự án thí điểm đều đánh giá cao và bày tỏ sự ủng hộ mô hình cổng trường an toàn.  Theo đánh giá của Sở GT-VT Hà Nội, sau thời gian thí điểm về cơ bản dự án đã đạt được mục tiêu và hiệu quả đề ra. Đây cũng là tiền đề rất quan trọng để sắp tới thành phố tiếp tục nhân rộng mô hình này.

Hà Nội hỗ trợ nông dân mua thiết bị bay không người lái phun thuốc trừ sâu

Trong 2 năm 2024 - 2025, khoảng 11 tỷ đồng sẽ được UBND TP Hà Nội bố trí để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện phun thuốc bảo vệ thực vật trên những diện tích canh tác nông nghiệp bằng thiết bị bay không người lái (Drone/UAV).

Cụ thể, trong năm 2024 thành phố dự kiến địa điểm thực hiện tại các huyện: Mỹ Đức, Thạch Thất, Thanh Oai, Phúc Thọ, Mê Linh, Chương Mỹ, Thường Tín, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Quốc Oai. Diện tích hỗ trợ 24.972ha, với tổng kinh phí 6,243 tỷ đồng.

Năm 2025, dự kiến địa điểm thực hiện tại các huyện: Mỹ Đức, Thạch Thất, Sơn Tây, Mê Linh, Chương Mỹ, Thường Tín, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Quốc Oai, Phú Xuyên. Dự kiến diện tích thực hiện là 18.959ha. Tổng kinh phí hỗ trợ là 4,74 tỷ đồng. UBND TP Hà Nội giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan. UBND các huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện nội dung chính sách đảm bảo hiệu quả và đúng quy định. Phối hợp với các huyện, thị xã và các ngành có liên quan tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện, đề xuất các giải pháp triển khai kế hoạch. Kịp thời báo cáo UBND TP Hà Nội những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: vneconomy

Hiện nay, ngành Nông nghiệp Thủ đô đang đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản. Đây là xu thế phát triển tất yếu để đổi mới tập quán canh tác truyền thống. Qua đó nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất đưa nông sản Việt vươn tầm quốc tế.

Việc điều khiển drone để phun thuốc bảo vệ thực vật đang thu hút sự quan tâm của nhiều người dân và ngành nông nghiệp các địa phương. So với hình thức canh tác truyền thống bằng sức người, hiệu quả mà drone mang lại rất rõ rệt đặc biệt là đảm bảo được tính chính xác, độ che phủ của phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tránh phải phun chồng, phun lặp.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong canh tác nông nghiệp là xu hướng tất yếu, trong đó việc sử dụng drone để phun thuốc bảo vệ thực vật đang trở nên phổ biến. Để làm chủ công cụ đắc lực này, người điều khiển thiết bị cần được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để vận hành một cách hiệu quả. Thời gian tới, thành phố sẽ cần có những khóa tập huấn để bà con nông dân tự tin tiếp cận công nghệ mới, mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng. Từ đó chung tay xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả cao và bền vững.

Ngăn chặn hiểm họa mang tên 'thuốc lá điện tử'

Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ buôn lậu thuốc lá điện tử với quy mô lớn. Điển hình, đầu tháng 5 vừa qua lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã thu giữ một lô hàng với nhiều sản phẩm được gửi qua dịch vụ chuyển phát hàng hóa. Cụ thể có 18 máy hút thuốc lá điện tử nghi xuất xứ từ Trung Quốc; 370 lọ tinh dầu thuốc lá điện tử trên vỏ hộp có chữ “Made in USA” và khoảng 6.300 gói thuốc lá thành phẩm khác, vỏ bao bì có chữ “Made in Denmark by” tương đương 12.600 bao thuốc lá.

Phát biểu tại Hội thảo về phòng chống tác hại của thuốc lá mới đây tại Hà Nội, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng Y Khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết, Việt Nam đang có trên 1,1 triệu người hút thuốc lá điện tử, tỷ lệ gia tăng tới hơn 36 lần chỉ sau 5 năm (giai đoạn 2015-2020). Đặc biệt, ở nhóm học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử lên tới 12,6%.

Để dễ hình dung thì trung bình cứ một trường cấp 3 sẽ có khoảng trên dưới 100 em từng sử dụng. Chỉ tính riêng năm 2023 đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.  Hút thuốc lá điếu thông thường đã và đang gây ra gánh nặng lớn về sức khỏe và kinh tế tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Ảnh minh họa

Trước vấn đề này, ngày 13/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 47 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Để tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Nghiên cứu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Việt Nam đã có Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá nhằm giảm sử dụng mặt hàng không khuyến khích này. Tuy nhiên chính sách, chế tài xử lý hiện chưa theo kịp thực tiễn. Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ cần sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đảm bảo tính thống nhất. Cơ quan quản lý thông tin, truyền thông cũng cần tích cực rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời, gỡ bỏ các trang web, mạng xã hội quảng cáo và mua bán sản phẩm thuốc lá điện tử; phối hợp cơ quan công an, lực lượng quản lý thị trường để thu giữ sản phẩm. Bởi thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha chưa được phép nhập khẩu vào Việt Nam, hành vi buôn bán là trái phép.

Chỉ khi có sự “nhận diện” đầy đủ và chung tay thực hiện từ cả cơ quan quản lý đến mỗi người dân, thì thuốc lá điện tử nói riêng và thuốc lá nói chung mới không còn bủa vây cộng đồng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hà Nội phấn đấu có 10.000 doanh nghiệp công nghệ số; Giả danh công an lừa người dân bán vàng để chuyển tiền... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội sẽ có nhà ở xã hội tại tất cả các khu công nghiệp; Vướng mắc khiến tuyến đường 1.500 tỷ đồng tại Hà Nội vẫn mãi dang dở... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Làm rõ trách nhiệm vụ cháy tại Định Công Hạ; Trận mưa lớn kèm theo gió to ở Hà Nội khiến nhiều cây xanh bị gãy đổ, đè lên hàng loạt ô tô... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội sẽ đưa hồ điều hoà công viên 744 tỷ vào hoạt động; Chính thức cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội nói không với thịt chó, mèo; Cảnh giác với bẫy lừa đảo mạo danh 'học kỳ công an,' 'trại hè quân đội'... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Phố đi bộ hồ Ngọc Khánh sẽ hoạt động trước Ngày Giải phóng Thủ đô; Vụ salon tóc bị tố "ăn bớt" 700 bộ tóc dành cho bệnh nhân ung thư là tin đồn thất thiệt... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.