Mở rộng mạng lưới truyền thanh, phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền

Tháng 2/1955, Trạm truyền thanh Thủy Tạ chuyển về Nhà thông tin - Triển lãm ở 47 phố Tràng Tiền để tăng công suất và mở rộng đường dây thêm nhiều tuyến phố.

Năm 1955, Chính phủ Liên Xô quyết định viện trợ cho nước ta 11 hệ thống truyền thanh, trong đó hệ thống truyền thanh của Hà Nội là lớn nhất. Đầu năm 1956, chuyên gia Liên Xô đến Hà Nội thiết kế và lập kế hoạch xây dựng hệ thống truyền thanh cho Hà Nội. Sau gần một năm thi công, thành phố đã có một mạng lưới truyền thanh với cơ sở vật chất kỹ thuật hoàn chỉnh, đồng bộ.

Đến cuối năm 1956, cơ sở vật chất kỹ thuật truyền thanh đã có bước phát triển gấp 10 lần về công suất máy. Tiếng loa truyền thanh của Đài không những có ở gần khắp nội thành mà còn mở rộng tới những xã ngoại thành.

Ngoài trạm phát thanh cố định, các xe chở loa phóng thanh vẫn chạy trên đường phố phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền. Ảnh: TTXVN.

Khi sân vận động Hàng Đẫy được xây dựng xong, Đài đã mắc hệ thống đường dây và hơn chục loa công suất lớn phục vụ trang âm và hoạt động thể thao.

Trong cuộc vận động nhân dân thành phố chung sức với đồng bào miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước, Đài đã tường thuật cuộc biểu tình tuần hành của 30 vạn nhân dân Thủ đô ngày 25/1/1959, lên án chính quyền Mỹ - Diệm giết hại 1.000 đồng bào ta tại Trại giam Phú Lợi ngày 1/12/1958. Cuộc vận động đã lấy 38 vạn chữ ký đòi thống nhất đất nước ngày 7-8/3/1959.

Cũng trong năm 1959, Đài Truyền thanh Hà Nội chính thức được thành lập theo quyết định của Uỷ ban Hành chính thành phố. Ông Trần Đình Hòe được cử làm trưởng Đài và ông Dương Hoài An được cử làm phó trưởng Đài. Việc thành lập Đài Truyền thanh Hà Nội khẳng định bước trưởng thành của Đài trong công tác thông tin tuyên truyền của thành phố.

Trong phong trào kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn, từ ngày 8/10/1960, Đài biểu dương những đơn vị với khẩu hiệu “Hà Nội - Huế - Sài Gòn là cây một gốc, là con một nhà” và những cuộc vận động như “Đẩy mạnh sản xuất vì đồng bào miền Nam ruột thịt”, “Ngày thứ Bảy đấu tranh thống nhất nước nhà” của Nhà máy xe lửa Gia Lâm.

Nhiều công nhân viên chức ở tuổi thanh niên của Đài Hà Nội đã hăng hái lên đường nhập ngũ chi viện cho tiền tuyến. Ảnh: Buổi liên hoan chia tay 4 tân binh lên đường nhập ngũ năm 1962.

Ngày 20/4/1961, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa II đã phê chuẩn nghị quyết của Chính phủ mở rộng thành phố Hà Nội lần thứ nhất. Đài đã xây dựng các trạm đặt máy tăng âm ở các huyện và từng bước quy hoạch lại hệ thống truyền thanh. Đến cuối năm 1965, tất cả 102 xã, thị trấn ngoại thành đã có tiếng loa.

Thời kỳ 1961-1965, nhiệm vụ trọng tâm của miền Bắc và thành phố là xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất. Đài đã bám sát nhiệm vụ tuyên truyền, mở nhiều chuyên mục bám sát hơi thở cuộc sống.

Năm 1961, trong phong trào học tập đuổi kịp và vượt các điển hình tiên tiến miền Bắc như Sóng Duyên Hải, Gió Đại Phong, Cờ Ba Nhất, Đài đã đi sâu giới thiệu kinh nghiệm của các cơ sở.

Ngày 14/8/1962, Bác Hồ về thăm nhân dân xóm Quảng Khánh (khi đó thuộc xã Quảng An, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Một tháng rưỡi sau, lần thứ hai Bác đến thăm nhân dân Quảng An vào ngày 29/9/1962. Khi đó đông đảo nhân dân xã Quảng An đã đến họp tại đình Quảng Bá để sơ kết công tác vệ sinh phòng bệnh mùa hè và làm lễ phát động phong trào vệ sinh cuối năm. Tại đây, Bác đã căn dặn với mọi người: "Con người là vốn quý nhất của xã hội, sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Vệ là bảo vệ, sinh là sinh sống, con người muốn mạnh khỏe, sống lâu để lao động sản xuất tốt thì phải ăn, ở có vệ sinh. Muốn có vệ sinh, phải có nước sạch, muốn có nước sạch phải đào giếng, đào nhiều giếng sẽ có nhiều nước sạch”.

Sau đó, Bác tặng nhân dân Quảng An tiền lương của Bác để đào và xây một giếng nước sạch, làm kiểu mẫu để mọi người làm theo. Xúc động trước những tình cảm của Người, cán bộ nhân dân xã Quảng An đã quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác, phát động phong trào làm giếng khơi.

Từ sự kiện ở Quảng An, Đài đã nêu cao điển hình trên và góp phần phát động thành phong trào đào giếng dùng nước sạch ở các xã ngoại thành.

Bác Hồ thăm giếng nước xã Nam Chính 15/2/1965. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Ngày 9/8/1964, sau 4 ngày không quân Mỹ đánh phá miền Bắc, lần đầu tiên Đoàn thanh niên Lao động thành phố phát động phong trào “Ba sẵn sàng” trong tầng lớp thanh niên Thủ đô. Đài đã mở chuyên mục cùng tên để phản ánh và cổ vũ phong trào. Từ Hà Nội, “Ba sẵn sàng” đã trở thành phong trào của tuổi trẻ tất cả các tỉnh, thành phố ở miền Bắc.

Trước các phong trào ngày càng sôi động và phong phú, Đài đã lần lượt mở các chuyên mục như “Tuổi trẻ Thủ đô”, “Dân quân tự vệ Thủ đô”, “Nhà máy, công trường Thủ đô” và “Ngoại thành đổi mới”. Qua thư của bạn nghe Đài gửi đến, Đài đã thực hiện các tiết mục phát thanh như “Ý kiến bạn nghe Đài”, “Trả lời bạn nghe Đài”. Các chuyên mục, tiết mục kể trên đã, làm cho các buổi phát thanh thêm phong phú, tác động của Đài ngày càng sâu rộng trong đông đảo bạn nghe Đài ở Thủ đô.

Những ngày đầu giải phóng, các phát thanh viên chính của Đài gồm Ngô Thị Tịnh, Nguyễn Ngọc Hoàn cùng các cán bộ biên tập khác như Nghiêm Thiết Dũng, Kim Quế, Bùi Hữu trực tiếp đọc trên Đài. Sau đó, Đài có thêm các phát thanh viên như Nguyễn Văn Phúc, Hoa Bích Dung, Nguyễn Thị Thìn tạo ra được một phong cách riêng trong thể hiện của Đài Hà Nội.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Với nghệ nhân Nguyễn Đức Bình, giò chả Ước Lễ không chỉ là một món ăn mà còn chứa đựng trong đó tinh hoa văn hóa. Hơn 40 năm qua, ông đã góp phần gìn giữ, lưu truyền nét tinh hoa ẩm thực này một cách vừa khoa học lại đầy chất nghệ thuật.

Với nhiều người, việc dạy và học ngoại ngữ là một cách để nhìn cuộc sống và thế giới rộng mở hơn. Bên cạnh đó, ngoại ngữ còn giúp mỗi người hiểu chính mình, hiểu mọi người một cách sâu sắc hơn.

Không phải vô cớ mà nhiều người lại mong ngóng Noel đến vậy. Có người nói, đó là bởi Giáng sinh có nhiều hoa và đèn rực rỡ, hay tại bởi không khí vui vẻ, sum vầy mà Giáng sinh đem lại…

Với múa rối nước, người nghệ sĩ phải hoạt động nghệ thuật trong môi trường đặc biệt, có yêu cầu khắt khe hơn so với những hình thức biểu diễn nghệ thuật khác. Để theo đuổi được bộ môn nghệ thuật này, NSƯT Bạch Quốc Khanh - Nhà hát Múa rối nước Thăng Long, không chỉ có hành trình dài học hỏi, trau dồi kiến thức mà còn là cả sự khổ luyện, cùng một tình yêu cháy bỏng với văn hóa truyền thống.

Bên bãi ven sông Hồng có một không gian công cộng kết hợp giữa vườn hoa và khu vui chơi mà những người lớn đã dựng lên từ bãi đất hoang lúc trước ở ven sông. 4 giờ chiều trước cổng trường Tiểu học Phúc Tân, lũ trẻ tan học ùa ra như đàn chim sẻ, từ trường chạy thẳng ra bãi đất sát mé sông ở cuối đường.

Chẳng phải sơn hào hải vị hay những món ăn với nguyên liệu quá cầu kỳ, thức quà bình dị với ngô, khoai, chuối trên các con phố mới là bữa xế quen thuộc của nhiều người ở Hà Nội mỗi khi đông về.